;
Trước Đại lễ Vesak tràn đầy lòng bi mẫn, đánh dấu sự hy hữu ra đời về một đấng Từ Phụ, đó là vẻ đẹp Đản sinh của Đức Giáo chủ Ta bà Bổn sư - chúng con lòng thành quy hướng đỉnh lễ.
Nói về công hạnh của Ngài, thời gian khảo nghiệm trên 25 thế kỷ, không ít mặc khách, tao nhân, và nhiều chứng nhân cùng thời cũng như sau này đã tán thán về Ngài. Và hôm nay, trên mảnh đất Việt Nam đầy nắng, đầy gió của chúng con lại có được Hạnh phúc và thâm ân Kỷ niệm ngày Đại Phật đản Liên hiệp Quốc lần thứ 16 (PL 2563-DL 2019) tại nơi này. Đây là niềm Hạnh phúc- an lạc không chỉ cho riêng các tín đồ Phật tử, mà cho cả thế giới nhân loại và muôn loài.
Trước ánh Từ Quang Vesak huyền nhiệm, chúng con không đủ tuệ tri để hiểu được lời huyền nhiệm thậm thâm của đức Từ Phụ. Lòng chúng con chỉ nhớ một điều giản dị, và điều giản dị ấy đối với chúng con thật khó lấp đầy, đó là tâm bi tri mà đức Thế Tôn thường dạy chúng con đó là tình thương chan rải đến đồng loại và muôn loài.
Kính bạch đức Từ Phụ, đất nước Đại Việt chúng con nhỏ bé, nhưng cũng rất đỗi tự hào, bởi chính nơi đây đã lưu giữ và nối tiếp mạch thiền Thanh tịnh Thích Ca Văn; mạch thiền Nhập thế Trúc lâm Yên Tử. Đó là dòng thiền Thanh tịnh mà đức Thế Tôn đã huyền nhiệm trên mảnh đất chúng con, và Sơ tổ Trần Nhân Tông người con Việt đã có được thâm ân là tổ thứ 34 tiếp nối dòng thiền này thế kỷ 13. Và hôm nay dòng thiền nhập thế đang khởi phát tại đất Rồng, nơi mà chúng con hằng ngày huân tập và giữ gìn Ngôi nhà chánh Pháp Như Lai.
Kính bạch đức Từ Phụ, Vesak (trăng tròn) huyền nhiệm thật thiêng liêng khiến chúng con thầm nghĩ và cho rằng:
Những điều lớn lao thường nảy sinh trong những điều giản dị. Sự khổ đau (dày vò) tột cùng thì đánh thức tuệ tri. Có phải đất nước chúng con chịu bao khổ đau, kham nhẫn mà Ngài huyền nhiệm dòng Thiền nhập thế “biện tâm” để chúng con có được tuệ tri và chí hướng kiên cường cho việc hàng phục ma quân giành lại non sông gấm vóc của cha ông, vượt trên cả những tư tưởng thần quyền xấu ác.
Ngày Vesak đánh dấu sự ra đời, sự giác ngộ và sự Niết bàn của đức Phật. Theo thông điệp của LHQ: “Tất cả chúng ta, là Phật tử hay không là Phật tử đều có thể suy nghiệm về cuộc đời của Đức Phật và tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy của Ngài” và do đó, đây là dịp rất quan trọng và thiêng liêng đối với hàng triệu triệu Phật tử trên khắp thế giới; trong đó có Phật tử chúng con ở Việt Nam (xuất gia, tại gia-cư sĩ) đều được bày tỏ tấm lòng của mình trước ngày lễ trọng đại này và chúng con tâm thành hồi hướng đến đức Từ Phụ thâm ân.
Với ngày lễ quan trọng này, không ít người trong chúng con khuyên rằng, đừng ai nhắc tới sự bạo động và chiến tranh xấu ác, hãy ‘lặng im để lòng nghe’ hương vị của thanh tịnh và lục hòa. Bởi điều nay rất cần cho việc khơi thông và lan tỏa lòng bi mẫn của mỗi người tới đức Từ Phụ nhân ngày Vesak- huyền nhiệm.
Có thể trong cuộc sống có những phút giây vì ích kỷ bon chen và phóng giật mà quên điều tri túc (biết đủ). Chúng con đã mắc nhiều sai lầm bởi trược khí ngăn che lòng bi mẫn và tình thương đồng loại cũng như muôn loài, nên mầm mống chiến tranh khổ đau không được đoạn dứt. Chính vì điều này, mà mới đây Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều (Hà Nội) vừa diễn ra để bàn về việc giải trừ vũ khí hạt nhân và tiến tới “Phi hạt nhân hóa” ở bán đảo Triều Tiên, và cũng có nghĩa là phi hạt nhân hóa trên toàn thế giới được tổ chức (28/4/2019). Đây là lần thứ 2 sau cuôc đàm phán Thượng đỉnh Mỹ-Triêu lần đầu tại Singa pore (8/2018). Tuy Hội nghị Thựng đỉnh này, chưa đạt được thỏa thuận nào, nhưng cuộc đàm phán này chúng con gọi đó là cuộc đàm phán của lòng bi mẫn. Bởi chỉ có lòng bi mẫn như đức Thế Tôn dạy: “Nếu một người thánh thiện, nhiều người sẽ trở nên thánh thiện, nếu nhiều người trở nên thánh thiện, toàn bộ thế giới sẽ trở nên thánh thiện”.
