;
365 Lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt lai Lạt ma (phần 7)
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Quyển sách "365 Lời khuyên Tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma - Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay" (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này - gồm 53 câu thay vì 365 câu - cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 ("Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma", Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là "Dalai Lama - Conseils du coeur", Pocket, 2003). Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ nhất gồm toàn bộ 365 câu, là vào năm 2017. Bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây được dựa vào ấn bản mới này. Người đọc cũng có thể tham khảo bản tiếng Anh của quyển sách này: "365 Dalai-Lama: Daily Advice From The Heart" (Hampton Roads Publishing Company, 2012).
Các câu "suy tư" trong quyển sách này chính thật là những "lời khuyên", giúp chúng ta biến cải chính mình hầu đối phó hay thích nghi với mọi cảnh huống trong cuộc sống, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ trên thân xác đến bên trong nội tâm mình. Những lời khuyên rất thiết thực nhưng cũng thật thâm sâu này của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được nhà sư Matthieu Ricard trực tiếp ghi chép bằng tiếng Tây Tạng, và sau đó đã được học giả Christian Bruyat dịch sang tiếng Pháp.
Nếu nhìn Phật giáo như là một tín ngưỡng thì tín ngưỡng đó không hề bị ám ảnh bởi cái chết và những lời hứa hẹn phía sau cái chết, bởi vì đối với Phật giáo thì cái chết cũng chỉ là một thành phần của sự sống mà thôi. Những lời khuyên trong quyển sách này nhất thiết chỉ nói lên sự sống đó với tất cả các khía cạnh khó khăn cũng như thuận lợi của nó. Thật ra thì đấy cũng là những gì hiện lên bên trong tâm thức và trên thân xác mình trong từng ngày. Do đó chúng ta có thể xem quyển sách này như là một quyển sách "gối đầu giường", hoặc một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mình. Mỗi khi cần phải đối phó với một nghịch cảnh hay gặp phải một vấn đề nan giải thì biết đâu chúng ta cũng có thể tìm được một vài lời khuyên trong sách để suy ngẫm hầu tìm một giải pháp thích nghi.
Quyển sách gồm tất cả năm phần:
I. Suy tư về sự sống (câu 1 đến 48)
- Sự sống nói chung (1 - 16)
- Tuổi trẻ (17 - 35)
- Tuổi trưởng thành (36 - 42)
- Tuổi già (43 - 48)
II. Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129)
- Đàn ông và đàn bà (49 - 53)
- Cuộc sống trong gia đình (54 - 70)
- Cuộc sống độc thân (71 - 74)
- Cuộc sống tập thể (75 - 79)
- Cuộc sống sung túc (80 - 92)
- Cuộc sống trong cảnh nghèo khó (93 - 97)
- Bệnh tật (98 - 101)
- Những kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ (102 - 105)
- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh (106 - 118)
- Công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí (119 đến 120)
- Nhà giam và các tù nhân (121 - 129)
- Đồng tính luyến ái (130 - 132)
III. Suy tư về cuộc sống tập thể trong xã hội (câu 133 đến 181)
- Chính trị (133 - 139)
- Công lý (140 - 144)
- Tương lai thế giới (145 - 147)
- Giáo dục (148 - 150)
- Khoa học và kỹ thuật (151 - 153)
- Thương mại và kinh doanh (154 - 156)
- Nghệ thuật viết lách và nghề làm báo (157 - 161)
- Canh nông và môi trường (162 - 167)
- Chiến tranh (168 - 175)
- Dấn thân vì kẻ khác (176 - 181)
IV. Suy tư về các khó khăn trong cuộc sống (câu 182 đến 304)
- Hạnh phúc (182 - 188)
- Bất hạnh (189 - 198)
- Yếm thế (199 - 210)
- Sợ hãi (211 - 215)
- Tự tử (216 - 219)
- Cô đơn và sự cô lập (220 - 229)
- Giận dữ (230 - 241)
- Kiềm tỏa dục vọng (242 - 247)
- Ganh tị và chứng ghen tuông (248 - 253)
- Kiêu hãnh (254 - 257)
- Khổ đau (258 - 267)
- Rụt rè (268 - 271)
- Do dự (272)
- Oán ghét chính mình (273 - 276)
- Nghiện rượu và ma túy (277 - 280)
- Đam mê tình ái (281 - 285)
- Thiếu suy nghĩ (286 - 289)
- Tính hay nói xấu (290 - 294)
- Tính độc ác (295 - 303)
- Thờ ơ (304 308)
V. Suy tư về cuộc sống tâm linh (309 -365)
- Người có đức tin (309 - 315)
- Người vô thần (316 - 327)
- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện. (328 - 339)
- Người hành thiền (340)
- Đức tin (341 - 344)
- Các giáo phái (345 - 347)
- Người muốn bước theo con đường Phật giáo (348 - 356)
- Việc Tu tập Phật giáo (357 - 365).
