;
Tiếng chuông gió đinh đoong như một khúc nhạc trời tiễn ru cho đời lá rụng. Bất giác tôi nghĩ về những người trên giường bệnh, những người đang hấp hối và những người vừa mất đi.
Họ cũng như lá vàng kia, thoáng chút gió mưa là rụng, là nằm chơ vơ, rồi bị cuốn mất. Gió cuốn lá về đâu? Và những người chết - họ sẽ đi về đâu? Đối diện với sự thật về vô thường và cái chết, có lần tôi đã hỏi Thầy về câu hỏi đó. Thầy bật cười:
- Ta đã chết đâu mà biết được? Nhưng câu trả lời thích hợp nhất có lẽ là: Khi chết, con người ta sẽ đi về trái tim của những người đang sống.
- Dạ, vậy… Thầy có sợ chết không ạ?
- Ta hả? Chết à? Ờ… có chứ. Ta cũng sợ chết lắm chứ! - thầy bật cười to hơn.
- Dạ, con tưởng các quý Thầy tu tập có nhiều năng lượng, thấy được lẽ vô thường và đối diện với nhiều sự ra đi của người khác thì không còn sợ chết nữa... Bình thản trước những câu thắc của tôi thầy bảo:
- Sợ ở đây không phải sợ cảm giác khi chết. Mà là trân quý cơ hội được làm người, nên muốn sống cho trọn vẹn với ý nghĩa của kiếp người và muốn có thêm thời gian, cơ hội để đưa Phật pháp đến với nhiều người còn lầm lạc trên hành trình tìm về giác ngộ-giải thoát.
Vạn vật có sinh có diệt. Ai rồi cũng đều sẽ phải đối diện với sự ra đi của người thân, bạn bè, và đến sự ra đi của chính mình. Mỗi người sinh ra đã có một lộ trình của duyên nghiệp mình cần đi qua, cộng với nhân quả mình tạo tác, gặt hái ở hiện tại thế gian này mà quyết định điểm đến của cái chết ấy là dài hay ngắn.
Tuy nhiên, dài hay ngắn cũng không quan trọng bằng việc mình sống như thế nào cho có ý nghĩa - cho chính mình và những người xung quanh. Sự ra đi của một người nào đó cũng là cách nhắc nhở người ở lại cần biết nhận ra lẽ vô thường của đời người, mà nâng niu quý trọng từng phút giây còn được thở, còn được sống sao cho an vui, hữu ích cho đời.
- Dạ, con đã hiểu thưa thầy. Thầy cũng từng nói với chúng con rằng thân người khó được. Kiếp sau ai biết được mình thọ báo thân nào, có được làm người không? Có phải vì vậy mà khi một người ra đi, người ta đem lòng thương tiếc mà khóc than rầu rĩ vậy không?
- Đúng là Đức Phật dạy thân người khó được. Việc một người ra đi, người thân thương tiếc là điều tất yếu. Tuy nhiên vẫn cần phải hiểu đó là lẽ vô thường của cuộc đời. Trong cuộc sống, bất cứ thứ gì ra đi, rời xa mình - dù là công việc, tình cảm, mối quan hệ, hay cả sự ra đi của một người thân - ấy cũng là thứ đã hoàn thành sứ mệnh của nó, duyên phận của ta với nó đã đến hồi khép lại để nhường chỗ cho một cái mới khác. Rồi lại theo đó, duyên phận mới lại bắt đầu.
Cứ như thế, theo pháp giới duyên sinh của nhà Phật thì chết đâu phải là hết, đâu phải là "trắng tay" như người ta vốn nghĩ mà là sự chuyển sinh một đời sống khác, làm sao phải bàng hoàng, sợ hãi để rồi đọa lạc! Với lý nhân quả duyên sinh của Phật giáo đời sống tiếp theo của con người xấu hay tốt nó hoàn toàn phụ thuộc váo "nghiệp" của người ta đã tạo tác hay nói cho dễ hiểu là do cái tình thức, cái đức sống của hiện tại này quyết định.
Vậy nên khi một người thân ra đi, có thương tiếc nhưng đừng quá đắm chìm và để nó làm ảnh hưởng đến nhịp sống hiện tại. Như thế cả người ra đi và người ở lại đều dính mắc bất an.
Giống như con về chùa thăm ta, rồi đến lúc con cần phải ra về - nhưng ta lại cố níu kéo mời con ở lại trò chuyện. Con ở lại lòng cũng không an vì ngoài kia cuộc sống của con đang thúc gọi trở về. Vậy nên, có lưu luyến bao nhiêu, nhưng đến thời điểm phải chia tay, hãy mỉm cười để người ra đi và người ở lại đều thảnh thơi. Và để nụ cười còn in đậm trong tim nhau.
Tôi đã hỏi thầy về cái chết từ góc nhìn của một người quan sát - hỏi với sự tò mò - mà chưa một lần nghĩ về cảm giác của người sắp ra đi. Tôi biết, thầy sẽ lại mỉm cười sảng khoái: “Đợi lúc nào ta hấp hối sắp ra đi, ta sẽ nói cho con biết”.
