;
Định nghĩa Apacāyana:
“Apacāyanti etenā’ti apacāyanaṃ”.
Những người cúi đầu với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm là nhân khiến cúi đầu cung-kính, nên gọi là apacāyanakusala: phước-thiện cung-kính.
Người nào đến hầu cha, mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, thầy, cô giáo, những bậc trưởng-lão tuổi cao, tỳ-khưu, sa-di, các Ngài Đại-Trưởng-lão, v.v… là những bậc đáng tôn kính, người ấy có đại-thiện-tâm tôn kính cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính ấy với đại-thiện-tâm trong sạch, không hề mong muốn sẽ được lợi lộc, danh thơm, tiếng tốt nào cả.
Như vậy, gọi là phước-thiện cung-kính.
Nếu người nào cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính ấy với hy vọng mong được lợi lộc, danh thơm tiếng tốt, v.v… thì sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ của người ấy không phải là phước-thiện cung-kính thật sự, mà chỉ là sự cung-kính theo thói quen, theo phong tục tập quán mà thôi.
Apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính có 2 loại:
1- Sāmañña apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính thômg thường: Đó là sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ cha mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, thầy giáo, cô giáo, những bậc trưởng-lão tuổi cao, tỳ-khưu, sa-di,… do nghĩ rằng: “Ta phải có bổn phận cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính của ta”.
Cho nên, sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính ấy với đại-thiện-tâm trong sạch, không hề mong muốn sẽ được lợi lộc, danh thơm, tiếng tốt nào cả.
Như vậy, gọi là phước-thiện cung-kính thông thường.
2- Visesa apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính đặc biệt: Đó là sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, với đại-
thiện-tâm niệm tưởng đến ân-đức Tam-bảo là 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.
Như vậy, gọi là phước-thiện cung-kính đặc biệt.
Bậc đáng tôn kính có 3 hạng:
1- Guṇavuḍḍhipuggala: Bậc đáng tôn kính có 5 đức cao thượng (guṇa)(1) là giới-đức (sīlaguṇa), định-đức (samādhiguṇa), tuệ-đức (paññāguṇa), giải-thoát-đức (vimuttiguṇa), giải-thoát tri-kiến-đức (vimuttiñāṇa-dassanaguṇa).
2- Vayavuḍḍhipuggala: Bậc đáng tôn kính có tuổi cao là bậc Đại-Trưởng-lão, bậc Trưởng-lão.
3- Jātivuḍḍhipuggala: Bậc đáng tôn kính sinh trong dòng dõi cao quý.
Trong 3 bậc đáng tôn kính này, chỉ có sự cung-kính, đảnh lễ bậc đáng tôn kính có 5 đức cao thượng và bậc đáng tôn kính có tuổi cao, bậc Đại-trưởng-lão, bậc Trưởng-lão là phước-thiện cung-kính thật sự mà thôi.
Nếu người dân nào cung-kính bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc bởi vì sợ bị trị tội bất kính, hoặc vì muốn được phong chức tước,… thì sự cung-kính của người ấy không phải phước-thiện cung-kính thật sự, mà đó là sự cung-kính theo phong tục, theo truyền thống.
Người dân nào cung-kính bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc, nếu người ấy nghĩ đến ân-đức của Đức-vua trị vì đất nước đã đem lại sự an lành thịnh vượng thì sự cung-kính của người ấy được gọi là phước-thiện cung-kính.
Đức-Phật Gotama có đầy đủ cả 3 Bậc đáng tôn kính: Bậc đáng tôn kính có đầy đủ 5 đức cao thượng, Bậc đáng tôn kính do có tuổi cao và Bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc Sakya cao quý.
Ngài Trưởng-lão Rāhula có 2 bậc đáng tôn kính: Bậc đáng tôn kính do có đức cao thượng, bởi vì Ngài Trưởng-lão là bậc Thánh A-ra-hán, và Bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc Sakya cao quý.
