;
Bìa sách ấn bản tiếng Anh (2016) và tiếng Pháp (2017)
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Phiên bản tiếng Anh của quyển sách này được xuất bản tại Mỹ vào tháng 4 năm 2016, tựa là The Heart of Meditation, Discovering Innermost Awareness/Tâm điểm của Thiền định, Khám phá thể dạng tỉnh thức sâu xa nhất, do Jeffrey Hopkins dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh. Tháng 6 năm sau thì bản dịch tiếng Pháp của quyển sách này cũng đã được xuất bản tại Pháp, tựa là Le Coeur de la Méditation, Decouvrir l'esprit le plus secret/Tâm điểm của Thiền định, Khám phá tâm thức thần bí nhất, dịch giả là bà Sofia Stril-Rever.
Chủ đề trình bày trong quyển sách này đã từng được Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết giảng nhiều lần: năm 1982 tại Paris, năm 1984 tại Luân đôn, năm 1988 tại Helsinki, năm 1989 tại San Jose California. Nội dung các lần thuyết giảng này đã được gộp chung trong một quyển sách xuất bản tại Mỹ năm 2000 với tựa là Szogchen: The Heart Essence of the Great Perfection/Szogchen, Bản thể sâu kín nhất của Đại hoàn thiện. Quyển sách được chuyển ngữ dưới đây chủ yếu được dựa vào bản dịch tiếng Pháp của bà Sofia Stril-Rever và đối chiếu lại với bản tiếng Anh của Jeffrey Hopkins.
Nội dung của quyển sách được gom lại từ các buổi thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Luân đôn năm 1984 về một bài thơ thần cảm của vị đại sư Tây Tạng Patrul Rinpoché (1808-1887), người được xem là hóa thân của Shantideva (Tịch Thiên). Bài thơ liên quan đến một phép tu tập thiền định gọi là Szogchen/Đại hoàn thiện của học phái Nyingmapa (Ninh-mã phái), học phái xưa nhất trong số bốn học phái Phật giáo Tây Tạng.
Szogchen hay Đại hoàn thiện là một phép tu tập nhằm đạt được một sự giác ngộ đột khởi, vượt lên trên tất cả các sự hiểu biết nhị nguyên và đối nghịch, kể cả Niết bàn/Nirvana và Ta-bà/Samsara, có nghĩa là người tu tập không vượt từ cõi Ta-bà lên cõi Niết-bàn, mà là lên trên cả hai thứ ấy, kể cả chủ thể tức là cái tôi hay cái ngã của mình. Thể dạng giác ngộ toàn diện và hoàn hảo đó chính là bản thể tinh túy, đơn sơ, sâu kín, nguyên sinh và thần bí nhất của tâm thức, và đó cũng là bản thể của Phật và cũng hiện hữu nơi tất cả chúng sinh.
Hai lời tựa dưới đây của bà Sofia Stril-Rever và Tiến sĩ Jeffrey Hopkins sẽ trình bày nhiều hơn về quyển sách này của Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Bures-Sur-Yvette, 10.01.18
Hoang Phong
Mục lục
Rigpa và Lhaksam: Hai món quà của Đức Đạt-lai Lạt-ma hiến tặng cho thế giới:
Lời tựa của Sofia Stril-Rever...........................................................................
Lời tựa của Jeffrey Hopkins ..........................................................................
Phần thứ nhất
Con đường Phật giáo
1. Vài nhận định..............................................................................................
2. Lòng từ bi nhân ái.......................................................................................
3. Thiền định...................................................................................................
4. Trí tuệ..........................................................................................................
Phần thứ hai
Dẫn nhập về phép Đại hoàn thiện
5. Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng.........................
6. Tâm thức nguyên sinh của ánh sáng trong suốt............................................
Phần thứ ba
Bình giải về
Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu
của Patrul Rinpoché
7. Giáo huấn thứ nhất..................................................................................
8. Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi...................................................
9. Tinh thần vajra hay "lòng nhân ái toàn cầu"
10. Giáo huấn thứ hai........................................................................................
11. Con đường thăng tiến tuần tự......................................................................
12. Giáo huấn thứ ba: Sự giải thoát tự nhiên.....................................................
13. Tính cách đồng nhất của cả ba giáo huấn....................................................
Phần thứ tư
Đối chiếu giữa hai học phái:
dịch thuật xưa và dịch thuật mới
14. Cấu trúc căn bản của học phái dịch thuật xưa trong phép Đại hoàn thiện...
15. Lời khuyên của tôi.....................................................................................
Phụ lục............................................................................................................
Thư tịch chọn lọc...........................................................................................
Lời tựa của bà Sofia Stril-Rever
Rigpa và Lhaksam
Hai món quà của Đức Đạt-lai Lạt-ma hiến tặng cho thế giới
Vào đầu tháng 4 năm 2016, hai quyển sách mới nhất của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được xuất bản cùng một lúc. Quyển thứ nhất [bằng tiếng Anh] được phát hành tại Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 4, và cũng là bản gốc của bản dịch [tiếng Pháp] Le Coeur de la méditation, Découvrir l'esprit le plus secret/Tâm điểm của thiền định, Khám phá tâm thức thần bí nhất này. Cùng một ngày trên đây, quyển thứ hai [của Đức Lạt-lai Lạt-ma] cũng đã được phát hành tại Pháp, đó là quyển Nouvelle Réalité, l'Âge de la responsabilité universelle/Hiện thực mới, Thời đại của trách nhiệm toàn cầu.
Cùng góp phần với Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển thứ hai nhưng nào ngờ sau đó tôi cũng lại là người dịch quyển thứ nhất. Ba tháng sau khi quyển sách thứ nhất [Tâm điểm của Thiền định] trên đây được phát hành ở Mỹ thì một nhà xuất bản tại Pháp lần lượt nhờ ba dịch giả khác nhau dịch quyển sách này sang tiếng Pháp, thế nhưng sau khi dịch được khoảng 20 trang thì cả ba người đều bỏ cuộc vì không thấu triệt được ý nghĩa trong quyển sách. Thế là nhà xuất bản bèn liên lạc với tôi, tuy nhiên suốt trong nhiều ngày sau đó tôi vẫn chưa có dịp mở bản gốc tiếng Anh đính kèm trong điện thư (e-mail) gửi cho tôi. Bỗng nhiên một đêm Đức Đạt-lai Lạt-ma hiện lên trong giấc ngủ của tôi và dạy bảo tôi.
Ngài nói với tôi rằng: "Ta muốn biết chắc là con sẽ không quên đấy nhé. Hãy lập lại [những lời ta vừa giảng dạy] và phải hứa với ta là sẽ không được phép quên". Tôi lập lại từng lời, từng lời một, và cố gắng ghi khắc vào tâm. Sau đó hình ảnh Đức Đạt-lai Lạt-ma vụt biến mất tương tự như một tia chớp làm tôi lóa mắt và thức giấc.