Có một câu chuyện tôi từng nghe thầy kể với các khóa sinh trong Khóa tu mùa hè “Về Nguồn” vừa qua: Khi con mèo của con bị bệnh nặng, bác sĩ bảo không thể cứu sống được, kiểu gì nó cũng sẽ chết. Có hai lựa chọn: Một là để cho nó được chết, thoát khỏi đau đớn đang dày vò. Hai là tiêm một mũi thuốc, nó sẽ sống thêm được 4-5 giờ đồng hồ nữa, con sẽ chọn cách nào?
Đa phần khóa sinh đều chọn cách thứ hai. Thầy mỉm cười:
- Đó là lựa chọn bình thường của phần đa. Có ai tự hỏi khi lựa chọn phương án ấy là vì nghĩ cho chính bản thân mình hay nghĩ cho con mèo chưa? Con mèo nó đau đớn lắm rồi, mệt mỏi lắm rồi, nó chỉ mong được sớm ra đi, thoát khỏi kiếp sống này, và nếu đủ nhân duyên sẽ thọ báo trong một kiếp sống khác. Còn con, vì sợ cảm giác cô đơn, trống vắng, sợ phải xa thứ mà con đang thích, con đang sở hữu nên muốn níu giữ thêm - dù bác sĩ đã kết luận không thể cứu sống được.
Việc gì xảy đến trong đời này là việc tất nhiên nó cần phải xảy đến. Nếu ta không thể thay đổi được, hãy học cách đối diện với nó và có những ý niệm, hành động phù hợp nhất, đừng nên chìm đắm quá là được. Tới đây, tôi bỗng nhiên nhớ đến một bà giáo già, một nghệ sĩ guitar Hawaii trên phố Phan Văn Trường (Hà Nội) bữa nọ.
Trải qua 2 tai nạn lớn trong đời tưởng như cận kề cái chết, bà vẫn gắng lạc quan và mỉm cười với cuộc sống của mình, vịn tiếng đàn guitar Hawaii mà vượt qua đau đớn, mang tiếng đàn ấy chia sẻ tới nhiều người trẻ để guitar Hawaii không bị mai một ở Việt Nam.
Có lần bà tâm sự với con mình về ước mong khi chết; đó là không muốn con cháu than khóc rầu rĩ. Bà sợ tiếng kèn tiếng trống, tiếng khóc than u ám bao trùm căn phòng, và bao trùm cả tâm hồn bà phút ra đi.
Bà muốn phút tử biệt sinh ly ấy thật nhẹ nhàng, thanh thản: thắp nến lung linh khắp phòng, đốt chút hương trầm thơm thoảng, và bật những bản nhạc bà yêu thích, nhè nhẹ, nhè nhẹ du dương... Phút lâm chung ấy, chút ý niệm cuối cùng còn sót lại, bà sẽ dành lời cầu nguyện cho những người ở lại, cho những người bà trân trọng và yêu thương, mong người ở lại luôn sống tốt, sống tiếp giùm bà...
Từ ý niệm của bà với tiếng đàn guitar Hawaii, tôi cảm phục nghị lực của bà, và cũng thích tư duy đối diện với cái chết của bà. Bởi nó nhẹ nhàng như cách Trịnh Công Sơn chia tay với cuộc đời: “Những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây. Chút nắng vàng giờ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui. Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời, như một lời chia tay...”
Cũng như bà giáo già kể trên, từ lâu tôi cũng sợ nghe thấy tiếng kèn trong mỗi đám tang. Lòng người đã rầu rồi, tiếng kèn ấy lại bồi thêm, làm xé gan xé ruột mọi người. Bởi nỗi đau trong tàng thức của nhân sinh!
Có nhất thiết khi một người nằm xuống, người ở lại phải tạo nên một bầu không khí quá bi thương buồn thảm như vậy không? Nó là tình cảm thực dành cho người ra đi, hay vì lo sợ hàng xóm xung quanh dị nghị không làm nghi lễ đầy đủ như mọi nhà, và khi tiễn đưa thì cứ nghĩ người đưa nhiều hay ít, người khóc- khóc to hay khóc nhỏ? Và cũng như cách Thầy ví dụ ở trên về việc tôi đến thăm, sẽ phải ra về mà thầy vẫn cố níu kéo, liệu người chết có thanh thản, an lòng mà ra đi khi quyến thuộc còn luyến ái, níu thương mà chẳng hiểu sự vô thường?
Tôi cũng sợ việc ngồi ăn cơm trong một đám tang. Người thân mất đã là một nỗi đau, nhưng gia đình lại phải lo làm cỗ, lo phần này phần kia phục vụ không được chu đáo lại có tiếng ì sèo. Trong không gian buồn thảm ấy, miếng cơm đâu có dễ nuốt khi đặt mình vào nỗi đau của người, và khi hiểu rằng hôm nay thần chết đến gõ cửa nhà này, mai có thể đến gõ cửa nhà kia, và sẽ đến lúc gõ cửa nhà mình.
