;
Khoan dung, sẽ là chìa khóa mở ra cuộc sống yên bình, sẽ xóa dần đi sự thù hận giữa người với người...
Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình
Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
Những câu danh ngôn thiền ngữ cho người Phật tử
Những lời dạy cao thượng
Có một buổi chiều, rời khỏi hội đồng xét duyệt đề tài cấp cơ sở, tôi lặng lẽ đến ngôi chùa quen thuộc, ngồi đó rất lâu. Hàng loạt hình ảnh âm thanh cứ lần lượt chạy qua, như một cuốn phim quay chậm, tôi chìm vào mớ hỗn độn ấy, lòng ngổn ngang như một bữa tiệc đã tàn.
Danh lợi, tiền bạc, bản ngã, được mất… với cả trăm câu hỏi cứ trở đi trở lại khi tôi ngẫm nghĩ về một vấn đề. Nút thắt, nút mở cho những điều này nằm ở đâu? Cách đối nhân xử thế mà con người cần phải học tựu trung ở những điểm nào? Tôi trở ra ban Tam bảo, chầm chậm dừng tầm mắt ở một tấm gỗ nhỏ treo trên tường, ở đó có ghi mười bốn điều răn của Phật.
Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình. Ngày còn nhỏ tôi đã từng nghe người lớn nói câu này, và cảm thấy vô lý không thể nào hiểu nổi. Con người mình, cái thứ mà ngày ngày bố mẹ cố gắng chăm sóc cho phổng phao khôn lớn lại là kẻ thù của mình ư? Đến khi lớn lên, hiểu được rằng cái tạo nên mình không chỉ là thân xác bên ngoài, mà còn cả những thứ không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng luôn tồn tại bên trong mỗi người.
Rồi lớn lên thêm một chút, nghe nhiều câu chuyện từ khắp nơi và thường hay thấy mọi người nhắc đến hai từ như là đối lập nhau: lý trí – tình cảm; thì lờ mờ hiểu rằng con người có những cuộc giằng co trong tâm thức. Nhưng đến một ngày, tôi bỗng nhận ra, từ “tình cảm” mà mọi người hay sử dụng là một mỹ từ đôi lúc đã đánh lừa người nghe. Thực ra, nó bao che cho cả những cảm xúc, nhu cầu, ham muốn tầm thường khác. “Kẻ thù lớn nhất của đời mình” lớn lên từ đây.
Cái bản ngã, cái tôi cá nhân chính là kẻ thách đấu nhiều nhất với mỗi con người. Mỗi lần đứng trước một lợi ích, có thể là lợi ích vật chất, cũng có thể là lợi ích tinh thần; thì tùy theo mức độ từ nhỏ đến lớn, cái bản ngã cũng sẽ lớn dần theo. Con người luôn phải đấu tranh bởi sự giằng co trong tâm thức, giữa lý trí sáng suốt và ham muốn trần tục, giữa tinh thần cao thượng với dục vọng thấp hèn. Sự giằng co ấy đến từ hai phía là vô ngã và bản ngã. Vì vậy, con người càng nhiều tham sân si, thì kẻ thù sẽ càng lớn mạnh.
Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại. Một trong những điều cản trở sự nhận thức của con người, đó chính là tính tự cao tự đại, tính kiêu ngạo khinh người. Tự đại, kiêu ngạo sẽ khiến con người ta mờ mắt, hạn hẹp tầm nhìn, suy nghĩ lệch lạc và dẫn đến rất nhiều sai lầm. Thế giới với bao điều bí ẩn mà tầm hiểu biết của con người thì hạn hẹp vô cùng, cả đời người là quá trình tìm hiểu cuộc sống và hoàn thiện bản thân, mấy ai hiểu hết được điều cần phải hiểu.
Tự đại là thái độ cho rằng mình cao cả, mình đủ lớn mạnh so với người đời. Nhưng trong cái thế giới vô thường này, ai làm chủ được vạn vật, ai thoát được khỏi được bể trầm luân? Vậy thì, tự đại quả là một sự thất bại lớn trong việc tu thân của con người.
Ai cũng vậy, luôn hiểu mình hơn hiểu người khác rất nhiều. Ai đủ bình tĩnh lắng nghe suy nghĩ của người khác, rồi từ đó phân tích so sánh với ý kiến của mình để đi tìm câu trả lời đúng nhất, người đó chính là người đang dần chiến thắng ý nghĩ chủ quan của mình. Sự khác nhau trong việc đánh giá trình độ nhận thức mỗi người sẽ nằm ở đâu? Có nhiều tiêu chuẩn, nhưng một trong những tiêu chuẩn đó là khả năng tiếp thu cái mới cái lạ mặc dù điều đó đối ngược với ý kiến của mình. Khi một con người tự cho mình giỏi giang hơn thiên hạ, thì người ấy khó lòng chấp nhận được việc mình phạm sai lầm.
