;
Thường thì ta quen nghĩ, thiền nhập thế là thiền dung hòa với thế gian, thế tục. Chính vì điều này, mà người ta không thấy được bản chất trí tuệ sâu sắc của Pháp thiền Thanh tịnh hay còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền của đức Bổn sư Thích Ca Văn.
Bài viết này, do kiến thức giới hạn nên không dám đi sâu phân tích với mục đích để đáp ứng thỏa mãn được những vấn đề nêu trên của dòng thiền này, mà ở đây chỉ xin đưa ra một vài suy nghĩ nhận xét có tính khái niệm trên cơ sở nhận diện về nội dung và hình thức của dòng thiền nhập thế ở nước ta, mà bấy lâu mọi người vẫn nghe nói, nhưng chưa thật sự hiểu rõ thấu đáo về nó.
Như chúng ta đã biết, pháp môn thiền nói chung có đến cả chục loại khác nhau. Trong bài “Đường lối tu thiền” của HT- Thiền sư Thanh Từ nêu rõ (xin được trích) “Tu thiền có nhiều pháp mà ngày xưa chính tôi tức (thầy Từ) khi tu cũng rất khổ sở. Bởi vì thời của tôi nói tu thiền nhưng người tu ít giản trạch, nên có những phái thiền không phải của đạo Phật mà người ta vẫn đem ra tu. Như vậy, tu theo Phật để cầu giác ngộ, để giải thoát sinh tử mà lại tu đường lối khác thì nhắm mắt sẽ đi lối khác, trái với bản nguyện ban sơ của mình. Vì vậy quý vị cần phải nhận định kỹ, thiền nào của đạo Phật, thiền nào không phải của đạo Phật”.
Cũng theo thiền sư Thanh Từ, nhân đây người viết xin đưa ra để chúng ta cùng tìm hiểu một số loại thiền không phải của đạo Phật đó là: Thiền luân xa, thiền xuất hồn, thiền thai tức, thiền luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, thiền quán tưởng, thiền Yoga, còn gọi là Du-già, với loại thiền này có nhiều cách, khi ứng dụng tu cũng phát tâm từ bi, yêu thương tất cả. Nhưng trọng tâm của thiền này là luyện cho thân thể khỏe mạnh, mục đích trị bệnh nhiều hơn cầu giải thoát.
Trở lại với vấn đề thiền nhập thế nêu trên, trong bài viết “Tính nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua thiền phái Trúc lâm Yên Tử của HT-Tiến sĩ Thích Gia Quang có đoạn viết (xin trích)
“Chắc có nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo xuất thế, tại sao tôi (TGQ) lại nói rằng Phật giáo Việt Nam là đạo nhập thế? Xin thưa rằng xuất thế có nghĩa là siêu xuất, siêu việt hơn đời chứ không phải là ra ngoài đời như nhiều người đã tưởng. Tổ Huệ Năng, vị Tổ của Thiền tông đã nói:
“Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mịch bồ để,
Kháp như cầu thố giác”.
Có nghĩa là: Phật pháp trên thế gian này không thể tách khỏi thế gian mà có giác ngộ, nếu tách khỏi thế gian mà tìm cầu sự giác ngộ thì không khác gì đi tìm lông rùa sừng thỏ (một điều không bao giờ có). Điều đó nói lên sự quan hệ mật thiết giữa Phật pháp với thế gian”.
Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam ta đạo Phật truyền vào đã gần 2000 năm, hòa nhập với tín ngưỡng dân gian bản địa và cùng song song tồn tại. Cũng như các tôn giáo lớn khác, Phật giáo ở nước ta phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Vào thời Lý, Phật giáo không chỉ ở hàng tăng sĩ mà Phật giáo truyền bá rộng rãi trong mọi tấng lớp nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội và in rõ dấu ấn trong mọi lĩnh vực văn hóa.
Đến đời Trần tức đầu (thế kỷ 12) thì tinh thần nhập thế của đạo Phật Việt Nam phát triển rực rỡ. Dòng thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử ra đời-khẳng định Pháp thiền nhập thế này không hề (trộn lẫn) với bất cứ phái thiền nào trong khu vực cũng như thế giới; mà đại biểu là Trần Nhân Tông (ông vua hóa Phật).
Vậy tính nhập thế của dòng thiền này như thế nào? Căn cứ vào lịch sử chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Tư tưởng Thiền học của đời Trần, và đặc biệt là của Trần Nhân Tông sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều nói trên.
