;
Việt Nam Phong Tục - một quyển sách lệch lạc về Phật giáo tiếp tục tái bản?
Một cuốn sách như thế, nên việc kiến giải về Phật học hay nói đúng hơn là nói về Phật giáo với nhiều sai lạc, khiến người có niềm tin, đức tin; và có tư duy chiều sâu với Phật giáo cảm thấy bất ổn nếu không muốn nói xúc phạm.
Ấy vậy mà, cuốn sách tiếp tục ấn hành do các Nhà xuất bản Văn học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hồng Đức tái bản; và mới đây Nxb Kim Đồng (21/4/2020) lại tiếp tục tái bản - giới thiệu là một ấn phẩm in ấn đẹp!
Phần đề cập về Phật giáo trong “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính (PKB) trên trang: nguoiphattu.com (17/6/2020) bài viết có tựa đề: “Việt Nam phong tục: một quyển sách lệch lạc về Phật giáo tiếp tục xuất bản?” của tác giả Giác Minh Luật (Los Aneles); và trên Sự kiện - diễn đàn xây dụng (Giác ngộ online) Nhà nghiên cứu Đào Nguyên, trong mục “Phê bình sách “Việt Nam Phong tục” của Phan Kế Bính” tác giả cũng có bài phân tích (biện chính) khá sâu sắc.
Tác giả Giác Minh Luật từ (Los Aneles) với tâm thức ‘Tổ quốc nhìn từ xa’ có trách nhiệm với thế hệ trẻ nước nhà - tác giả phản ứng gay gắt: tại sao một cuốn sách có nhiều lệch lạc về Phật giáo như thế mà (Nxb-Kim Đồng) lại xuất bản cơ chứ. Tác giả nói, Phật giáo vốn bình lặng, nhưng không thể ‘bình lăng’ khi sự sai lạc về Phật giáo không thể chấp nhận được thì phải cùng nhau lên tiếng trả lại sự tinh hoa-minh triết của Phật giáo (vốn đã bị hiểu lầm bởi trộn lẫn với nhiều tín ngưỡng) và nay là con trẻ khi ấn hành cuốn sách này?...
Vâng xin thưa! Đúng là không thể im lặng! Về vấn đề sai lầm của (PKB) khi viết về Phật giáo ở cuốn sách này. Nhà nghiên cứu Đào Nguyên và tác giả Giác Minh Luật trong bài viết của mình đã dẫn dụ phân tích khá sâu và đầy đủ về sự sai lầm của “Việt Nam Phong tục”, (xin nhắc lại là phần Phật giáo). Ở đây người viết bài này chỉ muốn dẫn dụ và đề cập thêm về sức cuốn hút và sự lan tỏa của đạo Phật hiện nay đối với các nước Tây phương – Qua góc nhìn của các nhà khoa học để chúng ta thấy rõ thêm sự tinh hoa-minh triết của Phật giáo trong giai đoạn Hiện Đại này; những mong đây là dịp để chúng ta nhìn nhận so sánh đối chiếu (đặc biệt là tuổi trẻ) giúp họ nhận diện được đâu là tín ngưỡng dân gian thần quyền, đâu là ý nghĩa vi diệu, sâu mầu của Phật giáo (khi mà đạo Phật đã chịu sự khảo nghiệm của thời gian trên 2.500 năm) và hiện nay đến thời kỳ Văn minh khoa học này Phật giáo mới tỏa sáng để làm rõ thêm những điều “bất khả tư nghị” khi Phật giáo và Khoa học câu thông.
Và thực tế Phật giáo cũng đang (dấn thân) cứu giúp (độ) loài người thoát khỏi những căn bệnh thời đại mà chúng ta vì mải đa đoan với vật chất trong dòng chảy mưu sinh chưa nhận rõ bản chất vô thường. Trước khi đề cập tới vấn đề vừa nêu, chúng ta cùng trở lại với cuốn sách để tìm hiểu những điều bất ổn về Phật giáo mà các tác giả cũng như nhiều người quan tâm đặt ra là vấn đề gì?
Những sai lầm viết về Phật giáo của Phan Kế Bính trong cuốn sách này
Tác phẩm này được PKB viết năm 1915, nhưng theo nhà nghiên cứu Đào Nguyên thì viết và giới thiệu trên báo chí vào khoảng 1914. Cách đây đã hơn 100 năm, với những hạn chế nhất định của cá nhân cũng như thời đại.
Phan Kế Bính (1875-1921) đã dành hơn 12 trang để viết về Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (đạo Lão Tử). Đây là những trang viết được xem là đầu tiên thuộc mảng nghiên cứu của văn học chữ quốc ngữ, viết về ba học thuyết lớn của phương Đông có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Việt Nam.