Chư bậc Thánh A-ra-hán có 2 bậc đáng tôn kính: bậc đáng tôn kính có đức cao thượng, bậc đáng tôn kính do có tuổi cao là Bậc Đại-trưởng-lão.
Trong pháp luật của Đức-Phật, tỳ-khưu nhỏ hạ phải cung-kính đảnh lễ tỳ-khưu cao hạ. Nếu 2 tỳ-khưu có hạ bằng nhau thì tỳ-khưu xuất gia sau phải cung-kính đảnh lễ tỳ-khưu xuất gia trước, thậm chí chỉ có trước ít phút mà thôi.
Người tại-gia là cận-sự-nam, cận-sự-nữ dù là bậc Thánh-nhân cũng phải nên cung-kính đảnh lễ tỳ-khưu phàm-nhân.
Người con phải có bổn phận cúi đầu cung-kính, đảnh lễ cha mẹ, ông bà của mình, nhưng nếu khi người con trai ấy đã xuất gia trở thành tỳ-khưu có giới của tỳ-khưu, thì không nên đảnh lễ cha mẹ, ông bà của mình là người tại-gia nữa, vị tỳ-khưu chỉ cần tỏ vẻ cung-kính trong tâm là đủ.
Đức-vua trời Sakka đảnh lễ
Kinh Satthāravandanāsutta(1) được tóm lược như sau:
Đức Thế Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Chuyện từng có, Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên truyền bảo vị thiên-nam Mātali đánh xe rằng:
– Này Mātali! Ngươi hãy chuẩn bị cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu(1) , để Trẫm ngự đi du lãm vườn thượng uyển.
Tuân theo lệnh Đức-vua trời Sakka, vị thiên-nam Mātali đã chuẩn bị cổ long xa xong, rồi tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu đã sẵn sàng.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Đức-vua trời Sakka từ trên lâu đài Vejayanta ngự bước xuống, chắp 2 tay đưa lên trán hướng về đảnh lễ Đức-thiên-nhân-sư.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, vị thiên-nam Mātali tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, tất cả chư-thiên và nhân loại đều cung-kính, đảnh lễ Đức-Thiên-vương.
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, nay Bệ-hạ cung-kính đảnh lễ Bậc đáng tôn kính ấy là Bậc nào vậy?
Đức-vua trời Sakka truyền dạy thiên-nam Mātali rằng:
– Này Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Bậc cao thượng nhất trong cõi người, các cõi trời dục-giới, cõi trời sắc-giới, cõi trời vô-sắc-giới.
– Này thiên-nam Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ chư Thánh A-ra-hán cao thượng đã diệt tận được tất cả tham, sân, si không còn dư sót.
– Này thiên-nam Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ 3 bậc Thánh-nhân bậc thấp (2), không dể duôi, đang tinh-tấn thực-hành để diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái còn lại.
Nghe Đức-vua trời Sakka truyền dạy như vậy, vị thiên-nam Mātali tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, Bệ-hạ cung-kính, đảnh lễ chư Bậc cao thượng nào trong tam-giới này, kẻ hạ thần cũng xin cung-kính đảnh lễ chư Bậc cao thượng ấy.
Sau khi truyền dạy vị thiên-nam Mātali như vậy xong, Đức-vua trời Sakka cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi lên ngồi trên cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu ngự đi du lãm vườn thượng uyển.
* Kinh Saṃghavandanāsutta(1) được tóm lược như sau:
– Này chư tỳ-khưu! Chuyện từng có, Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên truyền bảo vị thiên-nam Mātali đánh xe rằng:
– Này Mātali! Ngươi hãy chuẩn bị cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu, để Trẫm ngự đi du lãm vườn thượng uyển.
