;
Trước thông tin báo chí khai thác liên quan đến vụ việc “bán trẻ” ở nơi nuôi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại chùa Bồ Đề (Hà Nội), trả lời phỏng vấn của GN, TT.Thích Đức Thiện (ảnh), Phó Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, Chánh Văn phòng I TƯGH cho biết:
Đến thời điểm này (chiều 4-8-2014), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (gọi tắt là Giáo hội) cũng mới chỉ được biết rằng Cảnh sát điều tra thuộc Công an TP.Hà Nội đã bắt Nguyễn Thị Thanh Trang - người phục vụ và ghi chép sổ sách trẻ ở chùa Bồ Đề và một người phụ nữ tên Nguyệt vì có hành vi mua bán trẻ em. Công an Hà Nội cũng đã cho mời Ni sư Thích Đàm Lan (trụ trì chùa Bồ Đề) để phục vụ cho công tác điều tra nhưng không có xác định dấu hiệu liên quan đến việc mua bán do đối tượng Trang và Nguyệt thực hiện. Mọi việc cần xem xét sau khi có kết luận của Cơ quan điều tra CA Hà Nội. Cần phải bình tĩnh chờ cho cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc đã. Quan điểm của chúng tôi là cần phải nhìn thẳng vào sự thật, nhưng cũng không thể nghe thông tin theo một chiều.
Mặc dù vậy, sự việc đã để lại cho Giáo hội bài học rất đau xót. Tôi nghĩ rằng bản thân Ni sư trụ trì chùa Bồ Đề cũng đang rất khổ tâm, khi thấy được sự thật, do quản lý yếu kém nên đã để xảy ra việc người chăm sóc trẻ trong chùa lợi dụng lòng tin của Tăng Ni để hành động phi pháp.
Từ lúc có những bài báo cáo buộc chùa Bồ Đề mua bán trẻ em đến nay, Giáo hội đã có những hành động gì, thưa Thượng tọa?
Chúng tôi không có nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để đi điều tra, việc này là của công an. Ngay khi có bài báo đầu tiên cáo buộc vấn đề này, Giáo hội cũng đã có tìm hiểu sự việc, trao đổi với Ni sư Đàm Lan thì Ni sư đã khẳng định với Giáo hội rằng những điều báo phản ánh không đúng. Chúng tôi cũng làm việc với chính quyền phường sở tại, họ cũng nói điều tra nhưng không thấy bằng chứng về buôn bán trẻ em. Ngay sau đó, một vài trang báo điện tử đã có lời cải chính và xin lỗi chùa Bồ Đề. Giáo hội cho đăng lời xin lỗi, cải chính trên trang mạng của Giáo hội và Truyền hình AVG.
Hình ảnh tương phản giữa một bên là ngôi chùa lớn, một bên là nơi nuôi trẻ mồ côi xập xệ và chật chội chính là một trong những nguyên nhân gây nên sự bức xúc trong dư luận, bị một số tờbáo, kênh thông tin khai thác đầy ác ý. Thượng tọa nghĩ thế nào về điều này?
Tôi cũng có đọc trên báo và nhiều dòng comment (ý kiến) của độc giả thấy những lời nói như thế. Số lượng các cháu bé ở chùa Bồ Đề tăng nhanh, nên diện tích chỗ ở cho các cháu hiện đã trở nên chật chội. Quận Long Biên đã cấp cho chùa Bồ Đề một mảnh đất bên cạnh chùa, và nhà chùa đã bỏ tiền ra đền bù giải phóng mặt bằng để đang gấp rút xây dựng cơ sở nuôi trẻ khang trang. Tuy nhiên, đừng nhìn vào sự nheo nhóc của trẻ để đánh giá sai lệch về tâm Bồ-đề của các nhà sư, vì điều đó không thể phản ánh bản chất của cơ sở nuôi dưỡng đó được. Ngày xưa ông bà chúng ta đẻ hơn chục người con, nuôi con cũng nheo nhóc lắm. Bây giờ mỗi gia đình chỉ đẻ 1-2 con nên họ chăm sóc con tốt hơn. Ngay đến nhiều trường mẫu giáo chỉ có vài chục em bé, các cô giáo tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên môn bài bản mà nhiều khi trẻ em vẫn nheo nhóc. Chùa Bồ Đề nuôi những 120 trẻ em như thế, thì chuyện các cháu nhếch nhác cũng dễ hiểu.
