;
“Hôm nay ngày mẹ nhớ thương
Con quỳ lạy Phật dâng hương nguyện cầu
Cầu xin cho mẹ sống lâu
Mẹ là tất cả nhiệm mầu thiêng liêng
Mẹ là thủy thủ con thuyền
Vượt bao sóng ngàn,hiểm nguy muôn trùng
Mẹ như biển rộng bao dung
Tình thương chan chứa vô cùng những cho...”.
Chiều Vu Lan đong đầy ân tình mẹ. Bất chợt chúng ta nghe tiếng hát ngọt ngào, trữ tình của ca sĩ Hạnh Nguyên, thì trong lòng chúng ta càng trân trọng sâu lắng hơn nghĩa tri ân bởi ngàn đời còn đó, gương hiếu hạnh Bồ Tát Mục Kiền Liên.
Trong mùa Vu Lan mưa giăng sầu nhớ thương, chúng ta hãy tìm lại chính mình xem mình đã làm được điều gì đó cho cha mẹ vui chưa? Tôi đi qua gần nữa đời người, anh đi qua trọn cả đời người và em đang là tuổi hoa niên. Tất cả chúng ta có mấy ai trong đời sống đúng ý nghĩa một con người như lời đức Phật dạy:
“Ví có người ơn sâu dốc trả
Cõng mẹ cha tất cả hai vai
Giáp vòng hòn núi Tu Di
Đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền…”
Trong cuộc sống thời kinh tế thị trường, cái gì cũng phải có bằng cấp, địa vị để cạnh tranh nhau. Dần hồi chúng ta đi quá xa tổ ấm yêu thương của cha mẹ, đôi khi chúng ta sống quá đỗi vô tình và quay lưng với những ân tình mà gia đình đã chở che dưỡng nuôi chúng ta khôn lớn.
Xã hội đang rên rỉ nhức nhối, những tệ nạn đang gặm nhắm, đục khoét nền đạo đức làm băng hoại lối sống vị tha của một số lớp trẻ Thanh Thiếu Niên. Điều ấy càng làm cho chúng ta mau nhìn lại cuộc sống đời thường thật giản dị của cha mẹ, đã hy sinh tất cả vì con. Nhất là mẹ với đức tính hiền từ, dễ cảm thông, tha thứ mọi lỗi lầm của con cái.
Đã phải còng lưng gánh chịu những khổ đau, bất hạnh, để cho đời con được đong đầy hạnh phúc, cửa nhà yên vui. Chỉ cần tôi, anh cùng với em một chiều thu nào đó, nghe tiếng chuông chiều Vu Lan níu gọi bước lãng du, cùng nhau trở về mái ấm thương yêu, ngồi lại ăn chung cùng mâm cơm ngọt bùi, ấm áp tình ruột thịt.
Chị kính cẩn mời cha một chén cơm, anh kính cẩn mời mẹ một ly nước, còn em vòng tay kính mời, cả nhà ăn cơm thì khi ấy chúng ta mới cảm nhận ra rằng: “Không có cha mẹ thì ta không là gì cả, không có yêu thương hiểu biết trong niềm tin Tôn Giáo thì tổ ấm gia đình sẽ lung lay trước những cơn Đại Hồng Thủy” ngoại lai tràn vào ồ ạt bằng tất cả mưu mô xảo trá của từng tham vọng trong mỗi con người. Không có phút giây nào quý báu bằng khi ngồi trước bàn thờ ông để lắng nghe lời cha nghiêm huấn dạy bảo, rồi lời mẹ dịu ngọt an ủi cho con bước qua từng lối ngõ cuộc đời. Lúc này chúng ta càng cảm thấy tình mẹ hơn bao giờ hết, luôn hy sinh vì con:
“...Mẹ cho sự sống ấm no
Mẹ cho hương sắc, mẹ cho mặn nồng
Lòng mẹ như một dòng sông
Con như chiếc lá bềnh bồng nước trôi
Mẹ như cả một bầu trời
Vòng tay kỳ diệu trọn đời thương con
Thời gian sức mẹ hao mòn
Nhưng tình nguyên vẹn đầy tròn trước sau...”
