;
Không rõ có phải mình là nghệ sĩ hay không, hay ít ra cũng là người có những hoạt động liên quan đến văn hóa văn nghệ, nên rất dễ cảm xúc trước một câu thơ, một câu văn hay bài nhạc hay và có ý nghĩa sâu xa ?
Tự thân vốn là người đã mất cha và mẹ từ lâu, trước đây khi còn sinh hoạt, đứng trước hàng chục. hàng trăm Huynh trưởng đoàn sinh đề nói về ý nghĩa cài hoa hồng mỗi dịp Vu Lan, tôi vẫn luôn giữ vững và kềm chế cho đúng quy cách một huynh trưởng lãnh đạo, nói cho các em và khuyên nhũ về sự hiếu đạo với hai đấng sanh thành. Để rồi một lát nữa, khuất sau bức tường của hậu tổ, một vài huynh trưởng đến bên tôi và cho ghé bờ vai trong một thoáng ngậm ngùi mà ban nảy mình còn tỏ ra cứng cỏi !
Sau này hoạt động nghệ thuật, tiếp xúc với rất nhiều thơ văn nhạc họa, tôi đã giúp các vị lãnh đạo nhận định tác phẩm bằng chính cảm xúc thật của lòng mình, từng bước, kiên nhẩn xây nên nền móng văn hóa văn nghệ Phật giáo buổi ban đầu. Cứ thế, mỗi mùa Vu Lan, mùa của gió và bão, luôn có những cơn mưa âm ỉ, đã ngăn cách khá dài những dòng hoài niệm vẫn luôn đang muốn chực chờ tuôn chảy. Thế nhưng cảm xúc thì vẫn không hao mòn, suy suyển theo thời gian.
Trong vai trò cố vấn đặc biệt cho ban tổ chức chương trình họp mặt và giao lưu Huynh trưởng Thanh niên Phật giào vừa rồi, tôi dùng bút đỏ gạch dưới dòng chữ của tiết mục ngâm thơ của nghệ sĩ Thanh Hà (từ Hà Nội vào) với bài thơ «Mưa Mùa Vu Lan » mà ai cũng thầm hiểu với lý do hạn chế bớt các tiết mục bên lề. Anh chàng ca sĩ M.K chạy đến bên tôi có ý thanh minh nội dung tiết mục hộ nghệ sĩ Thanh Hà. Tất cả đều hiểu sai ý tôi, hàng gạch màu đỏ chính là một tiết mục chính và yêu cầu nhạc nhạc phải ngưng chỉ trừ sáo, đàn bầu và tranh làm nhạc đệm.
Tôi biết bài thơ này hơn hai năm qua trên sóng VOV2 với giọng ngâm của nghệ sĩ Minh Phúc, tác giả bài thơ là Công Phương Diệp. Nghệ sĩ Thanh Hà có ngỏ lời mời tôi lên nói vài lời cho tiết mục này sau khi nghe hết cảm nhận và yêu cầu một sự nghiêm túc trên một sân khấu phần đông là những anh chị trưởng có học thức. Và tôi là người cúi xuống lén đưa chiếc khăn giấy lau giọt nước mắt đầu tiên, ngay trên sân khấu :
Mưa trong ngày lễ Vu Lan
Hạt rơi thanh thoát hạt tràn khóe mi
Chuông chiều đổ giọt Từ Bi
Cài bông hồng trắng tôi đi lễ chùa…
Những cơn mưa buồn của mùa Vu Lan hằng năm tôi vì lẽ dễ cảm ấy mà ít khi lưu lại những câu thơ hay trong rất ít bài thơ mình thích. Có chăng là bài thơ được phổ thành nhạc là « Hoài Niệm » thơ của Hồng Khương, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu phổ nhạc (Thực hiện và phát hành năm 1990 trong album «Gió Mùa Thu» do TT. Thích Đồng Bổn làm chủ nhiệm và bài «Vu Lan Tình Mẹ » của nhà thơ Huyền Lan, nhạc sĩ Quý Luân phổ nhạc (Không hiểu vì sao khi tìm trên các trang nghe nhạc chỉ thấy đề tên nhạc sỉ mà không thấy có tác giả nhà thơ Huyền Lan ?).
Câu thơ đầu và cũng là dòng nhạc đầu của bài « Hoài Niệm » đã ngay tức khắc làm tôi giật mình khi nghĩ đến ý nghĩa Vu Lan – Rằm Tháng Bảy trong tinh thần dân tộc, trong đạo lý Phật đà qua câu «Con cài áo một bông hồng tươi thắm/ Niềm hân hoan tô đậm nét Đông Phương» Thường khi, chúng ta ít quan tâm đến giá trị sâu sắc của sự việc và thắc mắc tại sao chỉ mình mới có còn những nơi khác thì không ? Nên khi một câu văn, câu thơ của ai đó chạm đến dù có vẻ như thô cứng nhưng đó là tất cà tấm lòng của người viết ra nó vá chấp nhận cái «thô-cứng » ấy trong thơ mình để cho đời còn có một ích lợi lớn hơn mà các nhà sử học, viết sử khó làm được như thế.
