;
Vu lan là một trong những lễ lớn của Phật giáo Bắc truyền, ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng Phật giáo Đông Nam Á.
Truyền thống báo ân đã được dung kết vào mùa Vu Lan, gọi chung là mùa Báo hiếu. Truyền tích do ngài Mục Kiên Liên cứu mẹ bị đọa, phải nhờ đạo lực của 10 phương Tăng sau ba tháng chuyên tu, trau dồi giới đức.
Qua nhiều thế kỷ cho đến nay, Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình, các chùa đều trang trọng tổ chức cầu an-cầu siêu cho bá tánh sau khi mãn hạ an cư. Cùng với chùa, quần chúng Phật tử cũng tham gia hỗ trợ lập đàn siêu độ cho cửu huyền thất tổ, cầu cho quyến thuộc hiện tiền và mưa thuận gió hòa, đất nước an lành thịnh vượng.
Một số tư gia cũng cúng tháng bảy như một lễ tục lớn trong năm ngoài tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu...Nhất là tháng bảy, không những tín đồ Phật giáo, dân thường cũng hương hoa trà quả bái vọng bàn thiên, đất đai thổ nhưỡng.
Đã là tập tục trở thành truyền thống dân gian chứ không riêng của tôn giáo, chùa chiền và mọi người dân đều có quyền thể hiện niềm tin của mình, thế nhưng, một vài địa phương cũng không tránh khỏi khó khăn khi cán bộ không hiểu lý do gì không chấp thuận cho việc cúng bái như thế.
Tại Củ Chi, bà Nguyễn Thị Kim Chi, ngụ tại tổ 9 ấp xóm Chùa , xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, hàng năm vẫn tổ chức cúng dường trai Tăng, cầu siêu bạt độ cho thân quyến và kỳ an cho bá tánh vạn gia. Năm nay, bà Chi làm đơn trình báo UBND xã Tân An Hội xin tiếp tục thực hiện công hạnh của người Phật tử đối với Tam bảo, nhưng ba lần đều bị bác đơn. Bà ta lên huyện thì huyện bảo về xã xác nhận dù là không chấp thuận cũng phải nêu lý do, bà Trần Thị Ngọc Ánh, Phó bí thư xã đặc trách tôn giáo không ký mà cũng không nêu lý do, bà ta nói: "Nếu tổ chức tại gia mà có hình bóng tu sĩ bà ta sẽ phạt và xử lý hành chánh…"
Thiết nghĩ, với chính sách tự do tín ngưỡng hiện nay đối với tôn giáo và đối với người dân, một lễ tục lớn như mùa Vu Lan, một Phó bí thư xã thể hiện uy quyền vi phạm chính sách như thế làm sao người dân tin "chính sách trước sau như một" cùa nhà nước. Những người dân chất phác tại vùng ngoại biên thành phố mà còn gặp khó khăn về tín ngưỡng như thế thì thử hỏi người cán bộ như cô ta sẽ hạch sách đến đâu đối với người dân thường?.
Khi mà người dân đối diện với khó khăn về tín ngưỡng, không có điểm tựa, họ chỉ biết than vãn qua báo chí, nhờ các cấp thẩm quyền giúp đỡ.
Mùa Vu lan gỡ mọi rối rắm tội lỗi chứ không phải tạo thên phiền não cho người dân, những cán bộ uy quyền như thế cần phải được chỉnh huấn để thân cận dân.
29/7/2016