Khi tỉnh dậy, tôi vô cùng hốt hoảng! Mới đó mà tôi đã quên mất những gì tôi vừa hứa là không được phép quên. Tôi chỉ nhớ lỏm bỏm vài điều và thuật lại với Khoa Nguyen, người bạn đời đồng tu với tôi từ hai mươi năm nay. Nhất định là anh ấy đã đọc bản đính kèm này trước tôi nên đã cho tôi biết là những lời giảng dạy trong giấc mơ của tôi chính là cốt lõi của quyển sách này, và ngay sau đó tôi đã tải vào máy. Thật hết sức rõ ràng, các dòng đầu tiên của một siêu phẩm bằng vàng đã hiện ra trước mặt tôi, vừa đọc qua là tôi không khỏi bàng hoàng như trong một giấc mơ, một thể dạng mở rộng của nội tâm, nguyên sinh và không thể mô tả được. Tương tự như cảm nhận được hương vị của vô biên, giữa một không gian trong suốt và sâu thẳm, tâm thức trở nên trần trụi, bên trong nó không có chủ thể suy tư và cũng chẳng có một tư duy nào cả.
Trong phần bình giải về Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã thuyết giảng với phong cách của một vị thầy đã hoàn toàn thực hiện được phép Dzogchen hay Đại hoàn thiện (Great Perfection) (Szogchen hay Đại hoàn thiện là một phép tu tập thiền định dựa vào một nền tảng triết học thật siêu việt, nhằm mang lại một sự giác ngộ tối thượng vượt lên trên các quan điểm Đại thừa và cả Kim cương thừa). Với một văn phong giản dị và trực tiếp Đức Đạt-lai Lạt-ma đã giúp người đọc cảm nhận được rigpa một cách trực tiếp. Rigpa là tiếng Tây Tạng, tiếng Phạn là vidya (rigpa hay vidya nếu là động từ thì có nghĩa là "hiểu biết" hay "ý thức", nếu là danh từ thì có nghĩa là "tổng thể các sự cảm nhận của tri thức" hay "các biến cố tâm thần", cũng có thể hiểu là "trí thông minh", "trí tuệ", hay là "sự hiểu biết của sự hiểu biết"). Trên Nóc nhà thế giới (xứ Tây Tạng) các nhà thông thái (các vị đại sư) thừa hưởng từ các học thuyết của Ấn Độ và đã đạt đến chỗ tột đỉnh của trí tuệ, thì giải thích thuật ngữ này là "tâm thức hay trí tuệ tự tại và nguyên sinh của ánh sáng trong suốt", hay "không gian vajra xuyên thấu không gian", hay "tâm thức minh châu" (tâm thức rạng ngời như viên ngọc qưý), chẳng hạn như trong trường hợp khi nói: "Nếu không có 'tâm thức minh châu' thì sẽ chẳng có Phật cũng chẳng có chúng sinh" (chữ rigpa có nghĩa từ chương khá đơn giản thế nhưng Phật giáo Tây Tạng đã nâng lên một cấp bậc thật cao siêu, mang ý nghĩa của một khái niệm sâu sắc lồng trong một phép tu tập đặc thù).
Sở dĩ có nhiều cách diễn đạt khác nhau như trên đây là để nêu lên một cái gì đó không thể mô tả ra được. Đức Đạt-lai Lạt-ma dịch chữ rigpa là "tâm thức thần bí nhất" (the most secret spirit), nhưng cũng có thể hiểu một cách từ chương hơn là "tâm thức sâu kín nhất" (the innermost spirit). Trong phần giải thích về rigpa, Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ nêu lên cấp bậc tột đỉnh trong giáo huấn của học phái Nyingmapa (Nyingmapa dịch âm là Ninh-mã phái, tiền ngữ nyingma có nghĩa là cổ xưa, hậu ngữ pa có nghĩa là truyền thống hay trào lưu), là học phái xưa nhất trong số bốn học phái Phật giáo Tây Tạng.
Do đó quyển sách này có một sức lôi cuốn thật mạnh, vì nó nêu lên các lãnh vực khảo cứu về tâm thần và sự suy tư (contemplative/trầm tư, chiêm nghiệm, thiền định) mà thế giới Tây Phương từ lâu nay vẫn thường xem là các hoạt động đơn giản của não bộ, tức là các kinh nghiệm cảm nhận chủ quan, các xúc cảm và thái độ tâm thần. Trái lại tâm lý học Phật giáo Tây Tạng xác định tâm thức qua nhiều cấp bậc tinh tế, từ thấp đến cao, gồm tất cả tám mươi cấp bậc tri thức khái niệm khác nhau, đưa đến các sự cảm nhận trong cuộc sống cũng như trong quá trình của cái chết và cả trong giai đoạn trung gian giữa hai kiếp sống gọi là bardo.
Tại sao Đức Đạt-lai Lạt-ma lại đặc biệt quan tâm đến các ngành khoa học về sự nhận thức nội tâm đến thế? Bởi vì sự hiểu biết tường tận về bản chất của tâm thức sẽ giúp biến cải hữu hiệu tiềm năng của các yếu tố tâm thần và các thể loại xúc cảm, hầu mang lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Các chúng sinh giác ngộ, chẳng hạn như các vị a-la-hán, bồ-tát và chư Phật sở dĩ đã phát động được "lòng từ bi rộng lớn, nhân ái, vô biên, thoát khỏi mọi định kiến" và "tình thương yêu vô điều kiện" cũng như "các phẩm tính tuyệt vời khác", ấy là nhờ vào việc luyện tập tâm thức bằng phép thiền định. Thật vậy, nguyên nhân của khổ đau (nghiệp) nằm bên trong tâm thức, do đó chỉ có tâm thức mới có thể loại bỏ được nó mà thôi. Vì vậy thật hết sức quan trọng là phải phát huy thật mạnh khả năng tự biến cải của tâm thức mới có thể đạt được thể dạng vô cùng tinh tế và cực mạnh của tâm thức thần bí (rigpa).
Đức Đạt-lai Lạt-ma xem tâm thức qua các kinh nghiệm cảm nhận của nó thật quan trọng và mang tính cách quyết định nhất, vì thế ngay từ năm 1987 Ngài đã tổ chức các cuộc hội thảo Minds and Life/Tâm thức và Sự sống, quy tụ các khoa học gia nổi tiếng trên thế giới và những người suy tư (quan tâm đến sự vận hành của tâm thức) nhằm trao đổi với nhau về những sự hiểu biết trong các lãnh vực khác nhau. Ngoài ra, gần đây hơn Ngài còn đề xướng một lãnh vực khảo cứu mới, và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một biểu đồ liên quan đến cuộc sống xúc cảm và các quá trình vận hành của tư duy của một cá thể đã được thành lập (xem trang atlasofemotions.org trên Internet - ghi chú trong sách, gcts). Sự hiểu biết sâu xa về tâm thức sẽ mang lại một tầm nhìn toàn diện giúp chúng ta nhận dịnh đúng đắn hơn về vị trí và ý nghĩa của một chúng sinh trên hành tinh này của chúng ta trong thế kỷ XXI. Đây cũng là cách giúp mình ý thức được là phải làm thế nào để giúp đỡ mọi hình thức hiện hữu, dù đấy là con người hay không phải là con người cũng vậy, chẳng qua cũng vì tất cả đều là thành phần của một cộng đồng bất khả phân của sự sống trên Địa cầu.
