;
Hỏi: Tôi có biết vài người tu học Phật cũng nhiều năm, khi gặp những gia đình có người thân sắp mất, những vị này khuyên bảo gia đình nên thỉnh mền Quang Minh đắp cho họ. Được vậy người mất sẽ được lợi ích, không bị đọa vào ba đường ác. Nhưng cũng có người cho rằng đó không phải là pháp Phật. Không hiểu rõ ý nghĩa như thế nào, nên mạo muội xin nhờ ban hoằng pháp giải thích cho bản thân tôi được hiểu, và lợi ích cho mọi người trong chánh Pháp giải thoát của Như Lai.
Nguyễn Ngọc Vân.
Đáp:
Bạn Nguyễn Ngọc Vân thân mến,
Biển Phật pháp mênh mông không bờ bến, ngay cả hàng đại Bồ tát Đẳng Giác vẫn còn phải ở gần gũi cúng dường chư Phật, để sớm chứng Diệu Giác. Chỉ khi đã thành quả vị Phật thì mới thật sự là rốt ráo viên mãn. Chúng sinh thì nhiều vô lượng nên Phật Pháp cũng có nhiều cửa để nhập môn. Tùy theo mỗi căn cơ thấp, cao, trí, độn mà thọ. Người học Phật không thể nào nhìn chung chung rồi võ đoán, hay chủ quan theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình mà đem ra bàn luận pháp xuất thế của chư Phật. Ngoài trừ quả vị của bậc A La Hán, thì không ai có thể tin được cái tâm vô thường luôn biến chuyển. Tuy nhiên, quả vị A La Hán vẫn còn giới hạn, hàng Bồ tát đối với Pháp rốt ráo Phật lại còn chẳng hiểu, chỉ đem lòng tin chắc thật để đi vào. Vậy chúng ta là ai? Sao dám bàn luận pháp đại thừa rốt ráo. Người đời nay mắc lỗi hủy báng quá nhiều, nên mang danh tu học nhưng lại chẳng đi đến đâu cả.
Trong đại Tạng, đức Phật nói vô số Kinh cũng không ngoài theo căn cơ của mỗi người mà có. Một người tâm đắc ở một bộ Kinh lại chẳng hiểu Phật Pháp nên đem cái kiến thức thô của bản thân rồi bàn luận phím nhã (vì không thực hành) cho vui chuyện. Kim Cang, tánh không, Bát Nhã, sự lý, lý sự v.v.... cũng chẳng ra ngoài được Phật pháp. Vì Phật pháp thâu nhiếp tất cả, có người từ tánh để hiểu sự, có kẻ thì từ sự đến lý. Cách tu tuy khác nhưng vốn đồng một thể chứng đó là vị giải thoát. Chư đại tổ sư của Thiền Tông chẳng phải là bày xích những pháp khác mà chỉ phá chấp cho người đang thọ nhận Pháp. Do đó, người đời nay chẳng nên theo đó mà mang tội. Vì Chư Tổ ở tâm không, lợi ích mà nói ra để phá mê cho hàng đệ tử chớ nên chấp rồi vướng kẹt ở Pháp tu của mình. Người đời nay chẳng hiểu cũng chẳng thực hành chân thật nên trở lại hủy báng Phật, Pháp mà không hay.
Biển Phật pháp tuy mênh mông nhưng chung quy chỉ có một vị giải thoát. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện ở đời mở bày vô lượng Pháp môn để thâu nhiếp từng căn cơ của chúng sanh. Chúng sanh này thì hợp với Pháp này, chúng sanh kia thì lại hợp với pháp môn kia. Chúng sanh đầy đủ duyên, hợp với pháp môn này, cũng là pháp môn này nhưng không hợp với chúng sanh nọ. Đâu thể nào bắt buộc ai ai cũng theo như mình cho được vì mỗi chúng sinh đều sở hữu một biệt nghiệp riêng họ (Biệt Nghiệp Vọng Kiến). Cho nên chúng tôi rất tha thiết nhắc nhở với mọi người trên đường tu học Phật phải nên thận trọng, vì nếu là chánh Pháp thì tu theo Pháp nào cũng lợi ích cả. Tuy là vậy, nhưng cũng phải hợp thời, hợp căn cơ của mỗi chúng sanh, mới là diệu pháp. Nếu như bản thân mình không hợp với pháp môn người khác tu học thì chớ nên vội vàng mà hủy báng. Tội hủy báng Đại Thừa thật khó mà sám hối cho tiêu trừ, nên phải cẩn thận.
