;
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1275 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
HỎI: Tôi có dấu hiệu mang thai và bác sĩ chẩn đoán là trứng trống (rỗng) và sau đó bị sẩy thai. Vậy theo quan điểm Phật giáo trường hợp này có cần cầu siêu?
(MAI TRINH, maiph19...@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Mai Trinh thân mến!
Theo y học, trứng trống (rỗng) là tình trạng trứng đã được thụ tinh và bám vào thành tử cung nhưng không thể phát triển thành phôi thai. Phôi thai là mầm sống mới phát triển ở giai đoạn gần như sơ khai nhất của quá trình mang thai. Trước khi là phôi thai, mầm sống nhỏ này là một hợp tử được tạo ra bằng sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng. Hợp tử sau đó sẽ tiếp tục phân chia tế bào liên tục để tạo thành phôi. Ở người, khoảng 24 đến 26 giờ sau khi thụ tinh, hợp tử sẽ bắt đầu lần phân bào đầu tiên. Quá trình từ thụ tinh cho đến các giai đoạn phát triển phôi và di chuyển đến buồng tử cung vào khoảng cuối ngày thứ 6 sau khi thụ tinh, kết thúc vào khoảng ngày thứ 13 - 14.
Thông thường, siêu âm sẽ quan sát được hình ảnh phôi thai vào khoảng tuần thứ 5 - 6. Có một số trường hợp thai trứng trống, siêu âm vẫn có túi thai nhưng lại không có phôi thai. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sẩy thai sớm ở phụ nữ mang thai. Hiện tượng trứng trống thường gặp vào khoảng tuần thứ 8 - 13 của thai kỳ, nhưng đôi khi cũng sớm đến mức nhiều người phụ nữ còn chưa biết mình đang mang thai.
Hiện nay, y học vẫn chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mang thai trứng trống. Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan đến việc gây thai trứng trống gồm: Rối loạn nhiễm sắc thể số 9, cấu trúc gene bất thường, chất lượng trứng và tinh trùng kém, sự phân chia tế bào bất thường, mắc các bệnh tự miễn như Lupus, hội chứng Antiphospholipid, nhiễm trùng, yếu tố môi trường v.v…
Sau khi siêu âm để chẩn đoán có phôi thai hay không, nếu không tìm thấy phôi thai ở tuần thứ 8 - 13 thì có thể kết luận là thai trứng trống. Hướng điều trị với bệnh nhân là: Chờ đợi sẩy thai tự nhiên hoặc sử dụng thuốc để thúc đẩy quá trình sẩy thai.
Như vậy, hiện tượng trứng trống cũng không phải hiếm gặp, y học hiện đại chưa xác định được nguyên nhân trực tiếp, chỉ nêu lên một số yếu tố liên quan. Tuy vậy, kinh Phật có đề cập đến vấn đề này, bào thai do tinh cha, huyết mẹ cùng thần thức hòa hợp mà thành. Kinh Trung bộ (Đại kinh Đoạn tận ái, số 38) ghi: “Này các Tỳ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình:
- Ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình.
- Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình.
- Và này các Tỳ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình”.
Theo kinh văn, hiện tượng trứng trống có thể rơi vào trường hợp “Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình”. Theo Phật giáo, tinh cha và huyết mẹ là yếu tố vật chất, hương ấm là yếu tố tinh thần, tâm thức; một nhân tố quan trọng để hình thành chúng sinh. Lúc thụ tinh, vì một nhân duyên nào đó mà hương ấm không hòa hợp vào, sự hình thành mầm sống đã không xảy ra.
Trường hợp của bạn, y học đã xác định thai trứng trống, không có phôi thai tức không có mầm sống. Kinh Phật cũng xác định “bào thai không thể hình thành”. Vì không có chúng sinh nào mất đi nên không cần cầu siêu.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo: Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)