Quan điểm tu tập của Đức Đạt-lai Lạt-ma đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại - kể cả việc xét lại sự vững chắc - về những gì mà trước đây mình tin đúng là như thế. Quan điểm đó được dựa vào nguyên lý tương liên chi phối toàn bộ hiện thực của sự sống mà bên trong nó tất cả mọi thứ đều tương kết với nhau. Sự hiểu biết trực giác (về nguyên lý tương liên) từ ngàn xưa ấy của các nước Ấn và Tây Tạng - dù ngày nay đã được xác nhận bởi các ngành khoa học Vật lý lượng tử - nhưng vẫn còn mang nặng tính cách lý thuyết, chưa thật sự tạo được một sự quan tâm đúng mức (con người vẫn chưa cảm nhận được vị trí tương liên giữa mình với người khác, với xã hội và sự sống trên hành tinh này, do đó cảm tính của một cái tôi chật hẹp và ích kỷ vẫn còn chi phối mỗi cá thể quá nặng nề). Chỉ vì không thấu hiểu được là hiện-hữu (exist) cũng có nghĩa là cùng-nhau-hiện-hữu (co-exist) qua các thể dạng thật phức tạp của tâm thức, của năng lượng và cả thân xác mình, nên các vấn đề khó khăn trong thế giới ngày nay chỉ được giải quyết thật hạn hẹp, xoay quanh các khía cạnh vật lý và vật chất, không một chút ý thức là các khó khăn ấy còn liên quan đến một cấp bậc sâu xa hơn tức là tâm thức.
Sự hung bạo trong các xã hội chúng ta, chẳng hạn như nạn đói trên thế giới, hố sâu cách biệt giàu nghèo, vấn nạn tham nhũng, công cụ hóa con người và thú vật, tất cả không nhất thiết chỉ phát sinh từ các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Nguyên nhân đa dạng và phức tạp hơn nhiều, phải tìm kiếm nó bên trong tâm thức con người, bởi vì chính tâm thức làm phát sinh ra các xúc cảm tàn phá (tiếng Pa-li là kilesa, tiếng Phạn là klésa, kinh sách Hán ngữ dịch là "phiền não"! Tiếc thay, một chữ dịch sai cũng có thể mang lại hoang mang và bế tắc cho người tu tập). Các xúc cảm ấy sẽ còn tiếp tục dấy lên trong tâm thức khi chưa được luyện tập để ý thức được phi-bạo-lực cũng như bản chất nhân loại bên trong nó và các giá trị căn bản khác, mang lại bởi tình thương yêu, lòng từ bi, tính bao dung, lòng rộng lượng và sự tha thứ.
Thật rõ ràng là các bản tuyên ngôn thành lập các cộng đồng quốc gia trên thế giới đều khẳng định tính cách bất khả kháng về nhân quyền, thế nhưng trên thực tế thì làm thế nào có thể bảo đảm được quyền sống trong hòa bình mà lại không nghĩ đến việc dạy cho các đứa trẻ - tức là nhân loại trong tương lại - biết ý thức về sự an bình trong nội tâm chúng! Lời mở đầu trong Hiến chương UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) năm 1945 nêu lên thật rõ ràng: "Chiến tranh phát sinh từ tâm thức con người, do đó con người cũng phải tạo ra các nguyên nhân mang lại hòa bình từ bên trong tâm thức mình". Thế nhưng tạo ra các nguyên nhân mang lại hòa bình thì cũng chẳng khác gì như đạt được tâm điểm của thiền định giúp mình quán thấy được bản chất đích thật của tâm thức ở thể dạng thần bí nhất..
Khi dịch quyển Tâm điểm của thiền định này tôi bỗng khám phá ra một điều liên quan đến một quyển sách khác mang tựa là Nouvelle Réalité/Hiện thực mới (đây một quyển sách của Đức Đạt-lai Lạt-ma với sự cộng tác của bà Sofia Stril-Rever) cũng đã được xuất bản cùng một ngày. Sự trùng hợp đó dường như không phải là một sự ngẫu nhiên hay tình cờ nào cả, mà đúng hơn đã cho thấy có một sự tương hợp nào đó giữa các sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, nói lên một sự rung cảm đồng bộ trong sự tỏa rộng của một hình thức năng lượng toàn cầu (rất nhiều sự kiện trong cuộc sống mà chúng ta thường xem là xảy đến với mình một cách tình cờ hay ngẫu nhiên, nhưng thật ra chúng phát sinh từ các nguyên nhân sâu xa và lâu đời, liên hệ với mình thật sâu kín, chỉ có những người hành thiền lão luyện mới nhận thấy được nguyên lý tương liên chi phối phía sau các sự kiện ấy). Cả hai quyển sách trên đây cùng tạo ra một tổng thể chung thật hoàn hảo. Độc giả sẽ nhận thấy quyển sách mà mình đang cầm trong tay, qua từng trang một, dần dần đưa đến một sự quán thấy và cả một phép thiền định, trong khi đó quyển Hiện thực mới thì lại hướng thẳng vào hành động. Thế nhưng làm thế nào hành động có thể đúng đắn được khi mà nó không được hướng dẫn bởi sự quán thấy và thiền định?
Hệ thống Đại hoàn thiện nêu lên một phép thiền định giúp mình hiểu được sự quán thấy là một thể dạng nghỉ ngơi không xao động (imperturbable/bình thản, không lay động, không xao xuyến, kinh sách sutta - tức là các kinh sách bằng tiếng Pa-li trong Tam Tạng Kinh - thì gọi sự "nghỉ ngơi" này là sự "ngưng nghỉ", "đình chỉ" hay "dừng lại"/nirodha) tương tự như một ngọn núi bất động; hiểu được thiền định là một thể dạng nghỉ ngơi không xao động, tương tự như khối nước bất động ở đáy đại dương dù trên mặt đầy sóng gió; và hiểu được hành động là một thể dạng nghỉ ngơi không xao động dù phải đối đầu với các cảm nhận về mọi hiện tượng đang hiện lên và biến mất chung quanh mình và cả bên trong chính mình.
