;
Vì khấn linh tinh, mạnh ai nấy khấn, cho nên phần quan trọng nhất là triệu thỉnh thần thức người chết về thọ hưởng thì ta lại chẳng làm, lại đi mời một lô một lốc các thần linh, quỷ ma vào nhà.
Người đã khuất chỉ trông mong con cháu tạo phước lành để được siêu thoát. Ngặt nỗi con cháu lại chỉ chăm chăm sát sinh cúng giỗ. Chúng nó cúng rồi say sưa ăn nhậu mà chẳng hề biết rằng: Việc sát sinh để cúng ấy gây họa cực lớn cho vong linh người đã khuất! Thay vì báo hiếu, ta lại mang tai họa đến cho họ mà chẳng hề hay biết.
Anh bạn đạo già kể: “Hơn chục năm về trước, cha một doanh nhân thành đạt ở tỉnh D mất. Tổ tiên nhà ấy nhiều đời rộng tích âm đức nên cháu con thành đạt giàu sang. Vì kinh doanh thành đạt nên ông con quan hệ rất rộng. Đám tang tổ chức linh đình, khách khứa đông hơn trẩy hội, toàn doanh nhân, quan chức, hội nọ tỉnh kia. Cỗ bàn hằng trăm mâm có lẻ.
Chôn cất, khách khứa xong xuôi, doanh nhân tổ chức họp đại gia đình. Cả nhà đang rôm rả chuyện trò thì thằng đích tôn ngồi lắc lư. Sau ít phút lắc lư, mặt nó đỏ lừng phừng, tay đập bàn, giọng sang sảng: “Thằng T lại đây tao bảo!”
Cả nhà xôn xao xúm lại xung quanh: “Ông về!”
Vong linh tuôn một tràng: “Tao một đời chay lạt, làm lành lánh ác. Chết đi đáng nhẽ được tái sanh vào cõi lành. Vì tụi bay ngu si giết hại vô số gà vịt, cá tôm nên giờ phải chịu cảnh bị đối biện trước Diêm Vương. Đi đâu cũng nguyên một đám gà vịt theo sau canh gác. Tụi bay mâm cao cỗ đầy, rượu thịt say sưa, đẹp mặt cùng thiên hạ, còn tội vạ một mình tao gánh…Bay trả hiếu cho tao như vậy hả?”
Doanh nhân á khẩu sụp lạy: “Thưa bố, là do chúng con không biết. Xin bố tha lỗi cho chúng con.”
Vong linh vẫn hằm hằm: “Tao dặn làm đám chay sao mày không nghe lời?”
Doanh nhân lắp bắp: “Vì khách khứa toàn người thành đạt, con sợ họ quở trách.”
Vong đập mạnh tay xuống bàn: “Vậy chớ tao chết hay mày chết? Khách của mày liên quan gì đến tao?”…
Doanh nhân bật khóc bảo: “Giờ con thỉnh chư Tăng làm lễ sám được không bố?”
Kể xong anh thở dài: “Thế gian làm việc hiếu nhưng đa phần đều làm việc bất hiếu mà không biết. Tất cả đều do mê muội, thiếu tri thức mà ra. Nếu vụ ấy các Thầy không lễ sám cho, ông cụ nhà ấy ôm oán hận con cháu mà đọa làm ác thần hoặc la sát, không biết con cháu nhà ấy sẽ khốn đốn đến thế nào.
Chúng sanh mê muội theo thế tục, thật vô cùng đáng xót thương!
Bạn đọc thân mến! Tôi viết bài này nguyện vì hết thảy vong linh những người đã khuất. Mong sao có người duyên đọc được mà tỉnh ngộ rằng:
Vong linh người đã khuất vô cùng khốn khổ chỉ vì sự mê lầm của chúng ta. Chúng ta hãy mạnh dạn phá bỏ cái tệ sát sinh cúng giỗ, chỉ nên dùng đồ chay lạt. Lại dẹp hết những bài văn cúng giỗ tà vạy đi, khấn sơ sơ thôi, để dành thời gian mà niệm Phật, tụng kinh, hoặc trì một vài biến chú, hồi hướng công đức cho người đã khuất. Chỉ việc ấy mới mang đến lợi lạc lớn nhất cho họ, chỉ việc ấy mới chính là chân thật hiếu, như Kinh Địa Tạng dạy: “Cả người còn lẫn người mất đều được phước…”
VĂN KHẤN NGÀY GIỖ
Ngày giỗ bạn cũng chỉ nên cúng chay. Việc ấy vừa tạo phước, vừa chẳng mất nhiều thời gian nấu nướng. Lại do không sát sanh nên không có sát khí trong nhà. Hỉ thần cùng vượng khí ắt theo đó mà đến.
