;
Nhưng trên hết, ngày tiễn đưa ông táo về trời anh em chúng tôi vẫn có được một tách trà họp mặt ngày cuối năm. Đó cũng là tách trà thấm đậm tình đạo vị, nhọc nhằn, lao tâm khổ trí suốt một năm trường, giờ dành cho nhau phút thư giãn, ngồi tự chiêm nghiệm lại những việc làm của mình.
Nhiều chục năm dài đã qua, anh em chúng ta sống, học tập, tu học trong mọi hoàn cảnh, dù điều kiện gia cảnh chật vật không bằng ai nhưng vẫn kiên trung vững bước trên đường đạo trong rất nhiều lãnh vực, theo từng khả năng chuyên môn của từng người.
Và cho dù vẫn chưa tổ chức nổi một bữa tiệc tất niên cho ra hồn, chỉ là nhữing tách trà nóng do chính tự tay anh em chúng ta đem tới và pha lấy. Nhưng mà nhờ vậy nên mùi hương trà ấy cứ lãng vãng theo chúng ta suốt một năm dài, khó có thể phai nhạt.nguoiphattu.com
Lại nữa, những tách trà thanh thản này anh em chúng ta có được là vì trong chúng mình sống, phục vụ đạo pháp mà chưa có đứa nào mơ tưởng sẽ có chức danh này chức danh nọ để lao vào cuộc bon chen như thiên hạ chốn đời thường.
Nhất là anh em cư sĩ Phật tử như chúng ta, việc “đấu tranh” để có được một chức vụ nào đó trong các tổ chức Phật giáo dễ gây hiểu lầm là mượn danh đạo tạo danh đời, để lại tiếng đời mỉa mai, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chung. Nhất là cánh gọi là những văn nghệ sĩ PG !
Đây là khu vực gây nhiểu tai tiếng nhất, trong khi chính nền tảng văn hóa văn nghệ PG chưa thật sự đóng góp và có kết quả gì khả quan. Vừa rồi có anh bạn hàng xóm, nhận được bằng chứng nhận là một ủy viên Ban gì đó của thành hội PG, liền vội đem về tiền sảnh nhà hàng của mình, cho thợ đóng khung thật đẹp và treo lên ngay giữa. Đó là thứ giấy hộ mệnh giúp anh ta vững bước trên đường…kinh doanh! (thay vì sống dũng tiến và vững bước trên đường đạo).
Lại có một vị từng bị lên án làm ảnh hưởng xấu đến văn hóa văn nghệ PG nay cũng có mảnh bằng chứng nhận đó, giúp vị ấy xóa tan nhanh chóng hết mọi hình ảnh xấu vế cá nhân của mình, và đang tự tại hiệp cùng cấp trên làm…Phật sự!
Đã có đấu tranh, giành giật chức vụ ắt phải có xung đột, bằng nhiều hình thức, nhưng cung quy cũng là để loại trừ nhau. Thật là buồn đau, khi nhớ lại cách đây chưa lâu, một vị chức sắc cỡ bự của PG chúng ta từng than thở với người viết về tệ trạng này rằng “Anh biết đó! Phật giáo mà”.
Biết rằng con sâu làm rầu nồi canh nhưng ở đây con sâu sao mà thời nào cũng có, lúc nào cũng thấy. Sao nó có thể sống dai đến như vậy cơ chứ? Nói theo ngôn ngữ báo chí hiện hành là đụng đâu thấy đó - rờ đâu sai đó, thiệt quả đúng làm sao.
Vậy nên anh em chúng ta chớ buồn, tuy năm này vẫn gặp nhau còn nhấm nháp tách trà như mọi năm nhưng sự thanh thảnh có thừa, lòng tự tại vốn dư và sự hãnh tiến luôn giúp ngẩng cao đầu nhìn về phía trước. Hóa ra mình chỉ thua kém thiên hạ một bữa tiệc dư thừa, màu mè hoa lá hẹ, xong xôi rồi việc. Anh em mình vẫn hơn tất cả.
Không như những anh hàng xóm kia, những người bạn chúng tôi có anh ngay cả đám tang thân mẫu mình mà vẫn không làm phiền chư tăng ni trú xứ; hay như có anh tuy trình độ Phật học có thừa nhưng chưa hề hở môi “lên lớp” hay “gởi thông điệp” với bất cứ ai. Và nữa, có anh sống khiêm nhường bằng công hạnh cống hiến âm nhạc PG nhưng trên hết, giới thưởng thức rất nể trọng anh bởi anh rất tôn trọng chữ Tín, hứa với ai điều gì, nhất quyết phải thực hiện cho bằng được. Tuy là giới nhạc sĩ, anh sống bằng chất liệu đáng quý đó chứ không bằng ánh hào quang huyễn giả của một danh xưng nhạc sĩ Phật giáo!
Anh em chúng tôi thắc mắc những người hàng xóm đó làm điều không phải, chả lẽ bên cạnh họ không có người lớn để khuyên nhủ hay nhắc nhở? Hãy vẫn tin là có để cuộc đời mai này còn niềm tin xán lạn hơn, tưoi đẹp hơn.
Hơn nữa cuộc đời, anh em chúng mình vẫn còn ngồi đây bên tách trà ngày cuối năm như thế này là điều hạnh phúc hơn tất cả. Có buồn chăng, cái đáng nên buồn là ngày cuối năm này, thiếu vắng chủ nhân một tách trà mà từ đầu đến giờ nó vẫn còn tràn đầy và vẫn còn đang nghi ngút khói: Quảng Thuận-Nguyễn Văn Trung !
Anh vì sinh kế gia đình, lao nhọc mưu sinh, lâm trọng bịnh và qua đời tromg sự thương tiếc của bạn bè, đạo hữu của anh. Sinh thời, anh là người luôn đi đầu trong các phong trào vận động tái thiết chùa chiền và thành lập các Ban hộ niệm ở những nơi mà chư tăng ni và chùa không có. Tiền công nhật phụ hồ của anh dành phần lớn cho việc mua kinh nhật tụng (một người như anh với thân hình gầy nhom, nghèo khó, khó tạo được lòng tin và kêu gọi người ta phát tâm ủng hộ)về tặng lại cho các đạo hữu nghèo. Ngày đưa tang anh, không có kèn trống và hoa liễng phúng điếu mà chỉ có những chiếc áo tràng lam tuy bạc màu theo năm tháng nhưng thành kính đến tiển đưa anh đông đảo!nguoiphattu.com
Giờ đây bên tách trà ngày cuối năm, trước nhiều chuyện trái tai gai mắt, nhìn lại tách trà, anh em vẫn rót cúng anh, lòng chúng tôi không chỉ tự hào về một người bạn, một người đạo hữu âm thầm tận tụy cống hiến cho Phật đạo mà không cần bất cứ một bằng chứng nhận nào, chức vụ nào có thề so sánh bằng.
Vâng! Chúng ta hãy uống cùng anh về niềm tự hào ấy để năm mới đây, những anh em còn lại, tiếp tục dấn thân phụng sự chánh pháp BẰNG CHÍNH SỨC MẠNH CỦA GƯƠNG SÁNG ĐỜI ANH mà không cần đến sức mạnh của chức vụ và mảnh bằng chứng nhận sáng chói kia.
Bởi vì, người không phải là đạo hữu với anh em chúng ta.
Tàn niên Nhâm Thìn