Thực tế để nhìn nhận thấu đáo tinh thần nhập thế của Phái thiền Trúc lâm Yên Tử chúng ta không thể bỏ qua được vai trò khởi xướng của vua Trần Thái Tông ở thời kỳ (1236) tức ông nội của Trần Nhân Tông. Nhưng do thời lượng của bài viết, ở đây chúng ta chỉ nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo là Trần Nhân Tông. Bởi Ngài đã kế thừa và phát triển rưc rỡ tư tưởng Thiền học của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và của vị cư sĩ (bổn sư) của mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
ĐÔI NÉT VỀ TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ
Đề cập về vua Trần Nhân Tông và Sơ tổ Trúc lâm thiền phái đã có không ít bài viết của các tổ thầy và học giả nghiên cứu khá sâu sắc. Ở đây chỉ xin điểm qua đôi nét về tư tưởng thiền nhập thế của trần Nhân Tông để chúng ta cùng tìm hiểu và suy ngẫm.
Xét về thiền học nói chung cũng như tư tưởng thiền nhập thế của Trần Nhân Tông có thể được diễn tả trong “Thiền Lâm thiết Chủy ngữ lục”, “Đại hương hải án thi tập”. Những tác phẩm này không còn, nên chúng ta chỉ có thể tìm hiểu tư tưởng của Trần Nhân Tông qua các tác phẩm trích dẫn lời nói của Ngài được chép lại trong “Tam tổ thực lục” và “Thánh đăng lục”, thêm vào đó là các bài kệ, bài thơ của Ngài còn lưu lại và qua cuộc đời của Ngài.
Sau đây xin điểm qua đôi nét về tư tưởng thiền học có tính nhập thế của Trần Nhân Tông.
1- Sự dung hợp đạo với đời:
Theo quan niệm thông thường thì một khi đã xuất gia người tu sĩ Phật giáo chỉ lo chú tâm vào thiền định, tụng kinh niệm Phật, thuyết pháp cho đại chúng và buông bỏ hết mọi duyên thế tục. Vua Trần Nhân Tông sau khi đã lãnh đạo đại thawngshai cuộc xâm lăng của Nguyên – Mông, Ngài thoái vị để làm Thái Thượng Hoàng và truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông. Ngài xuất gia tu theo hạnh đầu đà. Tu hạnh đầu đà là lối tu khổ hạnh (từ bỏ chuyện xác thịt) để đi khất thưc, khất thực có nghĩa là thí chủ cho cái gì thì ăn cái ấy, không phân biệt chay hay mặn mục đích chỉ nhằm tìm kiếm chân lý giải thoát.
Và Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã thành lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, Ngài là Sơ tổ của thiền phái này. Nhưng sau khi xuất gia, mặc áo cà sa tu ở Yên Tử, với cương vị là Thái Thượng hoàng, Ngài đã không sao lãng việc nước mà vẫn “giúp” vua con Trần Anh Tông điều hành việc nước.
Theo tài liệu lịch sử, Ngài đã tiếp phái đoàn ngoại giao Trung Hoa, lo việc bình định sự quấy phá của Ai Lao, và quan hệ ngoại giao với Chiêm Thành, giữ gìn mối bang giao tốt đẹp giưa hai nước để rồi hứa gả Công chúa Huyền Chân cho vua Chế Mân - Chiêm Thành.
Như vậy, trong giai đoạn xuất gia, làm Sơ tổ thiền phái Trúc lâm Yên Tử Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã không sông cuộc đời tu hành theo lối buông bỏ tĩnh dưỡng. Thực tế này cho chúng ta thấy ở Ngài không có sự phân biệt giưa đạo với đời, giữa tại gia với xuất gia, giữa xuất thế với nhập thế.
Đây là điều chủ yếu của tư tưởng không phân biệt tại gia và xuất gia của thiền phái Trúc lâm Yên Tử dưới thời Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Dòng thiền thế tục này rất được các vua, quan và quảng đại quần chúng theo rất đông. Trong “Cư trần lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông đã phản ánh đúng điều này:
“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức,
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật khá đồ công”.
Qua đây càng thấy rõ tư tưởng dung hợp xuất thế của Phật giáo với tư tưởng nhập thế của Nho giáo thời quân chủ bấy giờ.
