;
Được xây dựng vào thế kỷ 15 dưới thời nhà Lê và trải qua một cuộc trùng tu lớn vào năm 1707 tạo nên chùa Chuông hoàn chỉnh như ngày nay. Chùa Chuông có tên chữ là Kim Chung Tự. Năm 1992, Chùa Chuông đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Hiện nay chùa thuộc thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên.
Với hàng trăm năm tuổi theo chiều dài lịch sử, chùa Chuông cùng các danh thắng khác trong quần thể di tích Phố Hiến là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách đến Hưng Yên. Trong cuốn "Hưng Yên tỉnh nhất thống chí" của Trịnh Như Tấu có ghi: "Chùa Chuông - Phố Hiến đẹp nhất danh lam" có nghĩa: chỉ Chùa Chuông ở Phố Hiến là đẹp nhất.
Nghe tên chùa, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngôi chùa có nhiều chuông, nhưng thực tế cũng như bao ngôi chùa khác, ở đây chỉ có một chiếc chuông cao chừng hơn một mét, được đặt trên gác chuông kết với nhà thượng điện.
Và một bên thượng điện là gác khánh.
Tương truyền vào năm đại hồng thủy, một quả chuông vàng không biết từ đâu đã trôi dạt vào bãi bồi sông Cái (tên gọi khác của sông Hồng) thuộc thôn Nhân Dục. Dân các nơi đua nhau đến kéo chuông về thờ nhưng chỉ có dân làng Nhân Dục mới làm được.
Cho là trời phật ban quả chuông thần, nhân dân trong làng đã cùng góp công, góp của xây dựng một ngôi chùa để đưa chuông vào thờ. Mỗi lần đánh tiếng chuông vang rất xa. Chính vì vậy chùa còn có tên khác là Kim Chung Tự, tức chùa Chuông vàng. Trong đôi câu đối phía sau tam quan chùa có ghi: “Kim chung Phật tích thiên niên ký. Thạch bích linh truyền vạn cổ hương”, nghĩa là “Dấu Phật chuông vàng ngàn năm ghi lại. Đá xanh linh ứng muôn thuở tỏa hương”.
Qua cổng tam quan của chùa, du khách sẽ bước qua chiếc cầu đá, được xếp bằng những phiến đá xanh to, dài 3m, rộng 2m, dày 0,5m được khởi dựng vào năm 1702, bắc qua hồ sen.
Khoảng sân rộng phía trước được lát hoàn toàn bằng gạch Bát Tràng. Chính giữa là con đường đá xanh dẫn vào khu tiền đường. Theo quan niệm của nhà Phật, đây chính là con đường Nhất chính đạo, con đường chính, duy nhất đưa con người thoát khỏi bể khổ ở đời.
Đặc sắc nhất trong ngôi chùa cổ này chính là hệ thống các pho tượng Phật được chế tác rất tinh xảo đất sét. Từ những mảng đất sét vô tri vô giác, qua bàn tay nhào nặn tinh xảo của những nghệ nhân đất Việt đã biến thành những tư thế, dáng vẻ của hàng chục pho tượng Phật nơi đây.
Trong đó có bộ tượng Thập bát La Hán (18 vị La Hán) với những tư thế ngồi rất sinh động, đời thường. Những pho tượng này không chỉ đặc sắc ở những nét tạo tác của các nghệ nhân mà còn ở cảm xúc nội tâm được biểu hiện ra từng khuôn mặt. Bộ “Thập bát La Hán” bằng đất sét mộc ở đây cũng là một trong những bộ tượng đẹp nhất Việt Nam.
Các pho tượng các vị Bát bộ kim cương trong chùa Chuông rất uy nghi.
Những bức phù điêu gỗ Thập điện Diêm Vương hay hai cung động được đắp bằng đất sét diễn tả cảnh Đường Tăng đi lấy kinh, cảnh địa ngục trần gian ở hai bên hành lang khuyên răn mỗi con người phải biết tu nhân, tích đức nhiều hơn.
Vào mỗi buổi chiều, sân trước chùa luôn là nơi được nhiều trẻ em lui tới vui chơi trong cảnh yên ắng, thanh bình.
Thành Chung (Giáo Giáo Dục Việt Nam)