Trước khi bàn về phần viết Phật giáo của cuốn sách (VNPT. Nxb.Tp.HCM-1999- tr.168-173) Xin được nói qua về nhan đề và một số điểm có liên quan tới Phật giáo của nội dung cuốn sách chúng ta đang bàn: Ông PKB đã không ghi tài liệu tham khảo. Theo nhà nghiên cứu Đào Nguyên (có thể hồi đó chưa quan tâm đến vấn đề này?). Và trong quá trình biên soạn để giới thiệu, mô tả các tập tục xa gần, việc nêu dẫn tài liệu tham khảo hầu như rất ít, nếu có thì cũng sơ sài. Cộng với phần điều tra, tiếp cận thực tế mà ta quen gọi là đi thực tế “mắt thấy tai nghe” thì tính khái quát của cuốn VNPT của PKB; theo các nhà nghiên cứu thì đây chưa có thể gọi là phong tục của cả nước (chỉ xét về phần phong tục dân gian chứ chưa xét tới Phật giáo)
Ông PKB đã không hề nêu dẫn tài liệu tham khảo (phần viết về Phật giáo hoàn toàn không có nguồn) mà chỉ bằng lòng với lối mô tả, giải thích theo kiểu “tương truyền”, “tục truyền”, “bảo rằng”, “kể rằng” v.v…về điều này, người viết tán thành với nhà nghiên cứu Đào Nguyên: Đây không phải là lối nghiên cứu, biên khảo đúng nghĩa và đúng đắn, nhất là khi tìm hiểu các học thuyết, các tôn giáo lớn, ví như Phật giáo-một tôn giáo không chỉ có mặt ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước châu Á và đặc biệt là vào thời điểm ông PKB sinh ra và trưởng thành khi đó Phật giáo đã bước đầu ảnh hưởng đáng kể tới châu Âu (tác phẩm The Light of Asia – Ánh sáng Á châu - của S. EdWiu Amold 1832 – 1904 ra đời năm 1879. Tác phẩm Phật sở hành tán của Bồ tát Mã Minh được dịch tiếng Anh và xuất bản 1894 với nhan đề The Buddha Carita of Asvaghosa)
-Do hạn chế về tư liệu tham khảo hẳn hồi đó sách vở về Phật học là ít ỏi. Sách tiếng Việt (chữ quốc ngữ) hầu như chưa có. Chỉ có sách chữ Hán và chữ Pháp. Nhưng cũng phải biết phân biệt về giá trị của tài liệu mới có hiệu quả cho tham khảo.
Hạn chế về khả năng nhận thức cá nhân. Ông PKB, đậu cử nhân trong kỳ thi hương 1906 thuộc loại khoa thi áp chót của Hán học ở Việt Nam. Chắc chắn là hiểu biết về Phật học nói chung và Phật giáo nước ta với ông là không nhiều.
Và hạn chế nữa ta thấy ở ông là đối tượng nghiên cứu quá bao quát. Phật giáo gồm cả Bắc tông và Nam tông với nhiều bộ phái…chắc chắn là vào thời ấy, ông PKB không đủ tư liệu và hiểu biết để thâu tóm và lý giải. Qua khí văn của ông ta dễ nhận ra cái chấp trước không hề khiêm tốn. Trước sau, ông tỏ ra rất tự mãn với những kiến giải của mình về Phật học, về Phật giáo Việt Nam. Thế nên mới dẫn đến những đánh giá sai lạc, giải thích tùy tiện sai lầm tệ hại như thế này:
Chẳng hạn, trong mục Chùa chiền, tác giả viết: “Gian giữa tầng trên nhất thờ ba vị Thế Tôn…kế đến là Mụ Thiện 12 tay, rồi đến bà Di Lặc béo phục phịch, tục truyền bà ấy nhịn mặc mà ăn cho béo…” (tr86). Tài liệu Phật học nào nói Bồ tát Di Lặc, (Phật Di Lặc) là bà?
Do nhịn mặc mà ăn cho nên béo? Ông PKB cho là theo tục truyền! Một nhà nghiên cứu nghiêm túc, công tâm không thể nói với lối “tục truyền” ang áng như vậy với giáo lý, mà phải suy xét, đối chiếu với kinh điển Phật giáo trước khi mô tả, giải thích những sự kiện mà mình đưa ra.
Về Tam tạng kinh điển, ông PKB viết như thế này: “ Ngài (chỉ đức Phật) mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn, tập lại thành sách cả thảy bốn mươi hai chương, chia làm ba quyển gọi là kinh Tam tạng” (tr169)
Theo nhà nghiên cứu Đào Nguyên: “Viết như thế tức là không hiểu biết gì về ba tạng kinh điển của Phật giáo, tức là không hiểu gì về đạo Phật. Không hiểu biết gì về Phật giáo mà viết về Phật giáo thì chỉ có viết sai”. Trong hai trang rưỡi sách viết tổng quát về Phật giáo (tr 168-171) đã cho thấy quá rõ điều nói trên. Xin được dẫn lược và biện giải cụ thể như sau:
-Ông PKB cho “Phật giáo do ở đạo Bà-la-môn mà ra (tr 168). Chúng tôi cho hoàn toàn sai.
-Ông cho “Sanh, lão, bệnh, tử là bốn cái kiếp khốn nạn” (tr168) tức là không hiểu gì về Tứ Đế của Phật giáo.
