;
Hơn một năm trước, vụ tai nạn thảm khốc trên đường Võ Văn Kiệt (phường 5, quận 5 - TPHCM) làm 4 người chết, 23 người trọng thương. Mới đây, TAND TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử. Phiên tòa diễn ra đầy nước mắt nhưng cũng đầy tình người.
Gây tai nạn vì chủ quan
Bị cáo Trần Trọng Quý (27 tuổi) rời Nghệ An khi vừa 20 tuổi. Đặt chân đến TPHCM, Quý làm đủ nghề, sau đó đi học lái xe rồi xin làm tài xế cho Công ty Nam Thành. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí và số tiền gửi về phụ giúp cha mẹ ở quê, nhiều lắm Quý cũng chỉ dư được 1 triệu đồng.
Sáng 13-3-2011, Quý được phân công lái xe đầu kéo chở hàng từ cầu Chữ Y về cầu Chà Và (quận 5). Khi đến trước số nhà 316 đường Võ Văn Kiệt, do ngủ gật, Quý để xe rơ-moóc kéo theo container lao qua dải phân cách tông vào xe khách chở 26 người đi chùa hành hương. Sau khi gây tai nạn, Quý hoảng hốt bỏ chạy, trốn chui trốn nhủi 4 ngày liền. Sau đó, được cha mẹ và người thân động viên, Quý ra công an trình diện.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Quý xin lỗi tất cả những người bị hại ở hàng ghế bên dưới, thừa nhận hành vi của mình là “tội tày trời, không thể tha thứ được”. Quý phân trần: “Nhiều ngày trước bị cáo lái xe liên tục, rất mệt nhưng vẫn cố làm thêm để kiếm một ít tiền ngoài giờ. Sáng hôm đó, bị cáo định chạy xong chuyến hàng sẽ về nghỉ dưỡng sức, không ngờ…” - câu nói của Quý bị cắt ngang bởi những tiếng khóc thút thít của người thân bị cáo lẫn đại diện của người bị hại đã chết.
Về phía công ty, HĐXX cũng phân tích cái sai của người sử dụng lao động là để cho tài xế làm việc quá sức gây hậu quả nghiêm trọng. Vị hội thẩm nói thêm: “Trong vụ án này, công ty cũng có một phần lỗi khi đồng ý cho bị cáo chạy xe nhiều ngày liên tiếp. Tòa chỉ mong các doanh nghiệp phân công lao động sao cho hợp lý, đừng tham công tiếc việc để người khác phải gánh hậu quả đau lòng”.
Đau nhưng phải tha thứ
Hơn một năm trước, sau khi tai nạn vừa xảy ra, tôi cũng đã có mặt ở Bệnh viện Chợ Rẫy để ghi nhận sự việc. Nhìn những nạn nhân đau đớn rên la hoặc bật khóc trên giường bệnh vì nghe tin người thân tử nạn, chúng tôi không khỏi thắt lòng. Cũng trong buổi sáng đó, chúng tôi đã nghe nhiều tiếng trách móc, thậm chí chửi rủa tài xế đã gây ra tai nạn thảm khốc. Có người trong cơn nóng giận đã thề nếu gặp được tài xế sẽ đánh một trận cho hả dạ. Vậy mà, hôm tòa xử, tất cả các nạn nhân và người nhà của họ đã tha thiết xin tòa xử bị cáo thật nhẹ dù những mất mát là quá lớn.
Với khuôn mặt biến dạng, đầy sẹo, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích ứa nước mắt kể lại: “Hôm đó, gia đình tôi tổ chức đi chùa nhưng tai nạn ập đến bất ngờ quá… Con trai tôi ra đi vĩnh viễn từ đó, còn tôi, gương mặt nát bét, qua nhiều lần điều trị và tốn hàng chục triệu đồng nhưng vẫn đau khi thời tiết thay đổi. Nhưng trách móc hay đòi xử nặng cho bị cáo cũng đâu thay đổi được định mệnh…”.
Trong phiên tòa hôm ấy, một người phụ nữ trẻ ngồi buồn hiu ở hàng ghế bị hại suốt phiên xử. Chị cũng là nạn nhân của vụ tai nạn nhưng điều làm chị đau đớn nhất làchưa kịp nghe tiếng con khóc chào đời thì con đã vĩnh viễn rời xa vòng tay chị do ảnh hưởng của vụ tai nạn. Mắt ngấn nước, chị nói: “Đau lắm, nhưng phải tha thứ để anh ấy còn trở về...”.
Giờ nghị án, cha Quý dáng người thấp bé với chiếc áo xanh rêu bạc màu đến xin lỗi tất cả những người bị hại. Ông buồn bã nói: “Từ ngày vụ tai nạn xảy ra, không đêm nào tôi tròn giấc. Phần vì thấy gia đình có lỗi với những nạn nhân đã khuất, phần thương con vìmiếng cơm manh áo mà gây ra tội chất cao như núi. Tôi cũng sống nay chết mai, chỉ mong bà con tha thứ cho cháu để nó có cơ hội trở về”.
Cần xử lý nghiêm khắc Ngày 11-4, TAND TPHCM nhận định hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả rất nghiêm trọng, vì vậy dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn cần xử một mức án nghiêm khắc để giáo dục và răn đe, phòng ngừa chung. HĐXX đã tuyên phạtTrần Trọng Quý 12 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ”, đồng thời tuyên buộc Công ty Nam Thành bồi thường cho các bị hại hơn 350 triệu đồng. |