;
Có thể nói đây là nhân duyên thù thắng của Phật tử Việt Nam cư ngụ tại miền Nam California vì đức Đạt Lai Lạt Ma biết đa số người Việt Nam tu theo pháp môn Tịnh Độ (Niệm Phật) nên Ngài đã ưu ái cho tổ chức hai lễ này.
Lễ Điểm Đạo cũng còn gọi là lễ Quán Đảnh. Nói nôm na là lễ nhập đạo hay nhập môn. Quán Đảnh dịch từ tiếng Tây Tạng Wang có nghĩa đen là: “Quyền năng”, nhưng trong ý nghĩa là “ban truyền quyền năng’’. Điều đó hàm ý là sự ban truyền quyền năng của trí tuệ từ vị thầy sang đệ tử, cho phép vị đệ tử đó đi vào hành trì tu tập và gặt hái thành quả tu tập.
Theo truyền thống Kim Cang Thừa, hành giả cần phải thọ nhận lễ quán đảnh để đón nhận năng lực gia hộ của chư Phật, chư Hộ Phật và chư Đạo Sư trước khi hành trì các pháp môn thiền quán tưởng theo hướng dẫn trong các nghi quỹ (sadhana).
Hai lễ Quán Đảnh A Di Đà và Dược Sư này mang ý nghĩa là tăng thêm năng lực cho người hành trì pháp môn Niệm Phật. Ngày đầu tiên tức ngày hôm nay thứ Sáu 25-09-09 thì nhận lễ Quán Đảnh A Di Đà Phật, qua ngày thứ nhì tức thứ Bảy 26-09-09 thì nhận lễ quán đảnh Dược Sư Lưu Ly Phật. Phật Dược Sư thì gia trì cho chúng sanh dứt trừ mọi bệnh tật trong thân và tâm. Và dứt trừ ba bệnh lớn là tham, sân và si của chúng sanh.
Lễ Quán Đảnh là nghi thức biểu tượng, là hành vi thiền định để tạo ra một tương ưng giữa Tâm và Tâm. Y cứ vào đó, trạng thái tâm chưa giác ngộ của người thọ nhận pháp Quán Đảnh tạo điều kiện làm quen và giúp cho tương ưng với tâm giác ngộ của một vị thày hay vị đạo sư. Vị thày ban lễ quán đảnh hôm nay và ngày mai là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
Nền tảng về Lễ Điểm Đạo Phật A Di Đà:
“Hai loại tu tập chính yếu trong Phật Giáo là Kinh thừa (Hiển Giáo) và Mật thừa (Mật Giáo). Trong Mật thừa, có bốn lớp Mật Điển (Tantra): (1) Thiện Hạnh, (2) Hành Động, (3) Du Già, (4) Du Già Tối Thượng. Mật Điển Thiện Hạnh nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc thanh lọc các hành vi bên ngoài. Có ba dòng của Mật Điển Thiện Hạnh là dòng Như Lai, dòng Liên Hoa và dòng Kim Cang, được biết đến như là ba dòng vượt thế tục. Phật A Di Đà thuộc dòng Liên Hoa hay Padma của Mật Điển Thiện Hạnh.
Một trong những đại nguyện của Phật A Di Đà, một khi Ngài thành tựu giác ngộ, Ngài sẽ cứu độ tất cả chúng sinh ra khỏi sự đau khổ để dẫn đến cõi tịnh độ của Ngài. Những ai với tín tâm mạnh mẽ và siêng năng trì nguyện đức Phật A Di Đà, bao gồm cả những người đã phạm tội ngũ nghịch, sẽ tạo ra được một vòng đai tín tâm để cho tâm viên mãn của đức Phật A Di Đà cuốn kéo đến cõi tịnh độ. Đức Phật A Di Đà có đại lực và sức hộ trì để hoá độ tất cả chúng sinh hữu tình, nhưng hai yếu tố cần thiết vẫn là vành đai tín tâm của người tu học và sức cuốn kéo từ tâm viên mãn của Ngài.
Thật là một hạnh duyên cát tường cho chúng con được phép nhận pháp truyền năng lực Phật A Di Đà từ đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Nguyện cho tất cả đều đến được cõi tịnh độ của Phật A Di Đà.” [1]
Thọ nhận quán đảnh cũng giống như việc gieo mầm hạt giống trong tâm thức; sau này, khi hội đủ nhân duyên và qua các nỗ lực tu trì, hạt giống đó sẽ nảy mầm thành Giác ngộ. Vì vậy mà, trước khi lễ Quán đảnh Phật A Di Đà bắt đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm lễ phát Tâm Bồ Đề, lễ Quy Y Tam Bảo và truyền Giới.