Nương tựa vào lời dạy của đức Thế Tôn: Chúng tôi những người Phật tử Việt Nam, cũng như đông đảo Phật tử trên thế giới và những ai đã từng quan tâm và thấu hiểu giáo lý vi diệu nhiệm mầu của đức Phật đều hy vọng vào sức mạnh của lòng mong đợi chính đáng về một sự Hòa bình thánh thiện sẽ đem lại hạnh phúc an lạc cho toàn thể nhân loại. Phật giáo sẽ trở thành động lực đưa xã hội hiện đại đến một sự mềm dẻo và nhân ái. Ở đấy có công bằng ngay thẳng và Đạo đức.
Nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều bàn về giải trừ vũ khí hạt nhân vừa được tổ chức ở (Hà Nội) -Tp Hòa Bình do thế giới bình chọn, thì Đại lễ Phật đản Vesak 16 lần này được tổ chức tại quần thể Chùa Tam Chúc, Hà Nam một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ Việt Nam với khí hậu nhiệt đới ôn hòa, bốn mùa hoa trái xanh tươi đầy nắng và đầy gió…
Trưởng thành trong các cuộc chiến tranh giữ nước đầy cam go, nên đất nước chúng tôi quý trọng từng giây phút hòa bình. Đón chào Đại lễ Phật đản Vesak Quốc tế lần này cũng có nghĩa là chúng ta lại có dịp gặp lại nhau để tri ân qua những mùa Đản sinh Vesak trước đó vào các năm (2008 – 2014) cũng được tổ chức Ngày Đản sinh đức Từ Phụ, theo thông lệ Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam. Cám ơn các bạn, cám ơn những người con Phật thuần thành đến từ nhiều xứ sở với (thân khẩu ý) tốt lành. Chiêu cảm từ con tim chánh niệm, chúng tôi trộm nghĩ và cho rằng, phải có phúc duyên nhiều lắm chúng ta mới có được hạnh phúc này, và cũng phải nhiều phúc duyên lắm chúng ta mới được gặp lại nhau nhiều dịp như thế!
Được biết, lần đầu tiên Vesak thế giới tổ chức tại Tokio (Nhật bản-8/4/1998). Sau 20 năm với 7 kỳ Đại hội. Năm 1998 (ra đời sự kiện này) có 23 Quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các Truyền thống Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền, Kim cang thừa, tất cả chúng ta đã ngồi lại với nhau trong tinh thần đoàn kết mới mẻ của Vesak.
Vững bước trong 20 năm hoạt động, từ 7 kỳ Đại hội ấy, đến Vesak - 2014 đã quy tụ 41 Quốc gia, vùng lãnh thổ gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới đại diện cho trên 500 triệu Tăng- Ni, Phật tử toàn cầu. Lấy trụ sở Hội là Chùa Muyjuji - Núi Nam Đẩu Đại Vương điện Phật giáo thành phố Kobe (Nhật bản) làm Trung tâm. Và tại đây đã thông qua nghị quyết chọn ngày 08/4 dương lịch hàng năm làm ngày kỷ niệm Phật giáo Quốc tế (8/4) tại các Quốc gia là thành viên của Hội Phật giáo Thế giới truyền bá chánh Pháp.
Đại lễ Vesak- 2019, Thông điệp chúc mừng của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gửi đến chúng ta rất ngắn gọn, hàm xúc, nhưng giầu suy niệm đánh thức khiến mọi người đều nhận thức được trách nhiệm:
“Trong thời điểm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và sự độ lượng ngày càng thu hẹp lại, thông điệp của đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết.
“Vào Ngày Vesak lần này, chúng ta hãy cùng nhau làm mới cam kết về xây dựng một thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả”
Từ thông điệp này, nếu chúng ta là người con Phật, với tuệ tri thao thức ta càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước sự xiển dương chánh pháp.
Vì sao vậy?
Vì thế giới đang toàn cầu hóa về kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức và đương nhiên, toàn cầu hóa cả về khoa học công nghệ.