Tuân theo lệnh Đức-vua trời Sakka, thiên-nam Mātali đã chuẩn bị cổ long xa xong, rồi tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu đã sẵn sàng.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Đức-vua trời Sakka từ trên lâu đài Vejayanta ngự bước xuống, chắp 2 tay đưa lên trán đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, vị thiên-nam Mātali tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, chư tỳ-khưu vốn từng nằm trong bụng mẹ suốt 10 tháng đầy dơ dáy.
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, do nguyên nhân nào mà Bệ-hạ lại cung-kính, đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng không có nhà như vậy.
Kính xin Bệ hạ truyền dạy cho kẻ hạ thần này hiểu biết về chư tỳ-khưu-Tăng ấy có đức-hạnh cao thượng như thế nào?
Đức-vua trời Sakka truyền dạy thiên-nam Mātali rằng:
– Này Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng là bậc xuất gia không có nhà ấy, bởi vì các Ngài đã từ bỏ nhà, không còn quan tâm lưu luyến đến nhà nữa, các Ngài không cất giữ lúa gạo trong kho, trong hũ, trong nồi. Các Ngài thực-hành hạnh đi khất thực, nhận vật thực mà người ta đã nấu chín rồi, các Ngài duy trì sinh-mạng bằng các món vật thực ấy.
Chư tỳ-khưu-Tăng ấy là bậc thiện-trí thường nói lời hay hữu ích, luôn luôn thực-hành phạm-hạnh cao thượng.
– Này Mātali! Nhóm chư-thiên còn hận thù với nhóm Asura, phần đông chúng-sinh hay giận hờn với nhau.
Chư tỳ-khưu-Tăng ấy không còn sân hận nữa, đã diệt tận được mọi phiền-não bên trong của mình rồi.
Khi mọi người, mọi chúng-sinh còn chấp-thủ, thì các Ngài không còn chấp-thủ nữa.
– Này Mātali! Trẫm cung-kính, đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
Nghe Đức-vua trời Sakka truyền dạy như vậy, vị thiên-nam Mātali tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, Bệ-hạ cung-kính, đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng cao thượng nào trong đời này, kẻ hạ thần cũng xin cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng cao thượng ấy.
Sau khi truyền dạy vị thiên-nam Mātali như vậy xong, Đức-vua trời Sakka cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng, rồi lên ngồi trên cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu ngự đi du lãm vườn thượng uyển.
* Kinh Gahaṭṭhavandanāsutta(1) được tóm lược như sau:
– Này chư tỳ-khưu! Chuyện từng có, Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên truyền bảo vị thiên-nam Mātali đánh xe rằng:
– Này Mātali! Ngươi hãy chuẩn bị cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu, để Trẫm ngự đi du lãm vườn thượng uyển.
Tuân theo lệnh Đức-vua trời Sakka, thiên-nam Mātali đã chuẩn bị cổ long xa xong, rồi tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu đã sẵn sàng.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Đức-vua trời Sakka từ trên lâu đài Vejayanta ngự bước xuống, chắp 2 tay đảnh lễ vòng quanh 8 hướng.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, thiên-nam Mātali tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, các Bà-la-môn thông suốt các bộ môn, các Đức-vua trong toàn cõi người, tất cả mọi người, 4 Đức-Thiên-vương, toàn thể chư-thiên cõi trời Tứ Đại-thiên-vương, toàn thể chư-thiên cõi trời Tam-thập-tam-thiên đều cung-kính, đều đảnh lễ Bệ-hạ.
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, do nguyên nhân nào mà Bệ-hạ lại cung-kính, đảnh lễ vòng quanh 8 hướng.
Kính xin Bệ-hạ truyền dạy cho kẻ hạ thần này hiểu biết về những hạng người có đức hạnh cao thượng ấy là những hạng nào vậy?
Đức-vua trời Sakka truyền dạy thiên-nam Mātali rằng:
– Này Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ các bậc xuất-gia thực-hành phạm-hạnh cao thượng, có giới-đức trong sạch, có định-tâm vững chắc, có trí-tuệ hiểu biết rõ thật-tánh của các pháp.