Việc báo so sánh nhà chùa với khu nuôi trẻ là vô cùng khập khiễng. Vấn đề là do công đức của người dân đến chùa. Thực tế cho thấy rằng: phần lớn người dân đến chùa, họ muốn công đức vào việc xây chùa, chứ số tiền công đức vào việc nuôi trẻ ít hơn rất nhiều. Thậm chí người ta đến chùa thích công đức vào việc đúc tượng, chứ không thích công đức vào việc mua gạch ngói. Vì nhiều người vẫn có quan niệm như thế. Tất nhiên các chùa nếu đã nuôi trẻ mồ côi thì cần phải cố gắng đảm bảo cuộc sống cho các cháu.
Giáo hội sẽ có hướng xử lý như thế nào, nếu Ni sư trụ trì chùa Bồ Đề có liên quan đến sự việc đang được điều tra?
Hiện chưa thể khẳng định Ni sư trụ trì chùa Bồ Đề có liên quan đến vụ việc đó hay không, nên chưa thể nói đến điều này được. Tinh thần là chúng ta dám nhìn vào sự thật. Ai vi phạm pháp luật cũng phải chịu sự xử lý của pháp luật đúng như một công dân. Về phía Giáo hội, khi nào có kết quả điều tra rõ ràng từ cơ quan chức năng, thì mới họp bàn đưa ra phương hướng xử lý.
Vụ việc chùa Bồ Đề cho thấy vấn đề khẩn thiết hiện nay là cần phải chấn chỉnh lại hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi trong các cơ sở Phật giáo, thưa Thượng tọa?
Tới đây, Giáo hội sẽ chỉ đạo Ban Từ thiện xã hội cùng với các Ban Trị sự Phật giáo trên cả nước tiến hành thống kê, rà soát lại tất cả các cơ sở tự viện trong cả nước đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Xem xét những cơ sở nào phải đăng ký thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thì sẽ tiến hành cùng các chùa đăng ký theo đúng quy định của pháp luật. Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP đưa ra quy định, nơi nào nuôi dưỡng từ 10 trẻ trở lên buộc phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Nhưng hiện mới chỉ một số chùa ở Huế và TP.HCM có đăng ký cơ sở bảo trợ xã hội.
Các cháu nhỏ được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề (Hà Nội)
Hầu hết các chùa chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội không phải vì cố ý làm trái pháp luật mà là do họ chưa biết có quy định này nên không chủ động thực hiện. Như trường hợp ở chùa Bồ Đề, việc nuôi trẻ mồ côi, người cơ nhỡ xuất phát từ tấm lòng của người xuất gia. Ban đầu chùa chỉ nuôi vài đứa trẻ, được báo chí đăng tải thì người ta cứ mang trẻ đến một cách tự phát. Rồi các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp, rất nhiều các tổ chức dân sự xã hội đã đến chùa thăm và tham gia hoạt động từ thiện chăm sóc trẻ mồ côi, Nhà nước còn vinh danh cho Ni sư trụ trì là Công dân thủ đô ưu tú vì có công nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến thăm hoạt động nuôi đưỡng trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề.
Tới đây Giáo hội sẽ làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tìm hiểu tất cả những quy định của Nhà nước về việc nuôi trẻ mồ côi và người cơ nhỡ. Sau đó sẽ gấp rút xây dựng một quy chế về hoạt động này tại các ngôi chùa, tự viện trên cả nước. Giáo hội chấn chỉnh lại trách nhiệm và hoạt động giám sát, quản lý của các Ban Từ thiện xã hội, Ban Pháp chế của Giáo hội để đảm bảo hoạt động từ thiện xã hội tuân thủ đúng luật pháp và ở trong khả năng có được.