Điều mà Đức Đạt-lai Lạt-ma kêu gọi chúng ta trong quyển Hiện thực mới là phải hành động để chuyển Niên đại biến đổi này do con người tạo ra (trong nguyên bản là chữ Anthropocène, là một thuật ngữ chỉ định "niên đại địa chất" mà con người qua các sự sinh hoạt của mình, bắt đầu làm cho hệ thống môi sinh bị biến đổi) trở thành Thời đại trách nhiệm toàn cầu (Age of universal responsability). Thế nhưng lhaksam, tức là trách nhiệm toàn cầu, cũng liên hệ với toàn thể vũ trụ, nhất là đối với tất cả chúng sinh trên hành tinh này qua những sự âu lo và dấn thân của chúng ta đối với mỗi chúng sinh ấy. Và đấy cũng là cố gắng chủ yếu nhất trong mọi sinh hoạt phi thường của Đức Đạt-lai Lạt-ma và những người cùng bước theo Ngài trên con đường Giác Ngộ vị tha, khơi động bởi lòng ước mong làm vơi bớt khổ đau cho thế giới. Tâm điểm của thiền định là cả một nền giáo huấn nguyên thủy và chân chính, mang khả năng biến cải và cách mạng, làm tỏa sáng thể dạng tâm thức thần bí rigpa, báo hiệu buổi rạng đông của lhaksam (trách nhiệm toàn cầu), linh hồn của cả một hiện thực mới.
Katmandou, Dharamsala, tháng 3, 2017
Sofia Stril-Rever
Lời tựa của Jeffrey Hopkins
Đây là một quyển sách khác thường của Đức Đạt-lai Lạt-ma phân tích bản chất của thiền định thật chi tiết và sâu sắc. Mùa hè năm 1984, nhằm chuẩn bị cho một buổi thuyết giảng [của Đức Đạt-lai Lạt-ma] tại Luân đôn liên quan đến một bài thơ thần cảm về tâm thức sâu kín, trước tác của một du-già Tây Tạng, tôi đã tìm gặp Ngài tại Văn Phòng Riêng (Private Office, tiếng Tây Tạng là Kuger Yigtsang, là Văn phòng và ban thư ký riêng của Đức Đạt-lai Lạt-ma, và cũng là nơi hoạch định các buổi tiếp kiến cùng các chương trình thuyết giảng của Ngài tại các nước trên thế giới - ghi chú trong sách/gcts) tại Dharamsala ở Ấn Độ. Nhân dịp này Ngài giảng trước cho tôi nghe về bài thơ trên đây, chẳng qua là vì nội dung của nó sẽ làm căn bản cho các buổi thuyết giảng trước công chúng [tại Anh Quốc] mà tôi sẽ là thông dịch viên. Trong quyển sách này tôi gộp chung những lời giảng riêng [mà Ngài đã dành cho tôi trong dịp trên đây] và các buổi thuyết giảng chính thức của Ngài tại Camden Center (một Trung tâm hội nghị tại Luân đôn dành tiếp đón các nhân vật quốc tế thuộc các lãnh vực nghệ thuật, khoa học nhân văn và triết học - gcts). Độc giả có thể tìm thấy trong quyển sách này những lời hướng dẫn rất minh bạch giúp mình đi sâu vào một thể dạng thiền định thật sâu sắc. Thể dạng đó vượt thoát khỏi các tấm màn che giăng ra bởi tình trạng quá dư thừa tư duy, sẽ giúp mình loại bỏ tri thức thông thường ra khỏi bản thể trần trụi của tâm thức thần bí nhất. Mục đích là sử dụng không gian (khoảng trống) phân cách giữa các tư duy để cảm nhận cấp bậc sâu xa nhất của tâm thức căn bản, giúp nó trồi lên mặt để làm nền tảng cho mọi sự nhận thức.
Quyển sách được chia ra làm bốn phần. Trong phần thứ nhất, Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên bối cảnh chung về ý nghĩa của bài thơ với những lời giải thích vô cùng trực tiếp nhằm chuẩn bị cho những lời khuyên mà Ngài sẽ triển khai sâu rộng hơn trong các phần sau: đấy là cách phát động lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh và các cách luyện tập nhằm mang lại cho mình sự nhận thức về bản chất của tất cả mọi hiện tượng - dù là con người hay sự vật. Trong phần thứ hai Đức Đạt-lai Lạ-ma giải thích về hệ thống Đại hoàn thiện (tiếng Tây Tạng là Dzogchen, là con đường thật trọn vẹn mang lại sự hiểu biết và các cảm nhận về bản chất của tâm thức, vượt thoát khỏi mọi ảnh hưởng tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa. Giáo huấn mang tính cách tâm linh này trong Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ lâu đời, đã được các vị thầy thuộc các dòng truyền thừa không gián đoạn, lưu truyền qua hàng bao thế kỷ cho đến nay - gcts) và xác định thể dạng tâm thức thần bí nhất chính là nguyên tắc căn bản trong việc tu tập, tương tự như trong tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng khác. Trong phần thứ ba Ngài bình giải về ý nghĩa chủ yếu ẩn chứa trong bài thơ thần cảm Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu bằng cách nêu lên thông điệp quan trọng của Ngài gồm ba giáo huấn: thứ nhất, giúp người tu tập nhận biết được tâm thức thần bí nhất bên trong chính mình; thứ hai, giúp người tu tập giữ vững sự tiếp xúc thường xuyên với tâm thức thần bí nhất qua từng thể dạng tri thức; thứ ba, giúp người tu tập tự giải thoát ra khỏi tình trạng quá dư thừa tư duy.
Thật ra cũng không khó để nhận thấy ý nghĩa chung liên kết giữa ba phần đầu trên đây trong quyển sách. [Trước hết] là phát huy lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, đấy là cách giúp mình phá sập các bức rào giam mình trong vô số tư duy và hành động mang tính cách kém xây dựng cũng như tàn phá (phần thứ nhất). Sau đó là khám phá ra bản chất tâm thức của chính mình và các đối tượng của sự hiểu biết, đó là cách làm giảm tính cách thu hút và mê hoặc của thế giới vật chất (phần thứ hai) và đấy cũng là cách giúp mình tận dụng các khoảng trống giữa các tư duy để làm hiển lộ cấp bậc tri thức sâu kín nhất (phần thứ ba).
Sau hết, trong phần thứ tư của quyển sách, Đức Đạt-lai Lạt-ma giải thích chi tiết hơn về các điểm thật chính xác trên phương diện tâm linh, chẳng hạn như hai sự thật quy ước và tối thượng, thể dạng tinh khiết nguyên sinh, sự rạng ngời trong nội tâm và bên ngoài, sự thu nhỏ dần dần của các khái niệm và sự thăng tiến ngày càng quan trọng hơn của tâm thức thần bí nhất, cũng như sự quán thấy ánh sáng trong suốt qua từng thể dạng của tri thức. Thật ra cả bốn phần trên đây đều bổ túc cho nhau, do đó có thể đọc bốn phần này theo thứ tự từ một đến bốn hoặc ngược lại tùy ý thích của mỗi người.
