;
Sư Giác Nguyên thuộc Phật giáo Theravāda, bút hiệu là Toại Khanh, là tu sĩ, nhà văn, nhà thơ, dịch giả của nhiều bộ sách quan trọng. Giỏi Anh, Pāḷi, Hán, Thái, nghiên cứu thêm tiếng Nhật, Sanskrit, Tạng... Gia đình có 7 anh em trai, đều là nhà sư.
Đi con đường đời có hai chuyện khó: Khó vì xuôi dòng, khó vì ngược dòng.
Khó vì xuôi dòng nghĩa là mình thích cái gì mình làm cái đó, muốn ăn gì thì ăn đó, muốn suy nghĩ cái gì thì nghĩ cái đó.
Nếu phàm phu thích cái gì làm cái đó thì 99,9% thì làm toàn chuyện tầm bậy.
Đó là cách sống xuôi dòng.
Khi sống thả giàn như vậy thì sẽ sống bất thiện, hễ nhân bất thiện thì sẽ cho quả khổ.
Khó vì ngược dòng, đó là cái khó của người tu hành.
Lẽ ra mình không khổ như vậy, lẽ ra mình không nhịn như vậy, lẽ ra mình không làm chuyện khó khăn đó, nhưng mà vì mình là người tu…
Chữ ‘lẽ ra’ này nhiều khi mình phải nhắm mắt ngậm ngùi gạt lệ đẩy nó qua một bên, không còn ‘lẽ ra’ nữa. Vì mình là người tu mình phải như vậy.
Đường đời khó đi là vì hai lẽ như vậy, xuôi dòng và ngược dòng.
Cái khó của bài kinh này là cái khó thứ hai: hành trình ngược đời của một bậc thánh hay nói khác là tu hành theo con đường của hiền thánh.
Ngài Ca Diếp từng thưa với Đức Phật:
-Bạch Thế Tôn con nghĩ rằng đời sống phạm hạnh là con đường đầy hiểm nạn.
Đức Phật xác nhận:
- Đúng vậy này Ca Diếp, nếu nói một cách chơn chánh là phải nói như vậy, đó là con đường đầy chông gai thử thách, khó bước đi.
Hai vị hiền thánh mà phải nhìn nhận điều đó.
Con đường khó đi vì xuôi dòng có nghĩa là khi sống theo bất thiện thì phải chịu khổ báo; đường luân hồi vì vậy mà khó đi hơn.
Khó vì ngược dòng là do tu thiện pháp ta phải đối diện với hai cái khó:
1. Đi ngược lại khuynh hướng tâm lý nhiều đời của mình.
2. Đi ngược lại trào lưu thiên hạ.
Người tu là kẻ sống ngược đời, lẽ ra phải hành động như vậy mà mình không hành động như vậy thì thiên hạ chịu sao nổi.
Sống xuôi dòng thì sẽ gặp khó khăn về quả (sống xuôi dòng thì sẽ sống bất thiện, sẽ cho quả khổ làm trùn làm dế, sống cực khổ, thiếu thốn v.v...).
Sống ngược dòng thì sẽ gặp khó khăn về nhân.
Giữ giới là nhân, đầu đà là nhân, tri túc là nhân, kham nhẫn là nhân.
Khi sống thiện, lúc gieo nhân rất là khổ, nhưng lúc hưởng quả thì vui; còn khi sống bất thiện lúc gieo nhân thì vui nhưng khi hưởng quả thì khổ.
Nếu cho mình muốn sống sao sống không ác nghiệp thiện nghiệp gì hết thì tôi mê câu cá vô cùng, mê săn bắn nữa.
Có cây súng với kính hồng ngoại ban đêm ngồi trong lều thấy nó di động mình siết cò; còn câu cá mà gặp mấy con cá to thì cảm giác đã lắm.
Ăn uống cắm trại ngoài trời, có bạn bè nữa, vui biết bao nhiêu.
Cứ tưởng tượng con cá nuốt lưỡi câu bị giựt ra thì nó khổ biết chừng nào, mai mốt trổ quả thì bác sĩ khoét cái lỗ ở cổ mình rồi đổ thức ăn vào đó.
Dĩ nhiên là có một tỷ nghiệp chớ không phải bi nhiêu đó. Tôi coi phim Đại Hàn thấy có anh kia tự tử bằng cách nuốt dây câu, kể lại còn ớn lạnh.
Vì vậy, sống xuôi dòng sướng lúc hành động nhưng khổ lúc nhận quả, còn sống ngược dòng thì khổ lúc gieo nhân nhưng sướng lúc hưởng quả.
Sư Giác Nguyên