;
Đề án Tổng thể Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 tại Việt Nam
- Như chúng ta đã theo dõi thông tin trên báo chí, năm 2008, Chính phủ đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ, GHPGVN được Nhà nước hỗ trợ tổ chức thành công Đại lễ tại thủ đô Hà Nội. Năm nay, GHPGVN được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 tại Trung tâm Bái Đính, tỉnh Ninh Bình với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), với sự giúp đỡ của Chính phủ. Ninh Bình là nơi có cố đô Hoa Lư của nước ta, đây cũng là nơi Nhà nước đang lập hồ sơ gởi Unesco công nhận Di tích văn hóa thế giới. Trung tâm Bái Đính là ngôi chùa lớn, có lẽ là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Chính vì vậy, GHPGVN quyết định tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 tại đây.
Từ 15-12-1999, Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm Đức Phật Thích Ca đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn) là Đại lễ Vesak LHQ. Từ năm 2004 đến nay, cộng đồng Phật giáo thế giới đã tổ chức thành công 10 lần Đại lễ Vesak LHQ, trong đó 9 lần tại Thái Lan, 1 lần tại VN. Việc tổ chức thành công sự kiện này năm 2008 đã tạo được hình ảnh tốt đẹp của đất nước và GHPGVN với bạn bè thế giới. Qua đó, GHPGVN khẳng định vị thế của mình, chúng ta cũng có khả năng sánh vai với các quốc gia trong khu vực tổ chức tốt những lễ hội tôn giáo có quy mô và tầm vóc quốc tế.
Bạch Hòa thượng, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 tại Trung tâm Bái Đính là không xứng tầm, tại sao Đại lễ Vesak 2014 lại tổ chức tại Trung tâm Bái Đính mà không là một nơi khác?
- Ngay cả Thái Lan, người ta cũng không tổ chức Đại lễ Vesak LHQ ở thủ đô Bangkok mà tổ chức ở khu ngoại thành cách thủ đô cả trăm km. Trung tâm Mỹ Đình ở thủ đô Hà Nội đã từng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, Đại lễ Vesak LHQ 2008 đã tổ chức tại trung tâm Mỹ Đình và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Thế nhưng, năm nay GHPGVN hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm về tài chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ về vấn đề an ninh. Tổ chức tại Bái Đính, GHPGVN muốn khẳng định đây là cơ sở lớn của Giáo hội, có đầy đủ các điều kiện tổ chức Đại lễ Vesak LHQ với dự kiến khoảng 90 nước, vùng lãnh thổ. Dự kiến đại lễ sẽ có từ 4.000 đến 10.000 người tham dự, trong đó có 800 khách quốc tế được hỗ trợ về chi phí đi lại, vé máy bay, ăn ở, phương tiện đi lại; đó là chưa kể đến khoảng 700 đại biểu quốc tế tự túc nhưng đến đây chúng ta vẫn hỗ trợ về phương tiện đi lại, ăn ở.
Đại lễ Vesak LHQ 2014 với chủ đề chính "Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc"; với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế và là Chủ tịch Ủy ban Tổ chức của GHPGVN, Hòa thượng mong muốn diễn đàn sẽ đóng góp cụ thể như thế nào đối với đất nước và thế giới hiện nay?
- Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là giảm bớt đói nghèo, vấn đề môi trường: giảm bớt khí thải, hiệu ứng nhà kính. Chúng ta đang sống ở đây không chỉ nhờ vào thực phẩm, ăn uống mà chúng ta còn sống nhờ vào môi trường. Môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống. Vấn đề giữ gìn hòa bình trên thế giới cũng sẽ được thảo luận để làm thế nào giảm bớt chiến tranh, tích cực làm cho thế giới hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn. Cần làm thế nào để đất nước chúng ta luôn ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế. Điều đáng quan tâm trong năm 2014 là làm thế nào để giảm bớt tai nạn giao thông. Những con số công bố vừa qua về tai nạn giao thông và hậu quả của nó thật rất khủng khiếp.
Đại lễ Vesak LHQ 2014 là dịp để các tổ chức Phật giáo quốc tế biết đến cộng đồng Phật giáo VN, về mặt ý nghĩa Giáo hội, tâm linh, văn hóa… Ủy ban Tổ chức sẽ thực hiện những chương trình, điểm nhấn như thế nào nhằm để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng đại biểu Phật giáo quốc tế?
- Thời điểm diễn ra Đại lễ Vesak LHQ 2014 là sau Tết Nguyên đán, cả nước đang vào mùa lễ hội truyền thống nên Đại lễ Vesak LHQ lần này vừa giới thiệu được ý nghĩa lễ Tam hợp mang tính chất quốc tế vừa giới thiệu được những giá trị văn hóa truyền thống qua các lễ hội của đất nước. Đây cũng là dịp để GHPGVN khẳng định với các tổ chức Phật giáo quốc tế những giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, các đề án về lễ khai mạc, bế mạc của Vesak LHQ 2014 cũng đang khẩn trương hoàn thiện. Trong đó có nghi lễ quốc tế chung, nghi lễ truyền thống Phật giáo của các quốc gia, vùng lãnh thổ; biểu diễn văn hóa nghệ thuật của các quốc gia và nước chủ nhà, thắp nến cầu nguyện, triển lãm hình ảnh các ngôi chùa cổ mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo, bản sắc dân tộc, tham quan văn hóa Tràng An, cố đô Hoa Lư… sẽ là những điểm nhấn trong Đại lễ lần này. Ngoài ra, diễn đàn chính và các thảo luận nhóm bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt cũng là những điểm nhấn trong Đại lễ.
