;
VTV - Cần phải có trách nhiệm vì tiếp tay cho Thiền tông Tân Diệu phá hoại chánh pháp
Sự thật về cuốn Huyền Ký của ông Nguyễn Nhân, chùa Tân Diệu (Bài 1)
II- Thực hư chuyện Lục Tổ Huệ Năng năng xin Võ Hậu công bố về Huyền Ký của Nguyễn Nhân
Không những Nguyễn Nhân chưa đưa ra được bằng chứng về Huyền Ký, được trích xuất trong tập kinh nào của Phật giáo, nhất là Nikaya, khi đã gán cho Phật thuyết, Tổ dịch mà không có một truyền bản tiếng Phạn hay Pali nào; mà còn tiếp tục bịa đặt Lục Tổ Huệ Năng đã xin Võ Hậu công khai Huyền Ký này, vậy tư liệu nào để chứng minh sự kiện Lục Tổ Huệ Năng đã xin Võ Hậu công khai tập Huyền Ký đã được in ra 600 bản truyền đến Thiền Phái Trúc Lâm, sau đó đến tay ông, do sư cô Đức Thảo. Tại sao trong kinh sách, luận ngữ truyền thừa các Thiền Sư Trung Hoa và Việt Nam không có?
Đây là một nghi vấn lớn về tính xác thực trong việc nghiên cứu mà chúng ta cần làm rõ. Nếu có thì Nguyễn Nhân phải xác minh nguồn gốc bằng tiếng Hán đã dịch cách đây hơn 1.300 năm kể từ tổ Huệ Năng để giới tri thức Phật Học dứt nghi ngờ.
Ảnh chụp sách Huyền Ký của ông Nguyễn Nhân.
Ngay cả HT thiền sư Thích Thanh Từ, chủ trương khôi phục Thiền Phái Trúc Lâm, đã dịch ra hầu hết tác phẩm của thiền học Việt Nam, cũng không đề cập đến. Nếu nói liên quan đến Lục Tổ Huệ Năng, thì phải nhắc đến Pháp Bảo Đàn Kinh. Theo HT Thiền Sư Mãn Giác, Bản Pháp Bảo Đàn Kinh được thông dụng nhất hiện nay ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam là bản Tông Bảo, được biết vào năm 1291, ( HT. Thích Thanh Từ dịch bản này), bản chính của HT. Thích Mãn Giác dịch là bản xưa nhất tìm lại ở động Đôn Hoàng (830-860), đều không đề cập đến Huyền Ký mà Nguyễn Nhân nói, thậm chí việc gặp Võ Hậu cũng không.
Các bản đều thống nhất nhau rằng; sau khi Huệ Năng trình kệ, đến nữa đêm Ngũ Tổ gọi Huệ Năng vào giảng kinh Kim Cang, lập tức Huệ Năng ngộ đạo, được truyền y làm Tổ thứ sáu. Riêng bản dịch của HT Thanh Từ, có đoạn Ngũ Tổ dặn Huệ Năng rằng: “Xưa Đại sư Đạt-ma ban đầu đến cõi này, người chưa tin nên mới truyền y này để làm tín thể, đời đời truyền nhau, pháp thì dùng tâm truyền tâm, đều khiến cho tự ngộ tự giải. Từ xưa Phật Phật chỉ truyền bản thể, thầy thầy thầm trao bản tâm, y là đầu mối của sự tranh giành, nên dừng ngay nơi ngươi, chớ truyền nữa. Nếu truyền y này thì mạng của người nhận y cũng như sợi chỉ mành. Ông phải đi nhanh e người hại ông.” Như vậy, đến đời Lục Tổ đã chấm dứt truyền y, hoàn toàn không có truyền Huyền Ký, như Nguyễn Nhân nói.