Dù là ngày giỗ ai đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể sử dụng bài văn khấn này, chỉ thay phần tên họ là được. Như thế, sau khi sắp mâm cúng, bạn thắp 3 nén hương rồi đọc bài văn khấn sau đây là trọn vẹn:
BÀI VĂN KHẤN NGÀY GIỖ NGẮN GỌN
Nam mô A Di Đà Phật(03 lần, mỗi lần 01 lạy)!
Hôm nay, ngày… tháng…năm…cũng là ngày giỗ của…(Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị…)
tên là: …(Đọc rõ họ tên). Con thắp nén nhang thơm với tấm lòng thành cùng chút lễ vật thanh tịnh dâng lên. Trước để tưởng nhớ đến công ơn của (Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị…) đã gia hộ cho chúng con có cuộc sống an lành ngày hôm nay. Sau kính cầu nguyện linh hồn (Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị…) phát tâm xuất thế. Xin hãy cùng với con niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Để nương nơi Bản nguyện của đức Phật A Di Đà, cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Tịnh Độ.
Nam mô A Di Đà Phật (03 lần, mỗi lần 01 lạy)”
Kế đó bạn nhờ Phật lực triệu thỉnh hương linh bằng cách đọc tiếp như sau:
Nam mô A Di Đà Phật! Con cầu nguyện đức Từ Phụ A Di Đà, xin hãy phóng quang gia hộ cho linh hồn (Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị…) của con, dù họ đang ở cảnh giới nào, cũng nương nơi Phật lực về được nơi đây. Trước thọ hưởng đồ cúng, sau cùng với con niệm Hồng danh của Ngài. Nam mô A Di Đà Phật.
(Sở dĩ phải triệu thỉnh là để phòng trường hợp: Các vong linh bị đám bùa ngải, yêu mị, la sát bắt nhốt. Nhờ Phật lực mới có thể hóa giải được việc này. Ngay khi bạn đọc lời triệu thỉnh này, thần thức của người đã khuất nhờ Phật lực sẽ về được nhà. Chỉ cần họ chắp tay niệm Phật một câu thôi cũng sẽ được siêu thoát.)
Khấn như vậy xong, bạn quỳ hoặc ngồi trước bàn thờ niệm Nam mô A Di Đà Phật trong khoảng 15-30 phút. Lúc kết thúc thì hồi hướng công đức bằng cách đọc như sau:
Đứng lên chắp tay niệm Nam mô A Di Đà Phật (03 lần, mỗi lần 01 lạy).
Con nguyện hồi hướng công đức niệm Phật này cho Pháp giới chúng sanh, cho linh hồn ông bà Tổ Tiên, thân gia quyến thuộc của con và hết thảy những chúng sanh có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Con cầu nguyện đức Từ Phụ phóng quang, gia hộ cho hết thảy cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Nam mô A Di Đà Phật.(03 lần, mỗi lần 01 lạy).
Cúng bái, thực ra quan trọng nhất ở tâm chí thành, cung kính, chớ không phải ở nơi lễ vật. Ta chẳng biết người thân của mình ở cảnh giới nào trong luân hồi. Cho nên chỉ niệm Phật rồi hồi hướng công đức cho họ mới là cách cúng lễ tốt nhất. Nhờ công đức vô lậu nơi danh hiệu Phật, họ mới thực sự được lìa khổ và siêu thoát về các cõi lành. Đây mới thực gọi là Chân Thật Hiếu. Dù bạn tin hay không tin, sự thật vốn là như thế!
VONG LINH NGƯỜI CHẾT CÓ VỀ TRONG NGÀY GIỖ HAY KHÔNG?
