;
Nền tảng kinh tế học theo cách nhìn Phật giáo
Cuộc sống hằng ngày với con đường Bát Chánh Đạo
Hôm nay, nhân dịp đầu xuân, năm mới, Qúy Phật tử đã dành chút thời gian quý báu đến chùa cùng tọa thiền, đọc kinh, thọ thực trong chánh niệm, kinh hành và hồi hướng phước báu đến thân bằng quyến thuộc, đó là một điều đáng quý, Thầy xin chúc Quý Phật tử an vui, sức khỏe, tránh được các điều rủi ro, tai hại, thành tựu các quả lành y theo ước nguyện trong đời sống. Nhân dịp này, thầy xin chia sẻ với quí Phật tử một vài yếu điểm Phật Pháp sau đây :
Các Phật tử biết
không? Đức Phật đã dạy “người sống một trăm năm mà không có
Giới, không tu thiền Định (nói rộng ra là không tu tập Giới – Định – Tuệ) không
quý bằng người sống một ngày mà có Giới và có tu thiền Định”. Tức
là sự quý báu, sự ý nghĩa của một con người (nói rộng ra là của tất cả chúng
sanh) được đánh giá không phải dựa trên sự xuất hiện trên thế gian này của
người hay chúng sanh đó lâu hay mau, dài hay ngắn mà điều quan trọng là người
đó, chúng sanh đó đã và đang sống như thế nào. Thọ mạng một trăm năm tuy là
đáng quý nhưng so với vòng luân hồi sanh tử dài bất tận mà chúng ta đang phải
lăn trôi, lang thang nhiều kiếp nhiều đời đây thì xem ra cũng chẳng là gì. Một
ngày tu là một ngày trở về với cái Như Như bất động, cái Tâm thanh tịnh của
chính mình. Một ngày tu là một ngày chuyển hóa tam độc Tham – Sân – Si, trong
chính thân – khẩu – ý, hầu bớt đi các ác nghiệp (các bất thiện nghiệp) và tăng
trưởng, vun bồi các thiện nghiệp, thanh lọc ý nghĩ để đưa đến giải thoát, giác
ngộ y như câu kinh “Sabbapāpasssa
akaraṇaṁ/ Kusalasūpasampadā/ Sacittapariyodapanam/ Etam Buddhāna Sāsanaṁ” – người Trung Hoa dịch là: “Chư
ác mạc tác/ Chúng thiện phụng hành/ Tự tịnh kỳ ý/ Thị chư Phật giáo” – còn người Việt dịch: “Không làm các điều ác/ Thành tựu mọi
hạnh lành/ Tâm ý giữ trong sạch/ Chính lời Chư Phật dạy”. Trong
ngày đầu tiên của năm mới Quý Tỵ này, các Phật tử đã biết làm theo lời dạy của
Đức Phật, điều này không phải dễ có đối với những người còn cuộc sống tại gia,
thế tục. Thầy xin tán thán công đức của Quý Phật tử!
Trọn
lành
Đức Phật cũng
dạy rằng dầu trên thế gian này có nhiều người, nhiều loại chúng sanh, song
chung quy lại, tất cả người và chúng sanh đó có thể được chia làm hai loại là
người trí và người ngu, hay nói cách khác là chúng sanh tiến hóa nhiều và chúng
sanh kém tiến hóa mà thôi. Chữ tiến hóa ở đây vừa dùng theo ý nghĩa sinh vật
học vừa mang ý nghĩa tiến hóa tâm linh. Như vậy, thế nào là tiến hóa? Thế nào
là trí? Thế nào là ngu?
Con người, nói
chung, không phân chia giai cấp, tầng lớp, dù giàu – nghèo, sang – hèn đều chỉ
là một tổ hợp của những nhóm bao gồm các trạng thái tương đồng. Theo đó, không
có người Tây Phương, không có người Việt, không có đàn ông, cũng không có đàn
bà, chỉ có duy nhất Thân và Tâm, hay nói cách khác chỉ có Sắc và Danh, rộng hơn
nữa thì chỉ có Sắc – Thọ - Tưởng – Hành – Thức trong chúng ta. Chỉ có chừng đó,
Quý vị đừng nghĩ là nhiều! Chúng ta tu tập cốt cũng chỉ để thấy rõ chúng mà
thôi!