Suy tư về sự nóng giận
230
Nếu cứ để cho sự nóng giận và hận thù chi phối thì chúng ta sẽ không thể nào tìm được sự thoải mái trên thân xác và trong tâm thức mình. Những người chung quanh sẽ nhận thấy ngay điều đó và không một ai muốn đến gần mình. Ngay cả thú vật cũng bỏ chạy, duy nhất chỉ có đám rận và muỗi là còn bám lấy mình để hút máu! Chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, bao tử bị lở loét, và nếu tình trạng kéo dài thì nhất định năm tháng còn lại trong cuộc đời mình cũng sẽ giảm xuống.
Vậy thì nóng giận để mà làm gì? Dù làm bất cứ gì để hả giận thì chúng ta cũng không sao thanh toán được tất cả kẻ thù của mình. Vậy xin hỏi các bạn xem có biết ai từng thanh toán được hết kẻ thù của mình không? Cho đến khi nào chúng ta vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng kẻ thù bên trong chính mình, tức là sự nóng giận và hận thù trong tâm thức mình, thì khi đó dù chúng ta có thanh toán được vô số kẻ thù bên ngoài vào ngày hôm nay, thì vô số các tên khác sẽ xuất hiện vào ngày hôm sau.
231
Các thứ độc tố khuấy động bên trong tâm thức mình mới đúng thật là các kẻ thù của mình, đó là các thứ u mê (còn gọi là vô minh), hận thù, thèm khát, ganh tị, kiêu hãnh... Đó là các kẻ thù duy nhất có thể tàn phá hạnh phúc của chúng ta. Nguy hiểm hơn cả là sự nóng giận và thù hận, đó là nguồn gốc gây ra vô số những điều bất hạnh cho thế giới này, từ các sự cãi vã nhỏ nhặt trong gia đình đến các cuộc xung đột thật to lớn. Các niềm bất hạnh đó có thể biến bất cứ một khung cảnh an vui nào trở thành một bầu không khí không sao chịu đựng nỗi. Không có một tôn giáo nào ngợi khen các tính khí ấy cả mà nhất loạt đều nêu cao tình thương yêu và sự tốt bụng. Chỉ cần đọc qua các cách mô tả về thiên đường cũng đủ hiểu rằng trong cõi đó người ta chỉ nói đến sự an bình và tốt đẹp, các khu vườn tuyệt vời đầy hoa thơm, và ít nhất là theo sự hiểu biết của tôi thì tuyệt nhiên trong cõi ấy không bao giờ xảy ra xung đột và chiến tranh cả. Người ta không hề gán cho sự nóng giận bất cứ một phẩm tính nào.