Lại nói, in ra 600 bản thì tại sao các dòng truyền thừa từ Tổ Huệ Năng như dòng Thiền Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động lại không có cuốn Huyền Ký này? Ngay cả dòng Vô Ngôn Thông tại Việt Nam, được truyền thừa trực tiếp từ Tổ Bách Trượng, tiếp nối dòng Thiền Nam Tông của Lục Tổ (Huệ Năng - Nam Nhạc Hoài Nhượng - Mã Tổ - Bách Trượng - Vô Ngôn Thông), cũng không nhắc đến Huyền Ký..? Trong Truyền Thống Sinh Động của Thiền tập, Quyển 02: Chương 02:2-3 Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, viết:
“Sau khi thầy Huệ Năng mang Y bát đi về phương Nam rồi thì thầy Thần Tú cũng đi. Thầy rút vào một miền núi gọi là núi Đương Dương, và ở tại một chùa gọi là chùa Ngọc Tuyền, tỉnh Hồ Bắc trong 15 năm Thầy tu tập một mình trong đó. Về sau thầy mở đạo tràng dạy học, và học trò tới rất đông. Có khi có tới ba ngàn người đến nghe pháp thoại của thầy. Lúc đó thầy đã lớn tuổi. Trong số những người tới học với thầy có rất nhiều người giỏi.
Năm 701, hoàng hậu Võ Tắc Thiên ban chiếu, tìm hết tất cả các thầy giỏi trong nước, mời về kinh đô để dạy Phật Pháp. Thầy Thần Tú được triệu vào kinh.” Sau đó, suy tôn ngài Thần Tú, khi ấy 95 tuổi lên làm Quốc Sư.
“Trong khi đó thì hoàng hậu Võ Tắc Thiên cũng có triệu Lục Tổ về kinh, nhưng Lục Tổ không chịu đi. Ngài nói rằng con người của mình không được đẹp đẽ, con người của mình xấu xí, đi vào trong kinh, nhiều khi không có lợi cho chánh pháp!”
Kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm thứ Chín- Tuyên Chiếu ( HT. Thích Thanh Từ dịch), nói: “Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 TL) vào ngày rằm tháng giêng vua Trung Tông và Tắc Thiên ban chiếu rằng: “Trẫm thỉnh hai sư An và Tú vào trong cung cúng dường, mỗi khi rảnh việc thì nghiên cứu về nhất thừa, hai Sư đều nhường rằng: Phương Nam có Huệ Năng Thiền sư được mật trao pháp y của Đại sư Hoằng Nhẫn, được truyền Phật Tâm Ấn, nên thỉnh người đến thưa hỏi.
Nay sai Nội Thị Tiết Giản mang chiếu nghinh thỉnh, mong Thầy từ niệm, chóng đến kinh đô.” Tổ dâng biểu từ bệnh, nguyện trọn đời ở nơi rừng núi. “
Nghĩa là’ hoàn toàn không có sự gặp mặt giữa Lục Tổ Huệ Năng và Võ Hậu, trừ khi Nguyễn Nhân đưa ra bằng chứng lịch sử thuyết phục. Nếu vịn vào bốn câu kệ tán thán kinh Hoa Nghiêm của Võ Tắc Thiên, rồi gán cho cái mác Phật Gia của Nguyễn Nhân truy phong do có mối liên hệ với Lục Tổ là vô lý. Võ Hậu có công lớn trong việc truyền bá Hoa Nghiêm Tông, sau khi ngài Thật Xoa Nan Đà, dịch xong 80 quyển kinh Hoa Nghiêm từ Phạn sang Hán, trình qua Võ Tắc Thiên đề bút viết ra 4 câu “Khai Kinh kệ” này do lãnh hội được yếu chỉ Hiền Thủ Tông.