Phần này tôi đã viết chi tiết trong bài “Cúng đầu năm mới”. Nay trích lại cho người chưa biết để nắm được nội dung. “Trước khi tìm hiểu về cách cúng giỗ, bạn cần biết một điều vô cùng quan trọng: Bạn cúng giỗ nhưng ai mới là người thọ hưởng đồ cúng? Họ thọ hưởng đồ cúng bằng cánh nào?
Ta tốn biết bao thời gian và công sức bày mâm cao, cỗ lớn. Ta thắp nhang cúng kiếng, khấn vái đủ điều. Ta cầu mong người đã khuất nơi “Suối vàng” phù hộ độ trì cho ta và gia đình bình an, phát tài, phát lộc. Nhưng ta chẳng biết một sự thật rằng: Chẳng có cái suối vàng nào cả! Người thân của ta khi chết đi, tùy theo nghiệp thiện ác đã gieo, họ sẽ tái sanh vào một trong sáu nẻo luân hồi: Trời, người, A Tu La, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa Ngục.
Trong sáu cõi giới này, theo quy luật của tự nhiên: Chỉ khi họ đọa vào cõi Ngạ quỷ thì mới được về thọ hưởng đồ cúng tế của người thân.
Bởi nếu sanh Thiên thì họ chẳng thiếu thứ gì, đồ ăn uống toàn trân vị, khi muốn ăn gì sẽ tự hiện ra. Vả lại chư Thiên họ nhìn cõi ta bà này vô cùng hôi tanh và uế trược. Trừ những thiên có nhiệm vụ ra, họ không thể xuống cõi nhân gian được. Bởi với họ, cõi này xú uế không khác chi cách ta nhìn hầm phẩn trong nhà xí!
Nếu tái sanh vào cõi người, thì họ đã mang thân người ở một nơi nào đó. Tất nhiên chẳng thể về nhà ta mà thọ hưởng đồ cúng được.
Nếu tái sanh vào cõi A Tu La thì họ cũng có phước báo gần như chư Thiên, chẳng thiếu thứ gì. Họ cũng nhìn cõi nhân gian ô uế không khác gì chư Thiên. Do vậy, họ cũng chẳng thể thọ nhận được đồ cúng.
Nếu tái sanh về cõi Súc sanh mang lông đội sừng; khổ hải trần ai nơi nào đó, cũng chẳng thể về thọ hưởng đồ cúng.
Nếu đọa vào cõi Địa ngục, do khổ hình triền miên không dứt, cũng không cách chi về mà thọ hưởng được đồ cúng tế.
Cho nên khi ta cúng giỗ mà người thân không tái sanh trong cõi Ngạ quỷ, thì lúc ấy người thọ hưởng đồ cúng là chư quỷ thần: Họ hoặc là tổ tiên nhiều đời của bạn bị đọa trong cõi quỷ. Hoặc là Thổ công thổ địa, hoặc thần sông, thần kênh rạch, phụ trách khu vực nhà bạn. Hoặc họ là tà thần ác quỷ đối với những nhà theo tà đạo.
LOÀI NGẠ QUỶ THỌ HƯỞNG ĐỒ CÚNG GIỖ NHƯ THẾ NÀO?
Chúng sanh nơi cõi Ngạ quỷ và quỷ thần thọ hưởng đồ cúng như thế nào? Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Quỷ cũng có quyến thuộc và bằng hữu. Nếu nó biết chỗ nào có ăn, nó sẽ mời bạn bè nó cùng tới ăn. Ví như loại quỷ ăn hoa có thể hóa làm ong mật hay bươm bướm, chúng đến đâu thì ăn nhụy hoa, uống sương hoa đến đó.
Quỷ đói là do chỗ cảm nhận của quả báo, cho nên thường bị lửa đốt chẳng lúc nào ngừng. Thân thể nó cũng có lửa, bên ngoài, bên trong cũng có lửa. Lửa trong lửa ngoài giao nhau hừng hừng thiêu đốt, thống khổ khó tả.
Vì sao bị quả báo như thế? Vì khi làm người lại có tánh giận dữ quá lớn, nên sau khi chết biến thành quỷ cũng chẳng được thoải mái, ngày đêm lại bị thiêu đốt, vĩnh viễn không mãn kỳ hạn, muốn trốn cũng trốn không khỏi.
Nhưng nếu chúng ăn được một ít mật hoa, sương hoa là chúng giảm bớt được chút nhiệt não nóng bức. Dù chúng có cầu được mát mẻ chỉ một giây lát thôi cũng không được. Cho nên thiện ác, nhân quả, như bóng theo hình, không bao giờ sai chạy. Quý vị ơi, hãy cẩn thận!
Lại có một giống quỷ chuyên ăn trái cây. Nhưng trước hết tôi xin giải thích sơ lược về bốn loại ăn (thực). Tất cả chúng sanh đều nhờ ăn để sống. Nói về ăn tức gồm có bốn loại:
1. Phần đoạn thực: Chúng sanh hữu tình, phàm hễ có khí huyết, hình tướng đều là phần đoạn thực. “Phần” là anh có phần của anh, tôi có phần của tôi. “Đoạn” là từng khúc, từng đoạn, hoặc là từng bữa, từng bữa. Giống như ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, và không ăn giữa các bữa ăn, nên gọi là đoạn. Người và súc sanh đều thuộc về phần đoạn thực.
2. Xúc thực: Khi đụng chạm tiếp xúc là như ăn rồi. Quỷ thuộc loại xúc thực.
3. Tư thực: Chỉ cần nghĩ tới là no. Người cảnh trời thuộc về tư thực.
4. Thức thực: Ngay cả ý nghĩ cũng không cần khởi tưởng, vì cơ năng ăn uống ở trong thức thứ tám. Chư thiên ở Tứ Không Thiên thuộc về thức thực.
Chúng sanh đều nhờ ăn mà sống. Thí dụ như chúng ta ăn trái cây. Khi trái cây vừa mới được hái từ trên cây xuống, nó vốn là hai trái. Ví như một trái táo. Nó không phải đơn thuần là một trái đâu, vì trên mặt trái táo hãy còn có một trái táo khác. Có người nói: “Tại sao tôi không thấy trái đó?” Nếu quý vị thấy được thì sẽ lén ăn nó rồi! Hai trái táo nầy, trong đó có một trái là cái bóng, lại cũng có thể gọi là “Tánh” của trái táo.
Cũng giống như vậy, mỗi cá nhân không phải đơn thuần là một con người, mà còn có một linh tánh tùy thân khác. Nhưng linh tánh của con người thì ẩn tàng bên trong thân thể, không bộc lộ ra ngoài. Nếu linh tánh nầy chạy thoát ra, nó sẽ bị yêu ma quỷ quái ăn mất.
Bất luận chủng loại nào mà biến thành người, phía sau lưng nó vẫn còn lưu lại cái bóng, đó gọi là “quỷ hồn” (con người có ba hồn bảy vía). Ví như kiếp trước người đó làm ngựa, phía sau lưng của y sẽ có bóng ngựa. Có người kiếp trước sanh làm con lừa, cho đến trâu, dê, gà, chó hoặc là heo, phía sau lưng của y vẫn còn lưu lại hình bóng của loài đó.
Người đã mở Ngũ Nhãn, nhìn qua là biết ngay: “À! Thì ra người nầy kiếp trước vốn là con chó!” Nhưng không phải ai ai cũng có được Ngũ Nhãn. Bởi e rằng người ta sẽ phanh phui ra hết những vấn đề về kiếp trước của kẻ khác. Cho nên nói: “Thiên cơ bất khả tiết lậu” là vậy.
Trái cây không phải là động vật, tuy không có khí huyết, nhưng nó cũng là sanh vật. Hễ có sanh mạng tức là có tánh. Như đem trái cây cúng tế quỷ thần, quỷ thần sẽ ăn tánh của trái cây đó. Quỷ không phải là cầm trái cây để cắn ăn, mà nó chỉ cần xúc chạm rồi hút lấy tánh của trái cây, tức là đã ăn rồi. Do đó nếu ăn trái cây đã cúng quỷ thần rồi, quý vị sẽ cảm thấy không có mùi vị gì mấy.”
MÂM CÚNG GIỖ NÊN CÚNG ĐỒ CHAY HAY MẶN?
