;
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mình đến với đất Sài thành diễm lệ, đường phố có vẻ tấp nập nhưng vẫn thoáng đãng. Tôi hít một hơi thật sâu, cảm nhận cái không khí man mát của một cơn mưa chiều vừa ghé qua để lại.
Sài Gòn vào những năm trước 75 đẹp lắm, nó đẹp như tâm hồn thanh tao của người Việt. Cái đẹp làm nên Sài Gòn có lẽ là những nét hồ hởi và hào sảng ẩn hiện trên gương mặt nhễ nhại mồ hôi của các bác xích lô hay những cô gái bán hàng rong đầu ngõ.
Tuy vậy, Sài Gòn vẫn có gì đó rất thời thượng, vài chú ngồi trên con xe 67 đeo cặp kính mát màu đen cứ chạy vòng vòng trung tâm thành phố, đường thì thoáng, gió thì mát nên tóc gió thôi bay ngời ngời sức trẻ. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn nhận ra Sài Gòn những năm tháng ấy, không khí còn biết bao trong lành và thanh thoát.
Tôi về lại chùa Hoằng Pháp – Hóc Môn năm 1973, khi ấy mọi người tu tập rất an lạc và hạnh phúc bởi môi trường còn yên bình và trong sạch. Người ta hít những hơi thở không khói bụi, uống những ngụm nước mát trong lành và việc ấy trở thành một điều hiển nhiên mà ít ai phải cân nhắc rằng: “Liệu môi trường sẽ ‘chết’ dần theo năm tháng?”
Và rồi, môi trường đang chết dần theo đúng nghĩa của nó…
Khi mà đất nước bắt đầu phát triển, người ta mừng lắm, mừng vì nước mình cũng có ngày tiến dần đến sự văn minh hiện đại, được thay da đổi thịt. Từ đó, các tòa nhà cao tầng dần mọc lên khin khít, các khu công nghiệp cũng chen chút nhau, rồi đủ loại xe cộ lưu thông vẽ lên biết bao con đường khói bụi. Con người rơi vào một vòng luẩn quẩn: tàn phá thiên nhiên – kiếm tiền – dùng tiền để mua lại sức khỏe.
Xung quanh chùa cũng được bao bọc bởi các nhà máy xí nghiệp, những năm tháng bình yên ngày nào giờ được thay bằng những lần phải chịu đựng mùi hôi thối bởi các chất thải nhà máy. Thương người dân vì mỗi ngày trôi qua là một sự chiến đấu, chiến đấu với bản thân để lờ đi cái mùi khó ngửi ấy, để gắng gượng cho hành trình mưu sinh còn đang dang dở.
Mùi hôi còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tinh thần của người dân, chúng hôi đến mức chỉ cần hít phải một hơi là đã cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, biết bao hệ lụy về đường hô hấp. Tội lắm những người công nhân quần quật từ sáng đến tận tối mịt mới về chỉ hy vọng cho đứa con gái nhỏ, thằng con trai có chiếc bút mà viết bài, có cuốn tập để đi học.
Vậy mà cái giây phút tĩnh lặng nhất vào buổi khuya, muốn được tận hưởng chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi lại phải cắn răng chịu đựng vì sự luồn lách, dối gian từ các nhà máy. Cấm công khai thì họ lén lút, lén vào cái giờ mà mọi người đều say giấc nồng. Giá mà những hệ lụy từ ô nhiễm nó ập đến một lúc để cho người ta còn biết đường mà phòng tránh nhưng oái ăm thay sự hủy hoại môi trường này nó lại từ từ gặm nhấm, bòn rút đi sức khỏe của người dân. Tháng tháng, ngày ngày trôi qua chẳng ai biết khi nào cái chết sẽ đến…
Cứ ngỡ chỉ cần chịu đựng một chút sẽ thành quen nhưng chính sự thờ ơ đó đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng, để lại vô vàn hối tiếc khi không thể cứu vãn được tình hình. Người giàu còn có ít tiền để cố gắng cứu vãn nhưng hỡi ôi còn những người dân nghèo thì sao? Họ làm gì để cứu lấy bản thân và con cái của họ? Bởi thế mới có câu, nước nhỏ từng giọt không đáng là bao nhưng lâu ngày cũng đầy lu đầy bể.
Có một câu chuyện buồn cười thế này, người ta bỏ sức vác rìu lên rừng chặt cây lấy gỗ quý đem bán, kiếm được kha khá rồi lại về nhà mua máy lọc không khí để hít thở cho trong lành. Mấy ai hiểu rằng cái lá phổi tự nhiên giúp chúng ta lọc không khí tốt nhất chính là những cánh rừng xanh mướt kéo dài tận vài chục cây số đã bị ta đốn sạch.
Quả là cái gì thiếu thì chúng ta luôn cần, khi mà thiên nhiên có dư tài nguyên để nuôi dưỡng, thương yêu và chở che ta dưới bầu khí quyển trong lành. Ta vì thiếu tiền lại không tiếc đục xẻo đi từng miếng thịt mà mẹ thiên nhiên đã dày công xây đắp, chỉ vì muốn dùng tiền để phục vụ cho những nhu cầu ăn ngon mặc đẹp, giải trí vui chơi. Có ngờ đâu sau này, tiền có thể rất nhiều, trang thiết bị càng ngày càng cao cấp nhưng không ai có thể mua lại một thiên nhiên trong lành và mát xanh như thuở ban đầu đã có.
Viết đến đây lòng tôi lại ngổn ngang và trăn trở, biết bao giờ mới có một tia sáng lóe lên cho những người dân Việt? Thử hỏi những người có trách nhiệm nơi đâu? Cớ sao lại để cho những con quái vật vô hình này giết đi mạng sống của chúng ta từng ngày một? Cầu mong rằng những người có trái tim yêu thương, biết chia sẻ, có trách nhiệm và tôn trọng sự sống xin đừng để cho chúng ta chết mòn theo năm tháng như thế!
Sáng mùi heo tối mùi hèm
Ngày đêm thưởng thức đời em sớm tàn.
TT. Thích Chân Tính