Mền Quang Minh hay còn gọi là mền Tỳ Lô. Mền Quang Minh là một bảo vật, rất khó mà gặp được chẳng phải như những mền mà chúng ta đang thấy bán hay được thỉnh ở chùa bình thường. Mền Quang Minh có khắc bộ chú Đại Tùy Cầu Tức Đắc oai lực thật khó mà dùng trí thế gian phàm phu như chúng ta hiểu được. Xưa kia khi làm mền Quang Minh phải thỉnh 108 vị cao Tăng lập Đàn Tràng và phải ở trong Mạn Đà La trong suốt 49 ngày đêm, trì tụng đại thần chú Đại Tùy Cầu. Sau 49 ngày trì tụng trong 108 vị Cao Tăng lại chọn ra 10 vị thượng thủ rồi ở trong Mạn Đà La khắc ấn làm bảo chứng.
Người sau nhận thấy công năng diệu dụng của Mền Quang Minh nên cứ mãi lưu truyền cho đến sau này. Nhưng có điều ít người biết đến là mền phải được trì chú từ bậc thật tu thật chứng, không phải cứ lấy đi in là được. Muốn thành tựu cần phải thanh tịnh nhất tâm trì tụng Chú vào mền, như vậy mới thật là mền Tỳ Lô đích thật. Khi người được đắp lên thì Âm siêu Dương thới (người mất được siêu thoát, kẻ còn sống được an vui).
Người muốn sử dụng mền Quang Minh, trước tiên cần phải chí tâm thanh tịnh, trì chú vào mền thì bao việc sẽ thành tựu như công năng oai thần của Đại Thần Chú mà đức Phật đã dạy.
Sở dĩ gọi là mền Quang Minh là vì trên mền (vải) có in bản chú Quang Minh Chân Ngôn, nguyên là Tỳ Lô Giá Na Quán Đỉnh Chân Ngôn. Người trì tụng chân ngôn này trên thân phát ra ánh sáng, nhất là ở đỉnh đầu cho nên gọi là Quang Minh. Đắp mền quang minh cho người mất, giúp tâm của họ không bị tán loạn và giúp họ giữ được sự sáng suốt, một mực hướng về mục đích cứu cánh là đạt đến giải thoát (cần phải có sự trợ giúp của bậc thiện tri thức). Công năng của chú này là nhổ sạch tội chướng. Trong Kinh Mật Tạng dạy; " Nếu các chúng sinh gây tạo đủ các tội: mười ác, năm nghịch, bốn nặng… thân hoại mệnh chung bị rơi vào đường ác. Dùng Chân Ngôn này gia trì vào đất cát 108 biến rồi rải lên thây của người đã chết, hoặc rải trên ngôi mộ thì Vong Linh ấy liền được sinh vào cõi lành".
Trong bản Tỳ Lô Giá Na Phật Thuyết Kim Cương Đỉnh Kinh Quang Minh Chân Ngôn Nghi Quỹ nói rõ bốn lý do mà bài Chú này có tên gọi là Quang Minh Chân ngôn:
1/. Thần Chú này là mẹ của trăm ức vô số chư Phật, mẹ của vạn ức vô số Bồ Tát Thánh Chúng. Đây là Đại Thần Chú, đây là Đại Minh Chú, đây là Vô Thượng Chú, đây là Vô Đẳng Đẳng Chú y theo đây gọi là Quang Minh Chân Ngôn.
2/. Đây là bài Chú mà Đức Thích Ca Như Lai luôn thường cung kính, xưa kia khi tu Hạnh Tiên Nhân nhẫn nhục thường tụng Chân Ngôn Chú này thời từ đỉnh đầu hiện ra trăm ngàn ánh sáng chiếu sáng ba ngàn Thế Giới, thành Chính Giác, cho nên gọi là Quang Minh Chân Ngôn.
