;
Ảnh: Kim thân Phật Tổ chùa Bửu Minh - Gia Lai.
Để hình tượng Đức Phật sơ sinh đẹp hơn
30 năm đi tìm tượng Phật sơ sinh cho ngày Phật đản
Tìm chỗ tạc tượng Phật như đi tìm tâm con người. Nơi nào kỹ thuật tốt mà còn giữ được tâm thuần phát thì tôi dừng lại. Nơi nào lòng họ tự mãn, kiêu mạn, không còn lắng nghe sự góp ý cũng như thiên ý trọng kinh doanh thì tôi tự rút lui. Vì họ là người trực tiếp thổi hồn vào tượng Phật do sự cộng hưởng phước báo của người đặt. Nên làm sao để cho người khác nhìn vào tượng, buông bỏ tham, sân, si, lòng vô trước tịch tĩnh mới là tuyệt tác. Chứ không phải kỹ thuật cao, biết kinh doanh là được.
Nên tôi, đi tìm tâm con người, giữa những tính toan được mất, y cứ kinh điển, đưa ra ý tưởng cá nhân, để lại những gì cần thiết cho đời. Đó là giá trị văn hoá sử và giáo dục thông qua mỹ thuật Phật giáo với thời gian. Do đó, tôi cũng không thiết gì với những người thợ nổi tiếng, gặp họ một lần, hay qua một vài hợp đồng tạc tượng, rồi quyết định bỏ tiếp để đi tìm. Vì lòng người thường tự mãn, chấp cho mình là số một.
Tượng tạc đẹp hay không đều do Phước của người đặt, nhất là thầy trụ trì. Nếu trong thời gian tạc tượng mà thiếu tu, dù người thợ có tài cách mấy vẫn tạc nên gương mặt Phật phiền não. Nên tôi đến đâu, cứ nhìn vào gương mặt Phật trên chánh điện, cũng như bàn thờ nhà Phật tử. Đủ biết họ tu hành ra sao. Nếu nơi đó bỏ lỏng công phu, chẳng tụng kinh bái sám thì mặt Phật rất buồn. Thậm chí có nơi như muốn khóc. Chỉ cần chủ sự thành tâm tu tập một thời gian sẽ khác. Vì tượng Phật dù bằng chất liệu nào cũng là hoá thân của Phật.
Do đó, theo thiển ý của tôi, muốn làm tượng đẹp, người tạc cần phải ăn chay, ít nhất là chay kỳ, thường phóng sanh để nuôi dưỡng lòng từ bi, mới tạo nên thần thái của pho tượng. Vì đó là cách giữ tâm thanh tịnh, bên cạnh sự lành nghề. Bằng tự ỷ mình giỏi, thì pho tượng tuy đẹp, nhưng chẳng thể toát lên vẻ thoát tục, bởi đem tượng Phật ra kinh doanh thì chẳng khác gì hàng buôn ngoài chợ. Trong khi tạc tượng là một phép tu:”Quán tưởng tượng Phật”.
Cũng như khi quý vị đi vào một hàng quán cơm chay, nếu họ mới mở ăn sẽ rất ngon vì họ chú tâm vào, không tạp tưởng. Khi ấy chỉ dốc hết lòng ra để phục vụ khác. Trái lại, quán bắt đầu đông khách, có thương hiệu, thì họ không giữ chánh niệm, việc nấu ăn có phần hời hợt hơn, không chịu chú tâm vào, nên trong vị thức ăn chẳng sâu sắc. Đó là kinh nghiệm cá nhân tôi. Khi ăn gì, chúng ta đang thưởng thức cả tâm người nấu.
Bên cạnh sự lành nghề, giữ tâm ý thanh tịnh trang nghiêm người thợ sẽ tạo nên thần thái của pho tượng hoàn hảo (Ảnh Internet)
Nên thợ tạc dù đẹp đến đâu, mà kiêu mạn, thì tôi cũng buông, bởi tôi không muốn bức tượng của mình được truyền vào những tư tưởng bất tịnh ấy. Do đó, khi thợ khởi công là tôi dốc lòng tụng niệm. Sau khi thỉnh tượng về không được lơ là, chỉ mong chư Phật cảm ứng, để giáo hoá chúng sanh.
Nhưng trước thời buổi kinh tế này, hiếm ai giữ tâm thuần phác, không vì lợi mà tạc tượng. Chính vì vậy, nên họ khó có một pho tượng Phật để đời nhờ vào sự cảm ứng của chư Phật. Giá như họ biết giữ trai giới thanh tịnh, nhiệt thành hộ pháp, thì sự nghiệp tạc tượng của họ chắc chắn sẽ mỹ mãn.
Đôi lần tôi hỏi lại các anh em nghệ nhân tạc tượng Phật: “Nhà chú thờ Phật chưa?” Thì họ giật mình. Bởi trước giờ chỉ lo tạc tượng Phật cho người khác mà quên tạc cho chính mình. Từ đó, tôi khuyên họ lập bàn thờ Phật.
Cũng như trước thực trạng xâm thực văn hoá trong lòng nội bộ Phật giáo, do sự du nhập kiến trúc, văn hoá, mỹ thuật của Phật giáo các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan... đang tràn vào Việt Nam, tôi mong họ đặt hết tâm huyết phục dựng lại mỹ thuật tượng Phật giáo Việt Nam. Vì mất văn hoá là mất nước. Làm sao không đau đáu niềm riêng cho được, khi nhiều chùa hiện đại xây rất to, lại đặt một pho tượng Phật phong thái kiểu Trung Quốc vào cho quần chúng chiêm ngưỡng. Trong khi, trang sử Việt gắn liền trang sử Phật. Bất cứ tướng hảo nào của Đức Phật mà Phật giáo Ấn Độ còn lưu giữ thì nhất định phải học theo để thoát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng không vì thế mà mất đi phong cách giản dị thiền vị của Đức Phật nước Nam.
Tôi đi tìm thợ tạc tượng Phật, như đi tìm tri kỷ đạp trên danh lợi thế tình. Tìm mãi, chỉ mong giữ lại phần nào giá trị văn hoá Phật giáo Việt Nam cho mai sau. Những giá trị Phật giáo từ thời Lý, Trần, đi qua các triều đại, tại sao chúng ta phải hướng ngoại truy cầu? Chẳng lẽ Việt Nam không có Phật.
Dù biết Phật ở nơi lòng. Nhưng tôi mãi đi tìm một tấm lòng vì đạo, yêu nghề, chất phác như thế, để biết và tin rằng còn có những nghệ nhân tài hoa chân chính ở đời. Nhưng có lẽ sẽ quá mỏi mòn!