Tôi cũng xin mạn phép thuật lại những ngày lưu trú tại Luân Đôn trong dịp hội thảo này tại Camden Center, chẳng qua là vì khoảng thời gian đó đã lưu lại cho tôi nhiều kỷ niệm thú vị. Tổ tiên tôi, thuộc cả hai dòng họ Hopkins và Adams, đều có nguồn gốc Anh quốc, thế nhưng họ đã sinh sống trên đất Mỹ từ thời kỳ Cách mạng (phong trào dành độc lập của Mỹ nhằm tách ra khỏi đế quốc Anh vào cuối thế kỷ XVIII). Điều trăn trở trong lòng tôi là muốn biết xem xứ sở gốc gác của tổ tiên tôi có gợi lên cho mình một chút lưu luyến nào đối với người dân Anh hay không? [Trong dịp này] Đức Đạt-lai Lạt-ma lưu trú trong một gia đình thật hiếu hòa, ngoan đạo và dễ mến, đó là gia đình của vị Giám mục Edward F. Carpenter quản lý chủng viện Westminster (từ năm 1974 đến 1986 - gcts) và vợ là Lilian. Cả hai đều rất vồn vã và cởi mở ngay từ phút đầu [khi được gặp lại Ngài]. Phần tôi thì tạm trú trong khuôn viên của một Câu lạc bộ rất thông thoáng, cách đó chỉ vài khu phố. Nếu muốn đến đấy thì phải đi ngang văn phòng của Thủ tướng chính phủ, nằm trên đường Downing. Với bản tính thích khuấy động của tuổi trẻ (lúc ấy Jeffrey Hopkins đã 44 tuổi), tôi tiến đến gần cổng nhà số 10 (tức là cửa vào văn phòng Thủ tướng) và đứng ỳ ra đấy thật lâu, khiến người giữ an ninh đứng gác ở cổng tỏ ra khó chịu.
Ngày 2 tháng 7 (xin nhắc lại đấy là vào năm 1984, và lúc đó Đức Đạt-lai Lạt-ma đã 49 tuổi), Lilian Carpenter (bà vợ của vị Giám mục) hướng dẫn tôi băng ngang chủng viện Westminster, tuy đồ sộ nhưng màu sắc thì lại xám xịt một cách khủng khiếp. Chúng tôi hàn huyên với nhau rất thú vị, đôi lúc thật vui vẻ. Sự trao đổi thân thiện đó đã tạo dịp cho chúng tôi gợi lại lịch sử của các vĩ nhân Anh quốc mà hình ảnh của họ được tạc trên các bức tường đá to lớn chung quanh chúng tôi, nhằm vinh danh họ. Thế nhưng cũng lạ, tôi phải thú nhận rằng nếu bên cạnh Lilian tôi càng cảm thấy gần gũi với quê hương tôi bao nhiêu thì tôi lại càng cảm thấy tổ tiên tôi xa lạ với tôi bấy nhiêu (cũng vậy, mỗi khi viết lách hay dịch thuật, đọc đi đọc lại các dòng chữ tiếng Việt, người chuyển ngữ càng cảm thấy mình gần gũi với tổ tiên trên quê hương mình bao nhiêu, thì lại càng cảm thấy xa lạ với các vị anh hùng trên quê hương đó bấy nhiêu).
Sáng hôm sau, tôi quay lại chủng viện Westminster để làm thông dịch viên cho Đức Đạt-lai Lạt-ma. Bài hợp xướng của các cậu bé với giọng hát như thiên thần vừa chấm dứt thì đến lượt Đức Đạt-lai Lạt-ma. Trước cử tọa trong chủng viện mênh mông đó Ngài thốt lên một câu bằng tiếng Tây Tạng: "Tôi không màng đến các thứ dinh thự này", với một cử chỉ cho biết là Ngài muốn nói đến tòa dinh thự mà tất cả mọi người đang ở trong đó và sau cử chỉ đó thì Ngài ngước mặt lên trời phía trên đầu chúng tôi. Đấy là câu tuyên bố đầu tiên của Ngài trước công chúng tại Luân đôn, sau đó thì Ngài im bặt, chờ tôi dịch xong. [Tuy dịch nhưng] tôi hoàn toàn không có một ý niệm nào về những gì mà Ngài đang nghĩ trong đầu, và cả những gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó. Tôi không hình dung ra được một bối cảnh nào cả. Tôi chỉ hiểu rằng mình có bổn phận phải dịch thật đúng những gì một vị Lạt-ma giảng dạy, và phải dựa thật trung thực vào từng bối cảnh để tìm chữ thế thôi. Thế nhưng trước những gì đang diễn ra tôi không xác định được một bối cảnh nào cả, nếu không thì đấy cũng chỉ là tòa giảng đường và cử tọa trước mặt tôi!
Dầu sao thì điều đó cũng không quan trọng gì mấy. Điều hệ trọng hơn cả là thông điệp của Đức Đạt-lai Lạt-ma mà tôi phải dịch thật trung thực từng lời. Và tôi đã cố gắng thực hiện điều đó. Thật ra đây là cuộc viếng thăm Anh quốc lần thứ hai của Ngài, thế nhưng trong lần thứ nhất thì Ngài không thuyết giảng. Do đó quần chúng không thể hình dung ra được một bối cảnh nào cả. Đối với tôi thì họ không có một phản ứng nào thế thôi. Khi nhìn vào gương mặt họ thì cứ như là Đức Đạt-lai Lạt-ma chưa hề thốt ra một lời nào cả.
Ngài tiếp tục buổi thuyết trình và tuyên bố như sau: "Những thứ khiến tôi quan tâm chính là những gì đang diễn ra trong tâm thức quý vị, bên trong con tim của quý vị". Ngày nay mỗi khi Ngài thốt lên những lời đó thì tức khắc mọi người đều hiểu, với lòng biết ơn sâu xa. Thế nhưng lúc đó, trong chủng viện Westminster, khi nhìn vào cử tọa thì tuyệt nhiên tôi không thấy một phản ứng nào. Nếu có một chút gì xảy ra thì cũng chỉ là ngấm ngầm mà thôi. Thế nhưng sau đó thì dần dần cử tọa bắt đầu tỏ ra nồng nhiệt hơn.
Đức Đạt Lai-Lạt-ma bắt đầu nói đến chiều sâu trong tư tưởng của Ngài, và dần dần sau đó mọi người cũng bắt đầu hiểu. Họ biểu lộ sự ngưỡng mộ và thán phục của mình trước một con người đang kêu gọi mình hãy nên quay nhìn vào bên trong chính mình. Thông điệp đó từ trước đến nay chỉ là một, sự khác biệt duy nhất là ngày càng quả quyết hơn khi Ngài đã trở thành Vị Lạt-ma của thế giới.