232
Vậy thì phải xử trí như thế nào đối với sự nóng giận? Một số người cho rằng nóng giận không phải là một khuyết điểm (một điểm yếu hay một thứ khiếm khuyết "tự nhiên" của tâm tính con người). Một số người khác không quen tìm hiểu sự vận hành của tâm thức thì nghĩ rằng sự nóng giận là thành phần tự nhiên của tâm thức, do đó không nên đè nén nó mà còn phải để nó phát lộ ra bên ngoài (đây cũng là quan điểm phổ biến đối với ngành Tâm lý học Tây phương nói chung).Nếu đúng là như thế thì sự u mê (vô minh) hay mù chữ cũng là thành phần của tâm thức hay sao, bởi vì khi mới sinh chúng ta chưa có một chút hiểu biết nào (mù chữ và sự hiểu biết sai lầm không phải là những thứ bẩm sinh. Sự thiếu hiểu biết hay hiểu biết sai lầm - còn gọi là vô minh - là các thể dạng tâm thần tuần tự sinh ra trên dòng phát triển của một cá thể; mù chữ cũng vậy là hậu quả của hoàn cảnh khiến mình không được học hành không phải là một hiện tượng bẩm sinh. Tóm lại các thể dạng tâm thần đó - vô minh, giận dữ, mù chữ... - phát sinh dưới tác động của nghiệp, có nghĩa là những gì tự mình tạo ra cho mình trong quá khứ cũng như hiện tại). Đấy là những thứ (u mê, hiểu biết sai lầm, mù chữ...) mà chúng ta phải tìm mọi cách để loại bỏ, không có ai chống lại điều đó bằng cách cho rằng chúng mang bản chất tự nhiên, không được phép làm cho chúng phải biến đổi khác đi. Vậy đối với hận thù và nóng giận gây ra các điều tệ hại to lớn hơn nhiều, thì tại sao lại không tìm cách loại bỏ chúng tương tự như các thứ u mê và mù chữ trên đây? Tất nhiên là các điều đó phải nên làm.
233
Học hành cần phải kiên nhẫn, bởi vì không thể nào trong một lúc có thể hiểu hết được tất cả mọi thứ, mà chỉ có thể làm giảm bớt dần dần từng chút một sư u mê (vô minh) của mình mà thôi. Đối với sự nóng giận cũng vậy, khó mà loại bỏ nó một cách vĩnh viễn, thế nhưng nếu thành công được chút nào thì cũng nên làm. Dầu sau thì các bạn cũng có thể bảo với tôi rằng đấy là chuyện của các bạn, chẳng dính dáng gì với tôi cả! (Ngài bật cười).
234
Các bác sĩ tâm thần có thể sẽ khuyên các bạn không nên đè nén các thứ cảm tính như sự nóng giận, mà phải tống nó ra ngoài (đây là phương pháp trị liệu của ngành Tâm lý học Tây phương nói chung). Dầu sao thì họ cũng không khuyến khích các bạn tìm kiếm nó và làm cho nó bùng lên. Các bạn hãy cố gắng tìm hiểu các khía cạnh nguy hại của sự nóng giận và dù cho các bạn nhất mực cho rằng nó thuộc thành phần của tâm thức mình đi nữa, thì điều đó cũng không cấm các bạn chấp nhận tốt hơn là nên thoát ra khỏi sụ kiềm tỏa của nó (đây là quan điểm đối nghịch lại với ngành Tâm lý học Tây Phương. Đối với sự nóng giận, hận thù, u mê... thì Phật giáo quan niệm rằng phải ngăn chận và hoá giải chúng từ bên trong tâm thức mình bằng các phương pháp thiền định; đối với môi trường bên ngoài thì phát huy lòng từ bi và tình thương yêu đối với tất cả chúng sinh, hầu ngăn chận trước không cho các sự nóng giận và hận thù từ bên trong phát lộ ra bên ngoài qua các hình thức ngôn từ và hành động).
235
Hãy cố gắng tránh mọi cảnh huống có thể khiến các phản ứng hung bạo bùng lên với mình. Thế nhưng nếu chẳng may các cảnh huống ấy cứ xảy ra ngoài ý muốn của mình thì cũng chớ để chúng lôi cuốn mình vào vòng kiềm tỏa của chúng. Nếu các bạn giao tiếp với một người có biệt tài chọc tức người khác thì các bạn cũng cứ cố gắng bỏ qua cái biệt tài gây hấn ấy của hắn và nhìn hắn qua một góc cạnh khác hơn (xem hắn là một con người đáng thương hại chẳng hạn).