3/. Năm Trí Như Lai hiện thân Phi Ngã. Khi đấu tranh với Đại Ma thời hiện thân Phi Ngã, từ đỉnh đầu đều phóng trăm ngàn Hỏa Diệu thiêu đốt, diệt quân loại của Ma Vương, kèm theo khi thiêu đốt diệt cung Ma Vương thời chúng Ma Vương dẫn kéo đồng loại đều bị hoại diệt. Vì Như Lai giúp cho thành các Luận, khi hiểu rõ thời liền y theo ánh sáng của trăm ngàn Hỏa Diệu. Trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, đường ác, nơi đen tối, Địa ngục, tất cả nơi khổ não của nẻo ác được ánh sáng của trăm ngàn Hỏa Diệu này chiếu soi đều thành nơi rất sáng tỏ. Y theo sức của ánh sáng nên nhóm Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh thảy đều giải thoát nẻo ác, mau thành Chánh Giác, cho nên gọi là Quang Minh Chân Ngôn
4/. Muốn khiến cho cha mẹ sinh về Tịnh Thổ Cực Lạc thì hướng về phương Tây tụng một ngàn biến ắt quyết định sinh về Tịnh Thổ Cực Lạc. Chính vì thế cho nên nơi lập mộ phần, dùng Chân Ngôn viết, giao cho chữ Phạn của Vô Lượng Thọ, an trí ở mộ phần của cha mẹ, thì vong linh ấy tuy trải qua vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn a tăng kỳ kiếp, chẳng bị đọa vào đường ác, ắt sinh về Tịnh Thổ Cực Lạc, trên tòa báu trong hoa sen. Khi thành Phật thời tam tinh phóng ra ánh sáng trắng, cho nên gọi là Quang Minh Chân Ngôn.
Công Đức, lợi ích tổng quát của Quang Minh Chân Ngôn là:
1/. Quang Minh Chân Ngôn là một Đà La Ni của Mật Giáo, là Chân Ngôn của Đại Nhật Như Lai, được tôn xưng là Tổng Chú của tất cả chư Phật Bồ Tát.
2/. Quang Minh Chân Ngôn thường được dùng cho các trường hợp: cầu vãng sinh, chôn cất người chết, xây mộ, cúng thí cho Quỷ đói… cũng hay trừ diệt bệnh chướng, quỷ quấy phá, bệnh đau mắt, trùng độc gây hại trong đời hiện tại.
3/. Nếu có chúng sinh tùy theo nơi chốn, được nghe Đại Quán Đỉnh Quang Chân Ngôn này thì tất cả các tội mười ác, năm nghịch, bốn nặng trong quá khứ được trừ diệt hết.
4/. Y theo Nghi Quỹ của Pháp này để tu Mật Pháp thì gọi là Quang Minh Chân Ngôn Pháp. Pháp này chủ về diệt tội, trừ bệnh, ngưng dứt tai nạn… đều là Pháp tu để diệt tội.
5/. Nếu có chúng sinh gây tạo đủ các tội: mười Ác, năm Nghịch, bốn nặng… giống như bụi nhỏ tràn đầy Thế Giới này. Khi thân hoại mệnh chung bị đọa vào các nẻo ác. Dùng Chân Ngôn đó gia trì vào đất, cát 108 biến rồi rải cho vong linh trong rừng Thi Đà (Śiṭavana), trên thi hài, hoặc rải trên mộ… gặp chỗ nào đều rải lên trên. Người đã chết ấy, nếu ở trong Địa Ngục, hoặc trong loài Quỷ đói, hoặc trong nẻo Tu La, hoặc mang thân Bàng sinh… dùng uy lực Thần Thông của Nhất Thiết Bất Không Như Lai Tỳ Lô Giá Na Như Lai Chân Thật Bản Nguyện Đại Quán Đỉnh Quang Chân Ngôn gia trì sức mạnh vào đất, cát … ngay lúc đó liền được ánh sáng chiếu vào thân sẽ trừ được các tội báo, buông bỏ thân đang chịu khổ, vãng sinh về quốc thổ Cực Lạc ở phương Tây, hoá sinh trong hoa sen cho đến Bồ Đề chẳng bị đọa lạc.