Lại nữa, ông cho đức Phật Thích Ca thấy sự khổ ở đời: “Vì thế chán đời mà cầu một phép để giải thoát…” (tr168). Đây là một nhận định quá lầm lạc, khiến cho nhân loại hiểu sai về sự kiện xuất gia tầm đạo thiêng liêng của Thái tử Tất Đat Đa.
Lại nữa PKB viết: “Tục truyền ông ấy (chỉ đức Phật) về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở Câu Thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: “Nay ta đã lên cõi Niết bàn nghĩa là lên đến chỗ Cực lạc thế giới” (tr168)
Nhà nghiên cứu Đào Nguyên cho rằng: “Viết về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật như ông PKB là viết bậy. Viết bậy theo một tài liệu vớ vẩn nào đó rồi phủ lên hai chữ “tục truyền”. Bạn đọc đối chiếu xem thêm (Đức Phật lịch sử-của H.W. Schumann -Trần Phương Lan dịch - Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam-1997 tr.569-575)
Lại nữa, ông PKB giải thích kinh tạng “là những lời luân thường đạo lý” (tr170) là sai, bởi ông chỉ dựa theo Nho giáo để đoán mò, nghĩa là chưa hề tiếp cận nhiều đến kinh điển Phật giáo.
Chính vì không tiếp cận nhiều tới kinh điển Phật giáo mà ông giải thích: “Lục trần là sáu cái bụi”; trong cơ thể có sáu căn thì ông gọi là Lục Côn (sáu cái gốc). Lục căn không ai gọi là lục côn. Nói lục căn là sáu cái gốc là không đúng. Bởi Phật giáo coi 6 căn là chỉ khả năng sinh khởi với sáu trần mà sinh thức.
Một sai lầm về duy thức luận, ông PKB cho rằng: “Mục đích đạo Phật chỉ có hai chữ Hư - Vô là kiêm hết” (tr170). Đây là một nhìn nhận quá sai lầm và không hiểu gì về chữ Không trong Phật giáo của ông PKB.
Từ những sai lầm trên, nên ông PKB mới viết: “Đạo Phật bầy ra lắm điều kỳ ảo, nào là luân hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nói toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín mà không ích cho sự thật, cho nên đạo Nho phải bác đi, không cho là chính đạo” (tr.172). Và đến đây thì chúng ta đã hiểu cái khí văn của PKB; đó là vì sao một nhà nho khoa bảng như ông lại có những hiểu biết quá ư sai lạc về Phật học như thế !?
Đánh giá trong phần viết về Phật giáo của PKB, nhà nghiên cứu Đào Nguyên đã phải hạ bút viết như thế này (xin trích): “Chứng tỏ ông PKB đã không hiểu gì về Phật giáo, mà cũng chẳng hiểu gì về triết lý, triết học! Những câu hỏi hàng đầu của triết học cổ kim Đông - Tây về con người: Con người từ đâu sinh ra? Vì sao trong xã hội loài người có kẻ sang người hèn, kẻ thọ người yểu, kẻ đẹp người xấu, kẻ thiện người ác?...
Các cụm từ triết lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, họa phúc của Phật giáo là những nỗ lực lớn trong giáo lý kinh điển đã góp phần giải đáp các câu hỏi lớn mà loài người có được nếu không có Phật giáo ra đời. Khi hiểu rõ được các tôn giáo, học thuyết thì mới cầm bút viết về nó. Chân lý đơn giản như vậy mà ông PKB cũng không hiểu. Tệ hơn nữa, ông lại rơi vào hàng nho sĩ cố chấp, chỉ biết và cho mỗi một đạo mình là chính! Rất tiếc là ông PKB đã không đọc Kiến Văn Tiểu Lục, để thấy được Lê Quý Đôn đã biện chính (tức là nói về cái sai kiến chấp của nho giáo) rất đầy đủ trong sách này và đã cho hạng Nho sĩ thiển cận đó là hẹp hòi”.
(Muốn hiểu rõ thêm bạn đọc và đạo hữu hãy xem tiếp bài viết nói trên của tác giả Đào Nguyên trên giac ngo-online -18/6/2020) Còn bây giờ nhân đây chúng ta cùng nhau dành chút thời gian tìm hiểu mối tương quan của Tam giáo mà ông PKB đề cập trong cuốn (VNPT).
Nhận diện đôi nét về (Nho Phật Đạo)
Như chúng ta đã biết, nước ta vốn ảnh hưởng hàng nghìn năm văn hóa (Hán) phương Bắc. Trong “Việt Nam phong tục” ông PKB đã dành ra 12 trang để viết về Tam giáo nói trên.
Với cái nhìn biên kiến (chấp trước) dễ gì ông PKB thấu tỏ được tam giáo (vốn trộn lẫn tín ngưỡng) nói chung trong tam giáo này khi chưa hiểu được phần tinh yếu của ba học thuyết khác nhau (tạm gọi là học thuyết) để dễ nhìn nhận phân tích; còn về thực chất Phật giáo không phải là (học thuyết, không phải triết học mà là bao trùm) bạn đọc và đạo hữu muốn tìm hiểu sâu hơn về tam giáo nói trên, xin tìm hiểu thêm các cuốn “Khổng giáo luận” của Phạm Quỳnh viết năm 1921; bộ nho giáo của Trần Trọng Kim -1930; “Phật giáo lược khảo” của Phạm Quỳnh và Đạo đức kinh của Lão Tử.