Xin cảm ơn Thượng tọa
Chu Minh Khôi thực hiện
“Công tác từ thiện xã hội là một chủ trương của GHPGVN, nên hoạt động này đã phát triển mạnh, với chi phí cho toàn bộ công tác này hàng năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhờ đó đã góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Hiện chưa có thống kê cụ thể sốlượng các chùa đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhưng có hàng chục cơ sở lớn quy mô nuôi trên 50 em trở lên. Trong đó, tại TP.Hà Nội có các chùa Bồ Đề, Pháp Vân, Thanh Am. Tại TP.HCM có 5 trường nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật của Phật giáo tổng cộng nuôi 1.000 trẻ em và 900 cụ già neo đơn. Các địa phương khác có những cơ sở nuôi trẻ quy mô lớn như: Bình Dương có Trường nuôi trẻ mồ côi Bồ Đề; Khánh Hòa có Trường nuôi day trẻ mồ côi chùa Khánh Quang; Tây Ninh có chùa Cẩm Phong đang nuôi dưỡng 90 cụ già và 40 trẻ mồ côi; Kiên Giang có Trung tâm Từ thiện xã hội chùa Phật Quang; Quảng Trị có Mái ấm Sen Hồng; Thừa Thiên Huế có Nhà nuôi trẻ mồ côi Đức Sơn, Ưu Đàm, Viện dưỡng lão Tịnh Đức, Cơ sở Diệu Viên…” - TT.Thích Đức Thiện |
Nguồn: http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2014/08/08/3AF651/
*Tựa đề do BBT đặt lại.
Người Ăn Mày Thế Kỷ
12 Bến nước từ Sĩ, Nông, Công, Thương, Cầm, Kỳ, Thi, Họa, Ngư, Tiều, Canh và Mục là người CHĂN TRÂU. Mỗi nghệ nghiệp điều theo năng khiếu và khả năng lựa chọn để dẫn tới sự thành công cho bản thân và đóng góp vào làm đẹp gia đình và xã hội qua thuật biết sống: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Như vậy các vị có chữ Sĩ thì CHĂM SÓC BỆNH NHÂN, các trường học, các Nông phu Chăn ruộng, người đầu tư các Công sở Chăn coi kỷ thuật và công nhân, người làm thương buôn Chăn cửa hàng thương hiệu...Phải làm đúng chức năng như cha mẹ Chăn con cái, vua Chăn quốc dân theo tinh thần của một Minh quân, thế thì muốn trở thành một bậc MINH SƯ để mang lại phúc lạc cho chư thiên và loài người, thì bậc tu hành chân chính phải CHĂN TÂM. Thế nhưng bây giờ không ít người tu thời đại phần lớn hiểu sai nên thân ở ĐẠO nhưng tâm lại đi CHĂN việc quá đời, do vì không thông hiểu một cách cao quý của LÝ TƯỞNG NGƯỜI TU là đạt tới Vô Thượng Sĩ - Điều Ngự Trượng Phu - Thiên Nhân Sư... Với lý tưởng XUẤT TRẦN THƯỢNG SĨ bắt "Ép" làm Vua không làm, thì làm gì có người thân đắp Y GIẢI THOÁT "Cà Sa" đầu cạo cả râu tóc mà vào trường đời học các văn bằng Thế Pháp hay làm các việc không thích ứng với người KHẤT SĨ 'TỳKheo", cho nên lại LAO vào các việc Chính Trị, Thương Mại, Sản Xuất, để rồi vô tình hay cố ý BIẾN CHÙA THÀNH CHỢ, thành nơi Kinh Doanh không hơn không kém, do thiếu lòng Tin Chơn Chánh với Tam Bảo, đức Phật dạy; Ai biết sống với GIÁO PHÁP thì được HỘ PHÁP HỘ TRÌ, chư Thiên và loài người Cúng Dường kính ngưỡng. Hy vọng sau bài học của Chùa BỒ ĐỀ làm tai tiếng xấu cho Phật Giáo, thay vì làm TỪ THIỆN thì lại bị THIỆN TỪ bỏ do người Tu là CẮT ÁI LY GIA thế mà đem Chùa biến thành nhà giữ trẻ. Việc làm TỪ THIỆN, giúp đời và cứu các mãnh đời bất hạnh rất cần thiết, thế nhưng phải đặt đúng chỗ đúng người và chức năng chuyên nghiệp thì phước tăng, tội giảm, còn ngươc lại sẽ bị người lợi dụng hay do LÒNG THAM biến đổi ý niệm ban đầu, dẫn tới đầu tư những tâm hồn bất hạnh vì nghiệp kiếp trước. Do vậy đề nghị Giáo Hội nên khuyên các giới tu hành nên sống đúng theo BÁT CHÁNH ĐẠO, thì các bộ Óc lợi dụng sẽ không còn cơ hội đầu cơ trong ngôi nhà Phật Pháp, như vậy các Sư Cô - Sư Thầy muốn CHĂN trẻ con thì nên RA ĐỜI CHĂN TRẺ thì hay hơn, ngay cả các Thầy nên đặt tâm vào việc lớn là CHĂN TÂM.
Thích 1 Trả lời 8/10/2014 3:11:34 PM