6/. Nếu tụng Chân Ngôn này một biến ắt tương đương với Công Đức đọc tụng trăm ức vô lượng Đà La Ni của các Kinh Điển Đại Thừa.
Trên mền ngoài có in bản chân ngôn Quang Minh lại có in bản Thập Cam Lộ và Đại Tùy Cầu Tức Đắc Đà La Ni. Công năng thật không thể nghĩ bàn. Có thể nói người được đắp chiếc mền này (nếu đúng như pháp) thì lợi ích vô cùng.
Thập Cam Lộ Đà La Ni là Chân Ngôn của A Di Đà Như Lai (Amitābhatathāgata: Vô Lượng Quang Như Lai, hay Amitāyus-tathāgata: Vô Lượng Thọ Như Lai). Lại gọi là Thập Cam Lộ Chân Ngôn, A Di Đà Đại Chú, Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni, Vô Lượng Thọ Như Lai Căn Bản Đà La Ni, A Di Đà Đại Đà La Ni, A Di Đà Đại Thần Chú. Do trong Chú có mười câu A mật-lật đa (Amṛta) được dịch nghĩa là Cam Lộ nên lại xưng là Thập Cam Lộ Minh Đà La Ni này biểu thị cho Công Đức Nội Chứng của Đức Vô Lượng Thọ Như Lai (Amitāyus-tathāgata) hay giúp cho người trì tụng: đời này được an ổn, tiêu diệt các tội chướng; sau khi chết được sinh về Thế Giới Cực Lạc (Sukha-vatī).
Vô Lượng Thọ Như Lai Đà La Ni này, vừa mới tụng một biến, liền diệt tội mười ác, bốn Trọng, năm Vô Gián trong thân. Tất cả nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt.
Nếu tỳ kheo (Bhikṣu), tỳ kheo ni (Bhikṣuni) phạm vào tội căn bản, tụng bảy biến xong, tức thời trở lại được Giới Phẩm thanh tịnh.
Tụng mãn một vạn biến đắc được Bất Phế Vong Bồ Đề Tâm Tam Ma Địa. Tâm Bồ Đề hiển hiện trong thân, sáng tròn trịa trắng tinh giống như mặt trăng trong sạch. Lúc mệnh chung thời nhìn thấy Đức Vô Lượng Thọ Như Lai cùng với vô lượng câu chi chúng Bồ Tát vây quanh, đi đến nghinh đón Hành Giả, an ủi Thân Tâm, liền sinh về Thế Giới Cực Lạc, Thượng Phẩm Thượng Sinh, chứng địa vị của Bồ Tát”.
“Tịnh độ Thập Yếu thứ tám, Bảo vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, quyển hạ” ghi nhận là: “Trong kẻ ấy nếu có Nghiệp đời trước khiến cho Nguyện Hành có thiếu sót thì thường nên một lòng tụng Bạt Nhất Thiết Khinh Trọng Nghiệp Chướng Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni này. Nếu trì một biến liền diệt hết thảy tất cả nhóm tội năm nghịch, mười ác trong thân. Nếu trì mười vạn biến liền được Tăm Bồ Đề chẳng bỏ quên. Nếu trì hai vạn biến liền cảm được mầm Bồ Đề sinh. Nếu trì ba vạn biến thì Đức Phật A Di Đà thường trụ trên đỉnh đầu người ấy, quyết định sinh về Tịnh Thổ”