Do thời lượng bài viết, ở đây chỉ xin đưa ra một vài nét khái lược về Tam giáo lớn này của phương Đông; trên cơ sở nương theo lời của Tổ thầy và những gì đã được đúc rút ra từ chủ thuyết của nó có tính khái quát để bạn đọc cùng đạo hữu nhận diện về tam giáo nói trên.
Về Nho giáo: Từ thời Xuân thu trở đi, nhờ có Khổng Tử đem phát huy ra làm thành một học thuyết có tông chỉ rõ ràng, có hệ thống phân minh, cho nên về sau nói Khổng giáo tức là nói Nho giáo.
Nho giáo lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Học để ra làm quan thực hiện mong muốn danh lợi. Thỏa mãn mơ ước bản ngã (theo Phật giáo). Vua tôi được xác lập: Vua Thiên tử (con trời); bề dưới (tôi dân) thảo cỏ. Cương vực của nho giáo là thống lĩnh, thống trị (ý vua là ý trời). Khi vua tôi đồng thuận thì hưng vượng thịnh trị; khi vì danh lợi dã tâm (xấu ác) thoán ngôi đoạt vị thì sụp đổ suy vong. Gương mặt nho giáo được thể hiện rõ nhất vai trò của mình là thời kỳ quân chủ tập quyền.
Cũng trong thời kỳ lịch sử và hoàn cảnh này: Lão Đam, tức Lão Tử đọc hết kho sách nhà Chu, thấu hiểu được những bất bình đẳng (nếu không muốn nói là sự tàn bạo đẫm máu khốc liệt) của Nho giáo qua cảnh (vua- tôi loạn nghịch) tranh ngôi đoạt vị hà khắc của ( đám nho gia tập quyền). Lão tử muốn thoát Nho lập Đạo, tức là Thuyết Vô vi do Lão Tử sáng lập; trên cơ sở (tu tập) và vận dụng lý luận dựa vào lý khí âm dương, phong thủy của vũ trụ để xiển dương cái huyền bí của Đại cục và làm lên cái trí thấu nhiếp vô vi bằng việc câu thông giữa vũ trụ - con người và tạo vật.
Chính vì “xả dật” tức xả cái phóng cuồng nhiễm ô của con người để tìm “chân” - cái tĩnh lặng (bản nhiên của tạo hóa - hư vô). Lão Tử đã rào vườn rấp ngõ (tuyệt giao) với hội chúng (con người) để tìm hiểu tận cùng học thuyết vô vi này; với câu nói tổng quát trong (Sách Đạo đức kinh gồm 5 nghìn từ) đó là câu nói “Làm mà chẳng phải làm mới là làm” câu nói này vừa như có ý nghĩa thâu tóm vừa như là sự (phá chấp) đối với nho giáo độc tôn.
Thuyết vô vi này ra đời và sau này người ta gọi đây là Đạo vô vi Lão Tử. Như vậy, ở Trung Hoa có hai chủ thuyết ra đời đó là Nho giáo và Đạo giáo. Nho giáo “lãnh tụ” là Khổng Tử, Đạo giáo là Lão Tử.
Thuyết Vô vi của Lão tử đã bứt bỏ dần (cơm áo danh lợi) những mong vượt qua nho giáo (kiến chấp bảo thủ cực đoan) để tiến gần hơn (xin nhắc lại là tiến gần hơn) với Bát nhã tâm kinh của Phật giáo. Tại sao người viết nói tiến gần hơn, chứ chưa chạm tới được chữ “Không” diệu hữu của Phật giáo. Bởi Trang Tử cũng là đại biểu lớn của thuyết vô vi người (Trung Hoa) khi đi sâu vào thuyết này cũng không đủ “tuệ tri” để hiểu đâu là ‘sắc’, đâu là ‘không’ khi mà thực thể thân tâm con người đan bện vào nhau (nếu không có giáo lý kinh điển đạo Phật kiến giải) Bởi vậy, mà tư tưởng của thuyết vô vi không bứt lên được để khai phóng (giải thoát) khỏi kiếp nhân sinh vốn khổ đau này.
Trước bế tắc này, (Trang Tử) đã phải than rằng “Nếu không có cái Thân này” nghĩa là còn vướng cái thân thô phàm của (bệnh nghiệp) này mà chẳng thấy được cái tế vi vận hành theo giáo lý duyên sinh của Phật giáo. Để rộng đường tìm hiểu so sánh về nguyên lý hay còn gọi là lý lẽ của Thuyết vô vi giữa đạo Phật và Đạo giáo (Lão tử) chúng cùng tìm hiểu khái niệm vô vi của hai đạo này.
