;
Ban thờ Phật tại gia - Ảnh internet
I - BÁT HƯƠNG ĐÚNG PHÁP
Tùy sở nguyện của mỗi người mà chúng ta thỉnh bát hương hay lư hương bằng sứ hay bằng đồng cho thích hợp với không gian thờ tại gia.
Quan trọng:
1/ Không nên dùng tro các loại để cho vô bát hương, cho dù là tro sạch. Lý do? Vì những thứ đã đốt đi mà lại làm đồ dâng cúng Phật vừa bất tịnh, vừa bất kính.
2/ Không nên dùng gạo để đổ vào bát hương. Lý do? Vì gạo được ví là hạt ngọc thực, ý nói để có được hạt gạo phải trải qua rất nhiều giai đoạn và công lao trồng trọt, chăm sóc cho tới thu hoạch... ; thứ đến nếu dùng gạo sẽ khiến cho chuột, dán, sâu mọt leo vào khiến cho bát hương trở nên bất tịnh.
Vậy chúng ta nên dùng nguyên liệu gì để cho vô bát hương?
Nguyên liệu tốt nhất là cát vàng loại mịn nhỏ. Cát này chúng ta phải mua về chứ không được xin hay ăn cắp ở nơi khác, bởi làm vậy là vừa không có lòng thành cúng dường và vừa phạm giới trộm cắp. Tùy theo bát hương to hay nhỏ mà chúng ta mua lượng cát cho thích hợp. Tuy nhiên nên mua 5 -10kg để dùng thay thế khi cần thiết.
Sau khi mua cát về chúng ta cần đãi cát thật sạch bằng nước và tại nơi thanh tịnh, rồi phơi cát cho se lại, kế đó cần phải rang cát thật khô. Có thể dùng chiếc chảo gang hay nhôm sạch (không được dùng chảo đã chiên xào đồ mặn) để rang hết số cát sau đó để nguội rồi cho vô bao ni lon để bảo quản lâu dài.
Khi cát chuẩn bị xong xuôi, trước khi dâng cát vào bát hương hay lư hương chúng ta cần phải gia trì Quang Minh Thần Chú của Phật vào cát nhằm giúp cho cát được thanh tịnh.
Nghi thức gia trì Quang Minh Thần Chú và oai lực của chú (xem phần ghi chú bên dưới) vào cát hơi phức tạp một chút, vì thế TN không ghi cụ thể trong bài viết này mà chỉ ghi khái lược để các bạn sơ phát tâm đều có thể thực hành được.
A - HỌC THUỘC QUANG MINH THẦN CHÚ
(Tốt nhất là học thuộc thì khi trì chú tâm định, mới phát huy được năng lực câu chú; trường hợp không thể học thuộc các bạn có thể in ra giấy rồi nhìn vô đó để trì tụng cũng không sao. Hai câu chú âm nghĩa và âm phạn các bạn tuỳ chọn để học).
Âm nghĩa:
Án, a mô già vĩ lô tả nẵng, ma hạ mẫu nại-la, ma nê, bát nạp-ma, nhập-phộc la, bát-la vạt đá dã, hồng.
Âm phạn:
OṂ AMOGHA VAIROCANA MAHĀ-MUDRA MAṆI PADME JVALA PRAVARTTAYA HŪṂ
B - NGHI THỨC AN CHÚ QUANG MINH VÀO CÁT
*Chọn một ngày và thời gian thích hợp; Dâng hương trước Tam Bảo rồi thưa trước Tam Bảo như sau:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo Tác Đại Chứng Minh
Đệ tử con tên...Pháp danh..., ngụ tại...có duyên sự xin tác bạch (3 lạy)
Để bát hương thờ Phật được trang nghiêm và thanh tịnh, đúng pháp, đệ tử chúng con phát tâm mua cát về đãi sạch và nay xin dùng pháp tán sa, nương nhờ oai lực của chư Phật giúp chúng con gia trì Quang Minh Thần Chú vào cát để dâng lên bát hương. Nguyện cầu Phật lực thùy từ chứng minh gia hộ chúng con thực hành viên mãn nghi thức này.
Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần - 3 lạy)
*Sau khi tác bạch xong, các bạn nên ngồi trước bàn thờ, trên bồ đoàn để giữ thân, tâm được trang nghiêm, thanh tịnh khi trì chú.
- Để cát trước mặt, bên trái cùng 1 chiếc thìa (muỗng ăn cơm mới, chưa dùng)
- Lư hương bên phải.
*Tay phải kết Kim Cương Quyền ấn; tay trái kết Quán Âm Cam Lộ Ấn (xem hình kèm theo).