Đại Tùy Cầu Đà La Ni cũng là ý tưởng tất cả sự mong cầu đều được như nguyện, cho nên Chân Ngôn này có uy lực thỏa mãn mọi nguyện cầu thuộc về Thế Gian (tài phú, mạnh khỏe, sống sâu) và Xuất Thế Gian (cầu sinh về Tịnh Thổ, thành Phật). Công hiệu của Đại Tùy Cầu Chân Ngôn là:
1/. Thành tựu tất cả Chân Ngôn Pháp
2/. Hay diệt tội nặng cực ác khó điều phục
3/. Chiến đấu ở nơi nguy hiểm chẳng bị Oán Địch hủy hoại mà đều diệt hoại được kẻ địch, cuối cùng không có sợ hãi Oán Địch
4/. Hoại diệt được các Quỷ Mỵ: mạnh ác, hút Tinh Khí, Quỷ Mỵ thường hại hữu tình
5/. Chẳng bị các Pháp Chú Trớ gây hại, chẳng bị trúng Cổ Độc
6/. Hết thảy tai nạn về: nước, lửa, dao gậy, chiến tranh, sấm sét, mưa đá sương mù, gió mạnh bạo, mưa ác… đều được giải thoát
7/. Mọi sự cầu nguyện đều thành, tất cả ước nguyện thảy đều được như ý
8/. Nếu người nữ mang thai, trì Đà La Ni này đều hay khiến cho thai nhi bình yên, sinh nở được an vui
9/. Lời nói ra khiến người ưa thích nghe, đi đến chỗ nào đều nhận được sự cung kính
10/. Chẳng gặp mộng ác, ngủ nghỉ được an lành
11/. Giúp cho vong linh được sinh về cõi Trời
12/. Hay ngưng dứt được sự đấu tranh kiện tụng
13/. Hay trừ khử loài trùng gây hại cho nhà nông, khiến cho tất cả mầm lúa, hoa quả đều được tăng trưởng, có mùi thơm, vị ngon ngọt
14/. Khi khí hậu khô hạn nắng lâu dài, do uy lực của Đà La Ni này thời Long Vương cùng nhau vui vẻ, tuôn mưa kịp thời giúp cho trăm họ
15/. Cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái
16/. Hay lìa mọi loại Ma Nghiệp, hay đập tan tất cả Ma Chúng, hay chặt đứt sự ngăn trở của tất cả Ma La (Māra: loài Ma)
17/. Hay chặt đứt tất cả Tập Khí
18/. Hay khiến cho chúng sinh có Tâm ác, khởi lên Tâm Đại Từ
19/. Hay ở tất cả nơi chốn được Đại Cúng Dường như Phật Đại Sư Lưỡng Túc Tôn
20/. Người ngày ngày trì tụng, được Đại Thông Tuệ, Đại Uy Lực, Đại Cần Dũng, Đại Biện Tài thành tựu
21/. Sẽ khiến cho Tinh Khí nhập vào thân, tăng thêm uy lực, thân tâm thường được vui thích
22/. Nếu có loài Bàng Sinh, cầm thú mà lỗ tai được nghe qua Đà La Ni này thì nhóm ấy thảy đều đối với Vô Thượng Bồ Đề, vĩnh viễn chẳng thoái lùi
23/. Chứng Đại Niết Bàn
Kinh Phật nói Đại Tùy Cầu Đà La Ni dạy rằng: “Nếu như có người nào nghe thấy Chú này, liền hay tiêu diệt tội chướng. Nếu thọ trì đọc tụng, thì lửa chẳng thể thiêu đốt, đao chẳng thể gây thương tích, chất độc chẳng thể hại, hay được sự hộ thủ của tất cả Hộ Pháp. Nếu viết chép Chú này đeo ở trên cánh tay và ở dưới cổ, thì người này thường hay được sự gia trì của tất cả Như Lai”.