Cũng tùy thuộc
vào trình độ phát triển của Thân và Tâm mà ta nói con người có 6 tánh: Tham –
Sân – Si – Tín – Tầm – Giác. Trong đó có 3 tánh Tham – Sân – Si được gọi là căn
bản phiền não (mūla kilesa). Chính 3 tánh, hay 3 chất lửa, 3 chất độc, 3 tên
giặc, 3 loại ma – 3 chướng ngại này là căn bản cho mọi bất hạnh, bất thiện
trong đời sống của chúng sanh. Liên hệ với 10 kiết sử (thằng thúc – sợi dây
trói buộc), ta có: Tham liên quan đến Tham dục, Sắc ái, Vô sắc ái, Sân liên
quan đến Sân hận, Si liên quan đến Thân kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ, Ngã mạn,
Phóng tâm và Vô minh.
Trong tất cả
chúng ta, trừ khi đã trở thành bậc Vô lậu, không ai là không có những chất độc
này trong người, chúng gây nên mọi khổ đau, điên loạn, hại mình, hại người. Vì
vậy, cần phải thanh lọc, loại trừ dần dần Tham – Sân – Si ra khỏi thân và tâm
này. Người nhiều tham, nhiều sân, nhiều si là người ít được được tu tập, là
người kém tiến hóa, tự thân họ gây ra nhiều đau khổ cho mình và cho chúng sanh
khác. Cứ thế đời này sang đời khác, họ sống với nỗi khổ đau, sống mà như chết,
sống mà không phải là sống chẳng khác gì một người nhắm mắt, miệng kêu la trong
khi chính tay lại bốc lửa cho vào miệng mà ăn vậy. Thật đáng thương thay! Do
vậy, chúng ta cần phải tu tập, cần phải loại bỏ những ác nghiệp, bất thiện
nghiệp, hay gần hơn nữa là loại bỏ sự tham lam, sân hận và si mê ra khỏi mình.
Vậy tu là tu cái gì? Và tu làm sao để hết khổ?
Quý Phật tử đi
chùa, ăn chay, niệm Phật, trì chú, tọa thiền, tụng kinh hết bộ kinh này đến bộ
kinh khác, công phu hết năm này sang năm khác, hay có tu cả đời mà không hiểu
được những điều căn bản của Đạo Phật thì, xin thưa, Quý vị không phải đi đúng
con đường đâu! Quý vị đang rất xa Phật đấy! « Tu mà không học là tu
mù ! » Phật giáo, thực chất không có gì là rườm rà đâu, thưa Quý Phật
tử, không hề có những cúng bái, lễ nghi mang tính chất thần linh, phiền toái
trong Đạo Phật. Ta theo Phật chỉ để tu cho thoát khổ mà thôi. Chữ tu (Pāli là
Bhāvanā, động từ là Bhāveti) có nghĩa là sửa. Sửa cái gì? Sửa việc làm, lời
nói, ý nghĩ của mình sao cho thanh tịnh, đừng bị ô nhiễm bởi tham, sân si!
Thường ngày, chúng ta hay nghe mọi người nhắc đến cụm từ tu dưỡng, rèn luyện
nhân cách, đạo đức, thực tình, cũng chính là mượn từ nhà Phật mà ra cả. Đức
Phật cũng chỉ dạy chúng ta có một chữ là chữ tu này thôi, thưa quý vị! Ai cũng
cần phải tu, ai cũng cần phải sửa bởi chưa ai là hoàn hảo cả. Vậy phải sửa như
thế nào? Và lấy cái gì để sửa đây?
Trong kinh Đại
Bát Niết Bàn (D.N, Mahāparinibbana), Đức Phật dạy chúng ta:
“Ðây là
Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi
ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu
với Tuệ sẽ đưa đến sự đoạn tận hoàn toàn các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu
(tri kiến lậu), vô minh lậu”
Các Phật tử
không cần đọc nhiều kinh, nhiều sách đâu, chỉ cần học thuộc và hàng ngày thực
hành theo câu kinh này là đủ. Tại sao vậy? Bởi với lời dạy này của Đức Phật,
Ngài đã xác lập và tái khẳng định con đường tu tập cho tất cả chúng sanh. Đó
không có gì khác hơn là con đường Giới – Định – Tuệ, nói dễ hiểu hơn là Đạo
đức, Khả năng quân bình Tâm ý và Khả năng nhìn nhận, xem xét, làm chủ Tâm ý của
chính mình. Giới hay Chánh giới trong Bát chánh đạo, bao gồm: Chánh ngữ, Chánh
nghiệp, Chánh mạng (Lời nói đúng, Hành động đúng và Cách nuôi mạng sống đúng).