2-Thiền phái Trúc lâm và tinh thần “hòa quang đồng trần”:
Đọc lịch sử nói chung và Phật giáo đời Trần, chúng ta thấy tinh thần hòa đồng giữa vua tôi và chúng dân thật khăng khít hiếm thấy. Đó là sự thủy chung trong hoạn nạn cũng như vui sướng đều được chia sẻ với nhau. Nhờ tinh thần đoàn kết dân tộc ấy, mà Trần Nhân Tông đã huy động được sức mạnh quân dân Đại Việt đập tan hai cuộc xâm lăng hung hãn Nguyên-Mông (1285-1288) đem lại thắng lợi an bình vẻ vang cho dân tộc.
Tinh thần “hòa quang đồng trần” là không phân biệt các thành phần xã hội: không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chủng tộc. Trong hàng ngũ quân đội chúng ta thấy bao gồm giới hoàng tộc như Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tung, Trần Quang Khải; cho tới giới bình dân như Phạm Ngũ Lão; giới nô tỳ như Yết Kiêu, Dã Tượng; giới tuổi trẻ như Trần Quốc Toản; giới bô lão như “Hội nghị Diên Hồng”; giới dân tộc thiểu số như Hà Đặc, Hà Chương tất cả với tinh thần “quyết chiến quyết thắng” trước giặc ngoại xâm.
Trong quảng đại quần chúng, đạo Phật tin tưởng và nương tựa vào đức Phật cho nên ở đâu cũng thấy chùa thờ Phật. Đạo Phật gieo duyên như chất keo sơn kết nối “tâm” giữa nhà tu hành, với giới hoàng tộc, giới vua quan và đại chúng. Điều này trong văn bia của Lê Quát tại chùa thiện Phúc thuộc Bái thôn-Bắc Giang năm 1270, sử gia Ngô Sĩ Liên đã chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ta thấy nội dung dưới đây:
“Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao được người ta tin sâu đến thế. Trên từ vương công cho đến dân thường, hễ bố thí vào việc Phật thì tuy đổ hết tiền của cũng không sẻn tiếc, ví như ngày nay gửi gấm vào tháp chùa thì lòng hớn hở như cầm được khoán ước để hưởng được sự báo ứng về sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến các châu phủ, cho đến các thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà theo, không thề mà tin.
Chỗ nào có nhà ở, tất chỗ đó có chùa Phật, hỏng rồi lại xây, hư rồi lại sửa. Lâu đài chuông trống so với dân cư chiếm đến phần nửa. Đạo Phật thịnh rất dễ dàng, mà sự tôn sùng lại rất lớn. Ta tuổi trẻ đọc sách tức (NSL) khảo sát xưa nay cũng hiểu sơ được đạo Thánh hiền để giáo hóa dân này, mà rốt của chưa thể làm cho một làng tin theo, từng dạo xem núi sông, dấu chân in dấu đến nửa thiên hạ mà tìm cái gọi là nhà học văn miếu, thì chưa từng có thấy một nơi. Ta do thế rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật, bèn viết ra đây để tỏ lòng” (trích dẫn trong “Toàn tập Trần Nhân Tông” Thiền sư - Lê Mạnh Thát -Nxb.Tp.HCM-2000).
Đọc lịch sử nước nhà chúng ta thấy đất nước ta ảnh hưởng văn hóa Hán phương Bắc hàng nghìn năm. Thời Trần mặc dù đạo Phật được coi là Quốc giáo, nhưng Phật giáo với Nho giáo, Lão giáo vẫn song song tồn tại. Đây là sự dung hợp bởi “hòa quang đồng trần”. Hòa quang mà vẫn có ngôi thứ, đó là nét đặc trưng tồn tại khách quan.
Nhưng tư tưởng về văn hóa dân tộc của vua Trần Nhân Tông vẫn thao thức bởi lòng tự tôn đất Việt. Đọc qua các tác phẩm văn thơ, cũng như ở những tác phẩm đề cập về giáo lý đạo Phật ta thấy Trần Nhân Tông đã dùng chữ Quốc âm-chữ Nôm để diễn tả tư tưởng của mình như trong bài phú “Cư trần lạc đạo”. Thực tế này, theo các nhà nghiên cứu nó chung thì đây là bước đầu của nền “văn chương Quốc âm” trong lịch sử văn học Việt Nam.
