;
Giữa cuộc sồng vô thường, chỉ có tình thương là còn mãi. Vậy nên dù Đức Phật nhập Niết Bàn đã được 2558 năm, nhưng chân lý rạng ngời trí tuệ và từ bi mà Người để lại vẫn đang được lan tỏa rộng rãi, không chỉ trong phạm vi chùa chiền, mà còn tại rất nhiều nơi.
Một trong số những nơi mà tôi muốn nói đến là công ty sách Thái Hà, một đơn vị chuyên giới thiệu đến với công chúng dòng sách Phật giáo chất lượng và mang tính ứng dụng cao. Thí dụ cụ thể mà những người may mắn có mặt đều nghe, suy ngẫm và ứng dụng rất hiệu quả ngay lập tức là buổi giao lưu ngắn với một người thầy có tâm, có đức và rất gần gũi.
Đại Đức Thích Tâm Nguyên từ chùa Hoằng Pháp, TP HCM vừa hoàn thành Phật sự tại khóa tu “Nuôi dưỡng lòng từ” của chùa Bằng A, nhưng ngay chiều ngày 24/7/2014, Thầy vẫn dành một buổi giao lưu & chia sẻ Phật Pháp với cộng đồng thích đọc và ứng dụng sách Phật giáo lớn nhất Việt Nam, để truyền tải thông điệp “ yêu thương như thế nào để có được hạnh phúc”.
Nương theo lời Phật dạy trong kinh “ Nuôi lớn tình thương”
“Phổ ưu hiền hữu
Ai gia chúng sinh
Thường hành từ tâm
Sở thích giả an”
Đại Đức Thích Tâm Nguyên giao lưu, chia sẻ Phật Pháp.
Thầy đã giảng giải, mỗi người nếu yêu mến tất cả mọi người, xem ai cũng là bạn hiền, thương xót mọi loài chúng sinh, luôn hành xử với tâm từ bi thì họ đi đến đâu cũng gặp an lành. Vì mỗi người đều mong muốn được yêu thương, được hạnh phúc, dù họ giàu sang hay nghèo khó.
Tuy nhiên, có loại yêu thương đem đến cho mình và người niềm vui hạnh phúc, lại có loại yêu thương đem đến cho mình và người sự bi lụy khổ đau. Vì nhiều lúc trong cuộc sống, vì sự tìm cầu đã chi phối tâm ý, con người từng chỉ nghĩ cho mình, sống vì mình, mà quên mất không cầu mong và hành động vì hạnh phúc của người khác.
Khi ấy hạnh phúc dành cho họ chỉ như chiếc chăn hẹp mà nhiều người đắp chung, người này ấm thì người kia lạnh, dẫn đến sự giằng co. Chính những suy nghĩ, hành động chưa chín chắn ấy rồi sẽ làm con người khổ sở vì dằn vặt, hoặc là tổn thương vì va chạm với mọi người.
Những suy nghĩ, việc làm như thế bắt nguồn từ tập khí tham lam, giận dữ và mù quáng. Một ngôi nhà hạnh phúc không thể xây nên từ những viên gạch làm từ chất liệu khổ đau như vậy, nó sẽ không bền vững được, dù được tô lên bởi những lớp sơn đẹp.
Điều này đã được chứng minh trong lời dạy của Đức Dalai Lama : “Chất liệu làm nên hạnh phúc đích thực là sự bình yên nội tại. Sự bình yên đó lại bắt nguồn từ tình yêu thương, sự quan tâm dành cho người khác”.
Thật vậy, những khổ đau chỉ có thể nguôi ngoai, khi con người mở lòng mình, hướng về những nỗi khổ của người, để tìm ra cách mang lại niềm vui cho họ, khi đó bạn sẽ thấy nụ cười lây lan rất nhanh và xa.
Để có thể hướng tâm mình đến với mọi người, bản thân cần tu học và phụng sự theo tinh thần vô ngã, bằng cách quán xét thấy, mọi sự may rủi trong cuộc sống đều như trò chơi vé số, chúng ta không nên quan trọng về con số may mắn, con người cần chủ động quyết định số phận, vận may của mình, còn nếu con người để số phận và vận may chi phối tâm trí thì họ sẽ đánh mất chính mình.