-Đạo Lão có khái niệm vô vi: “Lão Tử chỉ dạy cho môn đệ của mình nên sống theo tự nhiên, thuận theo tự nhiên không làm gì can thiệp vào tự nhiên. Lão Tử chủ trương người cầm quyền trong nước nếu thực hiện đạo lý vô vi thì đất nước sẽ thịnh trị.
Còn khái niệm vô vi của Phật giáo thì có khác hơn. Vô vi là dịch từ chữ (a samskrta) của tiếng Phạn có nghĩa là không tạo tác, chỉ cho pháp lành thường trụ không có nhân duyên tạo tác, không có sinh diệt bất hoại, khác với pháp hữu vi là pháp do nhân duyên tạo tác, có sinh diệt bất hoại; nên pháp vô vi chính là một tên khác của Niết bàn.
Trong Lục độ kinh - truyện 81 của Phật giáo định nghĩa từ vô vi như sau: “Cẩn thận không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tơ tóc che dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi”.
Cố HT.Tuyên Hóa, người tu ở (Vạn Phật Thánh thành) cũng như người ở Trung Quốc đều gọi ngài với cái tên trìu mến là Tuyên Hóa thượng nhân. Về mặt tâm linh ngài là (Thánh tăng thời hiện đại) gieo duyên truyền Phật pháp tại Mỹ.
Ngài nói với các đệ tử khi (đọc và phân lập) ba học thuyết (Nho Phật Đạo) mà chúng ta đang tìm hiểu ở đây như thế này: “Đạo nho ví như tiểu học, Đạo Lão ví như trung học, Đạo Phật ví như Đại học”. Xin được nói thêm, ngài Tuyên Hóa, nếu là Phật tử chúng ta đọc hành trạng của ngài chắc ai cũng kính trọng nhất mực, bởi ngài hiếu kính thân mẫu đến mức khi mẹ mất, ngài làm lều cạnh mộ mẹ suốt 3 năm. Sau đó ngài mới dời Trung Quốc hành đạo tại Mỹ, xây dựng Vạn Phật Thánh thành đưa triết học Phật giáo phát triển ở Hoa Kỳ và ngài vừa viên tịch gần đây. Với Phật pháp HT.Tuyên Hóa đã để lại sự nghiệp cho thế gian là đáng kể.
Tuyên Hóa Thượng nhân, vốn là người gốc nho giáo, nhưng khi phân lập thứ hạng tam giáo, ngài cho Nho giáo là tiểu học, Đạo giáo là trung học và Phật giáo là Đại học. Là Thánh tăng chứng đắc Phật pháp cao tột. Mục đích ngài xếp thứ tự như vậy là dụ để dẫn dăt con người vốn chấp trược dễ hiểu sự khác biệt, chứ thực tình nghe ngài thuyết giảng Phật pháp thì chúng ta mới hiểu rõ được sự thâm hậu vi diệu của đạo Phật mà ngài đã chứng đắc.
Nói như thế để muốn chứng minh một điều, nếu dùng kiến thức của bậc tiểu học, mà cố hiểu kiến thức Đại học là không thể (xét về mặt phổ thông). Vậy nên ông PKB mới viết: “Phật giáo do đạo Bà La Môn mà ra”; và cho cụm từ (sinh-lão-bệnh-tử) của nhà Phật là “bốn cái kiếp khốn nạn”; cho đức Phật Thích Ca Văn thấy sự khổ ở đời “vì thế chán đời mà cầu một pháp để giải thoát”; rồi ông chủ quan cho Duy thức luận Phật giáo với “Mục đích đạo Phật chỉ có hai chữ Hư - Vô là kiêm hết”. Chứ ông PKB đâu có hiểu đức Phật Thích Ca xuất gia lập đạo để cứu độ chúng sinh và muôn loài.
Với giáo lý và kinh điển của Phật giáo thì rất nhiều, nhưng trong 49 năm hành đạo, bản hoài của Ngài là giúp cho loài người giác ngộ để (tu) trực nhận được Phật tánh của mình để trở về Phật giới, chấm dứt cảnh luân hồi sinh tử khổ đau của kiếp nhân sinh, đó là con đường giải thoát!
Với sự sâu mầu vi tế của đạo Phật, ông PKB biết đâu rằng, Pháp chuyển luân Thánh vương đầu tiên mà đức Phật trao truyên phổ độ là Tứ Diệu Đế cho 5 người bạn đồng tu họ đều là các nhà triết học cổ đại Ấn Độ thời bấy giờ; và sau này chính họ lại là dường cột của Giáo đoàn. Đó là 5 anh em ông (Kiều Trần Như ).Với tuệ Chánh biến tri, Pháp Tứ Diệu Đế, Ngài xác quyết đời là Khổ và Ngài đưa ra pháp (phương tiện và công thức) để giải thoát cảnh khổ luân hồi lục đạo trong tam giới. Pháp (Tứ diệu đế) này được các nhà khoa học và nhà nghiên cứu tôn giáo ở Tây phương coi đây là “Bốn sự thật cao quý”. Vậy mà ông PKB coi (sinh, lão, bệnh, tử) sự thật này là bốn kiếp khốn nạn.
