;
Nhiều bệnh nhân phong bất ngờ tỏ ra e ngại khi tiếp xúc với báo chí |
"Ép" bệnh nhân ăn thịt sống, lãnh đạo Trung tâm Da liễu Hà Đông bị tạm đình chỉ công tác |
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Dương Văn Chung
HIẾU HẠNH TRONG NHO GIÁO VÀ PHẬT GIÁO
Tâm hiếu hạnh có lẽ phát sinh từ sự giáo dục ngay buổi ban đầu, “dạy con từ thuở còn thơ ” và do tình cảm gia đình gắn bó với nhau, cha mẹ yêu thương đùm bọc, giúp đỡ con cái, nên con cái cũng thương yêu giúp đỡ cha mẹ. Trong một xã hội mà ai cũng tôn trọng đạo hiếu, đặt chữ hiếu lên hàng đầu thì đạo hiếu trở thành truyền thống. Ai hiếu hạnh thì được nễ trọng, còn ai ngỗ nghịch với cha mẹ thì bị người đời chê bai, nguyền rủa.
Lòng hiếu hạnh của người Việt Nam còn được Nho giáo và Phật giáo vun bồi.
I-HIẾU HẠNH TRONG NHO GIÁO VÀ PHẬT GIÁO
A-HIẾU HẠNH TRONG NHO GIÁO
Nho giáo dạy rằng cha mẹ sanh và nuôi dưỡng ta thật khó nhọc, công ơn đó như trời rộng mênh mông, báo đáp chẳng bao giờ hết được.
Đức Khổng Tử nói:
Thân thể phác phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương hiếu chi thỉ dã, lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu hiếu chi chung dã.
Thân thể tóc da thọ nhận của cha mẹ, mình không dám làm cho tổn hại, lập mình giữ đạo để tiếng tốt về sau, làm rạng danh cha mẹ, là hiếu hạnh đó.
Tự hủy thân mình hoặc để cho kẻ khác hành hạ mình hay làm điều điếm nhục gia phong, sẽ làm cho cha mẹ đau đớn khổ sở vô cùng là bất hiếu.
Làm con phải biết vâng lời cha mẹ, đi thưa về trình để cha mẹ biết mình đi nơi nào, lúc nào, về lúc nào để cha mẹ an tâm.
Cha mẹ còn sống, không được đi xa
Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du
Luôn luôn gần gũi phụng dưỡng, quạt nồng ấp lạnh, sớm thăm tối viếng cha mẹ.
Lúc cha mẹ đã qua đời, con cái phải để tang và thành kính phụng thờ.
Nho giáo còn răn người đời phải hiếu hạnh để con cháu noi theo:
…Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch nhi, bất tín đãn khán thiềm đầu thủy, điểm điểm trích trích bất sai di.
Ăn ở hiếu thuận thì sanh con hiếu thuận, ngỗ nghịch thì sanh con ngỗ nghịch, chẳng tin thì xem nước đầu thềm, nhỏ giọt nhỏ giọt đúng một chỗ (không sai dời).
Nhị Thập Tứ Hiếu do Ông Lý Văn Phức diễn âm đã nêu lên gương sáng hiếu hạnh của 24 hiền nhân, trong đó có Ngu Thuấn, Tăng Tử, Mẫn Tử Khiêm, Tử Lộ…v.v. mà ta đã từng nghe danh.
Ngày nay hoàn cảnh đã đổi thay, nên tôn chỉ của Nho Giáo có nhiều điều không còn thích hợp để ứng dụng trong thực tế. Nhưng chủ trương về hiếu hạnh của Nho giáo đã vun bồi rất nhiều cho lòng hiếu hạnh của người Việt Nam.
B-HIẾU HẠNH TRONG PHẬT GIÁO
Theo Kinh “Nhẫn Nhục”: Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu. Cho nên người Phật tử giữ hạnh hiếu đối với cha mẹ là điều căn bản. Thực hành hiếu đạo là con đường giải thoát của chánh pháp.
Phật giáo cũng dạy chúng ta vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống, ăn hiền ở lành để cha mẹ được an tâm, nhưng sâu sắc hơn Nho giáo ở chỗ:
· Lúc cha mẹ còn sống, khuyên cha mẹ tu tĩnh, làm việc phước thiện, đi theo chánh pháp.
