;
Văn bản số 122/VT/BTS ngày 13/4/2015 của BTS PG Lâm Đồng gửi: Ban Tôn Giáo – Sở Nội Vụ Tỉnh Lâm Đồng trình bày giải quyết sự việc chùa Lộc Uyển, P.4. TP Đà Lạt.
Nội dung Văn bản có hai vấn đề -
1/ Báo cáo sự kiện xảy ra tại Lộc Uyển do BTS TP Đà Lạt giải quyết không ổn thỏa. Qua cuộc họp ngày 06/4/2015 do BTS PG tỉnh triệu tập giải quyết dứt điểm giữa sư cô Minh Liên và sư cô Khánh Hạnh; Với sự khuyến cáo của Chư Tôn đức, hai vị nhận lỗi do vô minh đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, thành tâm xin sám hối.
2/ Tại cuộc họp BTS tỉnh đề nghị BTS PG Thành phố trao trả lại con dấu cho sư cô trụ trì điều hành Phật sự.
Một số Phật tử thắc mắc tại sao văn thư không xác định sư cô Minh Liên là trụ trì? Thiết nghĩ việc xác định không cần thiết vì bản Quyết định bổ nhiệm trụ trì cho sư cô Minh Liên năm 2006 đến nay vẫn còn hiệu lực. Trong cuộc họp Hòa thượng Trưởng BTS tỉnh cũng đã tuyên bố sư cô Minh Liên là đương nhiệm trụ trì.Vả lại, công văn trên đây gửi đến các cấp có thẩm quyền để tường trình sự kiện được giải quyết nội bộ vào ngày 06/4/2015.
Như thế đã rõ ràng, vấn đề còn lại là những đương sự trong cuộc có chấp hành hay vẫn tạo những đợt sóng ngầm? Sư cô Khánh Hạnh tâm tánh bất bình thường khi các bạn đồng tu từ phương xa về thăm góp ý – buổi sáng đồng ý hòa hợp, chiều về lại phủ nhận, cứ như thế kéo dài nhiều ngày, trong khi đó một số người lạ đến chùa quậy phá, đã được các cơ quan chức năng nhà nước ngăn chặn kịp thời. Đến khi Tỉnh hội giải quyết thấu tình đạt lý và an ninh cảnh báo những hành động gây xáo an ninh trật tự địa phương mà tính bướng bỉnh, ngoan cố của sư cô Khánh Hạnh vẫn bảo thủ, đương sự biết không thể cùng tồn tại chung một mái chùa, đồng ý ra đi với điều kiện hai bên thỏa thuận, cho dù sư cô Minh Liên tận tình khuyên nhủ với tình chị em, mong muốn sư cô Khánh Hạnh xóa bỏ tất cả quá khứ để cùng nhau tu tập, hoằng pháp và xây dựng Tam bảo. Mặc dù thời gian để sư cô Khánh Hạnh sẽ ra đi sau mãn Hạ an cư, nhưng đương sự đã vận chuyển tất cả những gì có trong chùa mà không cần thông qua trụ trì. Đây là việc làm phi pháp, dù là pháp khí hay vật dụng đã là của chùa thì không một cá nhân nào có quyền lấy làm của riêng khi chưa có sự đồng ý của trụ trì (hay nếu có ban hộ tự). Đã thế, một số đơn từ vẫn tiếp tục tố cáo sư cô trụ trì.
Trích Văn thư số 122/VT/BTS Phật giáo tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp ngày 06/4/2015.
Càng bướng bỉnh thì càng lộ bản chất phàm phu tầm thường trước mắt nhà nước và quần chúng phật tử. Chuyện lý lịch cá nhân của công dân, an ninh quá rõ, không cần vu cáo chụp mũ. Với những mưu xảo như thế, chắc gì khi ra khỏi chùa với những điều kiện đã thỏa thuận hai bên, sư cô Khánh Hạnh đã để yên cho Lộc Uyển bình an tu tập, và dĩ nhiên sẽ để lại di chứng trong phật tử khi rạn nứt nhiều phe.
Mặc dù BTS PG tỉnh do HT. Thích Toàn Đức điều hợp, giải quyết dứt điểm, nhưng thầy Thích Viên Thanh, BTS TP Đà Lạt vẫn còn ấm ức, vì đây là sự kiện mà quá khứ chưa từng làm thầy thất bại. Vừa ân nghĩa với ni Khánh Hạnh chưa tròn, vừa bị báo chí nêu tên tuổi để trong và ngoài nước đều biết một kế hoạch áp đảo sư cô trụ trì Lộc Uyển, vừa mất uy tín của một trưởng BTS TP, đến nay, thầy Viên Thanh vẫn nhất quyết đòi loại trừ quyền trụ trì hợp pháp của sư cô Minh Liên với những cáo buộc chụp mũ thiếu lý chứng.
Có lẽ thầy không hiểu gì về luật với những quy định quyền hạn, trách nhiệm của một trụ trì qua Nội quy Tăng sự, Hiến chương Phật giáo và Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, thầy làm việc bởi cảm tính của bản ngã nên mới dám tuyên bố -“tôi đưa lên được, tôi hạ xuống được” nghĩa là không cần Hiến chương, luật pháp, Nội quy Tăng sự, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, chả lẽ xã hội nầy là không có luật pháp? Với những uất ức mưu tính như thế,mặc dù là vô lý, thầy vẫn cố tìm mọi cách để sư cô Minh Liên mất quyền trụ trì hoặc là nạn nhân của luật pháp. Dĩ nhiên, xã hội ngày nay không còn là xã hội của những thập niên 1980 về trước, mọi việc phải sống và hành xử trên tinh thần thượng tôn luật pháp, không ai có quyền bước trên luật lệ của xã hội, kể cả một trưởng BTS TP.
Như vậy, vấn đề sư cô Minh Liên tiếp tục điều hành phật sự tại chùa Lộc Uyển với cương vị trụ trì, chưa hẳn đã yên ấm thuận buồm xuôi gió trước hai con sóng ngầm luôn muốn nhận chìm nạn nhân. Tuy cùng một màu áo, cùng một đấng cha lành, cùng trong một tổ chức giáo hội, cùng giòng máu Âu Lạc, cùng một lý tưởng giải thoát nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự nan giải khi mà hai đường chảy khác nhau của một giòng sông. Mặt nổi của sự kiện Lộc Uyển đã được giải quyết lắng đọng, nhưng tảng băng chìm vẫn luôn âm ỷ với thời gian. Bao giờ hai đường chảy khác nhau của một giòng sông được hiệp nhất – hỡi những người con Phật đang mặc áo Như Lai, ở nhà Như Lai mà hành sự không phải Như Lai???
18/4/2015
*Chúng tôi sẽ còn tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo...
Bài viết liên quan vụ chùa Lộc Uyển:
Vụ chùa Lộc Uyển: Cần thẳng thắn sửa sai để ổn định và hòa hợp
Vụ chùa Lộc Uyển Đà Lạt: Văn hóa sám hối
Vụ chùa Lộc Uyển Đà Lạt: Tịnh thất, Biệt thất và Biệt thự
Vụ chùa Lộc Uyển Đà Lạt: Tiếp thu lắng nghe, hay tiếp tục sa lầy vào sai phạm
Chùa Lộc Uyển Đà Lạt - Ước nguyện của người Phật tử
Vụ chùa Lộc Uyển Lâm Đồng: Lòng tham và vô minh (3)