;
TT Thích Chân Tính: Cách nay hơn một năm, ông Đỗ Tài có đến chùa gặp tôi. Ông đề nghị tôi nên thực hiện bộ phim “Phật và Thánh chúng” để giúp cho Phật tử biết về cuộc đời của đức Phật và mười đại đệ tử của Ngài.
Với tâm nguyện hoằng pháp qua phương tiện điện ảnh, khi nghe ông nói, tôi rất hoan hỷ. Ông hứa sẽ viết kịch bản cho bộ phim này. Sau hơn 5 tháng hoàn thành kịch bản, ông đem lại cho tôi xem. Vì tính chất quan trọng của bộ phim, tôi nói ông nên đem kịch bản này đến TT Thích Nhật Từ, nhờ thầy duyệt trước.
Do thầy Nhật Từ bận nhiều việc nên đã giới thiệu đến cư sĩ Minh Mẫn. Thầy Nhật Từ rất tin tưởng cư sĩ Minh Mẫn, vì ông có trình độ Phật học uyên thâm.
Qua sự giới thiệu của thầy Nhật Từ, ông Minh Mẫn đã nhận lời và đã đọc kỹ kịch bản có sửa chữa một số chỗ cho hoàn chỉnh. Sau đó ông Đỗ Tài đã giới thiệu ông Công Hậu, trước đây là diễn viên đóng vai đức Phật trong bộ phim Ánh Đạo Vàng, làm đạo diễn cho bộ phim này.
Khi tiếp xúc với ông Công Hậu, tôi thấy ông rất có tâm đạo và muốn thực hiện bộ phim này nên đã chấp thuận. Bộ phim đã bắt đầu quay từ ngày 03/10/2012.
- Được biết bộ phim đã khởi quay hơn nửa tháng, qua thực tế hình ảnh phim trường có một số dư luận cho rằng bộ phim này khi hoàn thành cũng chỉ là bộ phim “mì ăn liền”. Theo TT những nhận xét đó như thế nào?
Trong lúc mình đói bụng có được gói mì ăn liền là điều hạnh phúc nhất rồi, sợ không có để ăn. Còn đợi “mâm cao cỗ đầy” thì chắc chết đói mất.
Trước đây, một vài nhà lý luận phê bình cho rằng bộ phim “Ánh Đạo Vàng” là phim “mỳ ăn liền”, thế mà nhờ nó rất nhiều người đã hiểu đôi chút về cuộc đời đức Phật và Phật pháp. Đến nay những người muốn tìm hiểu về cuộc đời đức Phật qua phương tiện điện ảnh cũng vẫn phải tìm nó để xem.
Hiện tại, chi phí thực hiện bộ phim “Phật và Thánh chúng” hơn 2 tỷ đồng. Chùa Hoằng Pháp đã vận động Phật tử trong khóa tu và đăng cả thư ngỏ trên trang mạng chùa Hoằng Pháp. Thế mà cho đến nay, số tiền ủng hộ bộ phim mới được hơn 1 tỷ đồng.
Được biết 5, 6 năm về trước, một tỷ phú người Ấn Độ sau khi đọc xong cuốn Đường Xưa Mây Trắng của HT Thích Nhất Hạnh, đã giác ngộ và phát nguyện chuyển thể thành phim. Dự định kinh phí thực hiện bộ phim Đường Xưa Mây Trắng là hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2 ngàn tỷ đồng Việt Nam).
Việc này báo Giác Ngộ trước đây đã đăng tải và ông tỷ phú này cũng đã nhiều lần gặp và bàn với HT Nhất Hạnh về bộ phim. Thế nhưng không biết vì lý do gì đến nay vẫn chưa thực hiện.
Nếu so số tiền đầu tư của mình - 2 tỷ với số tiền 2 ngàn tỷ - thì chỉ bằng một phần ngàn của người ta. Làm thế nào với số tiền đó của chúng ta có thể thực hiện hoàn chỉnh một bộ phim lịch sử cách nay hơn 2500 năm với những nhân vật và bối cảnh đúng một trăm phần trăm.
Ngay như hơn 2 ngàn tỷ của ông tỷ phú Ấn Độ nếu thực hiện bộ phim “Đường Xưa Mây Trắng”, có lẽ cũng chỉ đạt 80 phần trăm là tốt lắm rồi.
Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, Sài Gòn)
- Theo TT nếu thực hiện bộ phim này thì mức độ thành công của bộ phim bao nhiêu phần trăm?
Một bộ phim muốn thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố: tiền, diễn viên, đạo diễn, người quay phim, người hóa trang, bối cảnh, kịch bản... Tất cả đều tốt thì bộ phim mới thành công.
Điều thành công mà tôi mong muốn qua bộ phim này là người xem sẽ hiểu được phần nào cuộc đời đức Phật và 10 vị đại đệ tử của Ngài. Đó là điều hạnh phúc lớn nhất của người thực hiện.