236
Những người mà chúng ta xem là kẻ thù không hề mang tính cách thù địch khi mới lọt lòng mẹ. Họ chỉ trở thành kẻ thù của mình khi bắt đầu phát lộ một cách suy nghĩ hay một thái độ hành xử nào đó, và tức khắc chúng ta gán ngay cho họ nhãn hiệu "kẻ thù". Thế nhưng sau đó nếu thái độ ấy của họ hoàn toàn thay đổi từ đầu đến đuôi thì trong trường hợp này họ sẽ phải trở thành "bạn hữu" của các bạn. Chỉ là một người duy nhất thế nhưng hôm trước là "kẻ thù" hôm sau lại là "bạn". Chẳng phải là phi lý hay sao?
237
Phải ý thức được sự khác biệt giữa một cá thể con người và các thái độ nhất thởi (tạm bợ) của người ấy. Không nên chống lại một người nào cả (với tư cách là con người) mà chỉ chống lại một "thể dạng xúc cảm" hay một "thái độ hành xử" của người ấy. Phải loại bỏ ngay mọi sự mong muốn làm hại bản thân một người nào đó. Hãy tìm cách giúp người ấy biến cải và mang lại cho họ tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có thể làm được. Phải tìm mọi cách khiến người ấy phải chấm dứt thái độ thù ngịch với mình, nhưng đồng thời vẫn biểu lộ được tình thương yêu của mình đối với người ấy, đấy mới thật sự là cách giúp người ấy nhanh chóng biết dừng lại các hành động thù nghịch của mình, và biết đâu nhờ đó người ấy cũng có thể trở thành một người bạn của mình.
238
Nếu không thể tha thứ những điều tồi tệ mà một người nào đó gây ra cho mình hay cho một người nào khác cũng vậy, thì cứ hãy chống lại hành động ấy nhưng không thù hận người gây ra hành động ấy, không nên để mình bị lôi cuốn bởi sự hung bạo chống lại người ấy hoặc tìm cách trả thù người ấy. Đấy là cách không để cho hành động của mình biến thành một sự phục thù, nói một cách khác là không được sử dụng sự nóng giận để đáp lại sự nóng giận. Đấy chính là sự nhẫn nhục đích thật. Quả hết sức khó phản ứng một cách đúng đắn trong khi đang bị kiềm tỏa bởi một cơn nóng giận cực độ. Vậy thì hãy cứ quên đi cơn nóng giận ấy của mình (cố gắng không để ý đến nó, làm ngơ không hề hay biết gì cả về sự nóng giận đó, dường như nó từ nơi khác đến, tương tự như một thứ "ma quỷ" thật đáng ghét xâm nhập vào tâm thức mình, sự nóng giận đó không phải là của mình).
239
Gần đây khi đang ở Jerusalem, tôi có tham dự một cuộc tranh luận giữa sinh viên Do thái và Palestin. Trước khi kết thúc buổi họp, có một người Palestin phát biểu rằng bắt đầu từ giây phút này mọi sự tất sẽ phải diễn tiến êm thắm, Thế nhưng đấy cũng chì là những lời thốt lên trong khi thảo luận với nhau, thế nhưng khi ra đường thì lại khác. Nếu bị cảnh sát Do Thái bắt thì họ sẽ nổi giận ngay và xem người Do Thái là kẻ thù. Họ tự hỏi vậy thì phài giải quyết như thế nào về vấn đề này? Họ lại thảo luận với nhau và nảy ra ý kiến là nên xem người khác là "hình ảnh của Thượng Đế". Một sinh viên bèn phát biểu thêm: "Mỗi khi các bạn đứng trước một người nào đó gây ra những điều sai trái với mình và dù người ấy là ai cũng vậy, các bạn cứ xem người ấy là "hình ảnh của Thượng Đế", thì tức khắc sự giận dữ của các bạn sẽ tan biến hết". Phải chăng đấy là một ý kiến rất hay? Đối với riêng tôi thì ý kiến ấy thật hết sức tuyệt vời!
