;
>TT. Thích Nhật Từ: Vụ chùa Bồ Đề người khéo bắt chuột sẽ không làm vỡ chén quý giá trong nhà
Là nơi hoạt động tôn giáo nên việc tiếp nhận, nuôi dưỡng những mảnh đời cơ nhỡ xuất phát từ cái tâm thiện nguyện. Nhà chùa không phải trung tâm bảo trợ xã hội, càng không có các "phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ" này nọ - nhưng đoàn thanh tra lại cứ phán xét thẳng vào cơ sở vật chất, chuyên môn… Tuy nhiên, họ lại quên mất một điều: Bao nhiêu năm, nhà chùa đã nai lưng ra làm cái việc mà đáng ra là của các cơ quan bảo trợ xã hội.
Ngày 19/8, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên chính thức công bố kết quả thanh tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề. Đoàn kiểm tra thành lập 4 tổ thanh tra các nội dung: Thực trạng chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi; Công tác tiếp nhận, quản lý rẻ em, người tàn tật, người cao tuổi; Việc thực hiện các quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi; Công tác y tế, giáo dục.
Kết quả thanh tra được công bố như sau:
Về việc chăm nuôi trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội, đoàn kiểm tra xác định, việc phối hợp của nhà chùa với chính quyền địa phương trong quản lý nhân hộ khẩu chưa nghiêm túc, không tự giác khai báo những di biến động về số trẻ em và đối tượng bảo trợ xã hội. Việc quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề chưa chặt chẽ, đối với trẻ em bị bỏ rơi, khi phát hiện, trụ trì chưa khai báo với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết.
Hầu hết các điều kiện đều không đảm bảo quy định. Trong đó diện tích ở trung bình mỗi người tính theo mét vuông đủ so với quy định, nhà bếp đơn giản, sơ sài, không đảm bảo công tác vệ sinh, phòng tránh côn trùng. Khu vệ sinh cũng không đáp ứng tốt nhu cầu… Đặc biệt, không có bất cứ ai có chuyên môn nghiệp vụ về y tế, chuyên môn chăm sóc, bảo trợ xã hội.
Một đứa trẻ sinh sống tại chùa Bồ Đề được chăm sóc, tắm rửa.
Chắc hẳn ai cũng đều biết rằng, bao nhiêu năm qua chùa Bồ Đề là nơi cưu mang, nuôi dưỡng rất nhiều đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa. Chùa Bồ Đề không phải là trung tâm bảo trợ xã hội hay có trách nhiệm phải làm công việc này. Ấy vậy mà khi vào cuộc thanh tra, các cơ quan chức năng lại xoáy vào việc nuôi dưỡng những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề là nhếch nhác và đặt ra những nghi vấn này nọ. Cho các em một nơi nương tựa, được ăn uống đều đặn hàng ngày, được chạy chữa khi mắc bệnh là một sự cố gắng rất lớn đối với những người tu hành.
Công lao và thiện tâm ấy rất cần xã hội ghi nhận.
Biết bao năm qua, rất nhiều đứa trẻ bị chính người thân yêu bỏ rơi thì lúc còn đỏ hỏn, đã được nhà chùa cứu vớt, nuôi dưỡng nên người. Họ nhường miếng ăn cho những cảnh đời bất hạnh không mong sẽ được trả công. Và chính việc làm xuất phát từ cái tâm này cũng chưa được cơ quan chức năng quan tâm, trợ giúp. Thế mà, khi có chuyện xảy ra, họ sốt sắng vào cuộc thanh tra này kia.
Sao không kiểm tra miếng cơm, manh áo của các em nhỏ mồ côi có từ đâu, nỗi vất vả nuôi dưỡng chúng ai phải gánh chịu?
Hơn nữa, chính quyền sở tại và các ban ngành đã bao giờ nghĩ tới chuyện, hỗ trợ kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất để nhà chùa nuôi dưỡng lũ trẻ, hay là chỉ biết đứng trên cao chỉ tay năm ngón. Những người tu hành khó khăn lắm mới cưu mang được chừng ấy con người, nhà chùa đâu phải trung tâm bảo trợ xã hội, mỗi ngày nhận được một khoản vốn nhất định để hoạt động, được rót kinh phí xây dựng cơ sở vật chất.
Sao lại nói nhà chùa vi phạm về diện tích ở trung bình mỗi người tính theo mét vuông, nhà bếp phải thế này thế kia? Người tu hành đâu phải bác sĩ mà lớn tiếng trách móc không có chuyên môn nghiệp vụ về y tế, chuyên môn chăm sóc, bảo trợ xã hội?
Tất cả những gì các em nhỏ sinh sống tại chùa Bồ Đề đang được hưởng đều do kẻ tu hành "nhịn miệng" chia sẻ.
Mỗi người chúng ta nên nhìn một cách xuyên suốt, không nên đánh đồng việc phát tâm thiện nguyện của nhà chùa với trách nhiệm của các trung tâm bảo trợ xã hội. Khi xã hội còn có những đứa trẻ bị bỏ rơi, còn có những người bố người mẹ vô trách nhiệm đang tâm vứt bỏ con mình thì những nơi như chùa Bồ Đề vẫn sẽ là chốn bình yên cần trân trọng!
Một câu hỏi đang rất cần giải đáp là:
Vì sao chỉ có nhà chùa đi "nhặt" trẻ cơ nhỡ về nuôi mà các trung tâm bảo trợ xã hội không chủ động làm việc đó? Xã, phường, quận, huyện nào cũng có cán bộ bảo trợ xã hội, mà trẻ cơ nhỡ thì lang thang khắp đầu đường xó chợ chứ có phải "con ốc bò trong ruộng lúa" đâu mà không thấy?
Khi bà mẹ nào đó đang tâm bỏ con, sao họ lại không tìm đến cổng các trung tâm bảo trợ xã hội mà tìm đến cửa chùa?
P.V
Nguồn: http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/toi-cho-nha-chua.html