;
Phật tử, người dân cúng dường Chư tăng khất thực trên đường, trong các lễ hội, một hình ảnh quen thuộc ở đất nước Thái Lan
Để tái hiện lại hình ảnh cao đẹp của tăng đoàn thời đức Phật, một số chùa hay cá nhân vẫn thỉnh thoảng tổ chức đi khất thực. Tuy nhiên, cách thức khất thực như thế nào vẫn chưa được thống nhất và do đó đã gây ra một số tranh luận gần đây.
Tranh luận nhiều nhất là vấn đề khi đi khất thực chư tăng có nên nhận tiền hay không. Có người cho rằng không nên nhận tiền vì truyền thống thời đức Phật không nhận tiền mà chỉ nhận thức ăn, hơn nửa chỉ nhận đủ ăn cho một ngày.
Có người thì cho rằng khi đi khất thực chư tăng cũng có thể nhận tiền vì xã hội ngày nay khác với xã hội thời đức Phật. Chư tăng ngày nay không chỉ cần thức ăn không thôi mà còn cần phải có tiền để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thật ra ở đây không có vấn đề đúng hay sai mà là ý nghĩa của việc đi khất thực của chư tăng ngày nay. Như đã nói, khất thực không phải là truyền thống của Phật giáo Việt Nam.
Việc chư tăng ngày nay đi khất thực là nhằm mục đích tái hiện lại truyền thống của đức Phật ngày xưa. Đức Phật và chư tăng ngày xưa đi khất thực không phải là để xin ăn để sống mà là một hạnh tu.
Khi khất thực, người ta cho gì nhận nấy, nhận với lượng vừa đủ. Nó vừa thể hiện sự bình đẳng vô phân biệt, không tham cầu và thiểu dục tri túc.
Với ý nghĩa đó thì tôi cho rằng chư tăng ngày nay đi khất thực không nên nhận tiền mà chỉ nhận thức ăn, với những lý do sau:
- Đã gọi là tái hiện lại cảnh đi khất thực của đức Phật và chư tăng ngày xưa thì phải tái hiện một cách chính xác. Ngày xưa đức Phật và chư tăng đi khất thực như thế nào thì chư tăng ngày nay cũng làm y như vậy để mọi người nhìn vào mà hình dung được tăng đoàn của đức Phật ngày xưa như thế nào.
- Đi khất thực là một hạnh tu, như trên đã nói. Cho nên nếu nhận tiền thì chư tăng sẽ dùng tiền đó vào những việc có chủ ý, tức là không còn vô phân biệt nữa rồi.
- Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm. Nói đến tiền người ta thường liên tưởng đến vật chất, đến lòng tham, và những gì không được cao thượng, trong sạch cho lắm. Cho nên chư tăng nhận tiền khi đi khất thực thì ý nghĩa cao thượng của khất thực cũng bị mất đi phần nào, ít nhất là trong cái nhìn của người ngoài.
- Phải thừa nhận rằng một số người thấy phật tử cúng dường chư tăng thì sanh tâm đố kỵ, ghen ghét và do đó họ sẽ công kích, nói xấu Phật giáo.
- Hiện nay vấn nạn giả sư đi khất thực rất nhiều. Họ đi bất kể giờ giấc lúc sáng trưa chiều tối với mục đích là xin tiền. Nếu chư tăng đi khất thực mà nhận tiền thì có khác gì những người sư giả đó cũng như vô tình tạo ra sự hiểu lầm trong dân chúng, rằng đi khất thực nhận tiền là đúng pháp, là truyền thống của Phật giáo.
Thật ra việc một số trường hợp chư tăng hiện nay nhận tiền khi đi khất thực, hoặc có sự bất đồng ý kiến, khác biệt quan điểm về một vấn đề nào đó cũng không phải là một điều gì quá to tát, đáng bị chỉ trích một cách nặng nề như một số kênh thông tin đã làm.
Sở dĩ những điều đó xãy ra là vì trước hết do một số thầy chưa “hòa hợp với nhau như nước với sữa” và do đó đã tạo cơ hội cho những người vốn có thành kiến với Phật giáo “chuyện bé xé ra to” với những lời lẽ hết sức ác ý.
Không phải ai cũng có cảm tình với Phật giáo, cũng không phải ai cũng có cái nhìn khách quan, biết tôn trọng sự thật, hay có thiện chí xây dựng xã hội tốt đẹp; Cho nên việc chỉ trích, xuyên tạc Phật giáo có lẽ là điều không sao tranh khỏi. Tuy nhiên, là những đệ tử của đức Phật, chư tăng nên hòa hợp, yêu thương nhau, bảo vệ nhau thì Phật giáo mới ít bị tổn thương.
Mỗi khi có một ý nghĩ xấu gì về vị đồng phạm hạnh nào của mình, chư tăng hãy nhớ đến lời Phật dạy khi xưa khi Ngài săn sóc cho một tỳ kheo bị bệnh: “Này các Tỳ kheo! Những người đồng hành với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin mà bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa môn Thích tử, đồng tu phạm hạnh, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc?”.