240
Có một người viết thư thuật lại với tôi mỗi khi ngồi thiền thì hình ảnh của Đạt-lai Lạt-ma lại hiện ra trong tâm thức mình, mang lại cho mình thật nhiều điều tốt đẹp. Hiện nay mỗi khi nổi giận thì người này tức khắc nghĩ đến tôi và cơn giận sẽ biến mất (Ngài bật cười). Theo tôi nghĩ thì mỗi khi cơn giận bất thần bùng lên trong nội tâm mình thì thay vì hướng sự chú tâm của mình vào đối tượng đó tức là sự nóng giận đó, thì chúng ta nên nghĩ đến một người hay một vật gì mà mình yêu quý, thì tức khắc tâm thức sẽ lắng xuống ngay, ít ra cũng được một phần nào. Chẳng hạn như nghĩ đến người đàn ông hay đàn bà mà mình yêu quý (đó là cách mượn sức mạnh của bản năng truyền giống để hóa giải sức mạnh của bản năng sinh tồn là sự "giận dữ" tức là một hình thức "bảo vệ" chính mình) thì tâm thức sẽ chuyển sang một hướng khác, người ta thường nói "hai tư duy không thể hiển hiện cùng một lúc được" (không thể suy nghĩ hay chú tâm cùng một lúc vào hai đối tượng khác nhau. Tư duy hiện lên sau sẽ "che lấp" hay "loại bỏ" hẳn tư duy hiện lên trước nó). Tâm thức sẽ tự động hướng vào một hình ảnh mới, tất nhiên là hình ảnh này phải mạnh hơn, và trong trường hợp đó nó sẽ lấn lướt và làm cho hình ảnh hiện lên trước đó phải biến mất.
Các hình ảnh, các sự nhận thức, kể cả xúc cảm khổ đau hay hạnh phúc, hân hoan hay lo buồn cũng vậy, tất cả đều là các thứ tạo tác tâm thần. Chúng "tuần tự" hiện ra, nối tiếp nhau và xô đẩy nhau diễn tiến trong tâm thức, nhưng không thể chồm lên nhau được. Tâm thức tương tự như hai tay, không thể làm hai việc hoàn toàn khác nhau trong cùng một lúc, khổ đau và hạnh phúc cũng vậy không thể hiện lên trong cùng một đơn vị khoảnh khắc trên dòng luân lưu của tri thức. Phép thiền định có thể giúp chúng ta theo dõi sự vận hành đó của các thứ tạo tác tâm thần hầu chủ động chúng tùy theo bản chất của chúng - gccncntV.
241
Tôi thường nói là nếu chúng ta cứ để cho sự nóng giận tha hồ bùng lên, thì chưa chắc sẽ tạo ra thiệt hại cho kẻ thù của mình, mà chắc chắn sẽ gây ra đủ mọi thứ tai hại cho chính mình. Chúng ta đánh mất sự an bình trong nội tâm, không còn làm được việc gì ra hồn cả, ăn uống không tiêu, mất ngủ, xô đuổi khách khứa, nhìn những người cả gan đi chắn ngang mặt mình với cặp mắt giận dữ. Nếu có nuôi một con vật trong nhà thì quên không cho nó ăn. Chúng ta tạo ra cho những người trong gia đình một cuộc sống thật nặng nề, không sao kham nổi. Bạn bè thân thiết nhất trước đây cũng phải lánh mặt. Những người có lòng thương cảm mình trước hoàn cảnh đó của mình cũng thưa dần, chúng ta ngày càng lẻ loi.
