;
Chân dung Cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Thông Niệm
I. TIỂU SỬ
Hoà thượng húy thượng Đồng hạ Phát, tự Thông Niệm hiệu Viên Đạt. Thế danh Nguyễn Xuân Phương. Sinh ngày: 13 – 03 – 1936 (Bính Tý) tại Thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Thân Phụ là Cụ Ông Nguyễn Sô, Thân mẫu là Cụ Bà Huỳnh Thị Thái. Trong gia đình có tám anh chị em, ngài là con thứ sáu.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC VÀ HÀNH ĐẠO
Năm 1954, khi vừa tròn 18 tuổi, hội đủ duyên lành ngài xuất gia tu học tại Tổ đình Phước Sơn – Phú Yên với Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Hành Giải (Phước Trí), được ban pháp danh: Đồng Phát.
Sau thời gian hành điệu – tu học cùng với các huynh đệ: Đồng Viên (Viên Đức), Đồng Tiến (Viên Hạnh), Đồng Hạnh (Viên Diệu)…với sự chứng minh và giáo dưỡng của Chư Tôn túc trong Sơn môn, như: Trưởng lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Hành Trụ,…tân đồ chúng đã gầy dựng được nền tảng ban đầu về Phật lý và nếp sống oai nghi thiền môn quy củ.
Vào khoảng năm 1962, Thầy Bổn Sư (Trưởng lão Hành Giải) đã cho phép Thầy Viên Đức vào học tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang và Thầy Đồng Hạnh ra tham học tại Phật học viện Nguyên Thiều. Riêng ngài (Thông Niệm) được Thầy Bổn Sư cho phép vào miền Nam tu học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), cùng học trong khoá này, hiện nay còn Hoà thượng Thích Kiến Tánh.
Năm 1965, ngài dự tuyển lớp chuyên khoa và phổ thông tại Phật học viện Giác Sanh để học hai chương trình nội – ngoại điển.
Trong thời gian này, dân làng Xóm chùa (đường Bình Thới cũ) thỉnh ngài làm trụ trì Chùa Giác Hạnh, nhưng vì khuôn viên chùa có hạn, nên ngài đã dựng một Tịnh thất nhỏ bằng lá và lấy tên “Tịnh thất Đa Bảo” ở gần đó và nay là ngôi chùa Đa Bảo này.
Năm 1964, Ngài được Thầy Bổn Sư cho phép thọ Sa Di tại Giới đàn Phật học viện Giác Sanh. Sau đó, ngài tiếp tục theo học lớp chuyên khoa Trung đẳng tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
Tháng 11/1966, khi túc duyên hội đủ, ngài được đăng đàn thọ Tỷ-kheo Bồ-tát giới tại Phật học viện Huệ Nghiêm do Hoà thượng Thích Thanh Thạnh đương vi đường đầu.
Năm 1970-1975, Giáo hội bổ nhiệm Hòa thượng Thích Hoàn Quan làm Chánh Đại diện và Ngài làm Phó chánh điện Giáo hội PGVNTN quận 11 (một phần quận 6 cũ).
Về công phu hành trì, khi còn trong thời kỳ tham học và mới tạo lập tịnh thất, Ngài lễ lạy miên mật các bộ kinh sám, với tâm nguyện: “Trẻ không lễ lạy, già sao lạy nổi?”.
Đặc biệt, từ khi đắc Cụ túc giới, Ngài đã được Thầy Bổn sư mật truyền pháp “Chuẩn-đề Đà-la-ni”, lấy đức Tỳ-lô-giá-na Như Lai làm bộ chủ, đức Chuẩn-đề bổn tôn, lấy đức Uế tích kim cang làm Thế thiên, ngoài ra Thầy Bổn Sư còn dạy cho ngài pháp “Nhất tự nhất bái kinh Pháp Hoa và trì danh niệm Phật A-di-đà”.
Ngoài giờ công phu, ngài dành thời gian đọc bộ Đại tạng kinh do gia đình cư sĩ Chúc Duyên hiến cúng, và rất nhiều kinh sách khác. Ngài nghiền ngẫm, ghi chép rất tỉ mỉ những điều tâm đắc trong kinh luận để nuôi lớn hạt giống tuệ giác.
Kể từ sau năm 1975, ngoài công việc tu bổ và phát triển ngôi Phạm vũ do ngài khai sáng, phần lớn ngài dành thời gian cho việc bái sám và y giáo hành trì bản pháp được Thầy Bổn Sư truyền thừa một cách miên mật, với chí nguyện: Mật-Tịnh song tu đến trọn đời.