Việc sử dụng chữ Quốc âm - chữ Nôm là một hướng đi trong tinh thần thoát nô lệ về văn hóa phương Bắc; mà nay nói gọn là thoát Trung. Tại sao người viết muốn đề cập vấn đề này ngang đây, bởi lẽ “hòa quang đồng trần” tưc tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc lâm không thể hiểu thuần túy cực đoan là “trộn lẫn”; mà đây là bản chất Tinh hoa hay gọi khác là minh triết Bi –Trí của Phật giáo. Điều này trong triết học phương Tây hiện đại cũng đề cập triết lý (là nó nhưng không phải là nó) để nói về điều này.
Trần Nhân Tông rất am tường nội điển và ngoại điển. Chính cuộc đời của Ngài là minh chứng rõ sự thực hành một đời sống vùa xuất thế của một người tu vừa nhập thế giúp đời, giúp nước. Chả thế mà có câu “làm vua giúp được trăm họ, làm Phật độ được muôn loài”. Với tư tưởng “Phật giáo bất ly thế gian giác” như thế; nên khi Sơ tổ Trần Nhân Tông trao truyền y bát cho tổ Pháp Loa để nối tiếp làm vị tổ thứ hai của dòng thiền Trúc lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa “100 cuốn kinh sử ngoại thư và 20 hộp kinh điển Phật giáo”.
Theo sách “Tam tổ thực lục” và “Thiền tông chỉ nam”. Khi trao truyền y bát để kế thừa dòng thiền Trúc lâm Yên Tử, Pháp Loa (nhị tổ) khi ấy mới 24 tuổi. Đại sư còn rất trẻ. Sơ tổ Trúc lâm đã dăn dò Đại sư Pháp Loa phải mở rộng việc học bên trong cũng như bên ngoài Phật giáo. Đời phải dung thông với đạo như chính cuôc đời của mình đã kể thừa tư tưởng thiền tông của ông nội mình là Trần Thái Tông cũng như tinh thần nhập thế của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Từ thực tế này, qua tìm hiểu và nghiên cứu học giả Nguyễn Vĩnh Thượng khi nhận xét và đánh giá tư tưởng thiền học của phái thiền Trúc lâm Yên Tử đã cho rằng: “Mẫu người lý tưởng của thiền phái Trúc lâm là mẫu người dung hợp giữa con người trượng phu của nho giáo với con người Bồ-tát của Phật giáo. Mẫu người này rất khác với mẫu người của dòng thiền của dòng thiền trong Phật giáo Trung Hoa. Mẫu người này được phản ánh rất rõ trong “Cư trần lạc đạo phú”:
“Sạch giới lòng, dồi giới tướng,
Nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm.
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha.
Thi đỗ mới trượng phu trung hiếu.”
Giới lòng ở đây là tâm giới gọi tắt của “Bồ-đề tâm giới” hay cũng gọi là bồ- tát giới. Đây là một giới đức đặc biệt, dùng chung cho người xuất gia và tại gia. Còn giới tướng của Phật giáo là không trộm cắp, không tà dâm, không sát sinh, không nói dối. Và trượng phu, trung hiếu được hiểu là người đàn ông tài giỏi, có chí khí lớn; theo nho giáo là hết lòng với vua với nước, hết lòng với cha mẹ đó là, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Như vậy, mẫu người trượng phu và mẫu người Bồ-tát cần kết hợp với nhau để tạo thành mấu người của Phật giáo. Đó là tư tưởng của thiền phái Trúc lâm Yên Tử: khi học kinh điển Phật giáo thì không loại bỏ những cái học bên ngoài Phật giáo, và ngược lại những môn học bên ngoài không loại bỏ những môn học Phật giáo. Khi Trần Nhân Tông nhấn mạnh đến “tâm giới” thì không phân biệt xuất gia hay tại gia.
Theo Nguyễn Vĩnh Thượng cho rằng, “Nho giáo tồn tại ở Việt Nam thông qua mẫu người Phật giáo nhà Trần dung hợp nho giáo như là một công cụ phục vụ lợi ích Phật giáo và ngược lại”. Vua Trần Nhân Tông-Sơ tổ Trúc lâm thiền phái đã đặt kỳ vọng vào Đệ nhị tổ Pháp Loa sẽ nối tiếp tinh thần xuất thế dung hợp với nhập thế”. Đó là tinh thần của Pháp thiền Trúc lâm nhập thế Yên Tử hay còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền và sau này gọi gọn theo khẩu ngữ là Thiền tông.