Những người mà mình xem là kẻ thù biết đâu đang ngồi thảnh thơi tại nhà họ. Một ngày nào đó. những người hàng xóm của mình biết đâu cũng có thể thuật lại với kẻ thù của mình về những gì mà họ được nghe và trông thấy tận mắt, thì khi đó kẻ thù của mình sẽ không khỏi cảm thấy thích thú. Chẳng hạn như họ được nghe nói như sau: "Quả thật anh ta vô cùng khổ sở, mất ăn, mặt mày hốc hác, tóc rối bù, mất ngủ, phải uống thuốc an thần, không ai viếng thăm, con chó nuôi trong nhà cũng không dám đến gần và cứ tru lên liên hồi", thì nhất định kẻ thù của mình sẽ cảm thấy thích thú vô cùng. Và nếu hắn biết được tin người ta đưa mình vào bệnh viện, thì câu chuyện đã đến hồi kết thúc.
Suy tư về sự kiềm tỏa dục vọng
242
Chủ đích của sự thèm khát là thỏa mãn. Một khi sự thèm khát đã điều khiển được mình và mình thí cứ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, thì chủ đích đó (tức là sự thỏa mãn) sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, thay vì tìm được hạnh phúc thì chúng ta phải đối đầu với khổ đau. Ngày nay người ta thường xem trọng sự tự do tính dục. Thế nhưng nếu cứ buông thả sự thèm khát tính dục tha hồ tung hoành duy nhất với mục đích tìm sự thích thú, thì chẳng những chúng ta sẽ không sao mang lại được cho mình một sự toại nguyện lâu dài mà còn tạo ra vô số các vấn đề tiêu cực khác - nào là niềm đau của người phối ngẫu bị bỏ rơi, lứa đôi tan vỡ, cuộc sống của con cái bị xáo trộn, bệnh hoa liễu, AIDS,.. - tất cả các thứ ấy thật hết sức thảm thương so với một chút thích thú ngắn ngủi mà mình có thể đạt được (Đức Đạt-lai Lạt-ma nói lên lời khuyên này đã gần hai mươi năm. Ngày nay chuyện tố cáo các hành vi xâm phạm tính dục đang sôi sục và trở thành cả một phong trào, liên lụy đến đủ mọi lãnh vực, từ chính trị, nghệ thuật, tín ngưỡng..., khiến nhiều người vào tù, danh vọng tiêu tan, uy tín bị sụp đổ. Tất cả cũng chỉ vì một chút thích thú tạo ra bởi sự đụng chạm và cọ sát, là những hình thức thúc đẩy với ít nhiều méo mó, phát sinh từ bản năng truyền giống!).
243
Bản chất của sự thèm khát là ngày càng trở nên mãnh liệt hơn, dù rằng trong sự gia tăng đó của sự thèm khát, đôi khi người ta cũng cứ nghĩ rằng là mình đã tìm được sự thỏa mãn (sự thèm khát là độc tố nguy hiểm và trực tiếp nhất mang lại khổ đau cho con người, nó liên hệ với các thứ bản năng của sự sống nói chung). Đối với bất cứ ai, một khi đã rơi vào chiếc bẫy đó của sự thèm khát thì cũng tương tự như một người khát nước nhưng chỉ uống toàn nước biển: càng uống càng khát thêm (đối với bản năng sinh tồn thì cứ muốn ngày càng "giàu có" hơn, đưa đến mọi hình thức trang dành và xung đột; đối với bản năng truyền giống thì cứ muốn ngày càng được "thỏa mãn" hơn, có nhiều nhân tình hơn; đối với bản năng sợ chết thì ngày càng muốn được "an tâm" hơn, trước và cả sau khi chết, đưa đến mọi hình thức cực đoan. Ghép chung cả ba thứ bản năng trên đây sẽ tạo ra "cái tôi" của con người, đưa đến tình trạng ngày nay của nhân loại và thế giới).