· Khi cha mẹ mất rồi, con phải tiếp tục làm điều lành để hồi hướng công đức cho cha mẹ và cầu siêu cho cha mẹ. Cha mẹ nói đây gồm cha mẹ đời nầy và cha mẹ nhiều kiếp trong quá khứ. Người xuất gia, tu hành đắc đạo, ra giáo hóa khuyến tấn người đời phát tâm tu hành theo chánh pháp, chuyển tâm ác thành thiện. Người đời nói đây có thể là cha mẹ mình từ nhiều kiếp (Xin xem Phần duyên khởi Kinh Báo Ân Cha Mẹ). Như vậy, một người xuất gia đắc đạo là một người đại hiếu, giúp cho cha mẹ nhiều đời thấm nhuần giáo lý của Đức Phật mà được siêu sanh.
· Phật giáo giải thích rõ và cụ thể cha mẹ đã cực khổ với ta như thế nào.
Rất nhiều quyển kinh nói đến hiếu hạnh, nhưng gần gũi với Phật tử nhứt là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ thường tụng trong mùa Vu lan Báo hiếu.
A-Kinh Vu Lan Bồn
1. Nội dung kinh:
· Nói về Tôn giả Mục Kiền Liên, một đệ tử xuất sắc của Phật, sau khi đắc đạo, dùng năng lực thần thông soi thấy mẹ mình là Bà Thanh Đề sinh trong ngạ quỷ, đói khát. Tôn giả lấy bát đựng cơm, đem đến dâng hiến cho mẹ. Mẹ Ngài thấy cơm, lòng tham khởi lên, một tay che bát, một tay bốc ăn, nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa ra lửa, nên bà không ăn được.
· Tôn giả xin Phật chỉ dạy làm cách nào để cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ ngạ quỷ. Đức Phật dạy vào ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tập trung tự tứ sau ba tháng an cư kiết hạ thanh tịnh, hãy sắm sửa lễ vật cúng dường chư tăng, nhờ chư tăng chú nguyện để mẹ của tôn giả thoát được khổ. Tôn giả y theo lời Phật dạy và đã cứu được mẹ.
· Tôn giả xin Phật cho phép Phật tử từ đó về sau được cúng dường Vu Lan để báo đền ơn cha mẹ. Ngày rằm tháng bảy vì vậy đã trở thành ngày truyền thống báo hiếu của Phật giáo.
2. Ý nghĩa của phương pháp báo hiếu trong kinh
· Ý nghĩa bát cơm hóa lửa:
Lửa tượng trưng cho những thế lực tối tăm như lòng tham, sân, si. Do nghiệp tham lam, bỏn xẻn, bà Thanh Đề chống đối việc cúng dường chư tăng, phải nhận cái quả là đọa vào đường ngạ quỷ đói khát. Khi thấy cơm, bà phát lòng tham lam mãnh liệt, như một ngọn lửa bùng cháy, một tay che lại vì sợ người khác cướp lấy bát cơm, một tay bốc cơm ăn vội vàng. Ngọn lửa đó là lửa tâm thức, lửa tham, không phải là lửa thật bên ngoài. Tôn giả có thần thông, nhưng thần thông không xóa được luật nhân quả, nghiệp báo của mẹ.
· Ý nghĩa chư tăng chú nguyện:
Mỗi cá nhân gieo một cái nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp) thì tự mình phải trả cái quả. Một khi đã thấy lỗi lầm của mình gây ra thì tự mình phải thành tâm sám hối sửa chữa thì nghiệp mới tiêu tan. Thần lực của chư tăng không có khả năng xóa bỏ tội lỗi của bà Thanh Đề tạo ra, mà chỉ trợ duyên cho bà thấy lỗi lầm, phát khởi thiện tâm và tự sửa mình để cải nghiệp.
· Ý nghĩa chọn ngày tự tứ nhờ chư tăng chú nguyện:
Lễ Tự tứ diễn ra khi mãn khóa tu ba tháng An cư kiết hạ. Lúc đó tinh thần của chư tăng rất thanh tịnh, sáng suốt, lời chú nguyện hiệu nghiệm hơn ngày thường.
B-Kinh Báo Ân Cha Mẹ
1. Nội dung kinh: Gồm có 6 phần:
· Phần duyên khởi: Đức Phật trong lúc đi đường gặp một đống xương khô, liền đảnh lễ sát đất. Ngài A Nan, một đệ tử của Phật, ngạc nhiên hỏi lý do gì mà Phật lễ đống xương khô. Phật dạy đống xương khô nầy có thể là xương của ông bà cha me Ngài kiếp trước, nên Phật mới chí tâm đảnh lễ.