Đôi lời lạm bàn
Thật may mắn chúng ta được kế thừa dòng thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử. Đây là phái thiền tiếp nối dòng thiền Thích Ca Văn hay còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền.
Căn cứ lịch sử cho thấy, dòng thiền này khởi phát từ Ấn độ đến đời tổ Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28, sau đó dòng thiền được nối tiếp sang các nước phương Đông đó là Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan. Như vậy, dòng thiền Thích Ca Văn ở Ấn Độ gồm có 28 đời, Trung Hoa 5 đời và Việt Nam có 3 đời. Đến Sơ tổ Trúc lâm Yên Tử - Trần Nhân Tông kế tiếp là đời thứ 34 và thêm hai đời tổ nữa là Pháp Loa và Huyền Quang thì dòng thiền này lại ẩn; bởi vậy khi tìm hiểu và nghiên cứu dòng thiền này không ít tổ thầy cũng như nhiều học giả đặt câu hỏi, tại sao dòng thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử đến đời tổ Huyền Quang không thấy đề cập đến người tiếp nối? Câu hỏi này được đặt ra không phải chỉ ở hàng các tổ thầy mà các tăng ni học giả nghiên cứu tôn giáo đều thao thức.
Với sở học bất toàn, người viết bài này thiển nghĩ: Với đạo Phật thì Pháp ẩn, pháp hiện - theo kinh điển giáo lý mà ta đã thấy thì đây là chuyện thường tình của thế pháp. Bởi thời mạt thì pháp ẩn; chứ phải đâu pháp mạt. Đến khi (đạo đức) duyên lành tới thì pháp lại hiện; đó mới là Phật pháp vi diệu, nhiệm mầu.
Do ảnh hưởng ngàn năm (nô dịch) văn hóa phương Bắc, tài liệu sử sách thường bị nhân hóa, thiên hóa vậy nên, sách đâu còn nhiều mà so sánh. Dẫu kinh sách nội điển của tổ thầy cũng như sách ngoại điển của cha ông bị mai một; trong đó có đời Trần và đặc biệt là của Sơ tổ Trúc lâm Yên Tử Trần Nhân Tông, trường hợp mất mát này cũng không là ngoại lệ. Song, những gì còn sót lại dẫu không nhiều, nhưng cũng đủ để chúng ta tin tưởng vào tư tưởng Phật giáo Trúc lâm. Đó là một dòng thiền nhập thế minh triết tương thích với khoa học không hề xa lạ với chánh pháp.
Bởi pháp Như Lai thanh tịnh cũng có nghĩa là Thiền thanh tịnh. Nói đến đây chắc sẽ có không ít người đặt câu hỏi nghi vấn: Đã gọi là thiền nhập thế (tức thế tục) thì làm sao thanh tịnh đây! Xin thưa nhập thế mà thanh tịnh được đó mới là pháp khó tu. Bởi theo triết lý nhà Phật “phiền não là Bồ-đề”. Có dầy vò thì tuệ mới sinh. Thế nên hình tượng bông sen tỏa hương tinh khiết đó là chỉ cho “tâm” thanh tịnh không cấu nhiễm của chánh pháp.
Vậy, Phật giáo lấy hình tượng đẹp của bông sen làm biểu tượng là đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nói đến dòng thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử, nếu theo lịch sử thiền tông chắc không ít người nghĩ đến dòng thiền của Thích Ca Văn mà chúng đang đề cập ở đây. Và khi các học giả Phật giáo tìm hiểu và nghiên cứu dòng thiền này đều cho đây là thiền “biện tâm”. Bởi chánh pháp đức Phật dạy “nhất thiết duy tâm tạo”. Nếu người tu không “biện tâm” để giác ngộ mà cứ chỉ lo ngồi thiền dẹp vọng tưởng thì không khác gì “đấm bị bông” (ở đây không có ý định phủ nhận pháp thiền ngồi).
Vậy, thoạt nghe nói tới Pháp thiền nhập thế chắc không ít người cho rằng phi lý bởi tính thiếu nghiêm túc thanh tịnh. Nhưng thực tế chúng ta thấy để “biện tâm” đối cảnh - buông xả mọi dính mắc xấu ác được, thì đây là cả một quá trình tu (tỉnh thức) rất khó khăn. Ngược lại nếu người ngồi ở thiền đường mà thiếu trí huệ, chẳng lo biện tâm trước mọi hoàn cảnh thế tục đeo bám chỉ ngồi tu theo kiểu (ức chế tâm) thì muôn kiếp chẳng xa dời được tam giới, nói chi đến giải thoát sinh tử.