Người ta vẫn cứ vui vẻ cười nói, cạn chén, rồi cả “ dô… dô…” trong một đám tang. Chưa kể một người chết đi, số phận của không ít lợn, gà, gia súc, ca, tôm, chim chóc… cũng chết theo.
* * *
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài, mặt trời soi một kiếp rong chơi…Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, từ vực sâu nghe lời mời đã dậy. Ôi cát bụi phận này, vết mực nào xóa bỏ không hay?” (Trịnh Công Sơn)
Thầy thích nhạc Trịnh, và đặc biệt thích bài hát “Cát bụi” này. Thầy đã say sưa giảng cho chúng tôi nghe về thông điệp gửi gắm trong từng câu hát, về “tiếng đập nào gõ nhịp không nguôi” là phút người ta đóng đinh nắp quan tài, về “vết mực nào xóa bỏ không hay” là phút viết tên mình trên giấy chứng tử, gạch tên ta ra khỏi cuộc đời…
Tôi đã thích, đã yêu bài hát ấy từ trước, nhưng khi được nghe thầy giảng, hiểu sâu hơn thì lại càng thêm yêu hơn nữa. Yêu cả hành trình làm cát bụi của chính tôi khi được may mắn làm người, được lành lặn đầy đủ hình hài, được bố mẹ chăm nuôi ăn học, được thầy cô dìu dắt, được có nhân duyên gặp thầy khai ngộ để xa dần bóng tối u minh…
Nói như nhạc Trịnh hãy coi tất cả như “một kiếp rong chơi”, thảnh thơi, an lành, đừng nặng nề bám víu, bởi ra đi từ đâu rồi sẽ lại trở về nơi đó (nếu lòng ta không xấu ác).
Chết là không còn thở. Hơi thở là thứ quý giá nhất đối với mỗi con người. Cần thở cho thư thái, thảnh thơi; thở cho an vui, hạnh phúc. Vậy nên mỗi sớm mai thức giấc, tôi lại thấy hạnh phúc ùa đến, bắt tay làm bạn với mình khi tôi còn được thở, còn được đánh răng, rửa mặt, còn được mặc chiếc áo mình ưa thích, còn được nhìn thấy người thân mỉm cười, còn được đi làm, còn được ca hát…
Hạnh phúc giản đơn vậy thôi, nhưng có thể là ước mong của vạn người kém may mắn không có được, huống chi là ước mong của vô lượng kiếp khác chưa có duyên phận làm người.
Nghĩ về cuộc đời mình tựa hành trình của một hạt bụi rong chơi, hiểu được cái chết đến với mỗi người cũng thầm lặng như lá vàng khẽ rụng khi hết xanh, hoa úa cánh tàn khi hương đã cạn, biết mỉm cười với những hạnh phúc giản đơn của hiện tại khi mình đang được thở. Khi ấy, hẳn mỗi người sẽ tìm ra nhiều cách để đối diện với cái chết của người thân, không cứ phải chọn cách tiễn đưa người ra đi trong đau đớn tuyệt vọng và u sầu.
Với tôi, có lẽ cái chết chỉ là một sân ga dừng chân của một con người. Ai đó tạm xuống tàu, để cho chuyến tàu đó tiếp tục vận hành hanh thông theo quy luật, lộ trình của nó, hoặc là để nhường một cái ghế cho ai đó vừa lên. Còn ta dừng nghỉ, để đợi một chuyến tàu khác để bước lên, trong chiếc vé lộ trình của nhân quả, trong vòng quay mênh mông của tái sinh luân hồi.
Và nên chăng chúng ta quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, xúc cảm của người sắp ra đi, lắng nghe xem họ mong mỏi điều gì? Ước mong của người nằm xuống có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của những người ở lại - đặc biệt là những người còn sống mà họ nặng tình, trân quý với người đi xa.
Con người chết đi, sẽ đi về trái tim của những người đang sống. Có mặt trong nhau, là sự tiếp nối của nhau, nên ta sống không chỉ cho chính mình nữa. Ta cần sống cho cả những người đã khuất đang còn trong trái tim ta, sống sao xứng đáng, làm một người tử tế và không hổ thẹn với người đã đi xa.
Không ai chết đến hai lần để mà tập chết, vậy cổ đức dạy: Dưỡng tử là pháp chống vô thường và loạn tưởng hữu hiệu. Để kết thúc tảm văn này, tôi bỗng nhớ tới câu nói của thầy Từ Hiếu khi nói về con sóng - dụ cho sự vô thường và cái chết như thế này: "Nhìn con sóng lên, con sóng đổ xuống tưởng mình đã diệt, và nó lo lắng về chết. Nhưng khi nó hiểu rằng, tất cả sóng đều là nước thì nó không còn sợ hãi nữa".
Tản văn: Nguyễn Đức Sinh (Hội văn học Tp Uông Bí)