Qua ngày hôm sau, thứ Bảy 26-09-09 là lễ Điểm Đạo Phật Dược Sư (Medicine Buddha Initiation). Hôm nay số người tham dự cũng đông bằng hôm qua, theo ban tổ chức cho biết là 13 ngàn người tham dự lễ này.
Trước khi lễ bắt đầu đức Đạt Lai Lạt Ma dành khoảng một giờ để nhận và trả lời các câu hỏi của Phật tử. Sau đó là lễ phát Tâm Bồ Đề và truyền Quy Y Ngũ Giới cho hàng cư sĩ và đồng phát nguyện:
Cho đến khi hư không còn tồn tại
Và chúng sinh còn chịu đựng khổ đau,
Nguyện cho chúng con còn tồn tại,
Để xóa tan nỗi khổ đau trên thế gian này.
Và sau đó ngài chủ trì lễ điểm đạo Phật Dược Sư:
“Hôm nay, chúng con thật may mắn được ban lễ Điểm Đạo Phật Dược Sư từ chính đức Đạt Lai Lạt ma thứ 14.
Nguyện cho chúng con luôn có được chánh kiến và chánh tín, và không bị chia lìa với bổn sư thiện xảo của chúng con. Nguyện cho chúng con lưu giữ được từ tâm, có đời sống dài lâu, dung hạnh và thiện đức cũng như được phát triển tâm Bồ Đề. Xin cho chúng con luôn luôn không những tái sinh thành người, mà còn vãng sinh về cõi Phật, trong đoá sen, với các phẩm hạnh viên mãn khiến trở thành một cỗ xe hoằng hóa giáo pháp của bậc Tôn Sư Tối Cao.
Vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình nhiều như bầu trời cao, chúng con phấn đấu để thành tựu giác ngộ tuyệt vời.
Sự sống của con người vô cùng quý giá và khó đạt. Một khi đạt được, trường thọ mà không gặp mọi chướng ngại với tất cả nhu cầu thiết yếu là đều cần kíp để tạo điều kiện cho sự tu học Chánh Pháp nhằm phục vụ tất cả chúng sinh hữu tình.
Hướng đến mục đích này, Đại Vương Dược Sư Phật, còn được gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, với lòng từ ái bình đẳng và với phương tiện thiện xảo của mình dành cho tất cả chúng sinh hữu tình bất kể sự khác biệt về các tầng lớp giới cấp của họ.
Thông qua việc ban huệ phước của lễ điểm đạo Phật Dược Sư, những ai chỉ cần nghe đến danh tánh của bảy Đức Phật Dược Sư, thì ngay cả dòng lửa liên tục của tầng thứ tám hoả diệm địa ngục cũng đều được mát dịu như là đại dương của các đoá hoa sen.
Bảy đức Phật Dược Sư là các vị Phật đã thành tựu với tám hay bốn hay mười hai sở nguyện và tôn nghiêm với quang vinh về sự tích luỹ công đức và trí tuệ. Những thệ nguyện của các đức Phật Dược Sư là bất diệt và có năng lực to tát hơn, nhanh chóng hơn và ban bố huệ phước trong thời mạt pháp của ngũ chủng (như thời đại hiện nay của chúng ta).
Chỉ cần nghe danh tánh của bảy vị Phật Dược Sư, sẽ xua tan sự đau khổ, bệnh tậ, và tam độc của các hạ giới.
Bảy vị Phật Hộ Trì Từ Bi trong thời mạt pháp này, cùng với đức Phật Thích Ca Mau Ni là ngọn đèn tối cao của trí huệ xua tan bong tối của vô minh và là các liều thuốc tốt nhất xoa dịu các nỗi đau và bệnh tật.
Thoát khỏi tất cả khổ đau và bệnh tật, sắc tướng hay thể chất của chúng con được khoẻ mạnh và tâm thức của chúng con được an lạc nên chúng con có thể thành tựu đại giác để đạt phúc lợi và đến khi đó, cũng để phục vụ tất cả chúng sinh hữu tình.”[2]
Cuối buổi lễ, vị đại diện Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng Geden Shoeling Center, đơn vị tổ chức, đã báo cáo công tác tổ chức tốt đẹp và tình trạng tài chánh khả quan trước Đức Đạt Lai Lạt Ma và toàn thể công chúng tham dự. Người đại diện cũng đề cập đến việc cúng dường tịnh tài lên Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng ngài nói theo truyền thống ngài không thể nhận bất cứ thứ cúng dường nào và thay vào đó ngài yêu cầu tổ chức nên dùng số tịnh tài đó vào việc phát triển cơ sở.
Sau khi dùng bữa ăn trưa, Đức Đạt Lai Lạt Ma và đoàn tùy tùng đã từ giã thành phố biển Long Beach trực chỉ đến thành phố Vancouver Canada.
Tịnh Thủy tường trình từ Long Beach
Source: thuvienhoasen