Tư tưởng nhập thế của phái thiền Trúc lâm Yên Tử qua tìm hiểu nghiên cứu ta thấy thật rõ ràng: với giáo lý Phật thì cần (Bi-Trí) tức từ bi và trí huệ. Với thế gian (giặc cướp) xâm lăng thì cang cường không sợ hãi lo lắng phiền não. Thực tế này đã hun đúc lên chí khí đánh giặc của quân dân Đại Việt để đập tan ba cuộc xâm lăng hung hãn nhất lịch mà giặc Nguyên-Mông gây ra thời bấy giờ.
Thiền “biện tâm”, có nghĩa là lúc nào cũng giữ cho tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sáng suốt thì mọi việc thấu tỏ không lầm lẫn. Phật nói “bất giác vô minh” tức vọng tưởng cấu nhiễm, mê lầm tham lam khi nó tác động từ trần cảnh, nếu chúng ta không cảnh giác thì: thọ, tưởng, hành, thức, tham, sân, si, mạn nghi… của tính người thôi thúc khiến ta làm mọi điều xấu ác. Và đây là nguyên nhân sanh khởi mọi tham dục dẫn con người đến khổ đau không đường cùng.
Nhập thế “biện tâm” như thế là lấy cái trí tuệ sáng suốt thường hằng để lần lần nhận ra tâm chân thật - tức là (Phật tánh) của mình; và để cho dễ hiểu bởi (tâm thức) trừu tượng, nên các tổ thầy thời đại đã ví tâm của mỗi người là “thiên quốc” là ngôi chùa ngay trong lòng mình vậy. Để minh định cho tư tưởng thiền nhập thế mà Sơ tổ Trúc lâm đã chỉ bày, nhân đây chúng ta cùng nghe lại bài phú “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông:
“Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Qua 4 câu kệ tổng kết cho cả bài phú của Sơ tổ Trúc lâm cho ta thấy: tuychẳng (ngồi thiền) nhưng luôn luôn cảnh giác với “bất giác vô minh”. Thiền nhập thế, hay Như Lai thanh tịnh thiền là vậy. Rất minh triết và tương thích với khoa học ở mọi chiều kích.
Ngót 800 năm trôi qua, (Vua - Phật) Trúc lâm Trần Nhân Tông với tinh thần lựa chọn đã tiếp nối dòng thiền này và bỏ qua các dòng thiền khác với nhiều (hệ lụy phức tạp); bởi đây là dòng thiền nhập thế tinh hoa, minh triết mà đức Bổn sư Thích Ca Văn đã dạy cho những ai đủ duyên thấu tỏ dòng thền này. Qua tìm hiểu được biết, khi Ngài đi thuyết pháp ở Siêu Loại, ở Thiên Trường và nhiều nơi khác nhằm phổ độ dòng thiền này, Ngài luôn thao thức để dẹp bỏ các dâm từ, tức đền, miếu thờ tà thần không phải là chánh pháp.
Ngài không dung nạp các hình thức mê tín dị đoan, thuật số, xin xăm, bói quẻ và cúng kiến với sự mơ hồ thiếu chánh trí, chánh tư duy. Có nghĩa là Sơ tổ luôn luôn ngăn ngừa mê tín dị đoan đưa vào ngôi nhà chánh Pháp Như Lai. Điều này chúng ta thấy rất rõ thông qua hành trạng của Ngài cũng như các tác phẩm mà Ngài để lại. Từ thực tế những điều chúng ta tìm hiểu trên đã khẳng định một Phái thiền nhập thế riêng có ở Việt Nam luôn luôn trường tồn sức xuân với Non thiêng Yên Tử.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Tài liệu tham khảo:
-Bài: Đường lối tu thiền của HT. Thiền sư Thích Thanh Từ- giảng tại tịnh xá Trung tâm-1998 (phatgiao.org.vn).
- Tính nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua thiền phái Trúc lâm Yên Tử của Thích Gia Quang
(Nội san nghiên cứu Phật học số 6 năm 1992)
-Toàn tập Trần Nhân Tông –Lê Mạnh Thát (Nxb.Tp. HCM năm 2000)
-Phật giáo thời Trần (nhiều tác giả) (Nxb. Tôn giáo 2006)