Thưa Hòa thượng, hiện nay được biết Trung tâm Bái Đính đang khẩn trương xây dựng thêm nhiều hạng mục nhằm phục vụ cho Đại lễ Vesak 2014. Đến nay, Ủy ban Tổ chức đã tiến hành các công tác chuẩn bị như thế nào? Thời điểm hoàn thành các hạng mục phục vụ cho Đại lễ?
- Hiện nay, doanh nghiệp Xuân Trường đang xây dựng khẩn trương thêm hội trường chính có sức chứa khoảng 3.000 đến 3.500 chỗ ngồi và các hạng mục phụ phục vụ cho Đại lễ Vesak LHQ 2014. Công trình hội trường chính sẽ hoàn thành trước hội nghị lần thứ 2 giữa ICDV và Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 vào tháng 2-2014 tại Trung tâm Bái Đính. Các công trình còn lại sẽ hoàn tất vào ngày 15-3-2014. Hiện nay, 19 tiểu ban thuộc Ủy ban Tổ chức đang tiến hành thực hiện các bước tiếp theo thuộc tiểu ban mình phụ trách. Trong đó, Tiểu ban Nội dung đang phiên dịch gấp rút những bản tham luận ra tiếng Anh, công tác tập huấn cho Tăng Ni, thanh niên tình nguyện phục vụ công tác tiếp đón khách, lễ tân cũng đang khẩn trương thực hiện.
GHPGVN tổ chức Đại lễ kỳ này phải tự lo về tài chính, hiện nay, công tác vận động tài chính cũng đang thực hiện (dự kiến kinh phí tổ chức khoảng 74 tỷ đồng, cộng kinh phí xây dựng các hạng mục phục vụ cho Đại lễ tại Bái Đính khoảng 40 tỷ). GHPGVN, Ủy ban Tổ chức kêu gọi các BTS GHPGVN, các doanh nghiệp, Phật tử… tích cực đóng góp tài chính để sự kiện này được tổ chức thành công.
Đại lễ Vesak LHQ 2014 không thể thiếu công tác truyền thông cho sự kiện quan trọng này, hiện nay công tác này đang được truyền thông như thế nào để chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng rộng rãi, góp phần thành công cho Đại lễ?
- Từ sau Đại lễ Vesak LHQ 2008 tại VN, người dân đã hiểu biết về Phật giáo nhiều hơn, đồng thời chúng ta cũng tuyên truyền giáo lý của Đức Phật đến không những miền xuôi, miền ngược mà còn ở hải đảo xa xôi. Đại lễ Vesak LHQ 2008 được toàn thể hệ thống thông tin báo chí, truyền hình đưa tin, được Nhà nước ủng hộ nên sự kiện này được truyền thông rất tốt.
Ủy ban Tổ chức đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất giữa ICDV và Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak KHQ 2014 diễn ra tại khách sạn Crowne Plaza (Hà Nội) vào ngày 23, 24-11-2013. Đồng thời, Ban Tổ chức hội nghị cũng đã tổ chức họp báo dưới sự chủ tọa của HT.GS.TS Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập ICDV và tôi với sự tham gia của nhiều cơ quan truyền thông báo chí, truyền hình trong và ngoài nước truyền thông sự kiện này đến tất cả người dân VN và cộng đồng Phật giáo thế giới.
GHPGVN đã có văn bản chính thức gởi đến tất cả các BTS GHPGVN để đóng góp, hỗ trợ cho sự thành công của sự kiện quan trọng này. GHPGVN chúng ta có Ban Thông tin Truyền thông, Truyền hình AVG sẽ bám sát các sự kiện để thông tin về Đại lễ đến với Tăng Ni, Phật tử, mọi người dân.
Vấn đề độc quyền truyền thông trong một sự kiện sẽ gây khó khăn cho các cơ quan truyền hình, báo chí khác. Việc khai thác thông tin đối với sự kiện này sắp tới sẽ được tổ chức như thế nào?
- Tôi khẳng định Ủy ban Tổ chức Đại lễ sẽ không giao độc quyền truyền thông cho cơ quan báo chí nào. Sự kiện quan trọng Đại lễ Vesak LHQ 2014 cần phải thông tin rộng khắp đến Tăng Ni, Phật tử, người dân. Ban Thông tin Truyền thông, AVG trực thuộc GHPGVN, do đó không có chuyện độc quyền truyền thông trong sự kiện Đại lễ Vesak LHQ 2014 mà chúng tôi cần các cơ quan báo, đài trong và ngoài nước để đưa tin về sự kiện này.
Thưa Hòa thượng, điều kiện để một Tăng Ni, Phật tử tham dự sự kiện này như thế nào?
- Ngoài các đại biểu chính thức có thư mời, hội trường chính có thể chứa 3.500 người, Trung tâm Bái Đính còn có các khu vực dành cho Phật tử có thể lên đến 10.000 người. Do đó, Tăng Ni, Phật tử đều có thể tham gia mà không có điều kiện bắt buộc nào. Ban Tổ chức sẽ bố trí các màn hình lớn phục vụ Tăng Ni, Phật tử, người dân, tất cả mọi người đều được phục vụ bữa ăn trưa.
Chân thành cảm ơn Hòa thượng.
H.Diệu thực hiện
Theo: GNO
*Tựa đề do BBT đặt lại