Nhận định của người ấy sẽ thiếu tính khách quan, sẽ không còn chỗ dành cho những ý kiến, những cách nhìn khác chiều với mình. Rồi để khi không đủ lý lẽ chứng minh mình đúng, thì khó chịu, cay đắng, tệ hơn nữa là mù quáng phủ định chân lý. Không chấp nhận mình sai, không đủ can đảm để nhìn nhận mình thua cuộc, thì sẽ sa lầy vào một vũng bùn tăm tối khác, đó là giận dữ thậm chí là thù hận.
Có một chuyện đã khiến tôi thay đổi rất nhiều trong cách xử sự, đặc biệt khi đối diện với vấn đề phân định đúng sai hay tốt xấu. Đó là lần tôi đi nghe một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của người học trên tôi hai khóa. Cuốn luận án đó viết về một vấn đề của Ki tô giáo, nhưng thầy giáo tôi, người chuyên nghiên cứu về Phật giáo lại có mặt trong hội đồng phản biện.
Nhiều trường bên nước ngoài có thói quen xếp một người không hoàn toàn cùng hướng nghiên cứu ngồi hội đồng, để có thể có cách nhìn mới lạ không đi theo lối mòn mà người khác dễ mắc phải. Khi đến lượt thầy tôi hỏi, thầy đã nhìn thẳng nghiên cứu sinh và cười, thầy nói: “Trước hết, cho tôi cảm ơn em vì nhờ cuốn luận án này mà tôi đã hiểu thêm một vấn đề tôi chưa lưu tâm đến. Tôi không phải là người nghiên cứu về Ki tô giáo, nên có thể coi tôi là người ngoài ngành, vì vậy tôi có vài điều thắc mắc của người ngoài ngành, mong em giải thích giúp tôi hiểu rõ hơn…”
Tôi đã học được một bài học lớn qua cách xử sự của thầy mình. Thầy hiểu học sinh căng thẳng thế nào trong ngày bảo vệ luận án. Tôi không biết thầy thật sự không hiểu hay thầy khiêm tốn mà nhận mình là người ngoài ngành, vì thầy chuyên về Phật giáo không có nghĩa thầy không biết gì về những tôn giáo khác. Tuy nhiên, thầy đã lùi một bước để người đối diện cảm thấy bình tâm hơn, tự tin hơn mà trả lời câu hỏi.
Thầy không ngần ngại khi nói mình không hiểu rõ vấn đề, thầy đủ tôn trọng học sinh cũng như kiến thức khi cảm ơn người viết luận án. Để rồi, thầy nhận lại được sự biết ơn của học sinh, và nhận lại được câu trả lời trong trạng thái tâm lý tốt nhất. Như vậy, thái độ nói quan trọng không kém gì nội dung nói.
Tôi đã dự khá nhiều hội đồng xét duyệt đề tài hoặc hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ thạc sĩ tại Việt Nam, nhưng phần nhiều tôi buồn về thái độ góp ý của người cầm cân nảy mực. Nhiều người, cứ ngồi vào hội đồng là tự cho mình quyền sinh quyền sát, và thể hiện quyền lực của mình bằng cách chê bai, bất chấp vấn đề đó mình có hiểu thấu đáo hay không. Trong khoa học mà chỉ có một chiều là “trên bảo dưới nghe” thì khoa học sẽ đi về đâu?
Khi góp ý ai đó, mục đích chúng ta cần đạt được là người nghe suy nghĩ lại bản thân rồi từ đó thay đổi theo hướng tích cực, chứ không phải là nhân cơ hội phê phán người khác để thể hiện bản thân mình. Chính vì vậy, cách góp ý, thái độ góp ý sẽ góp phần không nhỏ quyết định kết quả của việc góp ý. Còn thái độ sống, đó là tiêu chí hàng đầu để đánh giá nhân cách của từng người.
Tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà toán học lừng danh Pythagoras “Đừng thấy cái bóng to của mình trên vách tường mà tưởng mình vĩ đại”. Vậy đấy, cái ảo ảnh mà mình tự tưởng tượng ra hoặc do xã hội đưa đẩy, nó lớn hơn rất nhiều so với con người thực của mình. Sống với đời thực đi, hay sống với ảo ảnh?
Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti. Tự ti là mặt trái của tự đại, nhưng có thể chúng lại chính là hai người bạn đồng hành cùng nhau. Chúng như hai mặt của một tờ giấy, không tách rời nhau được, tuy nhiên luôn quay lưng vào nhau. Tự ti là thái độ đối lập với tự đại, nhưng nó bắt nguồn bởi tự đại, và ngược lại. Cũng như người ta sẽ không nhận ra bóng tối nếu thiếu ánh sáng, sẽ không thấy mình thấp nếu không có ai cao hơn để so sánh. Tự ti cũng chính là một biểu hiện của việc không dám đối diện, tránh né, lẩn trốn, sợ hãi với những thứ mình cho là cao hơn so với tầm với của chính mình.