244
Bất cứ thứ gì cũng có giới hạn của nó. Nếu muốn trở nên giàu có thì biết đâu chúng ta cũng có thể kiếm được nhiều tiền, thế nhưng một ngày nào đó khi hoàn cảnh chuyển theo chiều hướng khác thì chúng ta cũng có thể sẽ không còn kiếm thêm được một đồng nào nữa. Điều đó khiến chúng ta không khỏi tuyệt vọng. Vì thế cũng nên tự thẩm định một mức độ thuận lợi của các điều kiện bên ngoài để biết dừng lại, thay vì cứ để cho chúng áp đặt cái ranh giới đó cho mình sau này. Do vậy trong lúc này hãy giảm bớt những sự thèm khát và tập quen dần với sự hài lòng (nếu nhìn dưới một góc cạnh khác thì các điều kiện thuận lợi - từ bên trong cũng như bối cảnh bên ngoài - là kết quả mang lại từ "công đức" của mình trong quá khứ. Thay vì bồi đắp thêm các "công đức" đó để duy trì một hoàn cảnh ngày càng thuận lợi hơn, thì mình lại tiêu dùng hết các "công đức" ấy bằng sự tham lam, thèm khát và ích kỷ của mình, và khi đó thì hoàn cảnh bất thuận lợi sẽ không sao tránh khỏi xảy đến với mình).
245
Sự thèm khát chính là cội nguồn tạo ra đủ mọi thứ khó khăn, chúng lôi kéo nhau không bao giờ chấm dứt. Càng thèm khát càng phải tính toán và phấn đấu để tìm sự thỏa mãn. Cách nay ít lâu có một doanh nhân thuật lại với tôi rằng trước đây trong khi tìm cách phát triển xí nghiệp của mình thì anh ta cứ muốn nó phải ngày càng to lớn hơn, và trong lúc đó thì anh ta cũng càng phải nói dối nhiều hơn, đấm đá thẳng tay hơn với đám người cạnh tranh với mình. Sau cùng thì anh ta nhận thấy rằng thúc đẩy sự ham muốn ngày càng nhiều chẳng mang ý nghĩa gì cả, anh ta bèn dần dần thu hẹp các dự án kinh doanh của mình, sự cạnh tranh theo đó cũng trở nên bớt khốc liệt hơn, nhờ vậy mà anh ta có thể làm ăn lương thiện hơn. Tôi nhận thấy các lời thổ lộ đó thật hữu lý.
246
Tôi không có ý nói là không nên làm thương mại và khuếch trương xí nghiệp. Thành công trong lãnh vực kinh tế là điều tốt, vì là cách tạo ra công ăn việc làm cho người thất nghiệp, tóm lại không những tốt với minh, với người khác mà cả toàn thể xã hội . Giả thử nếu tất cả mọi người đều chọn cuộc sống của người tu hành, ngày ngày khất thực, thì kinh tế sẽ sụp đổ ngay, mọi người sẽ chết đói (Ngài bật cười)! Tôi tin rằng trước cảnh đó Đức Phật sẽ phải nói với các nhà sư rằng: "Vậy thì bây giờ tất cả phải ra tay làm việc đấy nhé! (Ngài lại tiếp tục cười).
247
Không nên chỉ biết phát triển kinh tế mà bất chấp các giá trị con người. Phải luôn ngay thật trong việc kinh doanh, không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận và quên mất sự an bình trong chính nội tâm mình. Nếu xem lợi nhuận là chủ đích ưu tiên có thể bào chữa cho tất cả các hành vi tồi tệ khác, thì bãi bỏ chế độ nô lệ để mà làm gì? Theo tôi, các giá trị cao cả mới đúng là các yếu tố chính đáng mang lại sự tiến bộ.
Suy tư về sự ganh tị và chứng ghen tuông
248
Ganh tị khiến chúng ta khổ tâm và ngăn chận mọi sự thăng tiến tâm linh. Nếu sự ganh tị trở nên quá độ thì nó sẽ gây ra thêm tai hại cho những người khác nữa. Ganh tị là một thứ cảm tính vô cùng tiêu cực.
249
Ganh tị là một điều phi lý. Cảm tính đó không ngăn cản được những người mà mình ganh tị kiếm được nhiều tiền hơn mình, cũng không ngăn cấm được họ có nhiều phẩm tính hơn mình, mà chỉ là cách tạo ra thêm khổ đau cho mình mà thôi. Nếu sự ganh tị bùng lên quá mạnh khiến mình tàn phá sự thành công của kẻ khác, làm tiêu tán gia sản của họ, thì chẳng có gì đê hèn hơn! Thật hết sức hiển nhiên, những sự tàn phá đó sớm muộn sẽ quay ngược lại mình mà thôi.