Định hay Chánh Định bao gồm: Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định (diễn ra là
Sự siêng năng đúng, Sự ghi nhớ, niệm tưởng đúng và Khả năng quân bình Tâm ý
đúng). Còn Tuệ, hay còn gọi là Chánh Trí, Chánh Tuệ, liên hệ đến Chánh Kiến và
Chánh Tư duy trong con đường tám chi phần cao thượng mà Đức Từ phụ - Cha lành
đã chỉ dạy cho chúng ta. Giới năng sinh Định, Định năng sinh Tuệ! Ở đây Quý vị
cũng cần phải lưu ý chữ “cùng tu”. Chữ này quan trọng lắm!
Giới – Định –
Tuệ được gọi là Tam học, Tam Tăng thượng học, Tam Vô lậu học, Tam Uẩn, Tam
Hương hay Tam Thiện. Tam Thiện gồm có Thiện chặng đầu, Thiện chặng giữa và
Thiện chặng cuối, theo thuật ngữ thì là Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện.
Người nào có được đầy đủ ba điều thiện này thì được gọi là Thiện viên mãn,
Thiện cụ túc, dịch ra là “TRỌN LÀNH”. Như vậy ta theo Phật cũng chỉ để được
TRỌN LÀNH mà thôi, thưa Quý Phật tử!
Á rá
hăng
Trong kinh, có
định nghĩa về hồng danh “Á RÁ HĂNG” như sau: “Đức Thế Tôn hiệu Á – RÁ – HĂNG, bởi Ngài đã xa lìa các
tội lỗi, nên tiền khiên tật thân - khẩu - ý của Ngài đều được TRỌN LÀNH”. Phật chính là Đấng Trọn lành.
Ta theo Phật là để thành Phật và cũng là để được trọn lành!
Hồng danh Á – RÁ
– HĂNG, Trung Quốc dịch âm là A la hán, có 4 ý nghĩa: Ứng cúng, Vô sanh, Sát
tặc, Lậu tận. Diễn giải ra, ta có định nghĩa:
1- Ðức Thế
Tôn là bậc đã xa lìa mọi phiền não.
2- Ðức Thế Tôn đã diệt đoạn
tuyệt mọi kẻ thù là phiền não.
3- Ðức Thế Tôn là bậc đã phá
huỷ vòng luân hồi trong ba giới bốn loài.
4- Ðức Thế Tôn là bậc không
bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo.
5- Ðức Thế Tôn là bậc xứng
đáng thọ nhận lễ bái cúng dường.
Á – rá – hăng là
Phật, Phật cũng là Á rá hăng. Phật là Bậc Giác ngộ, tức là người đã tỉnh thức,
không còn Tham-Sân- Si nữa nên gọi là Phật. Phật là Người giác ngộ Chân lý
(Pháp). Vậy Chân lý ở đây là gì? Chân lý là Sự thật, là Định luật. Chân lý được
tuyên thuyết bởi Đức Phật có tính chất vượt mọi thời gian và không gian, có
nghĩa là ở bất cứ đâu và trong bất kỳ lúc nào, hoàn cảnh nào, Chân lý đó đều có
giá trị tuyệt đối, chỉ khác là có người, có vùng, có thời điểm người ta biết
được và thực hành theo Chân lý còn có người, có vùng và có thời điểm người ta
không biết và không thực hành theo Chân lý mà thôi. Người Trung Hoa dịch Chân
lý, Định luật hay Sự thật là Đế. Sự thật tối thượng là Thánh đế, Diệu đế. Có
bốn sự thật được xem là tối thượng, đó là: Sự thật cao thượng về sự khổ, Sự
thật cao thượng về nguyên nhân của sự khổ, Sự thật cao thượng về sự diệt khổ và
Sự thật cao thượng về con đường đưa đến sự diệt khổ. Tiếng Pāli là “Dukkha
ariya sacca/ Dukkha samudaya ariya sacca/ Dukkha nirodha ariya sacca/ Dukkha nirodha
gāṁinī paṭipadā ariya sacca”. Tiếng
Hoa là: “Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ diệt đạo
thánh đế”.