Hậu quả của tự ti là mặc cảm, tự coi thường bản thân, không dám làm, không dám nghĩ, luẩn quẩn trong bế tắc. Tuy nhiên, có một hệ lụy đi theo nó rất phổ biến giữa những con người sống nhiều ảo tưởng, là vì tự ti trong lòng nên phải diễn kịch với xã hội, phải tạo ra những vỏ bọc để che đi nỗi sợ hãi của mình. Chính điều này dẫn tới nhiều nỗi đau khác do bản ngã gây nên.
Tôi từng chứng kiến một cuộc cãi vã nảy lửa giữa hai thế hệ, một là người làm lâu năm trong nghề nhưng chưa bao giờ đi ra nước ngoài học tập, một còn trẻ mới tốt nghiệp từ nước ngoài trở về. Họ tranh luận một vấn đề rất lâu mà không ngã ngũ, rồi càng nói càng xa dần chủ đề lúc ban đầu. Cuối cùng, họ gạt chuyên môn khoa học sang một bên, chĩa mũi nhọn vào đời tư của đối phương.
Người già thì dùng ưu thế là mình làm trong ngành lâu năm, có kinh nghiệm cọ sát; người trẻ thì lấy mác bằng cấp ra để khẳng định mình. Cứ thế, không ai nhường ai, ai cũng tự nâng cao mình và tìm mọi cách phủ định đối phương. Tôi lặng lẽ quay lưng đi, khi không muốn nghe thêm những điều khó chịu.
Tôi chỉ thấy rằng, cả hai người này đều đang “thất bại” và “đáng thương”. Họ đều vừa tự đại và vừa tự ti, người nào cũng thầm kiêu ngạo vì những gì mình có, nhưng người này lại thèm muốn và sợ hãi cái người kia đang có. Cuối cùng, họ đã không đủ bản lĩnh để đối diện với sự thật, đối diện với cái tôi cá nhân của mình, họ đang đánh mất mình trong cả khoa học lẫn đời sống.
Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Đánh mất mình là cách nói thông dụng khi ai đó sống trái với lòng mình, sống không đúng với lương tâm làm người. Họ sống cuộc sống của một người nào đó trong thân xác của mình, đây là một cách phủ nhận bản thân. Khi một người từ chối chính con người mình, vì bất kể lý do gì, chủ quan hay khách quan, thì người đó đã đóng cánh cửa giải thoát đối với mình. Bởi con người chỉ thoát khổ khi diệt trừ được những tham vọng ham muốn của mình, mà muốn diệt trừ được thì phải đối diện. Khi không là chính mình nữa, đối diện làm sao đây?
Hiện nay, trên rất nhiều diễn đàn, hoặc trong nhiều hội thảo khoa học, người ta vẫn thường dùng một cụm từ “tôn trọng sự khác biệt” như một tiêu chí để có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía khác nhau, để khách quan hơn khi đưa ra nhận định. Tuy nhiên, làm được điều này không hề dễ dàng, làm thế nào để nó chỉ dừng lại ở trên lý thuyết hoặc về mặt hình thức mà thôi? Có lẽ mỗi một người, cần phải nuôi dưỡng tính khoan dung của mình.
Lễ vật lớn nhất của đời người là sự khoan dung. Chưa cần nói đến sự khoan dung tha thứ đối với những lỗi lầm người khác gây ra cho mình. Khoan dung, ở khía cạnh nào đó, chỉ đơn giản là sự mở rộng lòng, chấp nhận với những việc mình không mong muốn bằng tâm thái bình thản.
Giữa cuộc sống phức tạp ngày càng nhiều xáo động, rất nhiều áp lực mỗi người phải chịu hàng ngày bắt nguồn từ việc chúng ta sống thiếu sự khoan dung đối với nhau. Nếu cứ tiếp tục cố chấp, chính chung ta sẽ gây khổ cho mình và những người xung quanh. Khoan dung, sẽ là chìa khóa mở ra cuộc sống yên bình, sẽ xóa dần đi sự thù hận giữa người với người.
Hạn chế của ngôn từ là không khái quát được tất cả hoặc không chỉ ra cụ thể được chân lý cho từng trường hợp riêng lẻ. Một câu nói có thể đúng với rất nhiều người, nhưng với ai đó, nhìn ở góc độ khác biệt lại không hoàn toàn chính xác. Kể cả với lời Phật dạy, mỗi người cũng có cách lý giải của riêng mình. Tôi cũng chỉ đứng từ góc độ của mình để đi tìm lời giải đáp cho những va đập vừa gặp phải. Còn ai đó nữa, sẽ có câu chuyện của riêng họ để ngẫm suy.
Đời vẫn cứ trôi!
*Tựa đề: [1] Lời trong ca khúc “Đóa hoa vô thường” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
*Bài viết cùng tác giả