nguoiphattu.com Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ ngày thành lập vào năm 1981, đã trải qua 7 kỳ Đại hội, qua mỗi nhiệm kỳ, Trung ương Giáo hội đều đánh giá rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục, những phương hướng và chương trình hoạt động hiệu quả và chất lượng cao hơn nhiệm kỳ kế tiếp, đây là cơ sở giúp Giáo hội hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Qua 36 năm hình thành và phát triển, chúng ta dễ dàng nhận thấy Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh trên mọi phương diện, từ kiện toàn tổ chức cho đến những thành tựu đạt được trong hầu hết các lĩnh vực, qua đó minh chứng cho sự phát triển vượt bật của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
Những thành tựu GHPGVN đã đạt được trong thời gian qua chính là nhờ có những thuận lợi rất căn bản về mặt chủ quan lẫn khách quan. Thuận lợi chủ quan, trước hết phải nói đến tinh thần đoàn kết hòa hợp, tư tưởng nhất quán của chư Tôn đức cùng toàn thể tăng ni đồng tâm chung sức xây dựng ngôi nhà Giáo hội; thứ nữa, đó là nhờ được kế thừa những kinh nghiệm quý báu trong quá trình điều hành phật sự của chư Tôn đức lãnh đạo HĐTS qua 7 nhiệm kỳ.
Về mặt khách quan, đó là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện cho Giáo hội hoạt động và phát triển, song song đó, những tiện ích văn minh cũng góp phần giúp cho sinh hoạt của tăng ni, phật tử và công tác phật sự của Giáo hội thêm phần thuận lợi. Trên tinh thần tăng cường đoàn kết hòa hợp, bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể và ý thức trách nhiệm của từng thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, cùng với những thuận lợi đang có và với quyết tâm cao nhất, trước thềm Đại hội Phật giáo toàn quốc lần VIII, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào một triển vọng tốt đẹp và tương lai tươi sáng của Phật giáo nước nhà, niềm tin này là động lực, nguồn cảm hứng, cũng là nền móng quan trọng để chúng ta phát huy những lợi thế, tập trung trí tuệ và ý chí vào sự nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.
Như chúng ta đã biết, cách nay đúng 36 năm, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ I và sự ra đời của GHPGVN đã thể hiện trọn vẹn sứ mạng thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước quy về một mối, trở thành một tổ chức Giáo hội Phật giáo duy nhất tại Việt Nam, sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội. Kể từ đây, GHPGVN, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Hội đồng Trị sự Trung ương, thực sự trở thành chiếc la bàn dẫn đường đưa con thuyền Phật giáo Việt Nam từng bước vượt qua những gập ghềnh trắc trở, giúp cho toàn thể Phật giáo đồ vững bước trên con đường đạo pháp, đóng góp công sức vì lợi ích dân tộc.
Nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy, trong nhiệm kỳ đầu, được xem là giai đoạn khởi đầu công cuộc xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội, là bước đầu ổn định cơ cấu hành chánh của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành. Từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ VI, đây là giai đoạn Giáo hội thật sự ổn định, không ngừng phát triển, tạo nền móng quan trọng để Phật giáo Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu của sự nghiệp phát triển bền vững.
