;
Hai lăm năm – một chặng đường
Trường thành đi khắp muôn phương độ đời
Về đây gặp lại nụ cười
Về đây gặp lại những người tri âm…
Sắp đến ngày giỗ của sư phụ, Cố Hòa thượng đệ nhất trụ trì tu viện Nguyên Thiều và ngày truyền thống của Trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều Bình Định (Trường TCPHNTBĐ), đặc biệt trong năm nay là ngày kỷ niệm 25 năm thành lập Trường, tôi đang ở nơi xa cách nửa vòng trái đất tha thiết nhớ về quê hương với những vần thơ ngọt ngào của thi sỹ Đỗ Trung Quân :
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Thật vậy, cho dù đi đâu, ở đâu, trải qua thời gian lâu xa bao nhiêu đi nữa, lòng tôi vẫn hướng về tu viện Nguyên Thiều, chiếc nôi đạo pháp, nơi tôi lang thang đi tìm chân lý và đinh hướng cuộc đời mình, nơi tôi lặng lẽ hằng đêm trước tượng đài bổn sư và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lâm râm khấn nguyện, lên đỉnh cao Tháp Chàm để học kinh, suy nghiệm về lẽ thịnh suy, vô thường biến đổi và lặng nhìn dòng đời hối hả trôi chảy quanh mình, thả mình trên dòng Sông Côn, đồng cảm tâm sự: “Nhớ con Sông quê hương” của Tế Hanh với cảm giác thư giãn nhẹ nhàng, trút bỏ mọi mệt nhọc sau bao chuyến đi xa, nơi tôi chăm sóc từng luống rau, từng trái bấu trái bí, từng cành hoa với những trang kinh trên tay với sự nguồn cung dưỡng đầy đủ, bồi bổ về món ăn vật chất và tinh thần….nơi in đậm :
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Nghìn năm hồ dễ đã ai quên?
Khi tôi xuất gia vào tu viện Nguyên Thiều, 2 năm đầu 1990-1991 là giai đoạn tu viện đang khẩn trương chuẩn bị sửa sang lại cho đủ tiện nghi cho Trường Trung cấp Phật học đầu tiên mở ra tại tỉnh nhà Bình Định vào năm 1992, lúc đó lấy tên là Trường Cơ Bản Phật học tỉnh Bình Định. “Uống nước nhớ nguồn”, tôi còn nhớ lúc đó tôi ở trong nhóm liên lạc giữa hai bậc tôn túc nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ của xứ Bình Định: Cố đại lão Hòa thượng (ĐLHT) Thích Kế Châu với tư cách là Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định viết thư đến Cố ĐLHT Thích Huyền Quang với tư cách là đại diện cho Hội Đồng Sáng Lập Tu Viện Nguyên Thiều từ năm 1958 với phong trào hoằng dương Phật pháp các tỉnh miền Trung của Phật giáo Việt Nam thời ấy để mượn cơ sở tu viện Nguyên Thiều mở Trường Cơ bản Phật học. Có câu nói : “tư tưởng lớn gặp nhau”, hai bậc hàng long tượng cổ thụ Phật giáo Bình Định dễ dàng cảm thông với nhau vì cùng chí nguyện: “Hoằng Pháp Vi Gia Vụ, Lợi Sanh Vi Sự Nghiệp”, tất cả đều cho sứ mệnh: “Đào Tạo Tăng Tài, Kế Vãng Khai Lai”.
Sau khi hai Ngài đã nhất trí với nhau về việc mở Trường Phật học sau 22 năm các trường lớp chính quy Phật học tại Bình Định ngừng hoạt động (1975-1992), không khí của Tu viện Nguyên Thiều thay đổi hẳn, từ một nơi lặng lẽ cô tịch trên Tháp Núi cao lại trở thành điểm hội tụ lý tưởng của Tăng Ni sinh trẻ Bình Định và nhiều tỉnh thành về đây “sôi kinh nối sử” tu luyện dồi mài,Trung tâm giáo dục Phật giáo tại tỉnh Bình Định. Giai đoạn đầu xuất gia của thế hệ chúng tôi ở trong thời kỳ chuyển biến lịch sử như vậy, cho nên huynh đệ chúng tôi bận rộn và chịu khó chịu cực lắm. Thời buổi ấy, kinh tế còn rất khó khăn, lực lượng các chú mới xuất gia như chúng tôi tham gia chấp tác và phụ giúp việc xây dựng bất kể những gì có thể làm được: đào giếng, kéo nước, kéo gạch, đào đất, kéo đất, phụ hồ, nấu cơm, chấp tác, làm vườn,…
Tôi vẫn thường giúp Cố Hòa thượng đệ nhị trụ trì Nguyên Thiều (HT Thích Quảng Bửu) tính toán lại các khoản chi phí xây dựng và sinh hoạt vì Cố HT rất cẩn thận, luôn kiểm tra kỹ lưỡng hai lần, không muốn có sai sót thất thoát nào.
