;
Dì ít học, năm ấy dì xin ngoại cho lấy chồng khi còn rất trẻ tuổi. Chồng dì không phải là người hiền lành, chất phác, lo chí thú làm ăn. Đằng này, đã không phụ vợ bán buôn cực nhọc, chăm con thơ dại mà dượng lại rất hay đi đánh bạc, đá gà, cá độ đánh banh, chơi lô đề. Không có loại cờ bạc nào mà dượng chưa từng thử và “luyện” qua. Đắng cay thay, dì con lại không hề dám trách móc chồng lấy một lời, không dám bỏ chồng mà còn cung phụng, nhịn ăn nhịn mặc để cung cấp tiền cho dượng lầm lỡ ngày một sâu. Cũng từ những ngày ấy, việc dì bán nhà rồi lại mua nhà mới, sửa lại rồi lại bán, rồi lại mua nhà chẳng còn khiến gia đình bên ngoại con ngạc nhiên, bàng hoàng nữa, dẫu rất lo lắng cho cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó của dì. Như thể bị ảnh hưởng bởi dượng, dì con cũng bắt đầu đam mê cá cược, mới đầu thì năm, mười ngàn. Con còn nhớ như in cái thời dì kiếm ở đâu được mười ngàn mà lúc đó còn là tờ giấy đỏ chứ không phải màu vàng polime như bây giờ, đưa ngay cho dượng đi đặt cược số đề. Hai ánh mắt từ hai tâm hồn đồng điệu, u mê nhìn nhau như hoàn toàn thấu hiểu lòng nhau, như nguyện thầm rằng: “Hai ta sẽ đi đến cuối cùng cuộc đời, sướng khổ bên nhau, dù cho có ngày hai ta sẽ ngồi trong căn phòng đá lạnh căm căm mà vẫn mãn nguyện”.
Sau đó, từ mười ngàn, dì dượng tăng dần mức đặt cược lên một trăm, rồi một triệu, rồi chục triệu. Không biết bao nhiêu lần dì nói dối dì bảy, cậu tám là vừa bị gạt tiền để xin tiền về trả nợ. Và không biết bao nhiêu lần dì ấy lại chứng nào tật nấy, ngựa quen đường cũ. Cái đáng nói là dì không hề thiếu ăn, chỉ vì dì không chấp nhận sống những tháng ngày lam lũ, vất vả kiếm bạc cắc và những lòng tham, đố kỵ, dì dượng đã từ lúc nào quên đi đó là phạm pháp, là cờ bạc, kết quả là ở tù và phá sản.
Có một giai đoạn, dì cũng chăm làm, có vẻ ít “chơi”. Làm cũng có được chút đỉnh đủ nuôi sống gia đình, trang trải cho việc học của các con. Tưởng chừng mọi chuyện đã êm xuôi, không ngờ cuối cùng phát hiện ra nhà dì là một ổ lô đề khét tiếng ở cái thôn bé tí này. Chiều chiều dì lại tất bật, luôn luôn bận rộn với chiếc điện thoại trên tay đang trực sẵn. Hễ có tiếng chuông reo lên là dì ngay lập tức vồ lấy tấm giấy nhỏ và cuốn sổ tay bỏ túi ghi ghi cái gì đó. Hóa ra đó là những người chơi đề gọi đến đặt số chỗ dì. Công việc phạm pháp này đem lại cho dì một khoản kha khá.
Nhưng rồi một hôm, người ta đồn trên chợ là dì đã bỏ nhà ra đi. Không một tin tức, lời nhắn, mẩu giấy nhỏ nào được để lại cho ông, bà ngoại và mẹ con - những người thân thiết nhất của dì. Chỉ khi điều tra kỹ mới ngỡ ra một sự thật rùng mình rằng dì đã nợ người ta (không phải một mà là hàng chục chủ nợ) và cao chạy xa bay do không đủ khả năng trả nợ. Thực tế, có nhiều người không chung tiền cho dì khi họ thua, ngược lại dì phải chung cho những người thắng quá nhiều. Dần dần, dì bị hụt vốn rồi phải đi mượn người ta để tiếp tục chung tiền. Nói là mượn nhưng thực chất là đi vay nặng lãi. Chỉ hai tháng sau, lãi mẹ đẻ lãi con, với số tiền khổng lồ đã mượn và số tiền dì cho người ta khất nợ lúc thua đề đã leo lên đến con số không thể tưởng tượng được. Công việc bán bún của dì chỉ đủ nuôi ba miệng ăn, làm gì có tiền để trả cho chủ nợ. Túng, kẹt, bị lâm vào thế đường cùng không dám nói với ai. Đặc biệt cũng không dám mở miệng xin tiền ai nữa, đành chọn cách mang cả gia đình chạy trốn, hy vọng không ai tìm thấy, như một cách giật nợ!
Bản chất của dì hiền lành, chịu thương chịu khó, dì từng làm trăm thứ nghề, từ rửa chén đến trồng rau, từ nuôi heo đến làm thợ hồ, bán bún,… dì coi sóc cha mẹ già, quán xuyến hết công việc trong nhà. Vậy mà đùng một cái biến mất, bây giờ không biết dì sống chết ra sao nữa. Đó là do tham mà thành. Dì đã gieo rồi mai này dì phải trả, làm sao đây hỡi một kiếp người? Các bạn ơi! Đừng như dì tôi! Tham sinh ắt tự diệt, đừng vướng vào.