Cùng với Tứ diệu đế, đức Phật cũng tìm ra mối quan hệ nhân duyên trong vũ trụ và muôn loài mà lập ra (thuyết 12 nhân duyên); khởi đầu là vô minh và kết thúc là lão tử. Thuyết Nhân quả Luân hồi được coi là thuyết căn bản của Phật giáo; giúp con người ngăn ngừa tạo việc (xấu ác) để không phải đọa lạc vào (tam đồ) tức 3 đường khổ (ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục). Pháp này (vi tế nhỏ nhiệm) thuộc tâm (thức).
Phật muốn loài người thấu hiểu nhân quả- luân hồi dừng (nghiệp ác) để có đời sống tái sinh kiếp sau tốt hơn. Nhưng khốn nỗi thế gian (không ai chết đến hai lần để mà tập chết) nên nhiều người không tin vào nhân quả nên dẫn đến hiểu lầm mà cho rằng Phật giáo chỉ nói đến Hư vô.
Nhân đây xin được nói thêm, thuyết Nhân quả-Luân hồi là quy luật vốn có trong (tự nhiên) của Vũ trụ (bởi sức cuốn hút ân dương) của tam giới mà có. Quy luật này có trước Phật giáo. Nhưng với Pháp nhãn Phật, Ngài phát hiện ra sự vận hành của nó, chứ không phải thuyết này là của Phật giáo (sáng tạo).
Còn về giải thoát, đức Phật Thích Ca Văn cũng dạy rằng: Giải thoát cũng có nhiểu cấp độ; giải thoát thành tựu trong tam giới và giải thoát khỏi tam giới trở về Phật giới. Tất cả đều có phương tiện và phương thức của nó. Nếu chúng sinh nào cho việc nhân quả - luân hồi sinh tử trong lục đạo là khổ, thì tu về Phật giới. Ngược lại, nếu sống trong khổ mà không thấy khổ! Thì khỏi tu giải thoát…
Tới đây thiết nghĩ không phải nói thêm gì nữa về sự sâu mầu vi diệu hay nói khác đi là tinh hoa-minh triết của Phật giáo. Mà chỉ xin mượn lời Giáo sư sử học Rhys David nhận xét về Pháp Tứ Diệu Đế và cho rằng: “Dẫu là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, trong tất cả tôi không tìm thấy một tôn giáo nào có vẻ đẹp hoàn hảo hơn Tứ Diệu Đế và Bát chánh đạo của đức Phật. Tôi chỉ còn một việc làm là thu xếp nếp sống cho phù hợp với con đường ấy”.
Còn với nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ 20 - Albert Einstein chính ông đã thừa nhận rằng, nhờ nương vào ý tưởng của kinh Hoa nghiêm mà ông đã cho ra đời Thuyết tương đối bất hủ của vật lý hiện đại khi nói về Phật giáo và Khoa học ông cũng cho rằng: “Tôn giáo tương lai là tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phải xuất phát từ kinh nghiệm tổng thể bao gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được điều đó. Và nếu có bất cứ một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu của nền khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo vậy”.
Trở lại với vấn đề cuốn sách VNPT của PKB chúng ta thử đặt ra câu hỏi tại sao quyển sách này lại có nhiều nhà xuất bản quan tâm? Theo thiển nghĩ của người viết với hai lý do đơn giản: vì mảng sách phong tục này ít có trên thị trường và nhu cầu của người đọc ‘kiểu nội dung’ này gia tăng (khi xã hội mới có xu thế hoài niệm) tìm hiểu phong tục ông bà cổ xưa (nếu không muốn nói là phục cổ) và chúng ta thấy một thời gian dài xx hội sống theo duy lý.
Thứ hai là các Nxb đương nhiên vì lợi ích kinh tế và “coi tác giả là ‘nhà nho’ trí thức khoa bảng bởi PKB từng là một “Bỉnh bút” của tạp chí Đông Dương, nổi tiếng một thời, ông đã biên soạn, dịch thuật có đến năm sáu tác phẩm”. Chính vì điều này mà khi biên tập xuất bản chỉ dựa vào điều này nên có những trang lầm lạc viết về Phật giáo như đã nêu.
Chúng tôi những người đưa ra những vấn đề bất ổn về (Phật giáo) trong nội dung cuốn sách này, không phải là không thiện chí; mà sau này nếu muốn xuất bản thì chúng ta cần phải có (chuyên gia) trên cơ sở vẫn hình thức thời lượng với trang viết của cuốn sách chúng ta cần (sửa chữa hiệu đính cho đúng tinh thần của Giáo lý đạo Phật). Đấy cũng là sự hồi hướng cần phải làm (nếu như tái bản). Như vậy, có nghĩa là đi qua sự lầm lỗi (từ hai phía) tác giả và Nxb-kinh doanh, khi thấy được cái lỗi (sai vọng ngữ) theo giới luật nhà Phật thì mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng an lạc; và ngược lại.
Nguyễn Đức Sinh
--------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
Mục đọc sách “Việt Nam phong tục” tác giả Phan Kế Bính (giac ngo online 18/6,2020)
Để bạn đọc tiện việc đối chiếu so sánh, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Việt Nam phong tục”- một quyển sách lệch lạc Phật giáo tiếp tục “ Tái xuất
Bản” của tác giả Giác Minh Luật trên trang Điện tử Ngươi Phật tử
Chúng tôi không khỏi giật mình khi tác phẩm Việt Nam Phong Tục của tác giả Phan Kế Bính viết năm 1915 (NXB Văn Học; NXB Văn Hoá Thông Tin; NXB Hồng Đức) lần lượt tái bản, một tác phẩm có quá nhiều vấn đề cần phải bàn cãi, phải cần nghiêm túc hiệu đính, chỉnh sửa để phù hợp với thời đại. Nhất là nội dung khi nói về Phật giáo mang tính khá cục bộ, thiển cận và bài xích có chủ đích.
Không hiểu thế nào mà NXB Kim Đồng lại tiếp tục tái bản và phát hành tập sách vào ngày 12/04/2020 với lời giới thiệu: -Tập sách có thêm phần chú giải, hiệu chỉnh giúp độc giả ngày nay có thể hiểu rõ hơn tác phẩm... Ấn bản được in bìa cứng với gần 100 minh hoạ sống động của hoạ sĩ Bùi Ngọc Thuỷ. (Lời Giới Thiệu của NXB).
Nhưng không hiểu vì sao, tác phẩm được duyệt thế nào, hiệu đính và cấp phép xuất bản ra sao mà toàn bộ nội dung nói về Phật giáo đều vẫn giữ nguyên sự lệch lạc, sai trái, gây ra sự ngộ nhận rất lớn của giới độc giả, tri thức ngấm ngầm hiểu sai về Phật giáo và lý tưởng cao đẹp của người xuất gia.
1. Ông PKB viết về Đạo Phật: -Đạo Phật bày ra lắm điều kỳ ảo: nào luân hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nói toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín mà không ích cho sự thật, cho nên đạo Nho phải bác đi không cho là chính đạo (tr.172).
2. Ông viết về người xuất gia: -Tuy lưu truyền đã lâu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kì thật thì không mấy người mộ đạo. Trừ ra mấy kẻ bực đời đi tu, còn phần nhiều là bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa Bồ Đề mà nương thân. Còn bọn hạ lưu xã hội, mê tín sự báo ứng, thì toàn là bọn ngu xuẩn, thấy nam mô thì cũng nam mô, thấy sám hối thì cũng sám hối, còn hiểu gì là đạo Như Lai nữa.
Huống chi lại còn nhiều kẻ tính tình rất hung bạo mà cũng mượn cửa thiền để làm nơi trú ẩn. Tiếng là đi tu, mình mặc cà sa, đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà bụng dạ thì như rắn như rết, nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quần áo và ích. Nam mô một bộ dao găm, hổ mang hổ lửa, sự ấy mới lại gớm ghê nữa. (tr.224).
3. Khi ông viết về những nội dung mang tính định nghĩa, lịch sử quan trọng về Đức Phật và giáo pháp:
- Phật giáo do đạo Bà La Môn mà ra (tr.219)
- Ông Thích ca Mâu Ni thấy bọn thầy tu đạo Bà La Môn sinh lắm điều tệ, và lại thấy người ta ai cũng ở trong vòng luân hồi chịu những cảnh khổ não, như là: Sinh, lão, bệnh, tử, là bốn cái kiếp khổ nạn, vì thế chán đời, mà cầu một phép để giải thoát cái khổ não ấy, mới dựng là một tôn giáo riêng gọi là Phật giáo . Môn đồ về sau, suy tôn ông ấy là Phật tổ Như Lai (tr.220).
- Ông Thích Ca cũng đã lấy ba vợ, sinh một đứa con trai tên là La Hầu La,... Được bảy năm, xẩy tỉnh ngộ được đạo huyền diệu, tự xưng là Bồ Đà (Bobbha) (tr.220).
- Tục truyền ông ấy về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở Câu Thi. Lúc gần mất ông ấy nói rằng: Nay ta đã lên cõi Niết bàn, nghĩa là lên đến chỗ cực lạc thế giới. (tr.221).
- Khi ông nói về vua Asoka (Vua A Dục): - Trước Thiên Chúa 234 năm (năm thứ 54 đời Chu Noãn Vương), vua Kế Ma đại hội Kinh đô, duy lấy Phật giáo làm tôn chủ, bắt ép người trong nước phải theo, và sai bọn thầy chùa làm giáo sĩ, đi ra ngoại quốc mà truyền đạo; từ đó Phật giáo mới lan cả ra thế giới vậy. (tr.222).
- Ông nói về Ngài Huyền Trang đi mua kinh tại Ấn độ: -Năm Trinh Quán thứ 3 đời vua Thái Tông nhà Đường, thầy chùa là Huyền Trang đi men Tây Tạng sang Ấn Độ mua được kinh Phật 650 bản. (tr.223).
