;
>UB tổ chức Đại lễ Vesak 2014 họp với UBND tỉnh Ninh Bình
Đến chứng minh và tham dự hội nghị có HT. Thích Trí Quảng - Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Chủ tịch danh dự UBTC Đại lễ Phật đản LHQ 2014; HT. Thích Thiện Nhơn - Phó chủ tịch thường trực HĐTS, Phó chủ tịch UBTC; HT. Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực HĐTS, Chủ tịch UBTC; HT. Thích Thiện Duyên, HT. Thích Gia Quang, HT. Thack Sok Xane - Phó chủ tịch HĐTS, Phó chủ tịch UBTC và Chư Tôn Đức trong HĐTS và Chư Tôn Đức đại diện các ban ngành của UBTC.
Toàn cảnh hội nghị.
Về phía quốc tế có sự tham dự của HT.TS. Tampalawela Dhammaratana - Phó Chủ tịch ICDV; HT. TS. Phra Sophonvachirabhorn - Thành viên ICDV; TT. TS. Yuan Ci - Phó tổng thư ký ICDV; HT. Bhante Chao Chu - Thành viên ICDV; HT. TS. A. Nanda Thero - Thành viên ICDV, Sri Lanka; ông Goh Seng Chai - Phó tổng thư ký ICDV.
Về phía các cơ quan nhà nước có sự hiện diện của ông Phạm Dũng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cùng đại diện các cơ quan ban ngành TƯ và địa phương đã đến tham dự.
HT. Thích Thanh Nhiễu phát biểu khai mạc.
Trong lời phát biểu khai mạc, HT. Thích Thanh Nhiễu đã khẳng định tầm quan trọng của của đại lễ lần này. Năm 2008, Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak do chính phủ đứng ra bảo trợ và tổ chức, còn năm nay, đây là lần đầu tiên GHPGVN đứng ra đăng cai tổ chức Đại lễ mang tầm quốc tế. Do đó, công tác tổ chức còn nhiều hạn chế và khó khăn. Tuy nhiên, Hòa thượng tin tưởng rằng, với sự nỗ lực cao độ của toàn Giáo hội, Đại lễ lần này sẽ thành công tốt đẹp như mong mỏi của toàn thể Phật tử Việt Nam nói riêng và Phật tử trên toàn thế giới nói chung.
HT.TS. Tampalawela Dhammaratana phát biểu.
Thay mặt UBTC Quốc tế, HT.TS. Tampalawela Dhammaratana - Phó Chủ tịch ICDV trong lời phát biểu đã nhấn mạnh chủ đề chính của Đại lễ Vesak năm nay rất phù hợp với giáo lý, tư tưởng cũng như mục tiêu của đạo Phật. Phật giáo Việt Nam có một truyền thống lịch sử lâu đời. Từ xa xưa, các vị Hoàng Đế, lãnh đạo đất nước đã rất ủng hộ và đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo. Hòa thượng mong rằng, trong kỳ Đại lễ lần này, ngoài sự cố gắng nỗ lực của GHPGVN, chính phủ cũng có sự hỗ trợ giúp đỡ Giáo hội trong công tác chuẩn bị, tổ chức Đại lễ.
Ông Phạm Dũng phát biểu.
Ông Phạm Dũng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trong lời phát biểu đã nhấn mạnh rằng: "Đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam lần này tiếp tục khẳng định việc Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên Hiệp quốc về việc chọn ngày Tam hợp của đức Phật là ngày văn hóa tôn giáo thế giới. Đồng thời tỏ rõ Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo (Tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam) ".
TT. Thích Đức Thiện báo cáo tổng quát về công tác chuẩn bị Đại lễ
Tiếp đó, TT. Thích Đức Thiện - Tổng thư ký UBTC Đại lễ Phật đản LHQ 2014 đã báo cáo sơ bộ các mãng của công tác chuẩn bị cho Đại lễ. Theo đó, về cơ bản, hầu hết ở các mãng đã có các đề án cụ thể. Về công tác trang trí - khánh tiết, BTC đã thiết kế các băng rôn, biểu ngữ, cổng chào, cờ phướn để trang trí tại sân bay Nội Bài, các địa điểm diễn ra Đại lễ như chùa Bái Đính, thành phố Ninh Bình, trên đường đi của các đại biểu. Còn tại Hà Nội, dự định sẽ mượn bảng điện tử 1000 năm Thăng Long để chạy biểu ngữ truyền thông cho Đại lễ.
Về tình nguyện viên, dự kiến sẽ tuyển tại các trường Đại học tại Hà Nội và Ninh Bình, mỗi trường trung bình tuyển 100 người, đến cuối tháng 3 sẽ có danh sách cụ thể. Công tác huấn luyện, tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên sẽ được xúc tiến vào giữa tháng tư. Đối với các tình nguyện viên phụ trách đưa đón quan khách sẽ tập huấn trực tiếp tái hiện trường (từ sân bay về khách sạn, từ khách sạn đến chùa Bái Đính).
Đối với các công việc của ban nghi lễ, các công tác đã được lên đề án và sắp xếp cụ thể. Việc cung nghinh Chư Tôn đức và quý đại biểu trong lễ khai mạc sẽ được cử hành trong không khí trang nghiêm và trọng thể. Khác với năm 2008, Đại lễ năm nay có nghi lễ tắm Phật truyền thống phục vụ nhu cầu tâm linh cho hơn 15.000 Phật tử tham dự. Ngoài ra còn có nghi lễ cho đàn tràng cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình vào chiều tối ngày 9/5 với sự nghi thức truyền thống của 3 miền.