Đức Phật đã
dạy: “Này các Tỳ khưu
chính do không liễu ngộ (ananubodhā), không thể nhập (appativedhā) bốn Thánh Đế
mà các người và Ta đã lang thang, lưu chuyển lâu đời trong vòng luân hồi này”.
Đức Phật cũng
từng nói: “Như Lai nói
Pháp trong suốt 45 năm, nhưng chỉ nói 2 điều là Sự khổ và Sự diệt khổ”.
Đạo Phật nói có hai chữ thì là Nhân – Quả, nhưng nếu nói có một chữ thì chỉ gói
gọn trong chữ Đế mà thôi. Đạo Phật chính là Chân lý về Nhân – Quả, là Sự thật
về Nhân – Quả, thưa Quý vị! Nhân – Quả ở đây cũng chính là Đế. Bởi sao vậy?
Nhân – Quả có hai: Nhân – Quả thế gian và Nhân – Quả xuất thế gian. Nhân – Quả
thế gian liên quan đến Khổ đế và Tập đế. Trong đó Khổ là quả còn Tập là nhân.
Nhân – Quả xuất thế gian liên quan đến Diệt đế và Đạo đế. Trong đó Diệt là quả
còn Đạo là nhân.
Trong Đại kinh
Dụ dấu chân voi, Tôn giả Sāriputta đã khẳng định: “Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân
của mọi loại động vật đều thâu nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này được
xem là lớn nhất trong tất cả dấu chân về phương diện to lớn. Cũng vậy, chư Hiền
giả, tất cả các Thiện pháp đều tập trung trong Bốn Thánh đế.”
Chánh
tín
Chúng ta theo
Phật. Và Phật giáo được coi là một “tôn giáo” vô thần, tức là không hề có một
Đấng Thần linh, một Đấng Toàn năng, Đấng Tạo hóa, cứu rỗi, ban ơn, giáng tội
cho bất kỳ ai cả. Phật giáo không bao giờ chủ trương điều đó! Ngay cả Đức Phật
(Đức Phật Gotāmā) cũng là Bậc Đạo Sư – Vị Thầy chỉ đường, Ngài không rước,
không đưa ai về Niết Bàn – Cực lạc hay đến một cõi, một cảnh giới nào cả, Ngài
chỉ cho ta con đường thoát khổ, chúng ta có lòng tin tưởng nơi Ngài, nơi những
lời dạy vàng ngọc của Ngài và nơi Tập thể tín đồ đang thực hành theo con đường
Ngài chỉ dẫn và cũng chính chúng ta quyết lòng thực hành theo cùng con đường
cao thượng đó. Tuy vậy, chúng ta có nên tin vào Thượng đế không?
Quý vị đừng nghĩ
là Thượng đế chỉ có ở trong các tôn giáo khác. Trong Phật giáo cũng có Thượng
đế đấy! Nhưng nếu hiểu Thượng đế trong Phật giáo theo ý nghĩa một ai đó, hay
một điều gì đó có quyền lực toàn năng, tối thắng, ban ơn hay trừng phạt chúng
ta thì là không hợp lẽ. Trong Phật giáo, chúng ta có thể hiểu Thượng đế (Noble
truths) chính là Chân lý cao thượng. Thượng là cao thượng – Đế là chân lý, sự
thật, định luật. Vậy Thượng đế là Chân lý cao thượng. Phật là ai? Phật là người
giác ngộ Chân lý cao thượng. Vậy Phật cũng chính là người giác ngộ Thượng
đế! “Yo mam passati, so
dhammam passati/ Yo dhammam passati, so mam passati” – “Người
nào thấy ta, người đó thấy Pháp/ Người nào thấy Pháp, người đó thấy ta”.
