;
Ngưỡng vọng Giác linh Cố ni Trưởng trụ trì chùa Long Hương, thượng Thích hạ Chí
Vu Lan đang hướng đến quê nhà
Nghĩ tường ân tình nặng thiết tha
Ngậm ngùi se thắt tin vang vọng
Ni trưởng Long Hương đã đi xa….
Mùa Vu lan năm nay, tôi có duyên đi tổ chức lễ và giảng pháp qua nhiều nước Châu Âu. Tôi vẫn thường nhắc nhở Phật tử và chính bản thân mình nhớ đến nguồn cội, chiếc nôi quê hương và Đạo pháp, những ân tình của cuộc sống. Tứ trọng ân. Ngay vào dịp trung tuần tháng Bảy năm Kỷ Hợi, những người quen ở quê nhà Bình Định nhắn tin báo sang là Ni Trưởng Long Hương (cách gọi cung kính đối với Cố Ni trưởng) vừa viên tịch.Tôi bàng hoàng thương tiếc: cái gì đến rồi cũng đến, một đại thọ Bồ Đề vừa ngã xuống, Long Hương kể từ nay đã vắng bóng Ni trưởng. Bao nhiêu kỷ niệm ân tình với Ni trưởng chợt hiện về trong tôi.
Tôi biết đến Ni Trưởng từ năm 1992, những tuần đầu tôi học ở Trung cấp Phật học Nguyên Thiều Bình Định, lúc đó Ni Trưởng thường hay gửi cúng dường các món ăn đến sư phụ của tôi (Đệ nhất trụ trì tu viện Nguyên Thiều Bình Định), vốn là Sư huynh của Ni Trưởng. Ni Trưởng có vai trò là Cô – Dì đối với huynh đệ chúng tôi trong tông môn Thiên Bình – Chúc Thánh Bình Định. Mỗi đầu năm đi lễ tổ hay khi đi cúng giỗ ở Chùa Liên Trì và Thiên Bình, chúng tôi đều ghé thăm Chùa Long Hương, viếng Ni trưởng.
Mỗi lần ghé thăm chùa Long Hương huynh đệ chúng tôi cảm thấy thật tự nhiên, thoải mái, dễ chịu bởi vì chúng tôi được Ni Trưởng và Ni chúng trân quý, yêu thương, chăm sóc. Lúc nào Ni Trưởng cũng cho người ra ngoài Chùa tìm những món ăn đặc sản về chiêu đãi chúng tôi, rồi hỏi thăm tình hình sinh hoạt tu học từng người.Với những năm tháng đầu tiên khi xuất gia, chúng tôi sống nặng với bổn phận và theo lễ giáo thiền môn, ở gần Ni trưởng chúng tôi thấy bù đắp lại tình cảm của người Mẹ, người thân gia đình mà chúng tôi vừa rời xa, với sự cảm thông chia sẻ của Ni Trưởng, chúng tôi có thể trở về với con người thật của mình, dù ưu điểm hay là khuyết điểm, Ni Trưởng cũng nở nụ cười hiền hậu cảm thông, an ủi khuyến tấn chúng tôi vươn lên trên đường đạo.
Quá thật là “Danh Sư xuất cao đồ”, những Ni sinh ở chùa Long Hương lại chính là những Ni sinh học xuất sắc nhất Trường Trung cấp Nguyên Thiều thời đó, sau này 3 Ni Sinh từ chùa Long Hương thi trúng tuyển vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế khóa đầu tiên (1997-2001) và rồi trưởng thành đi làm trụ trì và lo Phật sự khắp nơi: Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Úc Châu,…Đến Chùa Long Hương mới biết: Ni Trưởng và Ni chúng sinh hoạt rất chuyên cần, nhẫn nại: xe nhang, bán nhang, trồng rau, xây dựng lại chùa Long Hương. Quả thật “có chí thi nên”, tôi chợt hiểu sư phụ Ni trưởng, “Sư Ông Thiên Bình”, quán sát căn cơ của Ni Trưởng thế nào mới đặt pháp danh Ni trưởng như vậy (đạo hiệu “Thị Chí”).