Có thể nói rằng, trong nhiệm kỳ VII trên tinh thần kế thừa chư Tôn đức tiền nhiệm, đồng thời vận dụng những mặt thuận lợi, khắc phục những mặt hạn chế, do đó guồng máy GHPGVN đã được trẻ hóa với thành phần nhân sự tâm huyết và năng lực, nhờ đó công tác phật sự đã đạt được những kết quả rất khả quan, triển khai thành công các Nghị quyết của Trung ương Giáo hội; phát huy vai trò cầu nối quan trọng của hai Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện Trung ương, phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ trong việc triển khai các Thông điệp, Thông tư, hướng dẫn các phật sự của Ban Thường trực HĐTS đến các Ban, Viện Trung ương và BTS Phật giáo các tỉnh, thành; tổ chức thành công nhiều Hội nghị, Hội thảo và các lễ hội Phật giáo trên các lĩnh vực Hoằng pháp, Văn hóa Phật giáo, Nghiên cứu
Phật học; nhất là hoạt động đối ngoại, thông qua các Hội nghị, Hội thảo quốc tế… đặc biệt là công tác giao ban, những thành tựu đáng ghi nhận này sẽ là nền móng quan trọng cho sự nghiệp phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Trong thời gian qua, mặc dù chúng ta đã gặt hái những kết quả khả quan trên nhiều phương diện và lĩnh vực hoạt động phật sự, Phật giáo nước nhà ngày càng khẳng định vị thế trong lòng dân tộc, ngày càng có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh và an sinh xã hội. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển bền vững của Giáo hội trước những thách thức khó khăn của thời hội nhập, chính vì vậy chúng ta cần tăng cường ổn định kỷ cương và cần có một định hướng quy hoạch nhân sự khoa học, hợp lý, nhằm nâng cao chất lượng phụng sự và hướng đến sự phát triển bền vững của Giáo hội trong thời gian tới.
Thiết nghĩ, định hướng phát triển Phật giáo nước nhà cần phải nhìn vào tình hình thực tế, công tâm nhìn nhận thì hạn chế hiện nay là vẫn còn một bộ phận tăng ni trẻ thể hiện sự yếu kém về mặt giới luật kỷ cương trong đời sống sinh hoạt, mặt khác nguồn nhân sự của Giáo hội hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Do vậy, hơn lúc nào hết đã đến lúc chúng ta cần phải có định hướng quy hoạch nguồn nhân sự một cách hợp lý và khoa học nhằm bắt nhịp thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong hoàn cảnh hiện nay và thời gian tới, song song đó chúng ta cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát giới luật, kỷ cương, bởi đây là yếu tố then chốt để tạo nên nguồn nhân lực và sự ổn định, phát triển của Giáo hội.
Sự giới hạn về mặt giới luật và kỷ cương thường thể hiện qua sự yếu kém nhận thức dẫn đến lối sống tùy tiện vô tổ chức trong hàng ngũ xuất gia, nhất là đối với một bộ phận tăng ni trẻ thời gian qua đã bị cuốn hút theo đời sống thế tục, điều này dẫn đến sự hạn chế trong học tập và tu hành, ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức, đây chính là nguyên nhân gây bất ổn và cũng chính là rào cản cho sự nghiệp phát triển bền vững.
Trong điều kiện thuận lợi của nền văn minh thời hiện đại, có không ít vị đã tham gia các trang mạng xã hội vốn không cần thiết đối với người xuất gia, bên cạnh đó còn có những vị tăng ni trẻ tách chúng sống độc lập trong khi bản thân chưa đủ khả năng chế ngự cám dỗ dục vọng, đáng nói hơn thời gian gần đây còn có một vài trường hợp phát biểu quan điểm mang tính chủ quan với tầm nhìn hạn hẹp, không mang tính xây dựng và không vì lợi ích số đông, đã gây ngộ nhận, tạo dư luận không hay trong tăng ni, phật tử, những điều này cũng là minh chứng cho sự lệch lạc trong tư tưởng.
Trên đây chỉ là vài điển hình về lối sống xem thường giới luật nhà Phật và kỷ cương của Giáo hội, đáng tiếc, xu hướng thế tục hóa của một bộ phận tăng ni trẻ ngày càng gia tăng gây phản cảm đối với cộng đồng Phật giáo và xã hội, làm xấu đi hình ảnh Giáo hội và niềm tin của quần chúng phật tử.
Về mặt nhân sự, do yêu cầu phát triển trong hoàn cảnh thời đại, đòi hỏi Giáo hội cần phải có một đội ngũ nhân sự đầy đủ giới hạnh, năng lực, sức khỏe, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao để toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển Giáo hội. Tuy nhiên, công tâm mà nói thì công tác quy hoạch nhân sự và công tác đào tạo tăng tài vẫn còn nhiều giới hạn, cụ thể, công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân sự kế thừa cho Giáo hội vẫn còn bất cập giữa học và hành, nhất là về công tác tổ chức và nhân sự, khả năng thay đổi để thích ứng với yêu cầu thời đại vẫn chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, dẫn đến việc chưa bắt nhịp với yêu cầu phát triển, điều này đặt ra cho bản thân Giáo hội cần phải có một sự đổi mới toàn diện, song song với việc nâng cao trình độ năng lực nguồn nhân sự, chúng ta cần phải mạnh dạn đổi mới phương cách điều hành Giáo hội; đặc biệt công tác quy hoạch nhân sự, ngoài yếu tố quan trọng là phẩm hạnh và năng lực, chúng ta cần phải chú trọng đến khả năng sáng tạo, tính năng động, tâm huyết và ý thức trách nhiệm, nhất là phải tính đến chiến lược quy hoạch nhân sự dài lâu, do đó Giáo hội nên thành lập một ban chuyên môn để quy hoạch, định hướng và phân bổ nhân sự một cách phù hợp, tránh tình trạng kiêm nghiệm và chồng chéo.
Trên cơ sở này, Giáo hội cần chọn ra những vị hội đủ các điều kiện về phẩm hạnh đạo đức, tầm nhìn, năng lực, nhiệt huyết, đồng thời phải đảm bảo sức khỏe mới có thể gánh vác phật sự ít nhất là trong suốt nhiệm kỳ hoặc có thể đảm bảo phụng sự cho nhiệm kỳ kế tiếp; điều quan trọng nữa, bản thân mỗi vị tăng ni được suy cử vào các cương vị trong Giáo hội dù ở Ban, Viện, hay một ngành nào đi nữa, thì cũng phải biết cấu trúc tổ chức, hoạch định và phân bổ công việc hợp lý, nhằm tạo nên một guồng máy vận hành năng động, hiệu quả, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương Giáo hội cho đến Ban Trị sự các cấp, có như vậy thì mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển chất lượng và bền vững của Giáo hội.
Trên dòng chảy thời gian, trong mỗi giai đoạn lịch sử đều có hoàn cảnh đặc thù riêng và luôn phát sinh những vấn đề mới của thời đại, do vậy chúng ta cần có một cái nhìn sâu sát với tình hình thực tế, nhận chân một cách khách quan và trung thực về những mặt tồn đọng, nhìn vào thực trạng, phân tích đặc điểm tình hình, nhằm đưa ra những giải pháp khoa học và hợp lý để nâng cao chất lượng phụng sự, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển Phật giáo nước nhà.
Sự lớn mạnh của tăng già tùy thuộc vào sự đoàn kết hòa hợp của tăng ni, phật tử, tuy nhiên sự đoàn kết hòa hợp này phải dựa trên nền tảng giới luật nhà Phật và ý thức chấp hành kỷ cương quy củ thiền môn của từng thành viên trong ngôi nhà Giáo hội. Do vậy, đối với người xuất gia đang hướng đến chân trời giác ngộ giải thoát, trước hết phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc một cách vô điều kiện.
Mặt khác, dù ở vị trí nào trong Giáo hội, điều đầu tiên là chúng ta cũng phải tuân thủ theo Hiến chương của Giáo hội, vì đây là khuôn phép, là mực thước nói lên thái độ và tư cách của một tu sĩ, bên cạnh đó chúng ta phải là những công dân tốt gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật mà Nhà nước đã quy định, việc nghiêm trì giới luật và chấp hành kỷ cương Giáo hội chính là việc làm thiết thực góp phần xương minh Phật pháp, làm nền tảng cho sự nghiệp phát triển Giáo hội.
Nếu sự lớn mạnh của tăng già là nền tảng cho sự nghiệp phát triển, thì sự hoàn thiện khâu tổ chức nhân sự cũng chính là động lực giúp cho phật sự hanh thông và hiệu quả, nhất là trước yêu cầu phát triển trong hoàn cảnh thời đại hiện nay, thì công tác quy hoạch nhân sự càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết. Từ yêu cầu thực tế, thì nhân sự nhiệm kỳ VIII cần phải được xây dựng trên cơ sở uy tín, phẩm chất, lối sống, đạo hạnh của từng thành viên, song song đó là các yếu tố quan trọng khác như năng lực làm việc, trình độ chuyên môn, tính kỷ cương, kỷ luật và ý thức trách nhiệm, nhất là vai trò cá nhân của từng thành viên cần phải được coi trọng để xác định vị trí, trách nhiệm; đây cũng là một cách để Giáo hội phấn khích và tạo điều kiện cho các thành viên mang hết trí tuệ và tâm huyết phụng sự Giáo hội, có như vậy mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; mặt khác, việc đề cử nhân sự nhiệm kỳ VIII cần phải khách quan và tuân theo quy định của Hiến chương, qua đó sẽ phát huy tính dân chủ, tập trung trí tuệ của tập thể và loại bỏ tính chủ quan duy ý chí.
Công tác xây dựng khung nhân sự cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả điều hành, năng lực hoạch định kế hoạch và chuyên môn hóa hoạt động phật sự của các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, do yêu cầu phát triển trong hoàn cảnh thời đại, nên việc trẻ hóa nguồn nhân sự là rất cần thiết, do vậy chúng ta nên có chủ trương ưu tiên cho các thành viên trẻ có trình độ, năng lực, tâm huyết và phạm hạnh. Tuy nhiên để làm được điều này, bên cạnh việc cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục của Phật giáo, thì chúng ta cần phải có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ nhân sự trẻ một cách bài bản, hợp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu phật sự theo đề án nhân sự của Giáo hội.
Trong các đề án tổ chức Đại hội, Ban Nhân sự Đại hội đã tâm huyết soạn thảo “Đề án nhân sự Đại hội VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, với mục đích xây dựng nguồn nhân sự cho Giáo hội, trong đó nêu lên một số chỉ tiêu như “số lượng phù hợp, chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập và phát triển”, điều này đã nói lên tầm nhìn, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của Ban Nhân sự Đại hội, chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng nội dung đề án sẽ tạo nên một hướng đi mới phù hợp yêu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân sự, đề án này sẽ tạo nên một sắc thái mới trong công tác quy hoạch nhân sự của Giáo hội trước yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững trong bối cảnh thời hội nhập.
Trong thời kỳ hội nhập, để Giáo hội phát triển và phát triển bền vững, bên cạnh các yếu tố như trí tuệ để phóng tầm nhìn bao quát và sâu sát mọi vấn đề thời đại, tư duy sáng tạo để đổi mới, năng động để dấn thân phụng sự, hoạt bát linh động để uyển chuyển nhằm phù hợp với từng nhân duyên hoàn cảnh, thì vấn đề nghiêm trì giới luật nhà Phật và tuân thủ kỷ cương Hiến chương Giáo hội cũng như những quy định của pháp luật, vẫn luôn là yếu tố cơ bản tạo sự ổn định của Giáo hội, là nền móng vững chắc cho mọi hoạt động phật sự mà không đánh mất đi bản chất giác ngộ giải thoát của đạo Phật, trên nền tảng giới luật và kỷ cương, chúng ta thực hiện công tác quy hoạch nhân sự một cách khoa học và hợp lý, hy vọng đây sẽ là một định hướng phát triển bền vững, không chỉ nhằm thỏa mãn yêu cầu thời đại mà còn là chiến lược phát triển bền vững cho cả mai sau.
Nhân Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022), chúng tôi mạo muội đóng góp một vài ý kiến, mong muốn ngôi nhà GHPGVN vững mạnh toàn diện, góp phần lợi ích nhân sinh, xây dựng quê hương Việt Nam thân yêu giàu đẹp.
Tham luận của HT.Thích Huệ Thông, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)