Đọc đến đây, nghĩa là bạn đã hiểu rõ mình cúng ai và kẻ thọ hưởng đồ cúng là ai rồi phải không? Cho nên khi cúng giỗ bạn chớ nên sát sanh, cúng mặn. Chỉ cần hương hoa, bánh trái, cùng chút nước sạch là được rồi. Cúng mặn chỉ gây tai họa cho người sống và người đã khuất, chớ tuyệt chẳng lợi lạc chi đâu. Khi bạn giết con vật để cúng sẽ gây nên hai tai họa:
1. Thần thức của nó oán hận nên đeo bám trên thân bạn chờ ngày báo oán. Đợi đến khi phúc báo của bạn suy hao, chúng sẽ gây ra bệnh tật. Nhẹ thì bệnh chỉ tốn ít tiền rồi khỏi. Nặng thì thần kinh hoặc bị chúng nó xô đẩy cho mất mạng như chơi.
2. Tổ Tiên, Cha mẹ, anh em…những người mà bạn cúng do liên đới chịu thêm sát nghiệp nên tội chồng thêm tội. Rất khó được vãng sanh về các cõi lành.
Ta không thể biết được người thân của mình chết đi tái sanh vào cảnh giới nào. Cho nên việc cúng giỗ đơn giản chỉ là phong tục thuộc về hiếu đạo. Trong phần lớn trường hợp, người thọ hưởng đồ cúng đều là các thần linh phụ trách nơi ta ở. Họ có thể là thần đất, thần sông, hay thổ công thổ địa trong nhà.
Vì thế Tổ Ấn Quang bảo: “Việc thờ cúng ông bà tổ tiên, bất quá chỉ là hết lòng bày tỏ sự tưởng nhớ ân đức nguồn cội. Còn như ông bà tổ tiên có về hay không thật cũng chưa thể biết được.
Vì sao vậy? Ông bà tổ tiên của chúng ta, nếu có tu phước ắt đã sinh vào hai cõi trời người, đang thọ hưởng phước báo. Nếu tạo các nghiệp ác, ắt phải đang chịu khổ trong ba đường dữ. Tuy nhiên, những trường hợp được hưởng phước báo an vui e rằng chỉ có ít, mà những trường hợp đang chịu khổ não thật rất nhiều.
Cho nên, con cháu có lòng hiếu thảo thì mỗi khi đến ngày kỵ giỗ, cúng kính ông bà tổ tiên. Nên thành tâm kiên trì trai giới niệm Phật tụng kinh. Kế đó hồi hướng công đức cầu cho ông bà tổ tiên sớm được siêu thoát về Tây phương Tịnh độ. Việc này giúp ông bà tổ tiên được thoát khỏi nỗi khổ luân hồi. Như vậy mới là sự báo ân chân thật…”
Theo An sĩ toàn thư: “Cúng tế không thể chỉ dùng rau cải sơ sài, có thể bày biện thêm các loại bánh trái, nhưng quan trọng nhất là không được giết hại vật mạng. Người đời mỗi khi thành tựu công danh, được như ý muốn, liền mổ lợn giết dê cúng tế tổ tiên thật linh đình. Bản thân người làm việc ấy vốn đã dương dương tự mãn, xem đó là việc làm vinh dự tổ tiên dòng tộc, mà những kẻ đứng ngoài cũng luôn dòm ngó vào, lao xao xưng tụng. Nhưng thử hỏi vào lúc ấy liệu ông bà tổ tiên có thực sự chạm đũa thọ hưởng được miếng nào chăng?
Giết hại vật mạng như thế thật vô ích, chỉ khiến ông bà cha mẹ quá cố phải đắm chìm sâu hơn trong nghiệp chướng. Người chết mà biết được, ắt không khỏi đau đớn ôm lòng oán hận nơi chín suối. Thật không bằng những người nghèo khó chỉ dùng hoa quả canh rau đơn sơ mà thành tâm cúng tế tổ tiên, như thế chẳng phải lại là tốt hơn đó sao?”
Ngày nay thực phẩm chay rất đa dạng, do đó bạn hoàn toàn có thể làm một mâm cúng thịnh soạn để thể hiện tâm thành. Nếu nhà đông khách khứa, không thể dùng chay lạt thì bạn tách riêng ra: Làm mâm cơm cúng giỗ chỉ toàn đồ chay. Còn tiếp đãi khách khứa cứ mua đồ mặn về mà đãi đằng là được. Việc ấy không làm bạn thất lễ với khách mà cũng chẳng gây họa cho người đã khuất. Thật lợi lạc đủ đường!
Tuệ Tâm 2022