C - GIA TRÌ CÁT
- Dùng ngón cái và ngón giữa của tay trái, giữ chặt vừa phải thìa (muỗng), múc cát ở túi cát bên trái, nhiếp tâm vào cát trên thìa, (muỗng) gia trì Quang Minh Chân Ngôn một biến (1 lần=1 biến) rồi đổ số cát vừa gia trì vào lư hương. Số cát trong lư hương chỉ nên cách miệng lư khoảng 2cm để khi thắp hương, tàn hương không bị tràn ra ngoài.
(Số cát còn lại các bạn nên trì chú theo cách như trên và đổ vào 1 cái túi (chậu) sạch cho tới hết rồi cất nơi sạch sẽ để dùng khi cần thiết.)
II-BÁT HƯƠNG THỜ PHẬT CHĂM SÓC NHƯ THẾ NÀO CHO TRANG NGHIÊM?
*Theo pháp thế gian, một bát hương được gọi là "linh" vốn phải có tàn hương quấn, đan xen vào nhau và phải tạo thành một búi lớn. Búi hương càng to lớn thì càng "linh". Điều này hoàn toàn thiếu logic cả về lý thế gian lẫn Phật pháp. Lý do?
- Trong Phật giáo, hàng quỷ thần là thấp nhất, là những chúng sanh chưa được giải thoát; nhưng nhờ có chút phước và có hành thiện pháp nên được làm quỷ thần. Thần bao giờ cũng phải Minh. Minh là sáng suốt. Người sáng suốt quyết không dám phạm nhân-quả. Thứ đến họ là người chưa giác ngộ, quyết không thể độ chúng sanh giải thoát.
- Quỷ thần đã vậy, cửu huyền thất tổ, cha mẹ, thân quyến đã khuất lại càng không thể, ngoại trừ những người đã siêu sanh về tịnh độ mới có đủ năng lực để độ cho chúng sanh giác ngộ, giải thoát, nhưng con số này vô cùng hãn hữu; người sanh thiên chỉ lo hưởng phước; người sanh làm người không nhớ được thân quyến tiền kiếp; còn phần lớn đều đang đoạ lạc trong tam ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và lo trả nghiệp, quyết không thể độ ai.
Trong đạo có câu, “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”.
Ngã này là chân tâm thanh tịnh của chúng sanh. Người tu học chân chánh, tâm thanh tịnh không chỉ chư Phật, Bồ Tát gia hộ mà chư vị quỷ thần cũng kính trọng, nể vì mà hộ pháp cho họ, cũng vì thế mà phước tăng, nghiệp tiêu giảm.
Như vậy chúng ta nên nhận thức đúng đắn: Bát hương, lư hương mà chồng chồng lớp lớp những tàn hương, chân hương chỉ làm cho bàn thờ Phật thêm thiếu trang nghiêm và bất tịnh chứ hoàn toàn không phải là nó "linh" như không ít người thường nghĩ.
Chúng ta hãy hình dung, một căn nhà đầy rác rưởi nếu chúng ta được mời tới thăm, bản thân chúng ta cũng ái ngại không muốn bước vào huống là chư Thần minh, chư Phật, Bồ Tát? Vì thế bát hương thanh tịnh không ở nơi thắp hương nhiều ít mà ở nơi tâm thanh tịnh tu học của mỗi cá nhân.
Khi còn tại thế Ngài A Nan đã hỏi Phật:
Thế Tôn! Con có chút nghi ngờ muốn hỏi, kính mong đức Thế Tôn giảng giải cho con rõ. Rồi tôn giả A-nan nói: “Con thấy thế gian có ba loại hương là hương thơm của rễ, hương thơm của hoa và hương thơm của hạt. Ba loại này lan tỏa khắp nơi, có gió cũng nghe, mà không có gió cũng nghe. Hương ấy là gì?”.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo tôn giả A-nan: “Ông chớ nói ba loại hương này lan tỏa khắp nơi có gió cũng nghe được mà không có gió cũng nghe được. Ba loại hương này dù có gió hay không có gió cũng lan toả khắp khắp nơi, nhưng không nghe được
A-nan! Nay ông muốn nghe loại hương lan tỏa khắp nơi có gió hay không có gió cũng nghe thì phải lắng nghe kĩ, Ta sẽ nói cho ông nghe.”
A-nan thưa Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con muốn nghe, mong Thế Tôn vì con mà nói rõ.”
Phật bảo A-nan: Những loại hương ấy dù có gió hay không có gió cũng lan tỏa khắp mười phương. Ở thế gian, nếu có cận sự nam,[1] cận sự nữ[2] giữ gìn tịnh giới và làm các pháp lành, như: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì hương giới của những cận sự nam, cận sự nữ ấy lan tỏa khắp mười phương và được chúng sanh ở mười phương kia đều khen ngợi.