Tôi mạn phép được thuật lại với quý vị một giai thoại khá lý thú khác như sau. Trước khi đến Luân Đôn, Đức Đạt-lai Lạt-ma và đoàn tùy tùng có viếng thăm Edinbourg (xứ Scotland), Glasgow (xứ Scotland), và Coventry (Anh quốc), và trong khi đang viếng thăm các nơi này thì tiếng đồn truyền đi khắp nơi là Ngài sẽ nói chuyện tại Royal Albert Hall ngày 5 tháng 7 sắp tới. Tôi có cảm giác tiếng đồn này là cả một sự mừng rỡ "Thế à, tại thính đường Hall đấy à!" (trong nguyên bản là "Wow Hall!" chữ Wow trong tiếng Anh thường nói lên sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ, trong trường hợp này là sự vui mừng khi được biết Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ nói chuyện tại một trong những nơi vinh dự và nổi tiếng nhất của Luân đôn - gcts) thốt lên bởi toàn thể nước Anh! Lý do là vì thính đường này thật tuyệt đẹp với năm bao lơn chồm sát sân khấu khiến không có chiếc ghế nào quá xa, nhờ đó toàn thể thính đường tạo ra một khung cảnh thật thân mật. Bục tròn của sân khấu chồm gần đến cử tọa khiến mọi người có cảm tưởng là mình có thể chống khuỷu tay lên đó. Đức Đạt-lai Lạt-ma và tôi giữ vị trí trung tâm. Lúc đó buổi giảng đã được hai phần ba, về phía tay trái chúng tôi và cách chúng tôi không xa, có một thính giả ngồi ở hàng đầu mở một lon nước ngọt làm bật lên một tiếng thật mạnh của hơi trong lon và tiếng sủi bọt của nước ngọt..
Như thường lệ, Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn hoàn toàn bình thản. Thế nhưng đối với tôi thì lại khác, tôi nghĩ rằng mình thuộc hàng rào phòng ngự đầu tiên của Ngài, chẳng qua vì tôi đang ở bên cạnh Ngài, do đó tôi tự hỏi có phải vị thính giả này muốn tắm nước soda hay sao (tức là có muốn lon nước soda trút lên đầu mình hay không?). Thế nhưng không có chuyện gì xảy ra cả, và buổi thuyết giảng vẫn tiếp tục thật trọn vẹn. Trong lúc vị Giám mục ngỏ lời tạm biệt thì chúng tôi đang ở sau hậu trường, tôi bèn quay sang hai người cận vệ Tây Tạng và nói khẽ với họ là hãy canh chừng người cầm lon soda đang ngồi ở hàng ghế đầu. Cả hai hiểu lầm là tôi báo với họ người này có "cầm một thanh kiếm", và thế là cả hai bèn giữ thế thủ thật căng thẳng (sự hiểu lầm sở dĩ xảy ra là vì chữ soda và chữ sword/thanh kiếm phát âm khá giống nhau trong tiếng Anh - gcts)! Sau đó khi hiểu ra thì cả hai đều trách tôi là đã trêu chọc họ bằng cách phát âm mập mờ đó (kể một câu chuyện khôi hài nhưng thật ra là hết sức tế nhị, đấy là cách tránh né không nói thẳng ra là có những người nghe nhưng không hiểu gì cả. Là người Mỹ thế nhưng Jeffrey Hopkins vẫn còn giữ lối châm biếm và khôi hài tế nhị của tổ tiên mình là người Anh. Đối với độc giả của quyển sách này cũng vậy, không nên vừa đọc vừa uống trà lại vừa nhấm nhía kẹo bánh, mà phải thật chú tâm và nhìn thật sâu vào chính mình để khám phá ra thể dạng thần bí nhất của tâm thức mình).
Sau buổi thuyết giảng trên đây tại Royal Albert Hall với chủ đề "An bình trong tâm thức [đưa đến] an bình trong hành động" (Peace of Mind, Peace in action) được mọi người hoan nghênh nồng nhiệt thì Đức Đạt-lai Lạt-ma lại quay về với một giảng đường khiêm tốn hơn của thành phố Luân đôn là Camden Center. Tại đây Ngài đã dành ra bốn ngày để thuyết giảng về một chủ đề vô cùng quan trọng trong Phật giáo là nguyên lý tương liên (interdependence) và sau đó chấm dứt với năm buổi giảng về một bài thơ thần cảm gợi ý cho nội dung của quyển sách này.
Quyển sách vô cùng phong phú này phản ảnh chiều sâu của cả nền văn hóa Tây Tạng về thiền định và thế giới nội tâm. Quyển sách ngập tràn lòng nhân từ và những lời giáo huấn thực tiễn, quả là một bằng chứng sáng chói nêu lên sự rạng ngời của nền văn minh Tây Tạng mà ảnh hưởng từng tỏa rộng trong toàn thể Á Châu, và ngày nay đang mang lại nhiều điều tốt lành trên khắp thế giới.
Jeffrey Hopkins, PhD
Chủ tịch viện UMA về Tây Tạng học,
Giáo sư tối cao về Tây Tạng học tại Đại học Virginia
(UMA /"Union of the Modern and the Acient" còn được gọi là UMA Institute for Tibetan Studies, do Jeffrey Hopkins sáng lập)
Chương 1
VÀI NHẬN ĐỊNH
Một phần lớn thế giới ngày nay được kết nối bởi một hệ thống liên lạc điện tử và thông tin chớp nhoáng. Vào thế kỷ XXI này, nền kinh tế toàn cầu còn khiến các quốc gia và các dân tộc càng phải lệ thuộc vào nhau nhiều hơn nữa. Vào các thời kỳ xa xưa những hình thức thương mại quốc tế không phải là một điều cần thiết. [Trái lại] ngày nay chúng ta không thể nào sống biệt lập được. Do đó nếu các quốc gia không duy trì mối bang giao tương kính lẫn nhau thì thật khó tránh khỏi xảy ra các vấn đề rắc rối. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy các cuộc xung đột nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra giữa các nước giàu nghèo, tương tự như giữa những người nghèo khổ và những kẻ dư thừa bên trong một quốc gia, thế nhưng những sự nứt rạn về kinh tế đó vẫn có thể giải quyết được bằng sự ý thức sâu xa về nguyên lý tương liên và trách nhiệm toàn cầu. Một dân tộc trong một quốc gia phải xem các dân tộc khác trong các quốc gia khác,và cả những người cùng chung sống trong cùng một xứ sở với mình, đều là anh chị em của mình và họ cũng phải được hưởng quyền tự do phát triển như chính mình.
Dù một số các nhà lãnh đạo chính trị cho thấy nhiều cố gắng thật đáng khen thế nhưng các cuộc khủng hoảng vẫn cứ bộc phát. Chiến tranh vẫn cứ tiếp tục gây ra chết chóc cho những kẻ vô tội: người già, trẻ em vẫn cứ bị vong mạng. Dù vô tội nhưng người lính vẫn phải gánh chịu những khổ đau rất thật, chẳng phải đấy là một điều đáng buồn hay sao. Việc buôn bán vũ khí với hàng ngàn hàng vạn súng ống, đạn dược đủ loại, sản phẩm của các cường quốc, chính là cách tiếp tay duy trì sự hung bạo. Thế nhưng cũng có những thứ nguy hiểm hơn cả bom đạn: đấy là hận thù, thiếu lòng từ bi và thái độ bất chấp quyền hạn của kẻ khác. Một khi hận thù còn tồn tại trong tâm thức con người thì hòa bình đích thật sẽ không bao giờ thực hiện được.
