;
Hình ảnh và hiện tượng của "Công Dân Minh Tuệ" được cộng đồng mạng săn đón,
đăng tải một cách thái quá trong suốt những tuần qua chính là bài học lớn cho những hệ quả tai hại này:
1. Lạm dụng, săn tin, đăng tải Video, hình ảnh, Audio của các Youtuber, TikToker, Facebooker về hành trình hóa duyên của Công Dân Minh Tuệ thực hành tu học theo giáo pháp của Phật vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
2. Sự ngưỡng mộ, ái kính thái quá của người dân tạo nên sự xáo trộn cho cuộc sống thường nhật trong xã hội, từ đó làm ảnh hưởng to lớn đến sự tu học của Công Dân Minh Tuệ và các tu sĩ tự nguyện đi theo.
3. Việc tô vẽ, tạo những hình ảnh, hình tượng về Công Dân Minh Tuệ rồi ví, so sánh với Phật, với các lãnh tụ ngoài đời là những điều vô cùng nhạy cảm và có tác dụng ngược vô cùng lớn. Rất tiếc nhiều người không ý thức được việc này, rất có thể do hạn chế hoặc thiếu hiểu biết về đạo Phật và tâm linh nên khiến cho đối tượng mình ngưỡng mộ hoàn toàn bị động, bị kẹt cứng trong ngoại cảnh do cộng đồng mạng gây ra.
4. Tâm lý, tình cảm thương-ghét, phân biệt, chấp trước chánh-tà quá mãnh liệt, tạo nên cơn sốt về tâm linh, dẫn đến những cá nhân, tập thể có những ý đồ xấu, muốn trục lợi và lèo lái những chuyện liên quan tới đạo Phật và tâm linh đi theo hướng tiêu cực, bất tịnh.
5. Truyền thông mạng tạo cơ hội để những kẻ tà tâm, tà đạo, bất chính có cơ hội bức hại, ngăn cản con đường tu học đạo Phật chân chánh, làm tổn hại đức hạnh của người tu là một bài học học lớn cho những người muốn làm truyền thông nói chung và những ai muốn tìm cầu minh Sư học pháp.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương Đức Phật dạy:
"Chúng sanh có thể thực hành Mười Nghiệp Lành, nhưng cũng có thể gây tạo mười nghiệp ác.
Những gì là mười? Thân có ba, ngữ có bốn, và ý có ba.
Ba nghiệp ác từ thân, đó là sát sanh, trộm cắp, và tà dâm.
Bốn nghiệp ác từ ngữ, đó là nói dối, nói đâm thọc, nói lời ác, và nói thêu dệt.
Ba nghiệp ác từ ý, đó là tham dục, sân hận, và si mê.
Mười điều ở trên không thuận theo thánh Đạo và chúng được gọi là mười nghiệp ác. Nhưng nếu có thể đình chỉ mười nghiệp ác này thì gọi là Mười Nghiệp Lành."
(...)
Đức Phật dạy thêm:
"Mang thức ăn cho 100 người ác, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một người thiện.
Mang thức ăn cho 1.000 người thiện, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một người trì Năm Giới.
Mang thức ăn cho 10.000 người trì Năm Giới, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Dự Lưu.
Mang thức ăn cho 1 triệu vị Dự Lưu, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Nhất Lai.
Mang thức ăn cho 10 triệu vị Nhất Lai, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Bất Hoàn.
Mang thức ăn cho 100 triệu vị Bất Hoàn, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Ưng Chân.
Mang thức ăn cho 1 tỷ vị Ưng Chân, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Độc Giác.
Mang thức ăn cho 10 tỷ vị Độc Giác, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho bất kỳ một vị Phật nào ở ba đời.
Thế nhưng, mang thức ăn cho 100 tỷ vị Phật ở ba đời, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng." (Trích Kinh 42 Chương)
Hộ trì, hộ pháp cho một người tu có giới hạnh thanh tịnh là điều thiết yếu nên làm nhưng mọi chuyện phải nhứ lý, như pháp, tất người hộ pháp và người tu pháp thanh tịnh đều được lợi lạc không thể nghĩ bàn.
Nhân cách đích thực của một con người không thể nương vào truyền thông, cũng giống như chiếc áo ca sa không làm nên một nhà tu vậy.
Truyền thông là một sức mạnh nhưng phải được khởi lên từ trí tuệ. Muốn có tuệ thì không thể không trì giới.
Người vô trí sẽ không thể nhận biết.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cư sĩ Thiện Nhân