Tôi có duyên đặc biệt với chùa Long Hương, các đứa cháu gái của tôi cảm đức của Ni Trưởng thực tập xuất gia gieo duyên ở chùa Long Hương và khi mẹ tôi đau bệnh nặng và muốn cùng tôi qua Ấn Độ hành hương chiêm bái thánh tích một chuyến rồi dù có bỏ thân nơi xứ Phật cũng cam lòng, nhưng từ bệnh viện Chợ Rẫy về quê, trước khi ra đi Mẹ tôi được Ni Trưởng mời ở Chùa Long Hương dưỡng bệnh trong khi chờ đợi tôi giải quyết một số thủ tục giấy tờ về hộ chiếu, visa,…
Ni Trưởng nhắc Ni chúng quan tâm chăm sóc mẹ tôi, dù mẹ tôi có những lúc bẳn hẳn khác thường, Ni Trưởng an ủi : người già và bệnh đều như vậy. Tôi thật an tâm khi gửi gắm Mẹ tôi ở đó để đi lo xong những công việc cần thiết. Khi thân mẫu rồi thân phụ của tôi mãn phần, Ni Trưởng tạo mọi duyên để trang trí bàn thờ song thân trang nghiêm nhất có thể và cùng với Ni chúng Long Hương đến nhà tôi để tụng kinh cầu nguyện. Tôi có một điều Ni trưởng gửi gắm là tạo duyên cho một đệ tử Ni Trưởng du học, tôi cũng đã lo hết mọi giấy tờ visa và nhập học bên Nam Delhi, Ấn Độ, tiếc là sau đó tôi bận rộn việc chăm sóc Mẹ và việc học của mình, không thể giúp gì nhiều hơn nữa cho Ni sinh đó.
Mỗi lần tôi dẫn các Phật tử hành hương dầu năm vào thăm Long Hương, họ đều rất ấn tượng với Ni Trưởng như là một “bà Tiên”, một người Mẹ dịu hiền. Lần nào cũng như vậy, Ni Trưởng luôn nhường ghế cao hơn cho tôi, nhắc nhở các thị giả lo việc ẩm thực chu đáo, Ni Trưởng luôn nói: “Mời Thầy lên phòng lầu I nghỉ ngơi, nếu đêm nay tối rồi, vậy mời Thầy đêm nay ở lại nghỉ rồi mai đi công việc tiếp”. Hơn nữa, Ni Trưởng còn gợi ý cho tôi: “Thầy đã học nhiều như vậy, thôi thì nay Thầy về Bình Định, Long Hương lầu I sửa lại tươm tất rồi, Thầy ở đó, mở lớp giáo lý, Anh văn cho Phật tử và Thầy đi dạy Nguyên Thiều nữa,…” Tôi chỉ nhìn Ni Trưởng rồi cười và bảo: “Để xem các nhân duyên thế nào?”.
Ni Trưởng sống hết lòng, hết sức với đạo, với mọi người như vậy đó. Mỗi lần gặp lại Ni Trưởng tôi lại nhớ đến Mẹ mình và cách Ni Trưởng nhớ thương các đệ tử phương xa giống Mẹ tôi đã từng hao mòn héo hắt nhớ tôi trong thơi gian xa cách. Tấm lòng của những từ mẫu thật giống nhau, kham nhẫn chịu đựng để thế hệ con cháu mình có thể thực hiện những tâm nguyện phương xa, làm tốt Đạo, đẹp Đời, dù héo hắt thương nhớ con cháu mình từng sáng từng chiều như câu thơ :
Ta quên mất thềm xưa dáng Mẹ ngồi chờ
Giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mải mê trên bàn chân rong ruồi
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng…
Ni Trưởng ra đi, với tôi, đó là nỗi mất mát một người “ Cô – Dì” trong Đạo, một bậc trưởng thượng có nhiều ân tình, đầy lòng quan tâm, chia sẻ với tôi trong mỗi hành trình tiếc là vì những duyên Phật sự phương xa, tôi không trú hoặc thăm lại Bình Định và Ni Trưởng thường xuyên cũng như góp phần giúp cho sinh hoạt Chùa Long Hương phát triển như Ni Trưởng mong muốn nhưng hình ảnh từ hòa, ánh mắt thân thương, nụ cười phúc hậu và những lời nói, tâm tình của Ni Trưởng vẫn còn hiển hiện mãi trong tâm trí tôi.
Với một bậc Ni trưởng thượng, tôi cảm thấy không thể có duyên tình với ai gần gũi, thân tình và nhiều kỷ niệm đến thế. Xin tri ân những duyên hội ngộ quý giá trong cuộc sống để rồi tất cả những hình ảnh, kỷ niệm đẹp trở thành động lực, nguông thương và lẽ sống, hành trang cần thiết cho chúng ta sống tốt hơn,đủ dũng khí hơn để vượt qua mọi phong ba, chướng ngại trên đường đời để thăng hoa, lợi lạc và góp phần bồi đắp cho thế giới này thêm Chân – Thiện – Mỹ.