Nguyễn Nhân quên rằng Lục Tổ Năng không biết chữ Hán, nên lúc trình kệ đối lại với bài thơ của ngài Thần Tú phải nhờ người viết hộ. Ngay cả khi giảng kinh Đại Niết Bàn cho Ni sư Vô Tận Tạng, Tổ chỉ nhờ nghe qua mà hiểu nghĩa. Đàn Kinh là do thượng toạ Pháp Hải biên tập. Thì làm sao Tổ có thể chủ trương kiểm duyệt dịch từ Phạn ra Hán? Nếu dịch thì ai là người dịch ra 600 quyển Huyền Ký Hán dịch ấy? Nếu có tính cách truyền thừa tại sao Nguyễn Nhân không ghi là Dịch giả mà tự nhận là Soạn giả? Tại sao giới nghiên cứu Phật giáo đến nay vẫn chưa biết? Trong khi, Giáo sư Lê Mạnh Thát, là bậc thầy trong lĩnh vực ngôn ngữ học & sử học Phật giáo cũng chưa biết đến tài liệu này? Thiết nghĩ , nếu chính đáng tại sao Nguyễn Nhân không mời thầy đến công bố truyền bản Hán dịch, để cho giới Tăng Ni Phật tử khỏi thắc mắc về tính chân thật của nó. Ngay cả nếu tập Huyền Ký có nguồn gốc tiếng Phạn và tiếng Pali như Nguyễn Nhân nói, thì Giáo sư Lê Mạnh Thát vẫn đủ thẩm quyền giám định văn bản và sẽ công bố với giới nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi chỉ yêu cầu Nguyễn Nhân chứng minh được nguồn gốc của tập Huyền Ký theo đúng văn bản rõ ràng. Vì chính ông nói, Nxb. Tôn giáo đã kiểm duyệt hết 7 tháng, do nội dung nó ảnh hưởng cả nền văn học nước nhà. Chúng tôi cũng vì lý do đó mà lên tiếng. Vì ngộ độc tri thức còn thậm tệ hơn cả ngộ độc thực phẩm. Phá hỏng cả PGVN bằng tà kiến. Như Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Ký nói, hủy báng Tam Bảo là tội đại nghịch.
Chứng nhận "thiền tông gia" của ông Nguyễn Nhân.
Sớ giải ghi: “không cần dùng miệng bảo người hủy báng Tam Bảo, chỉ cần đem những tư tưởng, ngôn luận của mình muốn hủy báng Tam Bảo, viết thành một thiên văn chương, hoặc quyển sách nho nhỏ, truyền bá khắp nơi và lưu truyền mãi đến đời vị lai lâu dài, khiến những người kiến giải cạn cợt, đối với Phật Pháp không có nhận thức, sau khi xem quyển sách ấy, vì trong tâm đã có tri kiến nhất định, nên phụ họa theo, đi đến đâu cũng hủy báng Tam Bảo. Như thế là đã đầy đủ hai thứ tội: “tự mình hủy báng và bảo người khác hủy báng”.
Mẫu giấy này "chứng tỏ" ngày xưa Như Lai cũng là một nhà...thiết kế đồ họa !?
“Không phải Phật thuyết mà gán cho Phật thuyết gọi là huỷ báng”. Du Già Bồ Tát Giới Bổn gọi là Giới “báng bổ chánh Pháp”, còn gọi là “Tà kiến, Tà thuyết”. Vậy Nguyễn Nhân lấy gì để chứng minh Huyền Ký đó là Phật thuyết và nguồn gốc lịch sử truyền thừa của nó để cho giới khoa học và nhân sĩ tri thức Phật giáo được rõ? Và để tránh lỗi mê hoặc quần chúng nhẹ dạ cả tin.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=vrCaiZgPUi8|500|500}
(Còn tiếp...)
ĐỨC THẢO
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Mãn Giác, Kinh Pháp Bảo Đàn, Tp. HCM: Nxb. Phương Đông, 2006.
2. Thích Quảng Độ, Từ Điển Phật Học Huệ Quang, Đài Loan: Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, 1999.
3. Thích Minh Châu, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2003.
4. Tìm Hiểu Về Các Tông Phái Thiền Sử Phật Giáo Bắc Truyền Việt Nam - Trung, Học Viện Huế, 2018.
5. Thích Thanh Từ, Kinh Pháp Bảo Đàn, TV. Thường Chiếu, 1992.
6. Thích Trí Minh, Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Ký, PL2531.
7. Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Từ Điển Phật Học Hán Việt, Tp.HCM: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2004.
8. Ban Hoằng Pháp Trung Ương, Phật Học Cơ Bản, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2003.
9. Thích Duy Lực, CÔNG ÁN CỦA PHẬT THÍCH CA VÀ TỔ ĐẠT MA, Từ Ân Thiền Đường Santa Ana Hoa Kỳ Xuất Bản
8http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/kinh-gi-ng/38-truyn-thng-sinh-ng-ca-thin-tp-ii/887-tts-quyn-02-chng-02-2-3-thin-phai-vo-ngon-thong?showall=&start=10