;
Hỏi: Bát Nhã Tâm Kinh nói cái gì cũng đều là không. Vậy điều đó có ý nghĩa gì?
Đáp: Hiện tại có rất nhiều người học Phật hiểu lầm chữ “không”. Chữ “không” trong đạo Phật khác hẳn so với chữ “không” ở ngoài đời. Chữ “không” ở ngoài đời có nghĩa là không có. Ví dụ, trên tay đang cầm cái mi-cro là có. Nếu bỏ cái mi-cro xuống thì liền thành tay
không. Riêng chữ “không” trong đạo Phật không có nghĩa như vậy, mà là nói ở ngay nơi sự vật đang hiện hữu vốn không có bản chất thật sự, chỉ do nhiều thứ kết hợp lại với nhau mà tạo thành.
Cũng vậy, nếu tìm một cái thật sự của mi-cro thì không thể thấy, bởi vì nó được tạo thành từ nhiều linh kiện lắp ráp lại với nhau và tạm thời được gán cho một cái tên là mi-cro. Hoặc như một đóa hoa sen có đầy đủ thân, cánh, nhụy, hạt… nhưng không có một cái nào là cái duy nhất để tạo nên đóa hoa sen, mà phải do nhiều thứ kết hợp lại tạo thành. Không những chỉ có những thứ này, mà nó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: đất, nước, ánh sáng mặt trời… mới có thể tồn tại và phát triển.
Như vậy, chữ “không” trong đạo Phật có nghĩa là không có thật, không có cái nào là cốt lõi. Chính vì không có cái nào là cốt lõi, cho nên khi hết duyên thì nó liền tan rã, cái nào ở đâu sẽ trả về lại nơi đó, không thể tồn tại ở một hình dạng hay trạng thái nhất định mãi mãi. Ngay nơi thân thể của chúng ta cũng không có bộ phận nào duy nhất để tạo nên nó. Mắt là mình, tai là mình, mũi là mình hay chân là mình? Trái tim, quả thận, phổi, lá lách… không phải là thân, nhưng khi được kết hợp lại với nhau thì tạo thành thân thể. Đạo Phật nói cái thân này không phải là một khối thuần nhất, cũng không phải là một cái trọn vẹn, mà chỉ do nhiều thứ kết hợp lại theo một quy cách có trật tự. Bản thân của nó phải thường xuyên vay mượn những thứ khác như hơi thở, cơm, nước, nhiệt độ… mới có thể tồn tại. Nếu một bộ phận nào bị trục trặc thì phải lập tức đi tìm bác sĩ chữa trị hoặc thậm chí hư hại nặng thì không còn hoạt động được nữa. Chỉ vì chúng ta không thấy được điều đó, mà cứ lầm nghĩ rằng mình là một khối nguyên vẹn thuần nhất bền chắc mãi mãi, cho nên mới có tư tưởng sai lầm rằng sống không cần ai và nếu có ai đụng chạm đến bản thân thì liền chống cự. Đó chính là sự si mê, không thấy được lẽ thật!
Từ trong tâm niệm và thân thể cho đến hoàn cảnh xung quanh đều không cố định, không thuần nhất và không có bản chất thật sự. Nói đơn giản là “không có thật”, chẳng phải là không có gì. Trong Tâm Kinh Bát Nhã cũng có câu: “Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa thế gian là không có mọi thứ xung quanh, thì cuộc sống này làm sao còn có thể hiện hữu? Ngày xưa, có một chú tiểu khi đọc đến đoạn kinh này, liền sinh nghi ngờ vì không hiểu tại sao chú có mắt, tai, mũi, lưỡi… rõ ràng, mà kinh Bát Nhã nói rằng không có!? Chú đã đem thắc mắc ấy thưa trình với Sư phụ. Ngài biết chú là một bậc trí huệ sẽ đạt được thành tựu lớn sau này, cho nên đã chỉ bày cho chú đi về phương nam để tham học với các vị cao Tăng. Trải qua một thời gian dài tham tầm học đạo, chú đã thấu hiểu được nghĩa lý huyền diệu và về sau trở thành Tổ sư của Thiền tông Phật giáo Trung Hoa.