Với xu thế toàn cầu hóa nhanh như vũ bão hiện nay, khiến chúng ta cảm thấy sự choáng váng, tụt hậu và theo đó càng gia tăng sự bất bình đẳng về phần “sắc” (vật chất) và mất quân bình về tinh thần “thức”.
Thực tế, nhờ phát triển khoa học công nghệ đem lại, nên đời sống con người hiện nay về vật chất là đủ đầy (điều này không ai phủ nhận). Nhưng sự gia tăng về (vật chất) cũng đem theo nhiều hệ lụy không nhỏ, bởi nó là nguyên nhân dẫn tới suy thoái một phần đạo đức - lối sống trong giới trẻ và trung niên hiện nay. Trước thực tại này, không ít học giả và các nhà xã hội học cũng như các chân sư đánh giá và cho rằng: “Vào những thập niên sáu mươi (60) của thế kỷ trước, các nước phương Tây đã vận dụng thành công về công nghệ kỹ thuật. Nhưng mọi sự lại không ổn trong những thập niên này. Đó là những câu hỏi mà nhiều người quan tâm đến tinh thần và đạo đức.
Và câu hỏi này, khi hỏi các chân nhân thì đều được trả lời: “Hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng về kiến thức (tức giáo dục chỉ quan tâm đến điều này). Nhưng lại không quan tâm phát triển lòng tốt thiện tâm”. Và nếu phải so sánh sẽ thấy: “Con người không phải là sản phẩm của máy móc, nên không mong gì có được hạnh phúc thật sự, nếu chỉ phụ thuộc vào ngoại cảnh” . Thực tế cuộc sống mách bảo, con người sống được, đương nhiên phải có tối thiểu tài sản-vật chất. Nhưng nguyên nhân thực sự mang lại sự hài lòng và mãn nguyện, phải tìm từ trong nội tâm con người. Đó là lòng nhân và sự Thiên lương trong sáng chứ không phải vật chất hữu vi”.
Vậy Phật dạy, “thiểu dục tri túc” là chỉ sự biết đủ, đối nghĩa với lòng tham và bản ngã (tham, sân, si) dẫn đến khổ đau.
Với cái nhìn duy lý (khoa học) thì vật chất có trước và nó quyết định tinh thần. Nhưng theo duy thức Phật giáo thì chân lý tồn tại không có hai bên (cực đoan) mà sự biến đổi của nó là do (duyên khởi) giả lập. Điều này Phật dạy, sát- na biến đổi vô thường theo nhân duyên.
Để khẳng định vai trò của ‘thức’ trong sự tương tác giữa vật chất và tinh thần, mới đây các nhà khoa học vật lý lượng tử đã có thí nghiệm “hai khe hở” trong nghiên cứu Vật lý lượng tử “hạt và sóng” đã cho rằng, nếu sóng không có tác động của Thức (tức người nhìn vào) thì sóng chỉ là sóng. Nhưng có tâm thức con người (trộm nhìn) thì sóng trở thành vật chất. vậy câu kinh “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” đã làm đảo lộn Ngành Vật lý lượng tử, vốn trước kia giới khoa học vẫn cho vật chất là tồn tại khách quan. Vậy là câu kinh Hoa nghiêm ra đời cách đây trên 25 thế kỷ, bỗng trở thành bất khả tư nghị đối với cả nhân loại.
Trong gần hai thập niên đầu thế kỷ 21 này, chắc chẳng còn ai bất ngờ khi thấy sự biến đổi khí hậu môi trường ngày càng khốc liệt. Đứng trước thực trạng này, không chỉ các nhà khoa học liên quan tới lĩnh vực môi trường, mà hầu hết các nhà khoa học nói chung đều lên tiếng khẩn thiết “hãy cứu lấy trái đất”. Từ góc nhìn nhân quả của Phật giáo phân tích, thì điều này chẳng những không bất ngờ mà còn đưa ra một lý lẽ thực tế cho rằng: “Thiên võng khôi khôi/sơ nhi bất lậu” hay “thiện ác đáo đầu chung hữu báo” nghĩa là lưới trởi lồng lộng chẳng để sót một mảy may, và việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau là đến nhanh hay muộn.
Nhìn vào lịch sử nhân loại, chúng ta thấy chưa bao giờ nhu cầu làm sạch môi trường sống lại khẩn thiết và cấp bách như hiện nay. Bởi hành tinh này đang bị con người làm ô nhiễm đến mức báo động ‘đỏ’. Còn theo góc nhìn Phật giáo thì đây là nguy cơ khổ đau rốt ráo (vượt quá tầm mức).
Phải chăng từ nguy cơ này, mà trung tuần (12/12) năm 2015, lần đầu tiên lãnh đạo của 195 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc họp Thượng đỉnh về vấn đề biến đổi khí hậu môi trường tại thủ đô Pais Pháp để cùng nhau bàn về vấn đề này, nhằm ngăn ngừa thảm họa do biến đổi khí hậu môi trường và nước biển dâng gây ra.