Trong cuộc sống hiện nay, do công việc bận rộn, người ta không có thời gian để đọc sách, hy vọng qua hình ảnh và âm thanh của bộ phim giúp họ tiếp thu nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Nếu chấp vào hình ảnh phải đúng tuyệt đối thì bộ phim này không thể đáp ứng được. Nếu quý vị muốn bộ phim hoàn thiện về nội dung và hình thức, thì đợi nhà tỷ phú Ấn Độ bỏ ra 2 ngàn tỷ đồng thực hiện sẽ tốt hơn.
Nói thì như vậy, làm sao có thể kiếm được một người đủ 32 tướng tốt như đức Phật, làm thế nào tái hiện từ con người đến bối cảnh xã hội Ấn Độ đương thời 100 phần trăm được. Rất mong quý Phật tử hiểu và thông cảm góp ý cho bộ phim hoàn thành tốt.
- Hiện nay một vài trang mạng Phật giáo có ý kiến nên ngưng quay bộ phim Phật và Thánh chúng, để có thời gian vận động thêm kinh phí, tổ chức quay lại quy mô và có tầm cỡ hơn. Theo Thương tọa nghĩ như thế nào?
Chúng tôi rất vui khi có nhiều Phật tử trong và ngoài nước quan tâm đến bộ phim Phật và Thánh chúng này. Sự quan tâm của quý vị cũng chính là niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi tiếp tục công việc hoằng pháp lợi sinh qua phương tiện điện ảnh.
Sau khi nghe được một số ý kiến phản hồi từ quý Phật tử, chúng tôi đã tạm ngưng việc quay phim để sửa chữa lại một số phân đoạn. Chúng tôi đã có cuộc họp với đoàn làm phim để thống nhất lại những vấn đề gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Hiện tại, một số ý kiến cho rằng nên tạm ngưng quay bộ phim này để vận động thêm kinh phí, làm lại bộ phim khác hoàn chỉnh hơn. Chúng tôi rất tán đồng ý kiến này. Thế nhưng bộ phim chúng ta dự định thực hiện quay lại kinh phí dự trù bao nhiêu? 10 tỷ, 100 tỷ, hay 1000 tỷ...?
Thực tế vừa qua chúng tôi vận động bộ phim Phật và Thánh Chúng hơn 2 tỷ đồng cho đến nay cũng vẫn chưa đủ. Ai sẽ cùng chúng tôi hợp tác để có kinh phí nhiều hơn, thực hiện bộ phim hoàn hảo hơn theo như ý kiến của quý vị nêu ra? Hay chỉ là bàn luận suông rồi để đó! Bàn tán thì nhiều, khi làm lại chẳng thấy ai?
Nếu các vị nói được, hãy bắt tay làm cùng chúng tôi. Khi có tiền, chúng tôi sẵn sàng bỏ bộ phim này để đầu tư bộ phim mới hoàn thiện hơn. Chúng tôi hy vọng và sẵn sàng chờ đợi sự hợp tác của quý Phật tử gần xa.
- TT có suy nghĩ gì về điện ảnh Phật giáo Việt Nam tương lai không?
Điện ảnh là phương tiện rất cần thiết cho việc hoằng pháp trong thời đại ngày nay. Trên thực tế, đa phần những bộ phim Phật giáo đang lưu hành tại Việt Nam đều chuyển ngữ từ phim của Trung Quốc. Muốn thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, tăng ni, Phật tử Việt Nam chúng ta cần phải đầu tư vào lãnh vực này.
Chùa Hoằng Pháp những năm qua cũng đã thực hiện một vài bộ phim ngắn về Phật giáo nhưng so ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của quần chúng.
Người Trung Quốc họ rất đề cao nhân tài của đất nước mình. Họ đã làm những bộ phim ca ngợi những vị cao tăng, đại đức của họ. Còn đất nước chúng ta cũng có rất nhiều bậc danh tăng, nhưng chưa có Tăng ni Phật tử nào phát tâm thực hiện cuộc đời của các Ngài để giới thiệu cho thế giới biết. Đây là điều thiếu sót của hàng hậu học chúng ta đối với các bậc tiền bối hữu công.
Qua đây tôi rất mong tăng ni Phật tử Việt Nam chúng ta nên đoàn kết đầu tư vào lãnh vực điện ảnh này. Có thể chúng ta sẽ tổ chức một công ty phim, chuyên thực hiện các bộ phim truyện Phật giáo.
Hiện tại chùa Hoằng Pháp vẫn đang tiếp tục thực hiện các bộ phim Phật giáo. Rất mong quý vị nào có tâm huyết, có khả năng viết kịch bản kết hợp với chúng tôi để thực hiện nhằm góp phần vào việc hoằng pháp qua phương tiện điện ảnh này.
- Thành thật cám ơn Thượng tọa! Rất mong tâm nguyện của TT sẽ thành tựu và bộ phim sẽ hoàn thành tốt!