- Khi ông nhận định về mục đích của đạo Phật: -Mục đích đạo Phật, chỉ hai chữ hư vô là kiêm hết. Có câu rằng: Hết thảy không có cái gì, chỉ vì cái nhân duyên mà sinh ra. Nay dẫu tạm có, nhưng bản tính vẫn là không. (tr.221).
- Ông cho rằng toàn bộ kinh Phật chỉ có 42 chương, chia làm ba quyển, gọi là kinh Tam tạng. Và Tứ thiền thì không còn chịu luân hồi nữa, ông còn cho rằng luân hồi nghĩa là do kiếp trước làm những điều tội ác thì chết xuống âm phủ để chịu những tội khổ sở, rồi kiếp sau làm các giống xúc vật chịu khổ ải - Và cho rằng: Âm phủ có 136 cái động là những nơi ngục hình làm tội người ác (tr.222) - những điều thế này mà ông đã dùng để định nghĩa về Phật giáo.
4. Về việc đi chùa, học đạo của người Phật tử ông viết: -Một là người đàn bà già cả ở nhà thì buồn bã không vui, muốn mượn cửa thiền để khuấy khỏa lúc cảnh già, hai là những người mê tín đạo Phật, nghĩ mình thuở bình sinh nhiều điều ác nghiệt, e mai sau mất đi thì phải vào ngục Diêm Vương cho nên nương thân của Bụt ngày đêm tụng kinh cầu Phật Trời phù hộ mạnh khỏe sống lâu, mà ngày sau mất đi được về Tây phương cực lạc thế giới. Vậy nên động nói là nam mô, động đi đâu là lạy chín phương trời, mười phương chư Phật. Có người già cả yếu đuối cũng cố bò đến cửa chùa khấn la khấn liệt, lạy lấy lạy để, ấy thực là một điều mê tín của đàn bà ta, mà không ích gì cho đến mình cả.
Và, mỗi tháng đóng góp vào nhà chùa; người có của hay là có con cái giúp đỡ cho đã vậy, người không có con và người không có của mà cũng chịu khó nai lưng cố sức làm ăn, để gánh vác một sai lính nhà Phật, sao mà thiên hạ xuẩn làm vậy? Song điều đó chẳng nên trách gì các bà già, chỉ vì nữ giới nước ta không có học thức mà thôi, mà đàn bà không có học thức, cũng bởi cách giáo dục chưa rộng vậy. (tr.188).
Còn rất nhiều nội dung sai lầm một cách căn bản về định nghĩa quan trọng trong kiến thức Phật học, lịch sử Đức Phật, giáo pháp và mang tính bôi nhọ lý tưởng học đạo, đi chùa của người Phật tử cũng như lý tưởng xuất gia cao đẹp.
Thiết nghĩ, NXB Kim Đồng là nơi mà rất nhiều bậc phụ huynh tin tưởng để chọn lựa sách cho con em mình, nếu các em vô tình tiếp xúc những quyển sách thiếu kiểm duyệt, thiếu trách nhiệm đính chính và cầu thị như thế này đang được liên tục phát hành số lượng lớn trên thị trường, thì vô hình chung sẽ gieo vào tâm thức các em những cái nhìn lệch lạc về Phật giáo sau này.
Về một đạo Phật sai lệch, bi quan, chán đời, xưng hô thiếu văn hoá như “thầy chùa”, phủ nhận toàn bộ những giá trị đóng góp của Đức Phật, của Phật giáo, của các vị vua có công như vua A Dục, các vị danh Tăng như Ngài Huyền Trang, và những vị xuất gia đang ngày đêm đóng góp đời mình cho những lợi ích xã hội, đạo đức tâm linh, quân bình một xã hội vật chất và tinh thần.
Người xưa đã sai, mà người nay vẫn lại tiếp tục sai lầm như thế sao? Vậy mong rằng, những người được coi là chịu trách nhiệm nội dung thì hãy thật sự chịu trách nhiệm như một lời cải chính, ngưng lại việc phát hành, tiếp tục hiệu đính và cầu thị những nhà tri thức Phật giáo để có cái nhìn đúng đắn hơn. Bằng không mỗi quyển sách được tiếp tục in ra là thêm một nỗi đau, một thành kiến trên cùng một vết thương đang còn rướm máu.
Chúng ta có thể im lặng, nhưng sự im lặng của chúng ta sẽ khiến cho bao người tiếp tục hiểu sai về Phật giáo, nên chăng mỗi người cùng đóng góp một tiếng nói trên tinh thần cầu thị, ngăn chặn những sai lầm lệch lạc đang âm thầm phá hoại những tâm hồn non trẻ khi nhìn về đạo Phật trong trách nhiệm của một người xuất sĩ, một Phật tử, một người con Phật. Cũng như góp phần bảo vệ những giá trị cao quý, cốt lõi đáng quý mà bao thế hệ qua cộng đồng Phật giáo vẫn luôn âm thầm đóng góp cho nền tảng đạo đức chung của nhân loại.
Los Angeles, 15/06/2020.
Tác giả: Giác Minh Luật.