Chính vì lao công nhiều và không có thời gian để học như vậy, cho nên tôi tranh thủ học ban đêm và đi đâu làm gì cũng có “bửu bối” là những mảnh giấy nhỏ trong tay ghi kinh kệ để học. Tôi còn nhớ là tôi đã lập kỷ lục về học thuộc Kinh Điển nhanh nhất thời đó, được Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Bảo An luôn ca tụng nhắc nhở : học thuộc Chú Lăng Nghiêm trong vòng 5 ngày, thuộc 2 thời công phu và cả bộ Sa Di Luật Giải (của Ngài Trí Quang biên soạn) trong vòng vài tuần. Ngoài ra có những thời gian sáng chiều hoặc ban đêm dưới ánh điện hoặc ngọn đèn bông sông ( đèn to, tim vải), Cố HT Đệ Nhị Trụ Trì Nguyên Thiểu Thích Quảng Bửu dạy cho chúng tôi từng câu từng chữ trong : Kinh Di Giáo, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, Bát Đại Nhân Giác, Oai Nghi, Cảnh Sách, Tứ Thập Nhị Chương,…Tôi say mê học Kinh đến mức lập dị, lặng lẽ làm việc không nói chuyện gì với ai, vừa làm việc vừa âm thầm học Kinh trong những tờ giấy nhỏ, ban đêm tôi ít ngủ nằm mà ngồi trên ghế học Kinh Luật rồi ngủ thiêm thiếp đi. Do vậy, ban ngày, tôi nhớ sự kiện tôi kéo nước cho việc đào giếng mà vừa kéo bằng ròng rọc dây rất dài, đi xa, vừa nhắm mắt lim dim, mọi người rất lo sợ tôi ngủ quên sẽ thảo gàu nước dội trúng đầu người đang đào giếng dưới đó. Thật là trong hoàn cảnh khó khăn nhất mới phát hiện được con người đã cố gắng vươn lên, thích nghi, chấp nhận phát huy hết mọi tiềm năng và sáng tạo như thế nào như ông bà ta thường nói : “Có Khó mới ló cái Khôn”.
Nhà Tổ tu viện Nguyên Thiều.
Thế rồi, bao nhiêu công phu chuẩn bị cũng đã xong, ngày thi tuyển sinh vào Trường Cơ Bản Phật Học Bình Định lại đến. Tôi nhớ là đề thi Môn Toán đối với tôi thì quá dễ, tôi chỉ làm trong vòng 15 phút nộp bài ra đầu tiên, môn Phật Pháp thì tôi viết say sưa không kịp giờ với đề ra là : “Tâm nguyện và hành trạng của người xuất gia” với những câu hỏi nhỏ khác, riêng môn Việt Văn thì có ba câu : phân tích câu tục ngữ : “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, bình luận bài thơ “Sông Lấp” của Tế Xương và những câu hỏi về Luật Bằng Trắc của các thể thơ ca. Môn Việt Văn tôi nghĩ là không được “trúng tủ” và làm không được như ý nên kết quả thi vào tôi đậu Á Khoa (hạng nhì) bao nhiêu người thân quen chúc mừng mà tôi chỉ cười gượng chưa thỏa mãn. Thực ra, tâm sự của tôi lúc tìm đến Nguyên Thiều là nơi vắng vẻ để tu hành, sớm mõ chiều kinh, tôi đã là thư sinh, lang thang cố đô Huế để thi vào Đại Học Y Khoa và tôi chán lắm rồi “chữ nghĩa bút nghiên” với phiền não nghiệp chướng nhưng cũng bởi vì cố HT đệ nhị trụ trì Nguyên Thiều khuyên bảo chúng tôi học Phật pháp cho vững vàng sau này kế tiếp quý thầy để lo Nguyên Thiều nên tôi dốc lòng học lại mà thôi chứ dự định ban đầu của tôi vào Nguyên Thiều là muốn miên mật hành trì hơn là học kinh.