Cha mẹ nuôi ta lớn bằng cuộc sống thánh thiện, nhân cách đạo đức mà gầy dựng một sự nghiệp lâu bền. Nếu cha mẹ có gây nên tội lỗi với xã hội, thì đó cũng vì chén cơm manh áo cho tương lai của con mà thôi. Bấy nhiêu đó chúng ta đã quá bé nhỏ, tầm thường bởi những ân tình cao cả vô bờ của cha mẹ. Nhận lấy một gia tài đạo giáo, trong sáng đạo đức mà cha mẹ đã một đời tâm huyết, chúng ta những người con đang sống trong một thời đại được gọi là văn minh, hiện đại thì chúng ta càng thận trọng hơn lề lối sống xưa của ông bà, cha mẹ đã để lại.
Vì đó là chất liệu tinh hoa của truyền thống gia đình để chúng ta còn phải truyền đạt, hun đúc cho thế hệ mai sau. Có một câu chuyện như thế này, tôi kể cho các bạn nghe để rồi cùng suy nghĩ: Ông cụ ở nhà quê đi thăm đứa con ở thành phố. Thấy nó thờ má nó trên bàn thờ rất đẹp, gọi là sang trọng thời thượng thì đúng hơn. Nhưng ông buồn và quở đứa con rằng: “Con không nên cúng mẹ bằng hoa giả, trái cây nhựa thắp bằng nhang điện, ba có đem theo mấy nhánh bông điệp, mấy trái mận thuở còn sống má con rất thích những thứ này.
Cúng cho người đã khuất, con không nên cúng đồ nhựa mà thất kính...”
Ôi! Người lớn từng trải đi qua dâu bể cuộc đời, sao mà chí lý thâm trầm quá, nhất là cha mẹ ta, những tấm lòng cao như núi, sâu như biển, dạy dỗ cho ta đến lúc trưởng thành có mái ấm riêng. Công nghiệp hóa cuộc sống xoay tròn như con rối, đến nỗi hóa ra vô tình khi sống ta bặt tăm sớm hôm, tối viếng phụng dưỡng cha mẹ, khi qua đời ta lại hời hợt không có phút nào rảnh để thắp một cây nhang, chưng cùng một bình hoa, đĩa trái cây để gọi là tưởng nhớ...
Lễ Vu Lan mùa Báo Hiếu, một truyền thống nghĩa ơn tốt đẹp được dân tộc Việt đón nhận và nhân rộng ra để con cháu noi gương học hỏi. Vì vậy chiều nay trong gió mưa lành lạnh hơi thu, chuông chùa nhẹ buông mang đầy ân đức mẹ cha. Cho dù tôi đang đam mê danh vọng, anh đang say mê những cuộc tình, em đang đeo đuổi tương lai...
Tất cả chúng ta hãy quay đầu tìm lại trong tận cùng cõi lòng một chút ân tình cội nguồn, thì chúng ta sẽ nhận ra ân tình nghĩa ơn ấy may mắn còn đọng lại trong ta để ta hiểu ra rằng: Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như trời cao biển rộng và càng thắm thía hơn khi trong khói hương nghi ngút hoa thơm, cây trái năm màu dâng lên cúng dường Tam bảo, Cửu huyền thất tổ và chúng ta tiếng hát sâu lắng nghĩa tri ân mà Hạnh Nguyên dạt dào nhẹ lướt trên dòng nhạc Võ Tá Hân thấy tình “Mẹ là tất cả” của “Biểu tượng cao siêu” mà cố thi sĩ Thanh Trí Cao đã định nghĩa qua dòng thơ bất tuyệt, để rồi tiếng hát của nữ ca sĩ Hạnh Nguyên ngọt ngào qua giai điệu nhạc của Võ Tá Hân:
“Hôm nay ngày mẹ nêu cao
Món quà dâng mẹ ngọt ngào thương yêu
Mẹ là biểu tượng cao siêu
Cho con tất cả thật nhiều tinh hoa
Mẹ là vũ trụ bao la
Vòng tay của mẹ thiết tha vô ngần
Nề chi cam khổ gian nan
Mẹ đưa vai gánh phong trần thay con
Bài thơ tình mẹ sắc son
Con xin dâng hiến ngợi ca mẹ hiền”.
(Bài đăng tạp chí Vô Ưu năm 2003 - có tựa “Mẹ Là Tất Cả”)