250
Sụ ganh tị quả hết sức phi lý, chẳng qua vì sự an vui của xã hội tùy thuộc vào tất cả các thành phần tạo ra nó. Nếu một số người trở nên giàu có thì toàn thể xã hội cũng được hưởng lây, trong đó có cả chính mình, dù chỉ ở một mức độ nào cũng vậy. Vì thế mỗi khi trông thấy một người giàu có thì thay vì bực tức thì hãy nghĩ rằng điều đó cũng tốt cho cả chính mình.
251
Nếu một người nào đó mà mình yêu quý - hoặc còn phải nhờ vả mình - đạt được nhiều thành quả tốt thì mình cũng nên lấy đó làm mừng. Dù không hoàn toàn thán phục người ấy đi nữa, thế nhưng nếu sự thành công của họ mang lại ích lợi cho xã hội, thì đấy lại càng là lý do khiến mình vui sướng hơn nữa. Một người đơn độc không thể nào mang lại được sự giàu có cho toàn xứ sở, tài năng cùng với sự chung sức của thật nhiều người là điều cần thiết. Người mà mình nói đến trên đây là một trong số những người hội đủ các khả năng đó, vậy thì sự thành công của họ phải là một điều đáng mừng.
252
Thí dụ có một người nào đó giàu sang và thông minh hơn mình nhưng chỉ biết thụ hưởng một mình, và nếu cứ nhìn vào người ấy để mà uất ức đến nghẹt thở thì có lợi lộc gì đâu? Tại sao kẻ khác lại không có quyền được hưởng những gì mà chính bản thân mình cũng đang thèm khát?
253
Có một hình thức ganh ghét khác mà theo tôi thì dường như cũng có thể bào chữa được, tuy nhiên không phải vì thế mà sự ganh ghét đó không phải là một thứ xúc cảm kém tiêu cực. Đó là thứ xúc cảm hiện ra với một đôi tình nhân mà một trong hai người bị phụ bạc. Hãy hình dung hai người yêu nhau khắng khít, cả hai lập gia đình và sống chung với nhau, tạo cho nhau một cuộc sống hòa thuận, hoàn toàn tin tưởng nhau, sinh con đẻ cái. Thế rồi một ngày nào đó, một trong hai người có nhân tình, một người yêu mới, trong trường hợp này thì thật hết sức dễ hiểu, người kia tất sẽ cảm thấy đau lòng (tiếng Việt phân biệt thật rõ ràng giữa hai thứ xúc cảm: "ganh ghét" và "ghen tuông"; "ganh ghét" hay "ganh tị" liên quan đến bản năng sinh tồn, trong khi đó "ghen tuông" liên quan đến bản năng truyền giống. Thế nhưng trong các ngôn ngữ Tây Phương thì hai thứ xúc cảm này được gọi chung bằng một thuật ngữ duy nhất là "jealousy").
Tuy nhiên chính người ghen tuông cũng phải nhận lãnh một phần trách nhiệm trong đó. Có một người thuật lại với tôi trường hợp của mình như sau, khi mới sống chung thì hai người rất gắn bó và dần dần hiểu nhau hơn. Thế nhưng sau một thời gian thì anh ta cảm thấy một sự ái ngại nào đó hiện ra, ngày càng nặng nề, có thể nói là cả một sự thù ghét nhau mỗi khi cảm thấy hiểu nhau quá nhiều. Một sự căng thẳng xảy ra giữa hai người rồi sau đó thì người đàn bà ra đi và sống với một người đàn ông khác.
Đối với tôi phản ứng của người này thật hết sức lạ lùng. Một khi dã sống chung với nhau thì nhất định phải càng cảm thấy gần gũi với nhau hơn. Càng gần gũi thì lại càng không cần giấu giếm gì nhau nữa.
Lời khuyên trên đây thật sâu sắc, kín đáo và khéo léo. Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên một trường