Chúng ta phải làm bất cứ gì có thể làm được để ngăn chận chiến tranh và loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới này. Khi viếng thăm Hiroshima, nơi gánh chịu quả bom nguyên tử đầu tiên, tôi được trông thấy tận mắt chỗ mà quả bom rơi xuống, và được nghe những người sống sót thuật lại những gì mà họ từng chứng kiến. Tim tôi se thắt lại. Trong một thoáng không biết bao nhiêu người ngã gục! Số người bị thương còn nhiều hơn nữa! Biết bao nhiêu đau thương và đổ vỡ gây ra bởi bom đạn hạt nhân! Hãy cứ nhìn nào số tiền khổng lồ mà người ta đổ vào việc chế tạo các thứ vũ khí đó thì sẽ rõ. Thật hết sức phi lý! Quả là một sự hổ thẹn không che dấu được!
Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho nhân loại, nhưng không phải vì thế mà không trả một giá quá đắt. Chẳng hạn như việc phát minh phi cơ dân sự giúp con người di chuyển dễ dàng khắp nơi trên thế giới là một điều đáng quý, trái lại việc sản xuất khí giới với sức tàn phá khủng khiếp là cả một điều thật tồi tệ. Dù quê hương có xinh đẹp cách mấy và xa xôi đến đâu, thế nhưng các dân tộc sống trong các quê hương ấy khó tránh khỏi phải thường xuyên phập phồng lo âu trước những mối hiểm nguy rất thật. Hằng ngàn và hằng ngàn đầu đạn nguyên tử đang hướng thẳng vào họ và sẵn sàng được phóng đi bất cứ lúc nào. Chỉ cần một đầu đạn hạt nhân cất dấu trong một thành phố cũng đủ để tàn phá cả thành phố ấy, thế nhưng nếu không có ai châm ngòi thì nó cũng không nổ được. Tác ý của con người vẫn là yếu tố quyết định duy nhất và cuối cùng.
Phương pháp duy nhất có thể thiết lập một nền hòa bình lâu dài là tạo ra một sự tin cẩn, tương kính, tình thương yêu và lòng nhân ái. Không có cách nào khác cả. Việc ganh đua sản xuất các loại vũ khí thông thường, hạt nhân, hóa học hay sinh học, cũng như các kế hoạch và ý đồ tranh dành ưu thế của các cường quốc chỉ mang lại đổ vỡ mà thôi. Không thể nào tạo được một nền hòa bình đích thật khi mà thế giới vẫn còn ngập tràn hận thù vả giận dữ!
An bình bên ngoài sẽ không bao giờ có được khi an bình bên trong [nội tâm] chưa thực hiện được. Tìm kiếm các giải pháp bên ngoài quả là một việc làm cao quý, thế nhưng khi con người vẫn còn duy trì hận thù và giận dữ trong tâm thức mình, thì các giải pháp ấy cũng sẽ chẳng hiệu quả gì. Sự biến cải triệt để phải bắt nguồn từ bên trong tâm thức. Trên phương diện cá nhân, mỗi người trong chúng ta phải luyện tập để biến cải các xu hướng căn bản liên quan đến các xúc cảm của mình. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng sự luyện tập, có nghĩa là phải cố gắng sửa đổi dần dần cách mà mình nhìn vào chính mình (không nên quá ích kỷ) và kẻ khác (phải vị tha hơn).
Tình trạng tuyệt vọng ngày nay trên thế giới bắt buộc chúng ta phải hành động. Mỗi người trong chúng ta phải có bổn phận góp phần mình vào việc giúp đỡ toàn thể nhân loại ở một cấp bậc thật sâu xa. Tiếc thay, con người thường chỉ biết hy sinh vì một thứ ý thức hệ nào đó mà thôi. Đó là một sự sai lầm hoàn toàn. Các thể chế chính trị đương thời phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, đối với tiền bạc cũng vậy, không nên để nó kiểm soát con người mà phải sử dụng nó để phục vụ con người.
Lòng nhiệt tình và sự kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta biết nhìn vào quan điểm của kẻ khác và trao đổi ý kiến với họ bằng các cuộc thảo luận hòa nhã, đấy là cách mang lại sự hợp tác. Vì tình thương yêu và lòng từ bi đối với nhân loại, chúng ta phải có bổn phận tạo ra sự hài hòa giữa các quốc gia, các ý thức hệ, các nền văn hóa, sắc tộc, các hệ thống chính trị và kinh tế.
Khi nào ý thức thành thật được tính cách đồng nhất của nhân loại thì lòng ước vọng kiến tạo hòa bình của mình mới có thể mạnh mẽ được. Trên bình diện sâu xa, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, do đó chúng ta phải cùng chia sẽ những niềm đau của nhau. Ước vọng cao đẹp nhất của chúng ta về một nền hòa bình lâu dài trong thế giới này nằm bên trong sự kính trọng, lòng tín cẩn và niềm âu lo cho sự an vui giữa chúng ta với nhau.
Tất nhiên là các vị lãnh đạo quốc gia phải nhận lãnh một trọng trách nào đó đối với những điều trên đây, thế nhưng trên phương diện cá nhân thì mỗi người trong chúng ta cũng phải đóng góp phần mình, dù là mình theo tôn giáo nào cũng vậy. Chỉ cần đơn giản ý thức được mình là một con người, mong cầu đạt được hạnh phúc và loại bỏ khổ đau, thì cũng đủ để cảm thấy mình là công dân của hành tinh này, và do đó phải có trách nhiệm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nó.
Chúng ta phải luyện tập tâm thức thì mới có thể tạo ra cho mình một thái độ thân thiện, một con tim nồng nhiệt, giúp mình biết kính trọng quyền hạn và sự an vui của kẻ khác. Mục đích chủ yếu nhất trong việc luyện tập tâm thức là trau dồi lòng từ bi và sự an bình nội tâm, thái độ đó không thể thiếu sót trong xã hội con người ngày nay, chẳng qua là vì nó có khả năng mang lại sự hài hòa đích thật giữa các quốc gia, sắc tộc và dân tộc khác nhau, thuộc các tín ngưỡng, các đảng phái chính trị và các hệ thống kinh tế khác nhau. Tạo được một tâm thức từ bi và an bình mới có thể giúp mình phát huy dược nghị lực và lòng quyết tâm mang lại sự biến đổi.
Các bạn có đồng ý với tôi hay không? Hay các bạn xem những thứ ấy chẳng mang một ý nghĩa nào cả? Tôi chỉ đơn giản là một nhà sư Phật giáo. Những gì tôi nói ra cũng chỉ là các kinh nghiệm hạn hẹp của riêng tôi. Thế nhưng trong từng ngày tôi luôn cố gắng biến các ý nghĩ ấy trở thành hành động trong cuộc sống của tôi, nhất là khi tôi phải đối đầu với các khó khăn. Tất nhiên cũng có lúc tôi không làm được, vì thế đôi khi tôi cũng cảm thấy bực dọc. Thỉnh thoảng tôi cũng thốt ra những lời nặng nề có thể làm thương tổn kẻ khác, thế nhưng mỗi khi thốt ra những lời ấy thì tức khắc tôi cảm thấy đau đớn trong lòng. Tôi hiểu rằng tôi phải hết sức cố gắng phát động bên trong tôi lòng từ bi và trí tuệ (để không thốt ra những lời nói ấy).
