;
Sau khi kinh điển được ghi chép nhưng việc học thuộc và trùng tuyên vẫn là truyền thống của Tăng đoàn. Đến tận ngày nay, một số nước Phật giáo Nam truyền vẫn còn bảo lưu truyền thống này, khá nhiều vị Tăng thuộc lòng cả Tam tạng. Việc đọc tụng kinh điển, trước hết là lợi ích cho mình; biết pháp, tư duy nghĩa lý, thấy rõ con đường, tinh tấn và dõng mãnh dấn thân trên chánh đạo. Đọc tụng kinh điển còn giúp người khác nghe kinh, là một hình thức tuyên dương giáo pháp.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-la-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật-đà ở nước Ma-kiệt-đề du hành trong nhân gian, đến nghỉ đêm tại trú xứ mẹ của quỷ con Tất-lăng-già. Bấy giờ, vào cuối đêm, Tôn giả A-na-luật-đà thức dậy, ngồi ngay thẳng tụng các đoạn kinh Ưu-đà-na, Ba-la-diên-na, Kiến chân đế, Thượng tọa sở thuyết kệ, Tỳ-kheo-ni sở thuyết kệ, Thi-lộ kệ, Nghĩa phẩm, Mâu-ni kệ, Tu-đa-la; tất cả đều tụng hết.
Bấy giờ quỷ con Tất-lăng-già khóc đêm, quỷ mẹ Tất-lăng-ca nói bài kệ cho con nghe để dỗ nó nín:
Này Tất-lăng-già con
Nay, con không được khóc
Hãy nghe Tỳ-kheo kia
Đọc tụng kệ Pháp cú
Nếu ai biết Pháp cú
Tự mình hộ trì giới
Xa lìa sự sát sanh
Nói thật, không nói dối
Tự bỏ điều phi nghĩa
Giải thoát đường quỷ thần.
Sau khi quỷ mẹ Tất-lăng-ca nói kệ, quỷ con Tất-lăng-già nín khóc”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 49, kinh 1321. Tất-lăng-già quỷ)
Ở pháp thoại này, đối tượng nghe kinh khá đặc biệt, không phải loài người mà chính là ngạ quỷ. Loài ngạ quỷ vì nặng nghiệp tham lam, keo kiệt nên bị đói khát hành hạ, quái hình dị dạng. Tuy vậy, trong chúng vẫn có vị muốn nghe kinh và thực hành theo. Như vậy, trong cảnh giới phàm Thánh đồng cư, thế giới đan xen thì việc tuyên dương Chánh pháp có lợi ích cho nhiều loài.
Ngày mới vào chùa, những vị đi trước thường dạy, tụng kinh thì phải mở cửa, không được sai sót hay thêm bớt. Tụng kinh không quá nhanh mà cũng không quá chậm, lời tiếng rõ ràng, mọi người đều nghe được. Về sau mới biết, tụng kinh không chỉ dành cho mình và hội chúng hiện tiền mà còn dành cho nhiều loài muốn được nghe kinh. Hiểu được như vậy rồi thì thời tụng kinh càng thành kính và thiêng liêng hơn, tụng kinh chính là thuyết pháp.
Loài ngạ quỷ có nhiều khổ đau, nhưng chính điều đó có thể giúp họ thức tỉnh để hồi tâm hướng thiện. Cũng như loài người, kinh qua khổ đau sẽ giúp họ nhận diện rõ ràng hơn về cuộc đời, thân phận và định hướng tương lai. Nghe kinh có thể lắng dịu tinh thần, nhận ra những giá trị của lời Phật dạy mà noi theo nên người tụng kinh cần tập trung, hết lòng, thiết tha và thành kính.
Lâu nay mọi người đều biết, tụng kinh nhằm hướng đến thanh tịnh ba nghiệp. Thân ngồi ngay thẳng, miệng đọc lời kinh, ý chiêm nghiệm nghĩa lý để ứng dụng thực hành. Ở một phương diện khác, tụng kinh còn mang ý nghĩa thuyết pháp, nên đầy đủ lợi mình và lợi người trong pháp tụng kinh.
Đạo Phật có pháp bố thí cho loài ngạ quỷ, và có một số ý kiến khác nhau về vấn đề này. Pháp thoại này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về lợi ích thiết thực của việc bố thí pháp cho loài ngạ quỷ. Chúng ta là người phàm nên không thấy biết hết các loài chúng sinh trong tam giới, lục đạo. Đức Phật với tuệ giác Tam minh đã chỉ rõ các cảnh giới ấy cho chúng ta. Nhất là việc tụng kinh có thể giúp cho loài quỷ thần nghe kinh và thoát khổ. Biết như vậy thì việc tụng kinh mỗi ngày càng có ý nghĩa hơn.