Trẫm cung-kính đảnh lễ những người tại-gia là cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, thường tạo phước-thiện bố-thí, có giới hạnh trong sạch, biết ơn và biết đền ơn, biết lo phụng dưỡng cha mẹ, biết tế độ vợ con, bạn hữu, thân quyến.
– Này Mātali! Trẫm cung-kính, đảnh lễ những hạng người ấy.
Nghe Đức-vua trời Sakka truyền dạy như vậy, vị thiên-nam Mātali tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, Bệ-hạ cung-kính, đảnh lễ những hạng người cao thượng nào trong đời này, kẻ hạ thần cũng xin cung-kính đảnh lễ những hạng người cao thượng ấy.
Sau khi truyền bảo vị thiên-nam Mātali như vậy xong, Đức-vua trời Sakka cung-kính đảnh lễ những hạng người cao thượng ấy, rồi lên ngồi trên cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu ngự đi du lãm vườn thượng uyển.
Tích Vandanavimānavatthu
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, một nhóm đông tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ tại gần một xóm làng suốt 3 tháng mùa mưa xong, sau khi làm lễ Pavāraṇā: Lễ thỉnh mời chư tỳ-khưu-Tăng chỉ lỗi, một đoàn tỳ-khưu-Tăng lên đường đi đến kinh-thành Sāvatthi, để hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn.
Chư tỳ-khưu-Tăng trên đường đi ngang qua xóm nhà, một cận-sự-nữ nhìn thấy đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy, cô liền phát sinh đức-tin trong sạch, ngồi xuống đất chắp 2 tay cúi đầu cung-kính đảnh lễ 3 lần đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy với đại-thiện-tâm trong sạch cung-kính vô cùng hoan-hỷ, rồi cô ngồi chắp tay nhìn theo đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy đi cho đến khi khuất tầm mắt.
Về sau, người cận-sự-nữ ấy chết, phước-thiện cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, hoá-sinh làm vị thiên-nữ xinh đẹp có nhiều oai lực, có hào quang rực rỡ tỏa khắp mọi nơi, trong lâu đài nguy nga tráng lệ, tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời.
Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, vị thiên-nữ đến cung-kính đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão, Ngài Đại-Trưởng-lão truyền hỏi thiên-nữ rằng:
– Này thiên nữ! Cô có thân hình rất xinh đẹp, có nhiều oai lực, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi nơi như một ngôi sao sáng, có đầy đủ các thứ của cải quý báu phát sinh lên với cô như vậy.
– Này thiên-nữ! Khi ở cõi người, tiền-kiếp của cô đã tạo phước-thiện nào, mà nay kiếp hiện-tại là vị thiên-nữ xinh đẹp, có nhiều oai lực, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi nơi như vậy?
Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna hỏi như vậy, thiên nữ vô cùng hoan-hỷ bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, khi ở cõi người, con nhìn thấy đoàn chư tỳ-khưu-Tăng có giới-đức đi trên đường ngang xóm nhà, con phát sinh đức-tin trong sạch ngồi xuống đất chắp tay cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy với đại-thiện-tâm trong sạch của con.
Sau khi con chết, phước-thiện cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy có cơ hội cho quả tái-sinh, hoá-sinh làm vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên này, con là thiên-nữ có thân hình xinh đẹp, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi nơi như thế này, và mọi thứ của cải quý báu được phát sinh cũng do nhờ quả của phước- thiện cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, khi ở cõi người, con đã tạo phước-thiện cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy như vậy, nên kiếp hiện-tại này con được xinh đẹp, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi phương hướng, được hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời này như vậy.
Tích con chim Ulūkasakuṇa
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự trong động Indasālā trên núi Vedisaka. Khi ấy, một con chim Ulūka (chim ưng) có đại-thiện-tâm tôn kính Đức-Thế-Tôn, mỗi ngày nó bay theo sau hầu tiễn đưa Đức-Thế-Tôn ngự đi vào xóm làng khất thực một nửa đoạn đường, rồi nó đậu chờ tại nơi ấy.