Thấy ta ở đây là thấy Phật. Thấy Phật không thể bằng con mắt tầm thường, phàm
phu, hay con mắt thịt – nhục nhãn mà phải dùng con mắt trí huệ - huệ nhãn, con
mắt Pháp – Pháp nhãn. Thấy Phật như vậy là giác ngộ, là thành Phật. Thấy Phật
là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Phật. Mà Pháp – Dhamma chính là Đế, cũng chính
là Thánh đế, cũng chính là Diệu đế, [ cũng chính là Thượng đế ], thưa Quý vị!
Vậy thấy Phật là thấy Thượng đê, thấy Thượng đế là thấy Phật, thấy Phật là
thành Phật, thành Phật là thành Thượng đế, vậy Phật và Thượng đế cũng như nhau,
hoàn toàn không khác!
Chúng ta có tin
vào Thượng đế không? Hoàn toàn tin tưởng! Chúng ta có cầu xin Thượng đế ban cho
ta cái này cái kia hay xá bỏ tội lỗi cho chúng ta không? Không! Chúng ta chỉ
tin vào Thượng đế trong chính mình! Nói cách khác chúng ta tin vào Chân lý cao
thượng về sự khổ, về nguyên nhân của sự khổ, về sự diệt khổ và con đường đưa
đến sự diệt khổ, hay chúng ta tin tưởng vào khả năng giải thoát hoàn toàn những
khổ đau, bất hạnh trong đời sống của chính chúng ta. Tin Phật là tin vào Nhân
quả, tin chính bản thân mình, tin Thượng Đế là tin vào khả năng giác ngộ, khả
năng giải thoát của chính mình. Đó mới là niềm tin đúng, đó mới là chánh tín!
Điều này không sai khác với những người sai khác. Tức là với bất kỳ ai, bất
luận theo tôn giáo nào, quan điểm, tư tưởng, thế giới quan thế nào đi nữa cũng
cần phải có lòng tin vào chính mình, tức là tin Phật, tin Thượng đế. Nếu không
sẽ dẫn đến hai cực đoan (extremes) là khổ hạnh và lợi dưỡng, nói theo ngôn ngữ
triết học hiện đại là duy tâm chủ quan và duy vật chủ quan. Với hai quan
niệm sai lầm này, con người sẽ định hướng cuộc đời mình theo những điều sai
lạc, không những không lợi ích gì mà còn gây ra biết bao đau khổ, bất hạnh cho
mình và cho chúng sanh khác. Người duy tâm sẽ chủ trương lối sống mê tín, thần quyền,
cho rằng mọi khổ đau, hạnh phúc, mọi nhân, duyên, quả trên thế gian của mỗi
người đều do một Đấng Tối cao ban cho, không ai có thể làm khác đi được. Từ đó,
hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo, đổi mới, đồng thời thui chột ý thức, ý chí
vươn lên trong cuộc sống. Người duy tâm dễ sa vào các tệ nạn mê tín dị đoan, xa
rời đời sống thực tại, chối bỏ đời sống thực tại, đam mê những chuyện hoang
đường, kỳ bí, thần thoại, chối bỏ bản thân. Người duy vật lại cho rằng thọ
hưởng các dục lạc, bao gồm: sắc dục lạc, thinh dục lạc, hương dục lạc, vị dục
lạc và xúc dục lạc trên thế gian này là điều tốt đẹp, lâu bền, vững chắc và cứ
say đắm trong đó mà không nhận ra bản chất của vạn pháp là vô thường, tạm bợ.
Từ đó, ra sức tìm kiếm, khát khao các dục lạc, đua chen danh lợi, quyền lực,
địa vị, chức tước và tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng của chính
mình. Người nào thiên nhiều về đời sống vật chất rất dễ bị vật chất cám dỗ, mua
chuộc. Cũng phải thôi, khi một người đã đam mê vật gì và nếu ai đó mang vật đó
đến trước mắt anh ta, lí trí anh ta sẽ bị lu mờ ngay. Các nạn tham nhũng, hối
lộ, chạy chức chạy quyền, đâm chém, giết hại lẫn nhau đều do lòng tham con
người mà ra cả. Lòng tham này phát xuất từ cái thấy và cái tư duy sai lạc, hay
chính là chủ trương duy vật chủ quan thường thấy ở một số người.