Giờ này đây, lẽ ra là mùa Vu lan báo hiếu sum họp, nhưng các đệ tử của Ni Trưởng từ phương xa về để thọ tang và tiễn biệt Ni Trưởng vào cõi vô tung bất diệt. Ni Trưởng ra đi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định mất đi một bậc Ni tài đức đã trùng hưng chùa Long Hương và hun đúc nên nhiều vị Ni hậu học và Phật tử thừa đương Phật sự chùa Long Hương và nhiều Chùa, Niệm Phật đường mới, hàng đệ tử một đi một bậc Thầy mô phạm khả kính, dẫu biết cuộc thế dâu bể vô thường, nhưng nay Long Hương nhuốm một màu tang trắng và hoa hồng trắng phủ bầu trời Phương Danh, Đập Đá, thì tránh sao khỏi nỗi bi thương, ngấn lệ ngắn dài sụt sùi nghèn nghẹn khi tiễn biệt vị Ni Trưởng thân kính hơn nửa thế kỷ gắn bó với đạo với chùa, chan chứa biết bao tình.
Vì đang ở bầu trời Châu Âu xa xôi, tôi chỉ biết lặng lẽ tâm hương, hướng về quê nhà kính tưởng giác linh Ni Trưởng với tâm tình nhắn gửi đến Ni Trưởng “đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”:
“ với 84 năm trụ thế, 48 hạ lạp trong thiền môn, trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn của đất nước và lịch sử, Ni Trưởng đã tinh tiến và nỗ lực trọn đời mình, không ngơi nghỉ để báo ân Thầy Tổ và phổ độ, lợc lạc quần sanh. Những gì cần nói, cần làm, cần thể hiện, Ni Trưởng đã làm xong, nay Ni Trưởng tùy duyên buông xả theo quy luật vô thường của pháp hữu vi, Đức Phật Thích Ca đến năm 80 tuổi vẫn phải song lâm nhập diệt.
Chúng tôi còn mong chờ gì nơi Ni Trưởng nữa. Người đã ra đi nhưng người còn ở lại, hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương, “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Thân – Khẩu – Ý giáo, một đời đạo hạnh cùa Ni Trưởng là tấm gương sáng ngời để đàn hậu học và hậu thế soi chung.
Đâu có ai có thể trụ mãi ở thế gian để làm hết mọi việc được, do vậy, Người hãy an lòng, thanh thản ra đi và ở nơi liên đài Cực Lạc, Người chứng minh và gia hộ cho các đệ tử thêm dũng lực nối tiếp chí nguyện của Người cho tuệ đăng thường chiếu, cho thiền môn Long Hương thêm hưng thịnh, Phật Pháp quang huy,chúng sanh thấm nhuần lợi lạc. Nguyện cầu chư Phật gia bị cho giác linh Ni Trưởng thượng phẩm thượng sanh, hoa khai kiến Phật, hồi nhập Ta Bà, tái hiện đàm hoa, chèo thuyền Bát Nhã rước khách trần mê qua bờ an vui giải thoát.”
Dầu biết trần gian là cõi mộng
Người đi để lại nỗi nghẹn ngào
Vẫn biết cánh chim không dấu vết
Công hạnh sáng soi tựa ánh sao.
Dầu biết một ngày Ta ly biệt
Nhưng sao không đợi phút tương phùng?
Giờ đây tứ chúng lòng thương tiếc
Hoa trắng ngậm ngùi ở Long Hương.
Hình bóng Tôn Sư mang an lạc
Cho khắp người dân ở An Nhơn
Niềm tin cho những ai phiêu dạt
Như đóa hoa sen tỏa ngát hương.
Khuôn mặt từ hòa luôn khuyến khích
Nụ cười thân thiện, nói điều hay
Tứ chúng hữu duyên luôn cảm kích
Diệu Pháp Ân Sư đã hiển bày.
Tâm hương tiễn biệt xin kính lễ
Cung tiễn Giác Linh nhập Niết bàn
Bao việc dở dang nơi trần thế
Còn đàn hậu học sẽ lo toan.
Kỷ niệm năm xưa, sao kể xiết?
Chỉ biết ngậm ngùi với khói hương
Hình hài Ni Trưởng nay cách biệt
Còn đây bất tận một nguồn thương,…
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông Tứ Thập Nhị Thế, Long Hương đường thượng, húy thượng Thích hạ Chí, tự Diệu Quả, hiệu Tịnh Hạnh Ni Trưởng Giác linh thùy từ chiếu giám.
Tiệp Khắc, Mùa vu lan PL 2563
Hậu học, Thích Đồng Trí
Kính bái biệt.