;
Nếu bạn chánh niệm biết là mình đang ăn nhanh thì hãy dừng lại và nhìn cảm giác tham muốn đó một lúc. Bạn cần phải trầm tĩnh để thấy ra được khi mình ăn uống trông như thế nào.
Cảm nhận các cảm giác, mùi vị, các trạng thái tâm của mình khi ăn uống ra sao, cái gì mình thích, cái gì không thích. Và cũng cần phải nhận biết mọi động tác của mình khi ăn uống. Đừng quá quan tâm đến việc quan sát đầy đủ mọi chi tiết, chỉ cần luôn hay biết những điều mình cảm nhận và kinh nghiệm được là đủ.
Khoảng thời gian riêng tư và những sinh hoạt cá nhân cũng là lúc rất quan trọng để chánh niệm. Khi ở một mình là lúc chúng ta thường dễ mất chánh niệm nhất.
Bạn có chánh niệm khi đóng cửa, khi đánh răng, mặc quần áo, tắm rửa và đi vệ sinh không? Khi làm những công việc này bạn cảm thấy ra sao? Bạn có nhận ra được những cái thích và không thích của mình không? Khi nhìn một cái gì đó bạn có chánh niệm không?
Bạn có chánh niệm khi nghe không? Bạn có chánh niệm khi đánh giá, phê phán về những thứ mình nghe, nhìn, nếm, ngửi, xúc chạm, suy nghĩ hay cảm nhận không? Khi nói chuyện bạn có chánh niệm không? Bạn có hay biết được âm điệu và âm lượng của giọng nói mình hay không?
Điều quan trọng là bạn phải thường xuyên kiểm tra lại xem mình đang thư giãn, thoải mái hay đang bị căng thẳng; nếu không tự kiểm tra như vậy, bạn sẽ không ý thức được mình đang bị căng thẳng đâu. Khi bạn thấy mình bị căng thẳng thì hãy quan sát chính sự căng thẳng đó.
Bạn không thể hành thiền được khi tâm bị căng thẳng. Điều đó cho thấy bạn đã không thực hành đúng cách. Hãy xem xét cách thức tâm mình đang hoạt động ra sao. Nếu bạn làm điều này một cách thường xuyên trong ngày thì sẽ có thể ngăn chặn đuợc không để cho căng thẳng tích tụ lại. Nhờ thực hành, bạn cũng sẽ hiểu được nguyên nhân gây ra sự căng thẳng đó. Đừng quên quan sát nó!
Nếu bạn dễ bị căng thẳng thì hãy thực hành thiền trong tư thế nằm mỗi ngày một lần. Điều này cũng giúp bạn thực hành chánh niệm được trong bất cứ tư thế nào.
Thiền sư U Tejaniya