Chúng ta tin vào
chính mình, và tin vào chính mình tức là tin vào Pháp. Đức Phật từng nói: “Hãy lấy mình làm hòn đảo để tự nương
tựa. Hãy lấy pháp làm nơi nương tựa, đừng lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, đừng
nương tựa vào chỗ nào khác.”Vậy thế nào là nương tựa vào Pháp?
Nương tựa Pháp chính là nương tựa vào những lời dạy của Đức Thế Tôn đã được lưu
giữ lại trong Tam Tạng Pāli, bao gồm: Kinh Tạng, Luật Tạng, Luận Tạng. Nhưng
nếu nói như vậy thì chưa đi đến ý nghĩa rốt ráo của lời dạy của Người. Nương
tựa Pháp chính là thấy Pháp. Thật vậy! “Yo
dhammam passati, so paticcasamuppadam passati/ Yo paticcasamuppadam passati, so
dhammam passati” – Người nào thấy Pháp, người đó thấy lý duyên khởi/ Người nào
thấy lý duyên khởi, người đó thấy Pháp.” Như vậy, thấy Phật là thấy
Pháp, thấy Pháp là thấy Phật. Đồng thời, thấy Pháp là thấy lý duyên khởi, thấy
lý duyên khởi là thấy Pháp. Thấy Phật là thấy Thượng đế, thấy Thượng đế là thấy
Phật, và thấy Thượng đế là thấy lý duyên khởi, thấy lý duyên khởi là thấy
Thượng đế. Phật là Thượng đế và Người Giác ngộ chính là người thấy DUYÊN. Tin
Phật, tin Pháp, tin Thượng đế cũng là tin vào lý duyên khởi, thuật ngữ triết
học hiện đại gọi cách nhìn nhận này là phép Biện chứng khách quan. Chúng ta
theo Phật cũng chỉ để có được cái thấy này.
Quý vị Phật tử
đừng nghĩ rằng chúng ta theo Phật, học hỏi Phật Pháp là để có được cái gì cả.
Bởi tự thân quý vị đã không hề có cái gì rồi, có theo Phật hay không, bất cứ ai
đi nữa cũng không thể có thêm hay mất đi cái gì đâu! Nói như vậy có nghĩa là Vô
Thường, Vô Ngã là sự thật khách quan, hiển nhiên đúng với mọi sự vật, hiện
tượng hữu vi trong mọi hoàn cảnh không gian – thời gian, không ai có thể thay
đổi được sự thật đó, và cũng không phải chúng ta theo Phật thì chúng ta mới là
Vô thường, Vô ngã, còn những người không theo Phật thì là những người không vô
thường, không vô ngã. Đừng có ý niệm sở hữu sự thật đó riêng cho mình hay cho
một ai đó. Vô thường – Vô ngã là đặc tính cố hữu của vạn pháp rồi, ngay cả Đức
Phật cũng không thể thay đổi được chúng. Chúng sanh đau khổ chỉ vì không có
được cái thấy như thật về những đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà
thôi. Quy tắc của định lý duyên khởi là: “Vì cái này có nên cái kia có, vì cái này không nên cái
kia không. Vì cái này sanh nên cái kia sanh, vì cái này diệt nên cái kia diệt”.