Các hoạt động văn hóa cũng đã được BTC đưa ra các đề án cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc, bế mạc và đêm 8/5. Hoạt động triển lãm có các chủ đề như tranh ảnh Phật giáo, hình Panorama các ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng, văn hóa và con người Ninh Bình. Để các hoạt động đại lễ Vesak 2014 được sôi nổi hơn, BTC dự định có xe hoa của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tĩnh sẽ chạy trên đường QL1 thẳng về chùa Bái Đính.
Về công tác truyền thông, theo dự định, sẽ truyền hình trực tiếp lễ khai mạc, bế mạc Đại lễ trên sóng VTV1, VTV4, AVG, chương trình văn nghệ sẽ được tiếp sóng trên đài VTC, AVG. Trong thời gian sắp tới, Ban truyền thông có kế hoạch tổ chức buổi tọa đàm Phật giáo và báo chí để có một cái nhìn mới hơn về công tác truyền thông trong các đại lễ lớn của Phật giáo. BTC cũng đang thực hiện bộ phim tài liệu về Phật giáo Việt Nam dài 12 tập và phát hành rộng rãi.
Một nét đặc sắc trong Đại lễ lần này là hoạt động hội chợ văn hóa Phật giáo Việt Nam với các hoạt động, gian hàng về văn hóa Phật giáo và về văn hóa dân tộc kết hợp với biểu diễn văn nghệ truyền thống. Đề án cho hoạt đông này đã được công ty Hà An trình bày cụ thể cho toàn hội nghị.
Công tác hậu cần cũng đã được Ban hậu cần đưa ra kịch bản cụ thể với 6000 khẩu phần ăn buffet, 30.000 xuất cơm hộp mỗi ngày. Việc đặt chén đĩa, rau sạch đã được đặt hàng để sẵn sàng chuẩn bị phục vụ đại lễ. Dự tính, kinh phí cho công tác hậu cần trong Đại lễ lần này khoảng 15 tỷ.
Việc rà soát an ninh đã được bộ công an đưa ra đề án rất chi tiết trong phiên họp của chính phủ về đại lễ Vesak chiều 19/03/2014. Việc hỗ trợ visa cho các đoàn khách quốc tế cũng đã được bộ ngoại giao gửi đến tất cả đại sự quán các nước có khách mời tham dự để việc cấp visa được tiến hành nhanh chóng. Công tác in ấn cũng được đề cập với khoảng 20 đầu sách cả tiếng Anh, Việt sẽ được ấn tống rộng rãi. Việc in thẻ đại biểu được siết chặt, tránh tình trạng làm giả diễn ra. Vì những lý do khách quan, công việc xây dựng hội trường chính cho Đại lễ vẫn đang gấp rút hoàn thành, dự tính hội trường sẽ hoàn thành trước khi đại lễ khai mạc nửa tháng với đầy đủ tiện nghi cần thiết.
Sau báo cáo sơ bộ của TT. Thích Đức Thiện là phần trình bày các đề án của TT. Thích Thọ Lạc - phụ trách cư trú và nghi lễ, HT. Thích Trung Hậu, HT. Thích Hải Ấn - phụ trách mãng văn hóa, công ty Hà An phụ trách mãng hội chợ văn hóa. Tiếp đó, chư Tôn đức đã có những ý kiến đóng góp thiết thực cho các đề án mà BTC đã đưa ra.
Trong lời phát biểu đúc kết hội nghị, HT. Thích Thiện Nhơn đã cảm ơn sự ủng hộ của chính phủ, các ban ngành đoàn thể trung ương và đại phương đã ủng hộ, giúp đỡ cho GHPGVN tiến hành các công tác chuẩn bị cho đại lễ. Với các ý kiến đóng góp của Chư Tôn đức, BTC xin ghi nhận và sẽ tu chỉnh các đề án để cho các hoạt động của đại lễ được hoàn chỉnh hơn. Nhân đây, HT cũng trình bày rõ về tình hình tài chính phục vụ cho đại lễ, theo đó, vì năm nay dưới hình thức xã hội hóa về mặt tài chính nên việc chi tiêu cho các hoạt động của đại lễ hết sức khó khăn, cần có sự đóng góp của nhiều bàn tay thì đại lễ mới diễn ra thành công tốt đẹp.
Xin giới thiệu chùm ảnh về hội nghị này:
Niệm Phật cầu gia bị
Chư Tôn Đức chứng minh
Chư Tôn Đứcn đại diện các ban ngành trong HĐTS
Đại diện UBTC Quốc tế (ICDV)
Ban thư ký Đại lễ.
Đại diện các cơ quan TƯ và địa phương.
Toàn cảnh hội nghị.
TT. Thích Thọ Lạc trình bày kế hoạch cư trú và đàn tràng cầu quốc thái dân an.
HT. Thích Trung Hậu trình bày về các hoạt động văn hóa.
HT. Thích Thiện Tánh nêu ý kiến.
TT. Thích Gia Quang nếu ý kiến
HT. Thích Thiện Nhơn phát biểu đúc kết hội nghị.
Chụp hình lưu niệm.