Vạn vật vốn không có thật, nhưng chúng ta chấp là thật có, cho nên đức Phật đã nói “không” để phá cái tâm chấp có, chấp thật đó. Tận trong sâu thẳm ý niệm, chúng ta luôn nghĩ thân thể này là thật mình và nhà cửa, tiền của, xe cộ, danh vị… thật là cái của mình, cho nên khi những thứ ấy bị biến đổi thì chúng ta đau khổ vô cùng. Chính cái tâm chấp chặt cho là thật, nên mới có phiền não đau khổ và gây tạo vô số nghiệp tội. Khi vào chùa tụng Tâm Kinh Bát Nhã thì thấy tất cả là “không” nhưng lúc ra ngoài đời làm ăn thì thấy mọi sự việc đều thành “có”, cho nên cứ khổ đau mãi mãi. Trong khi cội gốc của sự tu là phải nhìn thấy rõ tất cả các pháp đều không có thật.
Tâm Kinh Bát Nhã cũng có đoạn: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”, tức là thấy rõ thân tâm này là không thật thì sẽ qua hết tất cả đau khổ. Ngộ “không” thì chiến thắng, nhưng ngộ “có” liền chiến bại. Nếu khéo đem trí tuệ Bát Nhã của đạo Phật ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn cuộc sống của mọi người sẽ được tự tại an lạc. Đó chính là ý nghĩa chân thật của Tâm Kinh Bát Nhã.
Thích Minh Thành
****************************************************
Vạn pháp giai không, nhân quả bất không
Phật pháp xuất thế gian cũng không rời khỏi nhân quả, nhân quả là chân lý giữa vũ trụ này, thiện có thiện báo, ác có ác báo. Người xưa nói rất hay, “không phải không báo, thời giờ chưa đến”. Nhân gặp duyên, đó chính là thời giờ đã đến, chưa gặp được duyên thì đó là thời giờ chưa đến, gặp được duyên nhất định quả báo hiện tiền. Cho nên khi hiểu được đạo lý này, đặc biệt là giữa người và người qua lại với nhau, người xưa nói rất hay là oan gia nên giải không nên kết. Bạn phải ghi nhớ tuyệt đối là không nên kết oán thù với người. Kết oán thù thì phiền não rất lớn, oan oan tương báo, đời đời kiếp kiếp không hề ngừng dứt, kia đây đôi bên đều đau khổ. Mỗi người chúng ta ở thế gian này không phải là một đời, bạn có kiếp trước, bạn có đời trước, đời quá khứ của bạn, ngay trong đời đời kiếp kiếp bạn kết oán thù với bao nhiêu chúng sanh? Cho nên ngày tháng của đời này làm gì trải qua được tốt?
Bạn gặp được một người lạ đang đi trên đường, xưa nay chưa từng quen, họ tức giận trợn mắt nhìn bạn, đó là nghiệp đã kết trong đời quá khứ. Người học Phật chúng ta hiểu rõ, họ trợn nhìn ta một cái thì ta niệm A Di Đà Phật, ta cũng không nên nhìn họ mà cúi đầu xuống, niệm một câu Phật hiệu đáp lại họ thì liền hóa giải. Không thể nói họ trợn mắt nhìn bạn một cái, thì bạn cũng trợn mắt nhìn họ lại một cái, vậy thì phiền phức sẽ lớn. Người gặp mặt cúi đầu mỉm cười với bạn, đó là thiện duyên trong đời quá khứ. Cho nên nghiệp duyên phải từ trong nội tâm mà hóa giải, đó là chúng ta thường nói, nhất định không nên đối lập với tất cả người và sự vật, phải đem ý niệm đối lập hóa giải, phải bình đẳng đối đãi, hòa thuận cùng ở, vậy thì tốt, cái điểm này hy vọng mọi người đặc biệt chú ý. Nếu như chúng ta gặp phải oan gia trái chủ (việc này thường hay gặp phải), hoặc là có ý, hoặc là vô ý hủy báng chúng ta, nhục mạ ta, thậm chí còn hãm hại ta, chúng ta phải tường tận, quyết định không nên có tâm sân hận, nhất định không nên có tâm báo thù.
Hòa thượng Tịnh Không
Lê thanh hải
Con đã hiểu thấu suốt đạo lý của đức phật.vũ trụ là vô ngã,tính không.vạn pháp giai không.1 là tất cả,tất cả là 1
Thích 3 Trả lời 12/7/2019 1:46:02 PM