Những chúng sanh ấy tuyên truyền: “Ở trong thành nọ có cận sự nam, cận sự nữ như vậy, giữ gìn tịnh giới của Phật và làm các pháp lành, như không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu v.v…
Người nào thực hành đầy đủ giới pháp ấy, thì người đó được hương thơm của giới như vậy. Dù có gió hay không có gió hương thơm ấy cũng tỏa khắp mười phương và được tất cả chúng sanh nghe biết khen ngợi, kính mến.” (Trích Phật Nói Kinh Giới Hương).
Qua đoạn kinh văn này chúng ta nhận thấy: Bát hương, lư hương chẳng có linh hay không linh vì không có ai ngự hay tác động trên đó, ngoài những nhà sản xuất hương vì thoả mãn sự mê tín của người tiêu dùng nên tìm cách xử dụng các hoá chất, làm ra những thẻ hương như người tiêu dùng mong muốn vậy.
Do vậy bát hương, lư hương thờ Phật, Bồ tát và ngay cả Tổ tiên chúng ta cũng phải dọn dẹp trang nghiêm, sạch sẽ hàng ngày, hàng tuần, mỗi bát, lư hương chỉ nên để nhiều nhất là 3 chân nhang hoặc dọn sạch cũng không có trở ngại, chứ không phải chờ tới cuối năm mới dám nhổ đi vài 3 chân hương như nhiều người lo sợ hay e ngại vì kém linh hay chư Phật, Bồ Tát, Tổ tiên trách phạt.
Nguyện mong các bạn tin sâu lời Phật dạy để dũng cảm thay đổi lại tư duy thờ Phật, Bồ tát, gia tiên, giúp cho bàn thờ của chúng ta được trang nghiêm, thanh tịnh.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cư sĩ Thiện Nhân
Ghi chú:
Công đức, lợi ích tổng quát của Quang Minh Chân Ngôn
1. Quang Minh chân ngôn là một Đà La Ni của Mật giáo, là chân ngôn của Đại Nhật Như Lai, được tôn xưng là tổng chú của tất cả chư Phật Bồ Tát
2. Quang Minh Chân Ngôn thường được dùng cho các trường hợp: cầu vãng sinh, chôn cất người chết, xây mộ, cúng thí cho Quỷ đói… cũng hay trừ diệt bệnh chướng, quỷ quấy phá, bệnh đau mắt, trùng độc gây hại trong đời hiện tại
3. Nếu có chúng sinh tùy theo nơi chốn, được nghe Đại Quán Đỉnh Quang chân ngôn này thì tất cả các tội mười ác, năm nghịch, bốn nặng trong quá khứ được trừ diệt hết
4. Y theo nghi quỹ của pháp này để tu Mật pháp thì gọi là Quang Minh chân ngôn pháp. Pháp này chủ về diệt tội, trừ bệnh, ngưng dứt tai nạn… đều là pháp tu để diệt tội
5. Nếu có chúng sinh gây tạo đủ các tội: Mười Ác, năm Nghịch, bốn nặng…giống như bụi nhỏ tràn đầy thế giới này. Khi thân hoại mệnh chung bị đọa vào các nẻo ác. Dùng chân ngôn đó gia trì vào đất, cát 108 biến rồi rải cho vong linh trong rừng Thi Đà (Śiṭavana), trên thi hài, hoặc rải trên mộ…gặp chỗ nào đều rải lên trên. Người đã chết ấy, nếu ở trong địa ngục, hoặc trong loài quỷ đói, hoặc trong nẻo Tu-La, hoặc mang thân bàng sinh…dùng uy lực thần thông của Nhất Thiết Bất Không Như Lai Tỳ Lô Giá Na Như Lai Chân Thật Bản Nguyện Đại Quán Đỉnh Quang
Chân Ngôn gia trì sức mạnh vào đất, cát…ngay lúc đó liền được ánh sáng chiếu vào thân sẽ trừ được các tội báo, buông bỏ thân đang chịu khổ, vãng sinh về quốc thổ Cực Lạc ở phương tây, hoá sinh trong hoa sen cho đến Bồ Đề chẳng bị đọa lạc.
6. Nếu tụng chân ngôn này một biến ắt tương đương với công đức đọc tụng trăm ức vô lượng Đà La Ni của các Kinh Điển Đại Thừa.
(Trích Từ Bản dịch: Quang Minh Chơn Ngôn của CS Huyền Thanh)