Con người có thể chủ động quyết định con số may mắn trong cuộc đời của mình, bằng cách kiểm soát lời nói, hành vi, ý nghĩ sao cho không ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Phật đã dạy “ Như Lai là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Có nhiều người có lẽ chỉ biết cầu Đức Phật trên tòa sen phù hộ cho mình, nhưng họ quên mất rằng những người xung quanh mình cũng là những vị Phật tương lai đang tu tập để vươn lên; từ đó họ không còn tôn trọng mọi người, nên cứ thoải mái, vô tư phán xét, đánh mắng người khác.
Thế nhưng, trong giấc ngủ, nom ai cũng hiền lành thánh thiện, đó là vì con người còn chưa biết đánh thức cái tính thiện trong mình. Bởi họ nghĩ chết là hết có nghĩa là những việc không tốt của mình cũng sẽ chấm dứt và biến mất, nên họ cho phép mình nói năng và có những hành động không đúng.
Đó cũng chính là sự mê lầm của không chỉ người đời mà còn là của những người mới học Phật. Họ quan trọng về việc công đức mà mình tích tụ được liệu có giúp mình tu hành thành tựu như chư Phật, Bồ tát được không, mà họ quên mất rằng trong mình vẫn còn phần bất thiện vi tế.
Vậy nên mỗi người chúng ta cần tu học nhiều hơn nữa để chuyển hóa phần bất thiện trở nên thiện hơn, khi đó, tâm của mỗi người sẽ tự nhiên gần với tâm Phật hơn.
Vậy, chúng ta cần chuyển hóa phần bất thiện vi tế trong tâm tư của mình bằng cách hạn chế nhìn lỗi của người. Nếu có thể, chúng ta đừng nên ghét người mắc lỗi phạm tội. Vì họ cũng như mình mà thôi, đôi khi mình vấp ngã và đau khổ thì không mong người khác hả hê nói mình đáng đời, vậy người đã trót lầm lỡ cũng vậy.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy chúng ta mở lòng bao dung với cuộc đời như vậy :“Những người đang gây ra lỗi lầm làm chúng ta tổn thương, đó là vì từ sâu thẳm nội tâm, người đó cũng đang đau đớn, bị tổn thương, và nỗi đau của họ đang lan tràn ra ngoài đó thôi, người đó không cần sự trừng phạt, người đó cần sự giúp đỡ”.
Bây giờ chúng ta cần hít sâu vào, để đón nhận mọi khổ đau của người đang gây ra cho ta vào bên trong trái tim biết đồng cảm, để chuyển hóa thành chất liệu mát lành đi ra cùng hơi thở ra, để xoa dịu nỗi đau của đời người. Nào! Bạn đã cảm thấy tha thứ sẽ được thư thái chưa?
Bỏ qua được sai sót lỗi lầm của người khác, chúng ta sẽ cảm thấy đôi mắt của tâm mình không còn nhìn thấy khoảng cách nào giữa mình và người, khoảng cách giữa người và người thực chất chỉ mong manh như sợi dây ngăn cách khoang thượng hạng và khoang bình dân trên máy bay.
Chụp hình lưu niệm cùng các bạn trẻ.
Nếu mỗi người có thể gỡ bỏ khoảng cách do mình tự tạo ra, tình người sẽ lớn lên. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời một lời hát ý nghĩa “ Sống trên đời cần có tấm lòng để gió cuốn đi”.
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi vì sao tấm lòng thương người cần có gió cuốn đi không? Bởi tình thương không có hình tướng, nó cần nương theo gió để len lỏi vào mọi góc khuất cuộc đời, để ai ai sống cũng được hạnh phúc.
Nếu sống được như thế, người người nhìn nhau sẽ không còn cảm giác nghi ngại. Như một đứa bé có tâm trong sáng nên bé khiến người khác muốn gần gũi, vì họ cảm thấy ở bên bé thật bình yên, không có gì phải nghi ngại.
Bây giờ, sao chúng ta không quay lại với sự hồn nhiên vô ưu như trẻ thơ bằng thật nhiều nụ cười, cười hỷ xả với tất cả niềm vui và nỗi buồn, vì mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống này chỉ như những nốt nhạc lên bổng xuống trầm của một bản nhạc hay, thay vì tránh né nó, chúng ta cùng thưởng thức bản nhạc đó, bạn nhé?
Tôi rời buổi giao lưu của thầy Thích Tâm Nguyên tại công ty sách Thái Hà mà lòng nhẹ nhàng vô cùng. Hình như tôi vừa trút đi được một gánh nặng nào đó.
Hình như tình thương bất tử đang lan tỏa trong tôi. Liêu còn gì bất tử nữa ngoài tình thương!