Lại trong Phật nói Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà La Ni Thần Chú ghi nhận Công Đức của Đại Tùy Cầu Bồ Tát Thần Chú này là: “Đại Tùy Cầu này tức là Đại Tự Tại Đà La Ni Thần Chú, hay ban cho chúng sinh sự an vui tối thắng, chẳng bị tất cả Dạ Xoa, La Sát và các bệnh điên loạn, cùi hủi, Quỷ đói, Quỷ Tắc Kiến Đà, các hàng Quỷ Thần gây não hại; cũng chẳng bị bệnh nóng lạnh xâm tổn. Nơi cư ngụ luôn luôn được thù thắng, chẳng bị sự xâm hại về chiến đấu oán thù, lại hay đập tan kẻ địch, chú trớ yểm đảo chẳng có thể làm hại, tội của nghiệp trước thảy đều tiêu diệt, chất độc chẳng thể hại, lửa chẳng thể thiêu đốt, đao chẳng thể gây thương tích, nước chẳng thể cuốn chìm, chẳng bị sấm chớp, sét đánh, gió ác, mưa bão không đúng thời…. gây tổn hại. Nếu có người Thọ Trì Thần Chú này thì nơi cư ngụ được thù thắng. Nếu có thể viết chép rồi đeo trên cổ hoặc cột trên cánh tay thì người đó hay thành tất cả việc lành thanh tịnh tối thắng. Thường được Chư Thiên Long Vương ủng hộ. Lại được Chư Phật, Bồ Tát nghĩ nhớ, các Thiên Thần Chúng luôn luôn theo ủng hộ. Nếu có người nữ Thọ Trì Thần Chú này sẽ có thế lực lớn, thường sinh con trai, Thọ Trì lúc mang thai thì thai được an ổn, khi sinh sản được an vui, không có các bệnh tật. Mọi tội tiêu diệt nhất định không còn nghi ngờ gì, do lực Phước Đức mà tiền của, lúa gạo được tăng trưởng. Lời bảo ban khiến cho người đều tin nhận, thường được tất cả điều cung kính”.
Công hiệu của Đại Tùy Cầu Tức Đắc Đà La Ni có thể nói là không có điều gì chẳng thể làm được: Thế Gian với Xuất Thế Gian đều có công hiệu rất lớn. Trong nhiều loại Mật Chú là điều hiếm có. Nhân đây, Đại Tùy Cầu rất thích hợp với Cư Sĩ tại gia.
Mền Quang Minh thuộc về Mật Tạng. Người muốn sử dụng mền này để đạt kết quả phải có đủ thiện duyên gặp bậc thiện tri thức, thật tu thật chứng. Trì chú vào chiếc mền và đắp cho người lúc lâm chung thì oan gia nghiệp chướng của họ không thể đến gần nhiễu hại được. Người ấy, được oai thần của chú bảo hộ, giúp thân tâm không bị điên đảo giữ được chánh niệm và không bị đọa vào ba đường ác. Quan trọng là người đó có đủ duyên gặp được bậc thiện tri thức như vậy hay không mà thôi, không phải là chỗ nghi vấn về công năng, diệu dụng của mền Quang Minh.
Có rất ít người không hiểu, chỉ biết mền quang minh dành để đắp cho người chết, nhưng không biết người sống cũng có thể làm mền đắp để tiêu trừ nghiệp chướng, trị tà, bệnh tật (bệnh nghiệp) v.v....rất công dụng. Tuy nhiên, người đó cần phải trì chú vào mền thường xuyên thì công năng của chú mới công hiệu.
Những trẻ em khó nuôi, nhiều bệnh tật, thường khóc đêm v.v... cũng có thể dùng mền Quang minh đắp thì sẽ không còn khóc đêm, bệnh tật cũng tiêu trừ (nếu bệnh đó là do bệnh nghiệp gây ra). Người sống nếu thường hay mắc bệnh, hoặc khi ngủ thường thấy những điềm chiêm bao không lành cũng nên đắp mền quang minh. Thì những thứ bệnh nghiệp và ác mộng sẽ không còn nữa. Người đắp mền Quang Minh, ma quỷ và oan gia trái chủ không thể đến gần được. Đó đều là do công năng oai thần của các bộ chú trên mền Quang Minh. Có người tin cũng được, không tin cũng chẳng sao, nhưng đừng hủy báng (vì trong Phật giáo có vô lượng pháp cho mình chọn để tu hành). Trong Đại Tạng Kinh đức Phật dạy công năng và oai thần của chân ngôn thật chẳng thể nghĩ bàn và đó chẳng phải là cảnh giới của phàm phu chúng ta có thể hiểu được. Nếu muốn biết tường tận, không có cách nào hay hơn là dùng chánh tín đi vào, đọc Đại tạng Kinh để tự mình y giáo phụng hành lợi ích cho mình và người.