Có – Không liên quan đến không gian, là Vô ngã, Sanh – Diệt liên quan đến thời
gian, là vô thường. Như vậy, vạn pháp tùng duyên sanh, không có gì là không do
duyên mà sanh khởi hay hoại diệt cả. Một hạt giống muốn thành thân cây cao to
khỏe mạnh, phải vay mượn nào là đất đai, khoáng chất, dinh dưỡng, nước, ánh
nắng, không khí …. rồi lại do sâu bệnh, thời tiết, hay do chính sự hoại diệt
của các yếu tố cấu thành nó mà hoại diệt. Chúng ta cũng như vậy! Chúng ta theo
Phật chỉ để thấy sự vô thường, vô ngã hay nói đúng hơn là chỉ để thấy duyên mà
thôi, thưa Quý vị! Chỉ là một cái thấy, nhưng cái thấy này có công năng và diệu
dụng khôn kể xiết. Cho nên mới có câu: “Càn
khôn tận thị mao đầu thượng/Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”. Trong cái cá thể hàm chứa cái
tất cả và ngược lại trong cái tất cả luôn bao hàm cái cá thể. Người Tây phương
nói một câu cũng rất đúng với tinh thần này: “Một người vì mọi người/Mọi người vì một người”
Phương
pháp tu tập
Hàng ngày tại
bổn tự, như nhiều Phật tử ở đây có duyên lành được thực hành, chúng ta niệm
hồng danh đức Phật theo ba thời khóa sáng – trưa – chiều tối với đề mục “Á rá
hăng – Phật trọn lành”. Phương pháp tu tập khá đơn giản, rất thích hợp làm cơ
sở cho những người sơ cơ – mới tìm hiểu pháp môn Thiền Định và Thiền Tuệ của
Phật giáo. Hành giả ngồi xếp bằng lưng thẳng, hai bàn tay đặt
ngữa lên nhau, bàn tay mặt đặt trên bàn tay trái, hai mắt
nhắm lại vừa phải, buông thả toàn thân. Lúc thở vô thầm
niệm :" Á Rá Hăng" (chú ý ở bụng). Lúc thở ra thầm
niệm : "Phật Trọn Lành" (chú ý tại mũi). Thầm niệm liên tục như
vậy! Khi đi, hướng sự chú ý đến chuyển động của chân, mắt nhìn xuống đất khoảng
2 mét. Chân phải bước, niệm "Á Rá Hăng", chú ý chữ "Á" ở
lúc dỡ chân lên, chữ "Hăng" khi chân vừa chạm xuống đất. Chân trái
bước, niệm "Phật Trọn Lành", chữ "Phật" lúc dỡ chân lên,
chữ "Lành" khi chân vừa chạm xuống đất. Ở oai nghi đứng, khi hít vào,
hành giả niệm "Á Rá Hăng", khi thở ra, niệm "Phật Trọn
Lành". Đây chính là nền tảng vững chắc cho Quý vị muốn tiến lên tu tập
Thiền Tuệ (Thiền Minh Sát).
Quý vị biết là
Pháp môn niệm Phật có nhiều thần lực như thế nào không? Người sơ cơ, mới tu tập
Định – Tuệ muốn tăng trưởng đức tin nơi Tam Bảo và tránh đi những tai ương, rủi
ro trong đời sống, nên thực hành tinh cần pháp môn này. Chính Đức Phật cũng
từng dạy: “Có một pháp,
này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán,
ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì?
Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm
cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng
trí, giác ngộ, Niết bàn”
(Tăng
Chi Bộ I.16, HT.Minh Châu dịch)
Niệm Phật, không phải vì ý nghĩa cầu mong một vị Phật nào đến đưa ta đến đâu, cũng không phải để chạy trốn thực tại, chối bỏ cuộc sống này. Niệm “Á rá hăng – Phật trọn lành” – cũng như những pháp môn tu tập khác, chỉ là phương tiện tu tập Chánh định, Chánh tuệ trong Giới – Định – Tuệ, trên con đường tám chi phần đưa đến giác ngộ, Niết bàn, chúng ta không nên coi đây là cứu cánh rồi cho rằng việc thấy hào quang, thấy ánh sáng, thấy điều này, điều nọ là thấy Phật – là cứu cánh. Chữ “thấy” –“passati” này nên hiểu theo nghĩa giác ngộ, đừng nên tin tưởng, nhìn nhận sai lầm mà phí một đời tu tập. Niệm “Á rá hăng – Phật trọn lành” cũng là cách để nhắc bảo chúng ta về ân đức cao thượng, vô lượng vô biên của Chư Phật, mà trực tiếp nhất là Đức Thích Ca Mâu Ni Gô-ta-ma, đối với chúng ta, đồng thời nhắc nhở tự chúng ta hãy nương theo con đường Giới – Định – Tuệ - con đường trọn lành mà vì lòng thương tưởng đối với chúng sanh, Đức Phật đã từ bi chỉ dạy.
Trích một số đoạn trong bài Pháp do Hòa thượng Thiện Tâm thuyết tại đạo tràng chùa Phổ Minh
sáng ngày mồng 1 tết năm Quý Tỵ-2013
Người ghi : Đệ tử Tâm Hạnh (Đăng Khoa)