;
Núi Yên Tử- hay được người dân nhắc đến với cái tên Trúc Lâm Yên Tử- chính là biểu tượng của một vị vua lỗi lạc, của một Thiền phái làm rạng danh lịch sử Phật giáo Việt Nam, khẳng định sự nhập thế thành công của Phật pháp. Chính vua Trần Nhân Tông. pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng, cùng với hai vị thiền sư nữa là Pháp Loa và Huyền Quang đã trụ trì tại đây, lập ra Thiền phái Trúc Lâm, nên còn gọi là Trúc Lâm Tam Tổ.
Thực ra, Trần Nhân Tông không phải là vị vua đầu tiên tìm lên Yên Tử để tu hành. 63 năm trước, đau khổ vì vận nước và ray rứt vì chuyện riêng, vua Trần Thái Tông – vị vua sáng lập ra nhà Trần – đã từ bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử, nhưng lần đó chuyện xuất gia không thành vì Trần Thủ Độ đã sai người đón nhà vua trở lại kinh đô.
Hiện nay, đường lên núi Yên Tử không còn khó khăn nữa vì đã có cáp treo. Chứ chừng hơn chục năm trước đây, du khách hay Phật tử phải có một quyết tâm lớn và một nhân duyên đặc biệt mới đến thăm được Chùa Hoa Yên. Nằm giáp giới giữa ba tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang, cách thị xã Uông Bí chừng 15 km về phía Tây Bắc, Yên Tử là một ngọn núi cao nhất (1068 m) và hiểm trở nhất của miền Hải Đông xưa. Đỉnh núi thường có mây bao phủ, nên trước đây còn có tên gọi là Bạch Vân Sơn.
Nói đến Yên Tử là nói đến một hệ thống gồm nhiều ngôi chùa và danh lam thắng cảnh trên con đường hành hương từ chân núi lên đến đỉnh cao chót vót. Khu quần thể di tích này hiện nay còn lại độ chừng 10 chùa: Chùa Cấm Thực, Chùa Lân, Chùa Giải Oan, Huệ Quang Kim Tháp, Chùa Hoa Yên, Chùa Một Mái, Chùa Thiền Định, Chùa Đồng… Mỗi điểm như vậy là một cảnh đẹp, gắn liền với một câu chuyện lịch sử.
Ở dưới chân núi, nằm bên cạnh suối Giải Oan là chùa Giải Oan. Có truyền thuyết kể rằng khi Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông vào núi, Vua Trần Anh Tông sai cung nữ theo mời về, nhưng ngài quyết chí tu hành nên đã cự tuyệt. Các cung nữ đã nhảy xuống suối trầm mình, một số đã chết ở nơi đây. Vua cho lập đàn cầu siêu, dựng chùa Giải Oan, trong đó có thờ các cung nữ.
Trên con đường lên núi rợp bóng tùng là Huệ Quang Kim Tháp, là khu mộ tháp gồm Tháp Tổ thờ ngài Điệu Ngự Giác Hoàng làm bằng đá cao 10 mét sáu tầng, phía ngoài tường gạch có 44 ngôi tháp quây quần, là nơi thờ hài cốt của các vị sư tu hành ở đây.
Nằm lưng chừng núi ở độ cao 516 m là Chùa Hoa Yên, là ngôi chùa to nhất, đẹp nhất nên còn gọi là Chùa Cả. Chùa này được xây dựng từ thời Lý có tên là Phù Vân. Đến đời Trần chùa được đổi tên thành Vân Yên. Vào thời Lê, vua Lê Thánh Tông ngự du thăm chùa, thấy hoa cỏ xanh tươi nên mới đặt tên là Chùa Hoa Yên. Không gian quanh chùa Hoa Yên đẹp cổ kính với những cây đại tùng đã từng mưa nắng dãi dầu 5-7 thế kỷ.
Tiếp tục từ chùa Hoa Yên đi theo lối mòn quanh co lên đến đỉnh núi sẽ gặp Chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái, và sau cùng ở đỉnh núi là Chùa Thiên Trúc, tức Chùa Đồng ở độ cao 1068m. Đây là đoạn đường khó đi nhất, nhưng phong cảnh cũng ngoạn mục, kỳ vĩ nhất. Đường lên Chùa Đồng phải leo qua những hòn đá cao dựng đứng. Tới một con đường lách giữa hai vách đá gọi là Cửa Trời. Gọi là Chùa Đồng vì xưa kia chùa được đúc bằng đồng, gần như một cái miếu nhỏ cao 1,4m, rộng 1,1m, dài 1,45m. Chùa bằng đồng nay đã bị mất, và được làm lại bằng xi măng y như kiểu cũ.
Đến đây để thấy như dấu cũ của vua Trần Nhân Tông vẫn còn đó. Chùa Thiền Định là chỗ ngày xưa vua đọc kinh niệm Phật. Chùa Một Mái là chỗ vua đọc sách nghiên cứu đạo Thiền.
Đứng ở Chùa Đồng nhìn ra bốn phía phong cảnh núi rừng trùng điệp. Những hôm trời trong sẽ thấy xa xa thắng cảnh Hạ Long. Hoặc là thưởng ngoạn cảnh mây trắng bềnh bồng che phủ, đúng như hai câu thơ của Nguyễn Trãi:
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung
Cảnh Trúc Lâm Yên Tử đẹp như vậy đó, đúng là non tiên cảnh Phật. Chùa là một dẫn chứng rõ nét nhất về sự dung hợp giữa đạo và đời của Phật giáo dân tộc Việt…