Khi người cộng sản Trung quốc tràn vào miền đông Tây Tạng thì lúc đó tôi mới 15 tuổi, và cũng trong năm đó chính phủ Tây Tạng đưa ra nghị định đề cử tôi điều hành Chính phủ. Quả là một giai đoạn đầy khó khăn, trong thời gian này chúng tôi cảm thấy nền tự do của chúng tôi bị nghiền nát. Năm 1959, tôi bắt buộc phải trốn khỏi kinh đô, phải hóa trang và ra đi trong đêm tối. Trong thời gian lưu vong tại Ấn Độ, hằng ngày tôi phải đối đầu với đủ mọi thứ khó khăn, từ việc thích ứng với khí hậu hoàn toàn khác hẳn với Tây Tạng cho đến việc tái lập lại các thể chế văn hóa của chúng tôi. Sự tu tập tâm linh đã mở ra cho tôi một tầm nhìn giúp tôi ý thức được là phải luôn tìm kiếm một giải pháp dù trong hoàn cảnh nào, nhưng đồng thời cũng không được phép quên một điều là tất cả chúng ta đều là con người như nhau, dù các ý nghĩ sai lầm có làm mình bị lạc hướng đi nữa, nhưng các mối dây tương liên luôn kết hợp chúng ta với nhau hầu cùng sửa đổi cho nhau.
Điều đó giúp tôi hiểu rằng tầm nhìn mang lại bởi lòng từ bi, sự an bình nội tâm và sự quán thấy sâu xa giữ một vai trò chủ yếu trong cuộc sống thường nhật, do đó phải trau dồi các phẩm tính ấy trong từng ngày. Các vấn đề khó khăn không thể tránh hết được, vì thế thật hết sức quan trọng là phải chọn cho mình một thái độ đúng đắn. Sự giận dữ sẽ làm giảm khả năng phán đoán cái tốt và cái xấu, khả năng đó cũng là một trong các phẩm tính cao nhất của con người. Nếu đánh mất nó thì chúng ta sẽ mất hết định hướng. Đôi khi cũng cần phải phản ứng một cách cứng rắn, nhưng không được phép giận dữ. Sự giận dữ không cần thiết. Nó không có một giá trị nào cả. Lòng từ bi và sự an bình nội tâm trong lâu dài sẽ giúp mình thực hiện được các chủ đích to lớn (sự cứng rắn có thể tức khắc mang lại kết quả, nhưng cũng chỉ là những kết quả vụn vặt mà thôi, phía sau các kết quả nhất thời ấy, khó khăn vẫn còn nguyên hoặc cũng có thể trở nên trầm trọng hơn. Hãy nhìn lại chúng ta và quê hương mình thì sẽ rõ).
Tôi kêu gọi tất cả hãy nên xem lòng từ bi là một nhu cầu toàn diện. Sự an bình nội tâm tất nhiên sẽ tạo ra một thái độ hành xử từ bi, điều đó là cả một nhu cầu căn bản cho toàn thể nhân loại. Đối với các sinh viên cũng như các chính trị gia, kỹ sư, khoa học gia, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo sư, luật sư - qua từng giai đoạn của cuộc đời mình - phải khơi động nơi mình một động cơ thúc đẩy đúng đắn và một lòng từ bi đích thật, đó là nền tảng thật cần thiết cho một sự phát triển lành mạnh.
Ngày nay những ai có dịp tiếp xúc với người Tây Tạng đều quý mến họ vì nhận thấy tánh tình của họ rất tốt, dù họ từng phải gánh chịu những khổ đau thật to lớn. Dù quê hương bị lọt trong tay những kể xâm lược thế nhưng họ vẫn giữ được sự bình thản. Một số người cho rằng đấy là nét văn hóa đặc thù của người Tây Tạng, thế nhưng phần đông những người khác thì lại cho rằng đấy là nhờ vào cách suy nghĩ của họ và quyết tâm của họ mượn nghịch cảnh để giúp mình thăng tiến trên đường tu tập tâm linh (đây cũng là một nét đặc thù của Phật giáo Tây Tạng nói chung, tức không những khơi động các năng lực tích cực mà còn phải lợi dụng cả các năng lực tiêu cực để biến chúng trở thành tích cực, hầu giúp mình thăng tiến nhanh hơn). Đấy là lý do tại sao họ không tuyệt vọng, và hơn thế nữa sự an bình trong nội tâm họ không những giúp họ không lo âu mà còn mang lại cho họ một thái độ thân thiện trong cuộc sống bên ngoài. Tất cả các kết quả đó là nhờ vào nền giáo huấn về lòng từ bi được quảng bá sâu rộng tại Tây Tạng.
Thực thi lòng từ bi càng nhiều càng tốt. Ngoài ra cũng thật hết sức quan trọng là phải ước vọng sẽ còn tiếp tục thực thi lòng từ bi nhiều hơn nữa trong tương lai. Đối với tất cả mọi sinh hoạt liên hệ đến xã hội con người, dù là trong lãnh vực chính trị, kinh doanh, công ăn việc làm, khảo cứu khoa học, kỹ thuật, v.v,. tình thương yêu và lòng từ bi luôn giữ một vai trò chủ yếu hơn cả, Nếu làm việc với một động cơ thúc đẩy chính đáng thì nghề nghiệp của mình sẽ trở thành một phương tiện phục vụ nhân loại. Ngược lại nếu thiếu một sự thúc đẩy đúng đắn, và cứ để sự ích kỷ và giận dữ chi phối mình, thì công ăn việc làm của mình sẽ rơi ra ngoài mục đích cao cả của nó. Thay vì mang lại lợi ích cho nhân loại, thì các sự hiểu biết góp nhặt được dù là từ bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, cũng sẽ trở thành đầu mối mang lại thảm họa mà thôi. Lòng từ bi thật hết sức cần thiết là như thế.
Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết rằng thay đổi thái độ nội tâm và biến cải tâm thức con người là những gì hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy không màu sắc, không hình tướng và đôi khi cũng tỏ ra yếu đuối, thế nhưng tâm thức cũng có thể trở nên cực mạnh tương tự như gang thép. Luyện tập tâm thức do đó phải kiên trì và quyết tâm, tương tự như luyện kim vậy. Nếu muốn luyện tập để cải biến tâm thức thì phải phát động một lòng quyết tâm và một sức kiên trì không lay chuyển, có nghĩa là phải cố gắng ngày càng nhiều hơn và nhiều hơn nữa, dù phải đối đầu với bất cứ một khó khăn nào. Với lòng kiên nhẫn, sự chuyên cần và thời gian, những sự biến cải mà mình mong muốn sẽ thực hiện được. Không nên thối chí. Hãy can đảm hoàn tất những gì mà mình có thể lảm được.
(hết chương1)
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Hoang Phong chuyển ngữ
Bures-Sur-Yvette, 17.01.18