Căn cứ theo vòng luân hồi, Đức Phật dạy: “ Ta thấy tất cả chúng sanh không ai không phải là cha mẹ của nhau, hoặc là ở trong quá khứ, hoặc ở hiện tại, hoặc ở tương lai”.
· Đức Phật dạy ân đức của cha mẹ có 10 điều:
a. ân giữ gìn mang thai trong 9 tháng
b. ân sinh sản khổ sở
c. ân sinh rồi quên lo
d. ân nuốt đắng nhổ ngọt
e. ân nhường khô nằm ướt
f. ân bú mớm nuôi nấng
g. ân tắm rửa chăm sóc
h. ân xa cách thương nhớ
i. ân vì con làm ác
j. ân thương mến trọn đời
· Đức Phật dạy về sự bất hiếu của con cái:
a. ai nói hỗn hào với cha mẹ, xấc xược với anh em, chú bác, bà-con…v.v.
b. Không tuân theo lời dạy của cha mẹ, thầy bạn và các bậc trưởng thượng trong gia tộc.
c. Theo bạn bè xấu ác, từ bỏ gia đình đi hoang, gây tạo tội lỗi làm cho cha mẹ, bà-con buồn khổ.
d. Không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, không tạo dựng được một đời sống vững chắc, làm cha mẹ lo lắng.
e. Không phụng sự cha mẹ về vật chất, không an ủi về mặt tinh thần, coi thường cha mẹ, coi trọng vợ con.
· Đức Phật dạy ân đức cha mẹ khó đền đáp dù con cái báo hiếu bằng các cách như:
a. Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tủy, máu đổ thịt rơi cũng không đáp được công ơn cha mẹ.
b. Giả như có ai gặp lúc đói khát, phá hoại thân thể, cung phụng cha mẹ cũng không đáp được công ơn cha mẹ.
c. Vì cha mẹ mà trăm kiếp nghìn đời, đâm tròng con mắt, cắt hết tâm can, trăm nghìn dao sắc xuất nhập toàn thân cũng không trả nổi công ơn cha mẹ.
d. Dù vì cha mẹ, đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật cũng không đáp được công ơn cha mẹ.
· Đức Phật dạy về phương pháp báo hiếu:
a. Ngoài việc cung phụng cha mẹ về mặt vật chất và an ủi tinh thần mà ai cũng biết, chúng ta phải :
b. Khuyến hóa cha mẹ thực hành thiện pháp.
c. Phải vì cha mẹ mà thực hành tịnh giới, bố thí, làm các việc lợi ích cho mọi người.
d. Phải truyền bá tư tưởng hiếu đạo nầy cho nhiều người được lợi ích.
· Phần kết thúc:
a. Đức Phật khích lệ tinh thần báo hiếu.
b. Đại chúng phát nguyện vâng lời Phật dạy.
c. Đặt tên kinh là Kinh Báo Ân Cha Mẹ.
2. Ý nghĩa báo hiếu và phương pháp báo hiếu trong kinh Báo Ân Cha Mẹ
· Ý nghĩa báo hiếu của kinh
a. Ý nghĩa về duyên khởi:
Đối với đạo Phật, tất cả chúng sanh đều nằm trong vòng sanh tử luân hồi, có thể người ở kiếp nầy là người thân, là ông bà, cha mẹ hay thân nhân của ta trong những kiếp trước. Cho nên nhìn đống xương tàn mà liên tưởng đến xương của người thân của mình là một điều bình thường trong giáo lý Phật giáo. Do đó, Phật giáo không những đề cao công ơn cha mẹ mà còn mở rộng phạm vi nhớ ơn quốc gia, xã hội và tất cả chúng sanh.
b. Ý nghĩa về công ơn cha mẹ:
Công ơn cha mẹ rất lớn lao, không sao đền đáp được. Đạo Phật rất coi trọng hiếu đạo. Kinh Đại Tập dạy:
“Ở thời không có Phật, thờ kính cha mẹ tức là thờ kính Phật”
· Phương pháp báo hiếu trong kinh:
Kinh dạy phương pháp báo hiếu:
a. Ngoài việc cung phụng vật chất, cần khuyên cha mẹ thực hành chánh pháp, có lòng tin Tam bảo.
b. Vì cha mẹ thực hành tịnh giới, bố thí và các công tác lợi ích cho con người và xã hội.
c. Truyền bá tư tưởng hiếu đạo cho mọi người.