Tôi thừa nhận lúc đó mới vào chùa tu tập huấn luyện chưa được nhiều, chấp “Nhân Ngã Bỉ Thử” còn nặng. Thà không học thì thôi, một khi đã học, giống kiểu hồi học 12 năm phổ thông ngày xưa, thì phải đứng đầu. Nhất là lúc đó trong năm đầu tiên, Tăng Ni học chung một lớp. Các Ni sinh thì vừa viết chữ đẹp, vừa siêng năng thuộc bài, vừa chăm chú lắng nghe, làm “trúng ý Thầy” nên thường được điểm cao, tự nhiên, với bản tánh thi đua cố hữu, tôi tự đặt “trách nhiệm thiêng liêng” của mình là “đại diện bên Tăng sinh” không cho bên ấy qua mặt và “gỡ gạc danh dự” bên Tăng. Điểm thi năm đầu của tôi cũng khá cao và tôi là người phát biểu sôi nổi trong lớp rất được nhiều giảng sư khen ngợi nhưng tôi có 3 nhược điểm : lạnh lùng lập dị, làm biếng ghi chép và chưa luyện viết chữ Hán (mặc dù tôi thuộc và đọc hiểu nhiều chữ Hán). Tôi còn nhớ cố TT Hiệu phó Thích Đồng Hạnh có lần dò bài tôi và ngạc nhiên với những gì tôi ghi nghệch ngoạc trong vở, bắt buộc tôi phải về chép lại hết những gì đã học và trình lại cho Thầy. Đến gần cuối năm I của lớp cơ bản Phật học Nguyên Thiều tôi được sư phụ là Cố ĐLHT Thíchthượng Đồng hạ Thiện bàn bạc và nhất trí với Ban Giám Hiệu của Trường là cho tôi ôn luyện và thi vào Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam Khóa III (1993-1997) vì theo lời các vị ấy “căn tánh chú lanh lẹ, chú học giỏi như vậy mà giẫm chân với các chương trình chậm chạp theo số đông Tăng Ni Sinh khác tại đây thì uổng – vào đó thích hợp hơn”
Nhiều và nhiều lắm những kỷ niệm thời ấy. Giờ này ghi lại là để điểm qua việc “Uống nước nhớ nguồn” quá trình hình thành nên Trường, trùng trùng duyên khởi, công phu của bao nhiêu người cùng xây đắp nên, công lao thân giáo sư tận tụy vì sự nghiệp giáo dục, tạm gác lại bao nhiêu việc tự viện, chùa chiền để đầu tư, đến ở đó và giảng dạy giúp Tăng Ni sinh trưởng thành nên người và bao nhiêu vụng dại ngây ngô cố chấp của tôi cái thuở mới xuất gia, chưa thuần thục thấm nhuần thiền vị….Dù sao thì quãng thời gian hành Điệu, lớp gia giáo Nguyên Thiều và năm đầu học tại Trường cơ bản Phật học Bình Định cũng đã xây đắp cho tôi một nền móng cần thiết để sau này phát triển thăng hoa hơn.
Sau này, vì duyên Phật sự, tôi thường đi xa, ở nước ngoài và đi qua nhiều tỉnh thành trong nước nhưng mỗi lần được trở về Nguyên Thiều là cảm nhận được cảm giác ấm áp, dễ chịu, hạnh phúc với khung trời kỷ niệm, chiếc nôi Đạo Pháp. Chính vì thế mà tôi được sắp xếp trò chuyện giao lưu sinh hoạt ngoại khóa với nhiều khóa Tăng Ni sinh học ở Nguyên Thiều và thường đọc bài thơ : “Nhớ Nguyên Thiều” do tôi sáng tác.