Năm 2001, Ngài được Thiền sư Thích Nhất Hạnh cung thỉnh vi tác Đệ nhất tôn chứng Giới đàn Kỷ Nguyên mới tại Mai thôn – Pháp quốc.
Năm 2003, Hoà thượng trở về chốn Tổ, trùng tu Chùa Phước Quang, và sau đó năm 2007, ngài tiếp tục trùng tu chùa Phước Thạnh, làm nơi tu tập cho bà con trong vùng.
Trong muôn vàn mật hạnh của ngài, điều lưu dấu nhất trong tâm niệm của hàng môn đồ là hạnh khiêm cung, luôn kính trọng các bậc xuất gia, dù là một vị Sa-di nhỏ tuổi, Hoà thượng vẫn luôn dùng kỉnh tâm cư xử. Hơn hết, ngài luôn nguyện giữ hạnh “Pháp sư công đức” của kinh Pháp Hoa, tuỳ hỷ tận lực trợ duyên với mọi sự học tập, nghiên cứu của các chúng đệ tử xuất gia.
Năm 2016, nhân ngày Thánh đản Đức Văn Thù Bồ-tát, ngài cùng chư Tăng sơn trong Sơn môn kiến lập Phúc Hộ giới đàn, truyền Tỷ-kheo – Bồ-tát giới cho các hàng đệ tử, ngài được cung thỉnh trong ngôi vị Đường đầu Hoà thượng. Cũng trong dịp này ngài tập hợp hàng đệ tử xuất gia tại Tổ đường để truyền thừa pháp yếu mà ngài đã nghiêm cẩn phụng hành, ngài truyền kệ đắc pháp cho các đệ tử: Tỷ-kheo Chúc Thịnh (trưởng tử), Tỷ-kheo Chúc Tựu, Tỷ-kheo Chúc Tân và Tỷ-kheo Chúc Văn. Ngài dặn dò chúng đệ tử vâng hành theo bài kệ:
Pháp chỉ bày các tướng,
Hình thể sai khác nhau;
Thấy rõ là huyễn ảo,
Sóng nước đứng lặng trong.
Tâm chơn như hiển hiện,
Phật trí hiện từ tâm.
III. THỜI KÌ VIÊN TỊCH
Trong mùa An cư năm Nhâm Dần, nhận thấy sức khoẻ không còn khang kiện, tứ đại bất hoà, Hoà thượng đã dành trọn vẹn thời gian Niệm Phật, với một ước nguyện duy nhất mà Hoà thượng đã tự thuật trong hồi ký: “Khi vô thường đến tôi được gặp Phật A-Di-Đà và Chư Thánh chúng phóng quang tiếp độ”.
Và lẽ vô thường lão bệnh không hẹn với ai, sau một thời gian ngắn thân thể khiếm an, mặc dầu đã được môn đồ đệ tử chăm sóc và các y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện 115 tận tình điều trị, nhưng như ngài đã dự tri thời chí trước đó, với ước nguyện được thuận lý vô thường trong ngày kỵ của Hoà thượng Tổ Sư. Thế là! Thuận duyên, thuận ý. Giữa khuya ngày 20 tháng 9 năm Nhâm Dần, Hoà thượng trở mệt và môn đồ đệ tử đồng nhất tâm Niệm Phật, và Hoà thượng đã an tường xả bỏ thắng dị thục thân vào lúc 1h16’ ngày 21 tháng 9 năm Nhâm Dần tại Phương trượng chùa Đa Bảo, đúng ngày kỷ niệm Tổ Sư hằng năm tại Chùa, ngài trụ thế 87 xuân thu, 56 hạ lạp. Quả là:
Chuẩn Đề Linh chú y công án
Pháp Hoa nhứt tự lễ nghiêm trang
A Di Đà Phật thường trì niệm
Nguyện được sanh về Thường Tịch Quang.
Nhất tâm đảnh lễ:
TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TAM THẾ, CHÚC THÁNH THIỀN PHÁI, PHƯỚC SƠN – TRIỀU TÔN MÔN HẠ,
KHAI KIẾN ĐA BẢO TỰ,
Huý thượng ĐỒNG hạ PHÁT Tự THÔNG NIỆM,
Hiệu VIÊN ĐẠT TRƯỞNG LÃO HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH