;
Trần Tâm - tự xưng tu sĩ Phật giáo lợi dụng thuật ngữ truyền tâm ấn của Thiền Tông đánh lạc tín đồ.
Tà đạo Thanh Hải vô thượng sư hoạt động trở lại
Tán gia bại sản, gia đình lục đục vì tà đạo Ruma Trần Tâm
Tôi chưa viết bài phê phán hiện tượng Trần Tâm vì trước hết ảnh hưởng của Trần Tâm tuy lớn hơn Duy Tuệ, nhưng đã được sớm phát hiện, báo chí do nhà nước quản lý đã có một số lần đề cập những tác động gây hại cho xã hội từ nhà sư giả hiệu này gây ra. Các vị giảng sư Phật giáo cũng đã lên tiếng chỉ ra bản chất phi Phật giáo của người tự phong tự nhận là pháp sư này.
Nay có dịp, tôi có một số ý kiến phân tích đối với Trần Tâm.
Trần Tâm và Duy Tuệ đều là bản photocopy của Thanh Hải, nhưng mờ nhạt hơn nhiều. Trình độ, thủ đoạn, khả năng thu hút quần chúng, lợi thế, phương tiện của Trần Tâm, Duy Tuệ đều kém xa, rất xa so với Thanh Hải, cho nên mức độ nguy hiểm cho Phật giáo Việt Nam cũng thấp hơn theo tỷ lệ thuận.
Thanh Hải tự xưng vô thượng sư (supreme master) còn Trần Tâm chỉ mới xưng pháp sư, Duy Tuệ xưng đạo sư (đại loại là “master”). Thanh Hải nhiều lần xuất hiện trên truyền hình (truyền hình Television chứ không phải video trên mạng) với trang phục Bồ tát Quán Thế Âm, tự xưng Phật hiện đại. Còn Trần Tâm, Duy Tuệ chưa đến cấp độ đó?
Trong khi Trần Tâm nói năng quê mùa, thiếu mạch lạc, thì Thanh Hải nói tiếng Việt, tiếng Anh lưu loát, hơn nữa, một thứ tiếng Anh khá quý phái, sang cả. Cho nên, tầm ảnh hưởng của Thanh Hải trở nên tuyệt đối chênh lệch với Trần Tâm, đến mức, Trần Tâm không đáng được nhắc đến.
Thanh Hải, ngoài việc thuyết giảng đưa video lên mạng (Trần Tâm chỉ làm được như vậy), còn viết sách và quyết định là trong tay bà này có một đài truyền hình phủ sóng toàn cầu, phụ đề nhiều ngôn ngữ. Loại kênh truyền hình như thế này chỉ có ở Thanh Hải.
Trong khi nội dung video thuyết giảng của Trần Tâm có phần nhảm nhí (như lo việc tuyết sẽ rơi ở Hà Nội đè mái nhà làm sập chẳng hạn), thì nội dung thuyết giảng của Thanh Hải lợi hại vượt trội, pha trộn một cách khéo léo giáo lý đạo Phật với các tôn giáo Ky tô, đạo Sikh, đạo Kỳ Na, Ấn Giáo…, tôn cao các yếu tố “thiên đàng” (một loại thượng đế phiếm chỉ), thiền định và trường chay...
Từ đó, trong khi Trần Tâm vẫn còn vướng víu với hình thức Phật giáo giả hiệu rối rắm trong những tư duy kỳ dị, hỗn loạn, thì Thanh Hải lại chào mời một thứ “bán tôn giáo” tuy pha trộn các tôn giáo, nhưng không đậm màu sắc thờ cúng như đạo Cao Đài, mà “mix” một cách nhuần nhuyễn, vừa mang một chút tâm linh, vừa mang màu sắc một phong trào xã hội, vừa có dáng dấp chính trị “đảng xanh”, “đảng sinh thái”.
Trần Tâm PR cho mình một cách hời hợt, non nớt, còn Thanh Hải thì đủ tuyệt chiêu. Bà này cho chiếu đi chiếu lại những hình ảnh lấy lòng quần chúng như dấn thân cứu trợ, thân ái với người nghèo, được xem như thánh sống, song song với tầm cỡ một chính khách quốc tế, quan hệ với các tổng thống, thủ tướng…
"Vô thượng sư" Thanh Hải
Thanh Hải biến hình bằng nhiều thứ y phục, từ hóa trang thành Quán Thế Âm Bồ Tát, sử dụng hình ảnh lúc còn là ni cô, đến diêm dúa như một tài tử điện ảnh ngôi sao, hay một quý bà Ấn Độ, Trung Đông nào đó… cao sang. Thanh Hải có thế mạnh quốc tế đủ mọi mặt, trong khi Trần Tâm chỉ một sư bắt chước vụng về?
Yếu tố cần nhấn mạnh ở Thanh Hải là khả năng hiện đại hóa tâm linh ở bà ta, do kiến thức khá rộng của chính Thanh Hải, và có lẽ cũng do hoạt động hữu hiệu của ê kíp giúp việc. Chính đây là yếu tố mà Thanh Hải ảnh hưởng lên các tu sĩ Phật giáo. Cái kiểu nói chuyện trời Phật xen lẫn với chuyện như UFO (vật thể bay không xác định), người ngoài hành tinh, số liệu ảnh hưởng xấu đến môi trường từ những vụ phóng hỏa tiễn… đã làm những lời thuyết giảng của Thanh Hải mang tính thời đại. Ở Ca tô lích La Mã thì chưa nghe đến kiểu như vậy, nhưng ở Phật giáo không ít người nói cùng âm hưởng hiện đại hóa lên đến vũ trụ mang màu sắc Thanh Hải.
Tôi xem kênh Truyền hình Thanh Hải Vô thượng sư trong nhiều năm nên nghe ai trong số các tu sĩ Phật giáo có giai điệu tương đồng thì nhận ra. Trần Tâm không có khả năng thời đại đến mức ngân hà, thiên hà, hành tinh, vũ trụ như thế, nên không ảnh hưởng gì đến các tu sĩ Phật giáo thuyết giảng thời thượng.
Ở Việt Nam, tuy đạo Thanh Hải không được phép hoạt động, nhưng họ vẫn “bán công khai” bằng hình thức các tiệm cơm chay, chiếu kênh Truyền hình Thanh Hải Vô Thượng sư. Ở đó, những đồ đệ Thanh Hải có thể họp mặt số đông. Còn đối với những người theo pháp sư Trần Tâm, thì như có bài báo cho biết, phải hoạt động “bí mật”.
Cho nên, để giữ gìn Phật giáo Việt Nam, chúng ta nên đặc biệt lưu ý hiện tượng Thanh Hải, nhất là sau khi kênh Truyền hình Thanh Hải Vô Thượng sư hoạt động trở lại. Đây là kênh truyền hình có phụ đề tiếng Việt 100% thời lượng chương trình, tuy là chương trình có nghèo nàn hơn so với trước, nhưng được thực hiện với trình độ chuyên nghiệp cao, có thể thu hút người xem.
Điều các cây bút Phật giáo Việt Nam cần phải chỉ ra, là bà Thanh Hải không phải hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, pháp môn Quán Âm của Thanh Hải không phải là pháp môn Phật giáo, thiền định Thanh Hải quảng bá không phải là thiền định Phật giáo, mà còn phải làm rõ thủ pháp cải đạo tinh vi của người này nhằm vào tín đồ Phật giáo.
Đối với Duy Tuệ, sau khi bị các cây bút Phật giáo Việt Nam phê bình dữ dội vào các năm 2012, 2013, chính quyền quan tâm đến tôn giáo mới mới ngóc đầu dậy này, nên dường như hiện tượng Duy Tuệ đã bị xóa sổ?
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610