Tôi tự cảm thấy mình như còn một món nợ ân tình đối với Nguyên Thiều là chưa trở về ở Bình Định và dạy chính thức cho Trường Trung Câp Phật Học Bình Định một thời gian. Đó như một sự lỗi hẹn và tôi luôn chờ cơ duyên thuận tiện để thực hiện. Tôi đã được trưởng thành từ Nguyên Thiều nên tôi muốn đem những gì mình đã hấp thu và chiêm nghiệm trải qua mấy chục năm tu học, hành đạo để truyền trao lại thế hệ Tăng Ni Sinh trẻ đi sau như bao nhiêu vị thân giáo sư ngày xưa đã làm và Tăng Ni sinh chính là hình ảnh của mình 25 năm trước. Nhưng có phải : “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, một cái gì đó còn dang dở chờ thực hiện, thao thức, trằn trọc, một lời hẹn hò với quê hương vẫn thường trực trong tâm trí của Khách Phong Trần chờ ngày hội ngộ. Tuy vậy, tôi đã có gửi một phác họa : “THẢO LUẬN PHƯƠNG CÁCH PHÁT TRIỂN PHẬT HỌC VIỆN VÀ VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC NGUYÊN THIỀU” và tôi đã gửi về Ban Giám Hiệu Trường TCPHNTBĐ 5 năm về trước (Nhâm Thìn), giờ đây tôi sẽ gừi lại đính kèm bài Thảo Luận đó để Ban Giám Hiệu tham khảo như “kế sách”, “chiến lược”, tâm tư của tôi dành cho sự phát triển Phật học viện Nguyên Thiều.
Trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều Bình Định đã trải qua 25 năm hoạt động, qua 7 Khóa Tăng Ni sinh tốt nghiệp. Rất nhiều Tăng Ni sinh tốt nghiệp từ đây đã trường thành và đi hoạt động Phật sự, trở thành những nhân tố rất tích cực trong nhiều giáo hội Phật giáo tỉnh thành trên địa bàn toàn quốc như: Đăk Nông, Gia Lai, Kontum, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, TPHCM, … và nhiều nước trên thế giới như những cánh chim trưởng thành từ tổ ấm, đủ lông đủ cánh bay đi khắp muôn phương.
Một điều chắc chắn là: chúng ta sẽ hội ngộ trong ngày 03/08 năm Đinh Dậu (2017), ngày kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều Bình Định để “ôn cố tri tân”, ôn bao nhiêu kỷ niệm ân tình đã qua và kết nối những bàn tay, những tấm lòng, tiếp tục chung tay góp sức vì sự nghiệp “Đào Tạo Tăng Tài”, “tre già măng mọc”, tạo thuận duyên cho thế hệ Tăng Ni trẻ được huấn luyện và phát triển trong môi trường Phật Học Viện có nhiều thuận duyên, tiện nghi nhất. Kết nối tâm chí, hỗ trợ duyên cho nhau, chúng ta sẽ làm được nhiều việc đáng làm.
Trách nhiệm chúng ta kế thừa phát huy những gì đã làm được của bao thế hệ đi trước, có thể làm nên những gì chưa làm được : như là mở ra Cao đẳng Phật học, Phân Viện Nghiên Cứu và Trung Tâm Dịch Thuật tại Tu Viện Nguyên Thiều,…nơi đất Tổ thiêng liêng địa linh nhân kiệt có nhiều cao tăng, bậc quốc sư thuộc bậc Thầy của nhiều Chư tôn đức trong hàng Phật Giáo toàn quốc như Quốc Sư Phước Huệ, Tăng Cang Vạn Thành, Cố HT Bích Liên, đệ tử Tăng Thống GHPGVNTN Cố HT Thích Huyền Quang,…với tinh thần cầu thị: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”. Có như vậy mới không cô phụ công đức cao dày của bao bậc Thầy Tổ, tiền bổi khai sáng, mở ra Phật học viện Nguyên Thiều, không phụ chí hướng xuất gia ban đầu của chúng ta, góp phần phát triển Giáo dục Phật giáo Việt Nam nói chung trong sứ mệnh làm tốt Đạo đẹp Đời, tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Hoa Kỳ, mùa hạ 2017, PL 2561, hướng về tu viện Nguyên Thiều, Bình Định
Cựu Tăng sinh khóa I, Trường cơ bản Phật học tỉnh Bình Định