II-MỘT SỐ TẤM GƯƠNG SÁNG VÈ HIẾU HẠNH
1. Đức Phật Thích Ca
Sau khi thành đạo, hay tin phụ vương lâm trọng bệnh, Ngài vội vàng trở về hoàng cung thăm viếng. Mỗi ngày Đức Phật vào cung vấn an phụ hoàng ba lần, mỗi lần như vậy Ngài đều có thuyết pháp, giảng đạo cho vua cha. Nhờ đó vua được đắc quả A La Hán. Đích thân Đức Phật tắm rửa cho vua cha, thay đổi xiêm y , làm lễ nhập kim quan và lễ trà tỳ, nhặt xá lợi đem về làm lễ nhập tháp.
Ngài cũng đã dùng thần lực lên cõi trời Đao Lợi để tiếp độ mẫu thân và tại đó Ngài an cư kiết hạ trong suốt ba tháng. Đức Phật đã thuyết giảng tạng A Tỳ Đàm cho mẫu thân nghe và người đã chứng quả Tu Đà Huờn.
2. Tôn giả Mục Kiền Liên
Như đã trình bày trên.
3. Vua Lý Nhân Tông (1072-1127)
Đã bãi dịp Trung Nguyên yến ẩm chúc tụng của bá quan đối với mình để làm lễ Vu Lan Bồn, cầu siêu cho mẹ theo đúng ý nghĩa Phật giáo.
4. Vua Lý Thần Tông (1128-1138)
Cũng bỏ yến ẩm chúc tụng của bá quan dâng biểu ở điện Thiên Ân vào dịp lễ Trung Nguyên để thiết lễ đại trai đàn, cầu siêu cho phụ hoàng theo nghi thức Phật giáo.
5. Vua Tự Đức (1829-1882)
Một hôm đi săn bắn chim rừng ở Thuận Trực, An Nong, gặp nước lũ, thuyền vua về chậm, Thái hậu sai quân đem thuyền đi đón. Về đến Thương Bạc, vua vội vã về cung, chỉnh trang y phục, sang chầu mẫu hậu. Thái hậu giận, xoay mặt vào vách.Vua Tự Đức tự gác cây roi mây trên lưng mình chịu tội. Thái hậu quay mặt ra lấy tay hất cây roi và quở trách nặng lời. Đêm đó, vâng lời mẹ, vua thức suốt đêm để phê tấu chương. Từ đó về sau, vua không còn bỏ bê việc triều chính nữa.
6. Hòa Thượng Nhất Định (1784-1847)
Đã 60 tuổi vẫn ngày ngày tự mình ra chợ Bến Ngự mua cá lên An Dưỡng am (nay là chùa Từ Hiếu) để nuôi mẹ già 80 tuổi.Vua Tự Đức biết được chuyện đó, vô cùng cảm phục và sửa tên An Dưỡng am thành chùa Từ Hiếu, mang ý nghĩa mẹ ăn ở hiền lành, con hiếu thảo, “mẫu từ tử hiếu”.
x
x x
Tóm lại, đứng trên quan điểm Phật giáo, sự hiếu thuận với cha mẹ lan rộng thành hiếu thuận với tất cả chúng sanh. Nếu ai cũng giữ được truyền thống đó thì thế gian nầy không còn mâu thuẫn, xung đột, mà chỉ có tình thương, sự tương thân, tương kính. Thật là an lạc, hạnh phúc biết bao !
Tài liệu tham khảo:
1.Minh Tâm Bửu Giám-Trương Vĩnh Ký dịch
2.Nhị Thập Tứ Hiếu-Lý Văn Phức diễn âm
3.Chữ Hiếu trong Đạo Phật qua Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ-Thích Viên Giác (Đạo Phật Ngày Nay)
4.Truyền thống Đạo hiếu của người Việt Nam-Hà Xuân Liêm
5.Chữ Hiếu theo quan niệm của Phật giáo Nam tông-Tỳ Kheo Thiện Minh
6.Truyền thống Vu lan Báo hiếu-Thích Thông Huệ