Chúng ta đang đề cập về vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu nhìn theo duy lý khoa học thì sự biến đổi khi hâu môi trường người ta thường cho rằng, đây thuộc về lĩnh vực vật chất. nhưng theo giáo lý đạo Phật thì đây là phạm trù liên quan đến tinh thần thuộc chủ nhân ông là con người. Ví dụ, con người biết đủ tức ‘thiểu dục tri túc” không khai tận diệt môi trường, thì câu trả lời là không có nguy cơ! Và như vậy nếu trong chúng ta ai đã tìm hiểu hoăc nghiên cứu sâu Duy thức luận Phật giáo, thì dễ dàng hiểu được nội dung của câu tâm pháp:
“Nguồn gốc của Phật pháp là tâm
Nguồn gốc của Vũ trụ cũng là tâm”.
Nếu am hiểu chút chút giáo lý đạo Phật thì đều biết cái nguồn gốc đó chính là tâm của mình chứ chẳng phải tâm ai khác!
Thực tế mà nói, Phật giáo là giáo dục, truyền dạy Tâm pháp dẫn đến giác ngộ. Nói giáo dục Phật giáo là bao gồm cả vũ trụ vạn vật, chẳng có một sự vật nào thiếu sót nên gọi là Vạn pháp duy tâm. Vì nguồn gốc của vạn sự, vạn vật là tâm linh, nên đức Từ Phụ - (Phật Thích Ca) của chúng ta nói ‘Tất cả duy tâm tạo’.
Thế mới hay phạm trù tinh thần ai cũng ngỡ như không tham gia trực tiếp vào sự thay đổi vật chất, nhưng đến nay ta thấy sự biến đổi khí hậu môi trường và nước biển dâng làm sao lại có thể nằm ngoài sự tương tác của Thức (tức tinh thần của con người).
Theo Tiến sí Willa B.Miller: “Những hành động tâm linh không phải là những lựa chọn thay thế cho những hành động nhạy bén trí tuệ. Đó là những nguyên tắc bổ sung cho giáo dục và hoạt động. Nguồn lực tinh thần có thể giúp chúng ta đi từ sự liều lĩnh đến việc thực hiện các hoạt động bền vững. Làm sao chúng ta có thể nổi giận với lòng bi mẫn? Và nữ Tiến sĩ này cũng cho rằng, dưới góc nhìn của đạo Phật, biến đổi khí hậu môi trường thuộc về những sự ‘có lỗi’ (tức phạm trù đạo đức) của con người chứ không phải bắt nguồn từ môi sinh tự nhiên vật chất.
Vây, Thiên tai - Nhân hại đều là do ý niệm gây ra.
Đạo Phật minh triết, nhưng cũng dung dị dễ hiểu, dễ thấy và thực tiễn ngay trong hơi thở đời sống này. Nếu chúng ta “ không Tham, không Sân, không Si” bình thường tâm thị đạo, thì mọi chuyện tốt đẹp trong cuộc sống sẽ thay đổi tốt lành.
Theo dấu chân Phật, là Phật tử, hơn bao giờ hết (ít nhất vào thời điểm này) chúng ta phải cùng nhau xiển dương chánh pháp đạo Phật để mọi người hiểu được vai trò to lớn của mỗi cá thể trong việc quyết đinh sự tồn vong của trái đất nay trong thời kỳ mạt pháp. Tất cả thuộc về chúng ta - Đức Phật dạy điều này trên 25 thế kỷ. Đó là lời huyền nhiệm!
Hướng về Vesak – (PL 2563- 2019) chúng ta hy vọng ánh Từ Quang sẽ lan tỏa tới mọi miềm trắc ẩn và xua tan hết những điều hắc ám, để lòng Thiên lương trong sáng của chúng ta được ánh Từ Quang của Thế Tôn chiếu rọi mỗi ngày.
Đại lễ Vesak Liên hiệp Quốc 16 - Tam Chúc, Hà Nam.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Tài liệu tham khảo:
-Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc chúc mừng Dại lễ Vesak 2019 (phatgiao.org.vn 26/4.2019)
-Bài: Khoa học hiện đại hướng tời Phật giáo – Truyền Bình (phatgiao.org.vn) 28/4/2018.
-Bài: Phât giáo mô tả vũ trụ như thế nao? P1 Nguyễn văn Mạnh- Tổng (phat giao.org.vn -3/10/2017.
-Bài: 5 hành động thưc tiễn Phật giáo đối diện với sự biến đổi khí hậu – Tiến sĩ Will. B.Mller – Văn Tuyển (phatgiao.org.vn) 14/4/2018.
-Mỗi ngày trầm tư về sinh tử - Rinboche- Nxb.TG 2006.