Gần đây, những tưởng các cơn mưa mùa Vu Lan dễ dàng cuốn trôi đi những hoài niệm đó thì bài thơ «Vu Lan Tình Mẹ » của nhà thơ Huyền Lan xuất hiện như níu chặt lại niềm tin vào thơ ca của công chúng cũng bằng một bàn chất chung, bản chất Đông Phương !
Từ trong tiếm thức thiêng liêng
Tim con réo gọi ân tinh Tổ Tiên
Chắp tay lễ Mục Kiến Liên
Tấm gương hiếu tử đậm miền Đông Phương…
Không nói nhiều đến những phạm trù Tổ quốc, Đất nước hay các công hạnh hằng dấu chân tích trượng của chư Tổ sư xưa hằng lưu dấu nơi xứ sở này, nhưng nhà thơ làm được điều đó bằng những câu thơ mỏng manh và bao hàm bằng tình người ý đạo tuyệt vời.
Người con Phật hôm nay, không ai nhắc ai, khi bước vào chùa, khoát lên mình chiếc áo tràng lam hiền dịu, là khắc biết trước hết chúng ta là người Việt Nam, cùng chung nền văn hóa phương Đông. Hơn nữa chiếc áo tràng lam còn nhắc nhở chúng ta nhiều điều rằng công ơn chư Tổ ngàn xưa đã nhọc công gầy dựng và cho vun trồng cội phúc Bồ Đề nơi mãnh đất này. Cho nên chiếc áo tràng không là của nước nào mà phải xét nét, nhọc lòng kiêng kỵ.
Thơ và nhạc nếu chỉ xét về phương diện giải trí đơn thuần thì nó chẳng có ý nghĩa gì hết, nhưng thơ và nhạc chính là tác nhân tạo nên cảm xúc, thứ cảm xúc tự giác mà đôi khi nó chỉ dành cho riêng ta một góc trong hoàn cảnh , trong trái tim vẫn còn đang đập nhịp đập của tiến độ luân hồi nhân thế.
Mưa dầm tháng bảy sụt sùi,
mưa thương nhớ ai mưa bùi ngùi ướt lệ
Tiễn mẹ đi về miền miên viễn
Câu thơ ghi lại tiếng nói của ngày xưa.
Ai đó dưới khán phòng thảy lên tờ giấy ghi vội mấy câu thơ này.
Có thể mình sẽ giận hờn mấy cơn mưa, và có thể mình sẽ ghét mây trời âm u mùa Vu Lan tháng bày. Nhưng ngoài kia người ta đang “cúng cô hồn”, mình chợt nhớ ra à Vu Lan của mình mà tình thương tha nhân còn phải nhân rộng ra xa khắp bờ cõi của sự sống - chết !
Nhìn ra nét chung của nền văn hóa Đông phương, nhìn ra những bất hạnh còn tràn đầy nhân thế, mình mới nguôi những giọt nước mắt khóc thương chỉ mỗi mẹ mình. Bời vì mình còn là một Phật tử, ngày mai đây bước vào chánh điện mình còn biết nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền và trong bày đời quá vãng; còn tha nhân vô số lầm than, lắm nỗi tội tình, ai biết , ai hay và sẻ chia cho họ. Thôi thì mong mưa và thơ mùa Vua Lan, từ chốn thẳm thẳm của tiềm thức đại từ, cất lên xoa dịu những cô quạnh trần gian.
Đó là tất cả nội dung tôi nói trước khi nghệ sĩ Thanh Hà cất lên tiếng ngâm trầm ấ qua bài thơ “Mưa Mùa Vu Lan”. Cả hội trường nín im phăng phắt, nghe rõ từng móng sắt của tiếng đàn tranh nhạc sỉ khảy đưa câu. Một vài anh huynh trưởng nói sao tôi kéo Vu Lan đến sớm vậy làm cả hội trường , phần đông đều không còn mẹ, phải ngậm ngùi hoài niệm xa xăm ! Tôi xin lỗi đà làm các bạn buồn và không khí khán phòng chùng lại. Nghệ sĩ Thanh Hà thí lại càm ơn vì đã cho cô hưởng trọn mùa Vu Lan ý nghĩa nhất. Ai cũng ngấn lệ và câu “ Mưa Và Thơ trong mùa Vu Lan” bây giờ mới thật sự ý nghĩa hơn bao giờ !
Vu Lan 2018