Thời Phật còn tại thế có một người giàu có, nhưng không biết bố thí làm thiện, thường làm các việc ác. Khi ông mất, vì nghiệp ác nhiều nên thần thức bị đọa vào địa ngục. Sau khi đã xét xử và đưa ông đi thọ hình, thì không sao phạt được ông ta. Dùng lửa thì lửa tắt, dùng nước thì khô, dùng dao kiếm thì gãy. Bấy giờ quỷ cai ngục tâu lên vua Diêm La, nhưng vua Diêm La cũng không biết nguyên nhân bèn tâu lên vua trời Đế Thích (người đời thường gọi là Thượng Đế chính là vị vua trời này, nhưng trong Phật pháp vua trời Đế Thích chỉ là hộ Pháp). Đế Thích dùng Thiên Nhãn quan sát cũng không biết được nguyên do. Lúc đó, vua trời Đế Thích và mười Điện vua Diêm La đến Linh Sơn gặp đức Phật thưa hỏi rằng: " Bạch đức Thế Tôn! Có một người khi còn sống thường hay làm các việc ác, nên sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Nhưng không biết nguyên do là sao mà không cách nào thi hành hình phạt đối với ông, cúi xin đức Thế Tôn chỉ dạy".
Đức Phật bảo với vua trời Đế Thích rằng; sở dĩ hình phạt không thể đến gần được ông ấy là vì khi lúc đưa xác ông đi thiêu, xác ông được khiêng ngang một cổ tháp. Trong đó có thờ Chân Ngôn Đại Tùy Cầu Tức Đắc, vì cổ tháp lâu năm bị hư mụt, khi xác ông khiêng ngang, một cơn gió thổi đến, làm cho vải có khắc chú Đại Tùy Cầu rã rách và rơi xuống xác của ông một chữ. Do công năng oai thần của Chú Đại Tùy Cầu cho nên ông ta sẽ không bị thọ lãnh ác báo trong tam đồ.
Qua câu chuyện trên, người học Phật chân chánh cũng phải tìm hiểu đúng nghĩa và thực hành đúng Pháp để lợi ích cho mình và chúng sinh. Sự hiểu biết của chúng ta ví như giọt nước trong biển cả mênh mông, đối với Đại Tạng Kinh. Phật pháp thật nhiệm mầu, không thể nghĩ bàn được, dù một chữ một câu, nếu biết áp dụng thực hành đúng pháp thì lợi ích thật là lớn thay.
Chúc bạn luôn tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trân trọng,
Ghi chú: Đại Tùy Cầu Bồ Tát tên phạn là Mahā-pratisāraḥ, dịch âm là Ma Ha Bát La Để Tát Lạc, tức Đại Tùy Cầu Bồ Tát, lược xưng là Tùy Cầu Bồ Tát. Ngài là một Hóa Thân của đức Quán Âm Bồ Tát (Avalokiteśvara-bodhisatva) và là một Tôn trong Quán Âm Viện trong Thai Tạng Giới Man Đa La (Garbha-dhātu-maṇḍala) của Mật Tạng Phật giáo.
Mền Quang Minh
(Khổ 1m x2m)
Bấm lên hình để phóng lớn rồi lưu lại, mang đi in trên vải trắng hoặc vàng tại các tiệm in màu khổ lớn.
Trong sự tu tập hằng ngày, nên trì chú vào mền thì công năng thật không thể nghĩ bàn.
Ảnh nguồn từ Kinh Mật Giáo
Lưu ý: Mền Quang Minh là tổng thể của các bộ Chú có công năng diệt trừ tội chướng, an vui cho chúng sinh, không phải là bùa như số người lầm tưởng. Nếu bảo mền Quang Minh là bùa, như ngoại đạo v.v... thì chính người đó đang hủy báng đức Phật Thích Ca vậy. Tuy chiếc mền này chẳng phải do những bậc Cao Tăng kiết Ấn, nhưng nếu thật lòng và chí thành thì hiệu quả cũng giống như nhau.
Các bộ chú được viết trên mền Quang Minh bằng chữ Tất Đàm của Phạn ngữ. Chữ giềng ngoài là chữ Hrih, là chủng tử chữ của Đức Phật A Di Đà. Vòng tròn nhỏ ở trên là Quang Minh Chân Ngôn, Vòng tròn lớn là A Di Đà Như Lai Thập Cam Lộ Đà La Ni, và phần trên mền là Đại Tùy Cầu Đà La Ni vậy.
Nguồn: http://tangthuphathoc.net/