Sau khi Đức-Thế-Tôn khất thực xong ngự đi trở về, con chim Ulūka chờ nửa đường đón rước Đức-Thế-Tôn ngự trở về núi.
Hằng ngày, con chim Ulūka có đại-thiện-tâm tôn kính bay theo sau tiễn đưa Đức-Thế-Tôn ngự đi khất thực một nửa đường, và chờ đón rước Đức-Thế-Tôn ngự đi trở về núi một nửa đường như vậy.
Một hôm vào một buổi chiều, Đức-Thế-Tôn cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đang ngồi tụ hội trên núi, con chim Ulūka từ trên núi bay sà xuống cúi đầu cung-kính đi vào gần Đức-Thế-Tôn, cung-kính chắp đôi cánh lại, rồi xòe đôi cánh ra, cúi đầu sát nền cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng với đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng tôn kính.
Khi ấy, nhìn thấy con chim Ulūka cung-kính đảnh lễ như vậy, Đức-Thế-Tôn mỉm cười. Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nhân nào, do duyên nào mà Đức-Thế-Tôn mỉm cười như vậy?
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
– Này Ānanda! Con hãy nhìn con chim Ulūka có đại-thiện-tâm trong sạch cung-kính đảnh lễ Như-Lai và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Với phước-thiện cung-kính đảnh lễ này, suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, con chim Ulūka này chỉ còn tử sinh luân-hồi trong cõi người và các cõi trời mà thôi (nó không hề bị sa đọa vào trong 4 cõi ác giới: địa ngục, a-tu-la, ngạ-quỷ, súc-sinh).
Sau này, hậu-kiếp của con chim Ulūka này sẽ trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Somanassa.
Tích con chim Ulūka (chim ưng) này có đức-tin trong sạch cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng với đại-thiện-tâm trong sạch tôn kính như vậy, là phước-thiện cung-kính không chỉ ngăn được sự tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, mà còn làm nhân, làm duyên dắt dẫn tạo đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật (10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung) để trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu Somanassa.
Con chim Ulūka tạo phước-thiện cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng như vậy, mà năng lực của phước-thiện cung-kính đảnh lễ ấy làm nhân-duyên dẫn đến thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti), thành tựu quả báu trong các cõi trời (devasampatti), cuối cùng thành tựu Niết-bàn giải thoát khổ (Nibbānasampatti) nữa.
Quả báu của pháp cung-kính
Đức-Phật dạy câu kệ Dhammapadagāthā số 109 rằng:
“Abhivādanasīlissa, niccaṃ vuḍḍhāpaccāyino.
Cattāro dhammā vaḍḍhanti, āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ.”
– Này chư tỳ-khưu! Bốn pháp là tuổi thọ sống lâu, sắc đẹp tuyệt vời, thân tâm an-lạc, sức mạnh của thân tâm được tăng trưởng đối với người thường có pháp cung-kính, đảnh lễ bậc đáng tôn kính.
Bậc đáng tôn kính là bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu có giới-đức trong sạch, có pháp-hạnh cao thượng; người tại-gia có giới-hạnh trong sạch, có mọi phước-thiện đầy đủ, có tuổi cao cũng là bậc đáng tôn kính đối với người tại-gia.
Tuổi thọ của người ấy được tăng trưởng có nghĩa là người ấy có tuổi thọ chừng nào thì sống đến hết tuổi thọ chừng ấy, mà không có một tai họa nào có thể cắt đứt sinh-mạng của người ấy trước khi hết tuổi thọ. Sắc đẹp, sự an-lạc, sức mạnh tùy theo tuổi thọ của người ấy.
Đức-Phật tôn kính Pháp-bảo
Đức-Phật thuyết dạy kinh Gāravasutta (1)
Một thuở nọ, sau khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama, trong tuần lễ thứ năm Đức-Thế-Tôn ngự tại cội cây Ajapāla-nigrodha (về phía Đông, cách cội Đại-Bồ-Đề khoảng 32 sải tay) bên bờ sông Nerañjarā, gần khu rừng Uruvelā, (từ ngày 14 tháng 5 đến 20 tháng 5).
Khi ấy, điều tư duy phát sinh đối với Đức-Thế-Tôn tại nơi thanh vắng ấy rằng:
“Con người không có nơi tôn kính, không có nơi kính trọng là sống khổ, Như-Lai nên cung-kính, lễ bái vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào đây!”
Tiếp theo, Đức-Thế-Tôn suy xét rằng:
“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần giới (sīlakkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần giới hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.
Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần giới của Như-Lai.”
“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần định (samādhikkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần định hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.
Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần
định của Như-Lai.”
“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần tuệ (paññādhikkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào có đầy đủ hoàn toàn phần tuệ hơn Như-Lai, trong cõi giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.
Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần tuệ của Như-Lai.”
“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần pháp-giải-thoát (vimuttikkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần pháp-giải-thoát hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.
Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần pháp-giải-thoát của Như-Lai.”
“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần pháp-giải-thoát tri-kiến (vimuttiñāṇadassanakkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần pháp-giải-thoát tri-kiến hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.
Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần pháp giải-thoát tri-kiến của Như-Lai.”
Vì vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng 9 pháp-siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn mà Như-Lai đã chứng đắc vậy.”
Ngay sau đó, Đại-phạm-thiên Sahampati biết được điều tư duy của Đức-Thế-Tôn với tâm của mình, nên biến từ cõi sắc-giới phạm-thiên, xuất hiện xuống cõi người đứng trước Đức-Thế-Tôn, như người khỏe mạnh co tay vào hoặc duỗi tay ra.
Khi ấy, Đại-phạm-thiên Sahampati mặc y phục chừa vai phải, chắp 2 tay cung-kính hướng về Đức-Thế-Tôn kính bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, điều ấy đúng như vậy!
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, điều ấy đúng như vậy!
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chư Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện trong thời quá khứ, tất cả chư Phật Chánh-Đẳng-Giác quá khứ ấy sống cũng đều tôn kính 9 pháp-siêu-tam-giới.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chư Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác sẽ xuất hiện trong thời vị-lai, tất cả chư Phật Chánh-Đẳng-Giác vị-lai ấy sống cũng sẽ đều tôn kính 9 pháp siêu-tam-giới.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đang xuất hiện trong thời hiện-tại này, cũng tôn kính 9 pháp siêu-tam-giới.
Sau khi kính bạch Đức-Thế-Tôn như vậy, Đại-phạm-thiên Sahampati bạch bài kệ tóm lược rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn!
Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện thời quá khứ,
Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác sẽ xuất hiện thời vị-lai,
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đang hiện hữu hiện-tại,
Tất cả chư Phật Chánh-Đẳng-Giác sống đều tôn kính chánh-pháp.
Đó là truyền thống của chư Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Vì thế, chúng-sinh yêu mình, mong được cao thượng,
Nên niệm tưởng đến lời giáo huấn của Đức-Phật,
Nên đem hết lòng tôn kính chánh-pháp của Đức-Phật.
Cung-kính Đức-Phật là Bậc Vô-Thượng trong toàn cõi-giới chúng-sinh.
Phước-thiện cung-kính cao thượng nhất là cung-kính Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, bởi vì Tam-bảo là cao cả nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên các hàng thanh-văn đệ-tử có đại-thiện-tâm trong sạch đem hết lòng tôn kính đảnh lễ Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, chắc chắn được phước-thiện cung-kính cao quý nhất, được quả báu cao quý nhất mà không có nơi nào sánh với Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo được.
Bài viết trích từ cuốn Phước Thiện – Tỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn.