;
>Nên làm gì khi mạng người còn trong hơi thở?
Tất cả chúng ta vì bị vô minh che lấp nên khi có mặt trên thế gian đều không có nhận thức sáng suốt, do đó ta chỉ lo thụ hưởng sự ăn uống mà nhẫn tâm giết hại các loài vật. Có những việc cần thiết mà chúng ta không lo, chỉ cố tâm lo phần không quan trọng mà lãng quên phần lợi ích lâu dài. Trong cuộc sống chúng ta thường chỉ lo ăn với uống cho đó là vấn đề chính yếu.
Tối ngày chúng ta làm lụng vất vả chỉ để ăn với uống sao cho ngon miệng, nên ta phải giết hại các sinh vật rồi tham đắm, dính mắc vào đó mà chịu quả báo xấu khi đủ duyên. Ăn thì phải món ngon vật lạ hoặc cao lương mỹ vị. Khi có quyền cao chức trọng thì ăn trên ngồi trước bắt người khác phải cung phụng cho mình đầy đủ những nhu cầu cần thiết.
Vấn đề thở là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, nhưng ít ai nghĩ đến mình nhịn thở bao lâu mới chết. Trong tích tắc thở ra mà không thở vào là chết ngay. Vậy mà người đời lại quan trọng việc ăn với uống, còn thở ra sao không cần biết. Rõ ràng, việc tối quan trọng chúng ta lại lơ là, việc không chính đáng thì ta nỗ lực, làm việc nhọc nhằn, vất vả để thỏa mãn cho nhu cầu bản thân. Như vậy hằng ngày ta chỉ lo việc bồi bổ thân này mà đành giết hại vô số các loài vật, ta ăn trên sự đau khổ của chúng.
Cuộc sống của chúng ta trong thời đại hiện nay có quá nhiều thứ bệnh thuộc bộ máy tiêu hóa và hô hấp phát sinh từ sự ăn uống, hít thở không đúng đắn. Một số người ít hoạt động tay chân nên phát sinh rất nhiều bệnh tật. Chính vì thế, muốn thân khỏe mạnh, tâm an ổn nhẹ nhàng, chúng ta cần phải biết điều hòa trong ăn uống, hít thở đúng cách và vận động thân thể nhiều bằng cách lạy Phật, Bồ tát, vừa sám hối nghiệp tập nhiều đời, vừa rèn luyện sức khoẻ dẽo dai.
Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy mọi người không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể. Cách thức ăn uống của người Việt tương đối lành mạnh, nhưng chế độ ăn uống thường mang tính cách theo thói quen, ngon miệng, hợp khẩu vị mà có thể thiếu các chất bổ dưỡng cần thiết hoặc dư chất bổ dưỡng.
Đại đa số chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của nước đối với cơ thể con người nên thường uống ít nước hoặc có uống thì dùng các loại nước ngọt được chế biến hay rượu bia quá nhiều. Cách tốt nhất là uống nước mỗi ngày từ 2 lít đến 2,5 lít bằng nước đun sôi để nguội. Thân thể thiếu nước nên sinh ra nhiều bệnh tật như táo bón, nhức đầu, trĩ, sạn thận, thận suy, áp huyết cao, viêm gan siêu vi B và bụng hay sình chướng, khó tiêu…
Từ đó chúng ta dễ trở nên giận dỗi, cáu gắt, hay nóng nảy, khó chịu, khiến cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, mất tươi vui, hạnh phúc. Lượng nước trong cơ thể chiếm 70% dưới mọi hình thái của nó do đó các tế bào và mọi bộ phận trong thân thể cần có lượng nước nhất định. Ngoài việc tắm rửa hằng ngày để da dẻ sạch sẽ, mịn màng, chúng ta cần uống lượng nước cần thiết để điều hoà thân thể khoẻ mạnh.
Muốn tránh các thứ bệnh nói trên chúng ta cần phải uống nhiều nước, chừng hai ba ly ngay sau khi ngủ dậy mỗi sáng và trước khi đi ngủ buổi tối để giúp bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn hoạt động tốt, dễ dàng lọc máu và thải mọi cặn bã ra ngoài.
Người cư sĩ tại gia nên ăn nhiều rau và trái cây, ăn ít thịt, nhiều cá, nhưng phải biết chọn lựa loại nào ít nhiễm độc. Một số lớn các bệnh tật phát xuất từ việc ăn uống không điều độ hay không biết chọn lựa thức ăn. Giảm bớt chất béo trong máu sẽ tránh được bệnh tim, huyết áp cao và ung thư gan.
Để quân bình trong cuộc sống ăn uống hằng ngày, cơ thể chúng ta cần có đủ chất bổ đến từ thịt, cá và chất xơ trong các thứ rau, đậu và trái cây. Chất xơ giúp tiêu hóa dễ dàng và loại bỏ các thứ mỡ không cần thiết cho cơ thể. Nói chung, thức ăn kho và luộc tốt hơn là chiên, xào, nướng. Ngoài ra, chúng ta nên để ý cách dùng các gia vị âm dương trong nghệ thuật nấu nướng và ăn uống của người Việt Nam. Theo đó, các loại thịt cá thuộc loại âm thường được nấu nướng hay ăn với các thứ gia vị và rau thuộc loại dương, và ngược lại.
Thế giới chúng ta ngày hôm nay có quá nhiều bệnh tật vì ô nhiễm môi trường, ô nhễm thức ăn thực phẩm và do con người ăn uống vô độ. Có ai bệnh mà lại không buồn phiền? Điều đầu tiên chúng ta lo lắng là phải hao tiền tốn của lo thuốc thang, tìm cách chữa trị.
Bệnh có hai dạng là thân bệnh và tâm bệnh, nhưng phần nhiều thân bệnh là do tâm điều hành, sai sử. Thân chúng ta tại sao lại bệnh? Vì tâm tham ăn uống nên ta đưa nhiều các thức ăn uống nhiễm độc vào cơ thể. Do tâm tham muốn quá nhiều nên trở thành tâm bệnh, vì tham nên chúng ta muốn thân sung sướng, không ngờ cái sung sướng trong khoái khẩu lại là nguyên nhân gây ra bệnh.
Ta không biết trân quý sức khỏe sẽ làm tổn thương thân này. Có người suốt cả cuộc đời lúc nào cũng bệnh, khi bị như vậy ta phải biết mình đã gieo tạo nghiệp sát sinh hại vật quá nhiều.
Chúng ta hãy nên thường xuyên thực tập sám hối để dừng nghiệp cũ, không cho chúng tái phạm nữa; mặt khác lại hay giúp người cứu vật, nhờ vậy chúng ta sẽ được mau lành bệnh. Khi bệnh ta hãy tìm phương cách chữa trị như đi khám bác sĩ, đi bệnh viện theo dõi, đồng thời phải biết sám hối, biết làm thiện để chuyển hoá nghiệp xấu ác thì sẽ từ từ hết bệnh.
Rất nhiều bệnh tật phát xuất từ tình trạng máu huyết lưu thông không đều đặn, do ít hoạt động chân tay nên không chuyển tới các cơ phận mọi chất liệu cần thiết, nhất là hồng huyết cầu và dưỡng khí. Do đó, một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là hay siêng năng hoạt động chân tay, tập thể dục, đi bộ, bơi lội, làm vườn, lau dọn nhà cửa và lạy Phật, Bồ tát mỗi ngày.
Một hôm, Phật hỏi các vị Tỳ kheo: “mạng người sống trong bao lâu”? Một thầy trả lời: “mạng người sống chừng 80 năm”. Phật hỏi vị khác, thầy đó trả lời:” mạng người sống trong bữa ăn”. Hai vị thầy trả lời Phật đều không chấp chận. Ngài hỏi tiếp vị thứ ba và vị này trả lời “Mạng người sống trong hơi thở”. Phật nói, “đúng thế, đời người chỉ dài bằng một hơi thở”, bởi thở vào mà không thở ra thì xem như mất mạng.
Chúng ta có thể không ăn hai ba chục ngày mà không chết, chính chúng tôi đã từng nhịn ăn mỗi lần ba bốn tuần, chúng tôi mỗi ngày chỉ uống nửa lít nước đun sôi để nguội, nhờ vậy mà vượt qua được bệnh tật hiểm nghèo.
Ngày xưa đức Phật dạy các tỳ kheo quán hơi thở, thở vô mình biết thở vô, thở ra mình biết thở ra, đến khi thuần thục không cần
theo dõi hơi thở nữa mà chỉ nhìn hơi thở vô ra dài sâu, nhờ vậy tâm an định và trí tuệ thấy biết đúng như thật phát sinh. Do đó, chúng ta ngày càng sống tốt hơn mà hay giúp người, cứu vật.
Khi tâm an định, rỗng rang, bớt đi tạp niệm thì trí nhớ sáng suốt, tuệ giác tâm linh khai mở, nhờ vậy ta nhận biết cuộc sống vô thường, mạng sống vô thường và muôn loài vật cũng lại như thế. Mạng sống chúng ta ngắn như một hơi thở, nhờ thường xuyên quán sát như thế ta sẽ thấy biết đúng như thật nên dễ dàng buông xả phiền não tham-sân-si mà an nhiên tự tại, giải thoát.
Dân gian thường nói "có thực mới vực được đạo", tức có ăn mới tu hành được. Đây không chỉ là một câu nói vui đùa bâng quơ mà là một sự thật. Chính vì vậy, ăn uống đã trở thành nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Điều này được thể hiện qua câu nói “miếng trầu làm đầu câu chuyện”.
Ông cha ta nhận thấy ăn uống là sự tự do của mỗi người nên dân gian có câu "trời đánh còn tránh bữa ăn". Xã hội thường coi việc mời ăn, mời uống, tặng quà cáp cho nhau như một mối quan hệ cần thiết của mỗi người. Do đó, “bánh ít đổi đi, bánh quy đổi lại” hay “có đi, có lại mới toại lòng nhau”. Dĩ nhiên, đó cũng là một nhu cầu thiết thực trong mối tương giao cuộc sống.
Ðể thể hiện địa vị và tầm quan trọng của con người trong xã hội nên có câu “mâm cao cỗ đầy” dùng để miêu tả bữa ăn của giới thượng lưu quyền thế. Việc cưới hỏi, lấy vợ gã chồng phải làm tiệc ăn mừng là lẽ đương nhiên; nhưng đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, thi đỗ, làm ăn phát đạt, thậm chí mua nhà tậu đất, thăng quan tiến chức cũng tổ chức ăn mừng thiết đãi gia đình người thân, bạn bè và bà con lối xóm.
Ăn uống, tiệc tùng như thế lâu ngày đã trở thành văn hóa tín ngưỡng trong dân gian mà "phép vua cũng thua lệ làng". Nói cho cùng, ăn uống là một nhu cầu cần thiết và cũng là phương tiện để bày tỏ tình thân hữu hay mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội, nhưng do lối văn hóa ăn uống của người Việt đã ăn thì phải ăn cho đã, đã uống thì phải uống cho say, ăn với uống phải no say. Cho nên từ đó con người ngày càng sa đọa với thói quen ngu si chấp ngã mà làm tổn hại người, vật.
Người dân các miền thôn quê có ba nhu cầu chính trong việc ăn uống là đám giỗ, đám cưới, đám ma. Ba đám này đã trở thành nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Người thành thị thì ăn uống lu sà bù, đâu đâu cũng thấy quán nhậu làng nướng, đủ thứ món ngon vật lạ được phơi bày buôn bán công khai.
Dân gian có câu “ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo", nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta có thể đánh giá con người qua cách ăn, cách uống, cách nói năng và cách làm việc. Hay nói cách khác, ăn uống phản ánh phạm trù sống, phương thức sống, cách thức sống và phép tắc sống, nhìn vào cách ăn uống ta có thể biết người đó có lòng từ bi hay không.
Khi xưa lúc chưa biết tu bản thân chúng tôi là kẻ đam mê ăn uống, ngày nào cũng phải có rượu bia, bồ đà và gái gú. Trong khi chờ con vịt cắt cổ làm tiết canh, chúng tôi tranh thủ để có mồi nhậu lai rai bằng cách thẻo miếng mỡ bầu diều bóp gỏi làm chua khi con vịt còn sống. Loại ăn nhậu như chúng tôi ngày trước là hạng người sống không có nhân cách đạo đức, thử hỏi làm sao biết thương yêu gia đình, người thân nên mới bịp bợm, gian trá, xảo quyệt và ác độc.
Phật pháp quá hay, quá tuyệt vời, chúng tôi nhờ gặp bậc minh sư chân chánh, thầy lành bạn tốt nên mới có cơ hội làm mới lại chính mình mà vượt qua những thói đam mê thấp hèn, có tính cách hại người và vật.
Là người Phật tử chân chính chúng ta phải biết chọn lựa những thức ăn và thức uống không làm ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Người ăn chay mà lại thích ăn đồ giả mặn, loại thức ăn này rất có hại và lại mắc hơn những loại rau cải bình thường nhưng không đủ chất dinh dưởng.
Ăn chay trong thời buổi này phải cao thượng và có ý thức, chúng ta chấp nhận muốn ít biết đủ như vậy sẽ ít bệnh. Trước khi ăn những món hiền lành và bổ dưỡng ta nên nói thầm trong miệng, "chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng ngăn ngừa tật bệnh và nuôi dưỡng thân tâm sáng suốt". Đó là ta luôn sống trong tỉnh giác khi ăn và khi nấu ăn.
Ngoài những thức ăn vật chất để nuôi thân tồn tại, thức ăn tinh thần mới thực sự quan trọng đối với mọi người trên thế gian này. Nếu sống trong tu viện thì mỗi ngày đọc kinh, sám hối, ngồi Thiền, được gần gũi các bậc tu hành kiểu mẫu, trông thấy đức hạnh của họ sẽ giúp chúng ta sống tốt theo.
Người ăn chay đúng cách ít bệnh mà vẫn sống khỏe sống thọ. Ăn chay còn có ích lợi cho sức khỏe, như dễ tiêu hóa hơn, ít gây bệnh tật hơn. Nhiều người chung quanh thường cảm thấy an tâm hơn, khi sống gần gũi những người ăn chay. Những con thú chỉ ăn thực vật thảo mộc, không bao giờ sát hại các sinh vật khác, không gây sợ hãi cho các loài vật sống gần bên.
Người tự nguyện phát tâm ăn chay là người có tâm từ bi rộng lớn, coi muôn loài vật như bản thân mình, không thích giết hại một sinh vật nào, không muốn nhìn thấy một sinh vật nào đau khổ. Họ hiểu biết rằng các loài sinh vật đều ham sống sợ chết, khi bị sát hại chúng cũng đau khổ như loài người, không khác.
Có những người họ từ bi đến nỗi những loài vật nhỏ nhít, như côn trùng gián kiến ruồi muỗi, không dám sát hại chúng, hoặc những loài vật lớn hơn, như gà vịt heo bò, không dám ăn thịt, cho nên họ ăn chay trường. Nhưng đối với gia đình người thân hoặc người bên ngoài xã hội nếu nói một câu lỡ lời, thì họ nhứt định, không chịu bỏ qua, trách móc mạc sát đủ điều.
Trong cuộc sống của chúng ta người nào phát tâm ăn chay trọn vẹn, thì thực là đáng quý, đáng trân trọng. Đó là nhân duyên tốt để chúng ta tiến tu trên con đường hành Bồ tát đạo cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi. Khi ăn chay trường chúng ta giữ trọn vẹn giới không sát sinh nhờ vậy ta không làm tổn hại đến thanh danh, đời sống và hạnh phúc gia đình của người khác.
Ngày nay, trên truyền hình, qua các chương trình dạy nấu ăn, trong nhà bếp tại gia, hay bếp của các nhà hàng, trong khi các con vật vẫn còn sống nhăn. Họ bắt cá còn sống bỏ vào chảo dầu sôi, bỏ cua đang sống vào nồi nước luộc, như sò ốc bị nướng trên lò, như khỉ bị dạt đầu mổ óc ăn sống. Những con vật đó ngo ngoe giẫy giụa vùng vẫy rất đau đớn không khác nào địa ngục trần gian.
Ăn chay đối với nhân loại mà nói, không kể là giữ được thân thể khỏe mạnh, hay tránh được nhân quả nghiệp báo, cùng với những lợi ích khác không thể nói cho cùng. Lợi ích thiết thực lớn nhất của ăn chay, là tăng trưởng lòng từ bi đến với các loài vật và cuối cùng là nhân chấm dứt chiến tranh vì không tạo nghiệp giết hại chúng sinh.
Thức ăn chay phần nhiều đều là rau quả và các loại thảo mộc thiên nhiên được sinh trưởng lớn lên từ đất, đã có nhiều chất dinh dưỡng lại ít độc tố hơn các loài động vật. Người ăn chay đúng cách máu sẽ sạch, nên tuần hoàn nhanh, khiến cơ thể nhẹ nhàng thoải mái, hoạt bát, chịu đựng giỏi, thông minh và có thể sống lâu.
Thường con vật bị giết trong lúc đang giận dữ hoặc sợ hãi, sẽ tiết ra độc tố vẫn tồn đọng trong máu thịt. Nếu chúng ta ăn nhằm loại thịt này, tất nhiên sẽ bị nhiễm độc tố ấy. May mà độc tố này khi gặp rau quả, bị hóa giải bớt một phần nào. Ăn chay có thể giữ lâu tuổi trẻ, tinh lực dồi dào, đầu óc mẫn tiệp, da thịt mềm mại, đây là hiện tượng của tuổi trẻ. Ngược lại, thân thể mệt nhọc, thần trí hôn ám, da thịt xù xì, lộ ra dáng vẻ già trước tuổi.
Sát sinh để ăn thịt các loài động vật dẫn đến làm tổn hại gây ra ác nghiệp thù hằn vay trả, tất phải thọ báo xấu vì sự công bằng của nhân quả. Thọ báo đến nhanh hay chậm là tùy theo sự cố ý có chủ tâm và cách sát sinh hại vật. Nếu sau khi đã lầm lỡ sát sinh, thì chúng ta phải sám hối tu thiện cũng có thể chuyển được nghiệp xấu ác mà quả báo có thể nhẹ đi đôi phần.
Chỉ có Phật giáo mới có thể nói rõ được nguyên nhân vì sao xảy ra chiến tranh. Chúng ta có thể thấy quả thì biết nhân, giống như thấy dưa thì biết ngay dưa là từ hạt giống dưa mà có. Hiện tại, sở dĩ bị quả báo chiến tranh, là do tạo nhân giết hại mà ra. Quả báo của chiến tranh dẫn đến đau thương chết chóc làm nhiều người đau khổ.
Và sát sinh có hai nguyên nhân chủ yếu: một là trực tiếp giết, hai là xúi bảo người khác giết. Tạo hai nghiệp sát này thuần thục, khi đủ duyên tất sẽ kết thành quả chiến tranh. Một số người do không tin lý nhân quả lại còn cho rằng trời sinh ra vạn vật để phục vụ cho con người, nên họ mặc tình giết hại. Dân gian có câu: “Oan gia trái chủ”. Giả sử có trải qua trăm ngàn kiếp đi nữa, một thời gian lâu dài như thế, thì những nghiệp tốt xấu mà mỗi người ra tạo cũng không mất. Nên biết, giữa nhân và quả còn có sự trợ duyên, khi nhân gặp duyên đầy đủ thì trổ quả.
Ăn chay là ăn các loại hạt như gạo, mì, mạch, ngô, các loại hoa lá cây, các loại rau đậu, các loại củ quả. Ăn mặn là ăn những món ăn thuộc các loài động vật, từ to lớn tới các loài nhỏ bé, như trâu bò lợn gà cá tôm cua sò ốc v.v… Vì tất cả các loài hữu tình đều ham sống sợ chết cũng như con người, đức Phật vì lòng từ bi nên khuyên chúng ta tránh sát sinh hại vật, khi ta giết bất cứ con vật nào chúng đều sợ hãi, kêu la, dẫy dụa v.v…
Ăn chay không phải là đổi món ăn cho ngon miệng, cũng không phải là cách ăn kiêng cữ do bác sĩ, thầy thuốc dặn bảo, mà là một cách tu hành của người có lòng từ bi.
Chúng ta thử tìm hiểu xem, ai làm người kể từ khi được sinh ra và lớn lên cho đến bây giờ, muốn bảo tồn mạng sống con người ta đã giết chết vô số loài sinh vật? Lúc vừa mới chào đời tuy chưa biết ăn, nhưng ta bú sữa mẹ, mà sữa mẹ là do đã ăn cơm uống nước cùng các loài sinh vật, khi biết ăn ta đã ăn thịt cá từ bé đến bây giờ gây đau khổ cho các loài vật.
Tại sao ta phải giết chết các loài vật để ăn, trong khi ta không cần giết các sinh vật vẫn có sự sống, nhờ các loài hoa màu bằng thảo mộc giúp ta giữ được sức khỏe và hạn chế tối đa việc làm tổn thương các loài có tình thức? Nếu sự sống của con người vẫn được tồn tại mà không làm chết các sinh vật khác, thì cuộc đời an vui, hạnh phúc biết bao.
Tại sao con người giết sinh vật để ăn? Từ khi loài người có mặt trên thế gian này, họ chỉ ăn các trái các loại cây và hoa màu thiên nhiên. Lúc đầu, loài người chỉ ăn các loại nấm, hạt, hoa, lá, củ, quả, cây, nghĩa là chỉ ăn thức ăn bằng thực vật mà thôi, nhưng dần dần con người ăn thịt cá là do bắt chước các loài dã thú ăn nuốt lẫn nhau.
Khi thấy có một số súc sinh ăn nuốt lẫn nhau để bảo tồn mạng sống, con người thấy các loài ấy ăn thịt, cá, nên bắt chước ăn theo mới đầu cũng ăn sống và sau này con người văn minh nên đã nấu chín và chế biến theo nhiều hình thức khác nhau để phục vụ sự khoái khẩu của con người.
Sự phát triển của loài người ngày càng đông, nên các thức ăn bằng thực vật ngày càng khan hiếm, không đủ cho con người tiêu dùng, nên con người từ đó đã ăn các loài động vật và tự gây giống chăn nuôi thêm. Khi ăn thịt các loài động vật, họ tưởng tượng rằng sẽ tăng sức khỏe để đủ sức làm việc với công việc chân tay nặng nhọc, mặc dù lúc đó con người chưa ý thức được sự tác hại trong vấn đề nhân quả nghiệp báo.
Chính vì vậy, ngày nay với đà văn minh tiến bộ của con người, chúng ta đã thấu hiểu mọi khía cạnh trong cuộc sống đều dựa trên nền tảng nhân quả. Giết hại hay ăn các loài động vật quả báo bị giết hại trở lại, bệnh tật nhiều và chết yểu.
Nếu người Phật tử không có lòng thương xót trước cảnh giết chóc, ăn nuốt lẫn nhau thì hạt giống từ bi của chúng ta bị sự tham lam, bỏn sẻn lấn chiếm từ đó con người trở nên vô cảm và độc ác. Nếu chúng ta vì muốn ăn ngon để cho thỏa mãn sự tham đắm của mình mà nhẫn tâm giết hại các loài vật, vậy sao được gọi là người Phật tử chân chính?
Ăn chay thể hiện lòng bình đẳng của tất cả muôn loài, vì tất cả chúng hữu tình đều có tính Phật như nhau. Con người khi gieo tạo nghiệp xấu ác thì sẽ bị đọa vào các loài súc sinh để trả quả ngu si giết hại, đó là sự bình đẳng trên vấn đề nhân quả, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau.
Một số người cho rằng: “Trời sinh ra vạn vật là để phục vụ cho thần linh thượng đế và con người, con người được toàn quyền hành hạ giết hại các loài vật để sinh sống. Ai theo truyền thống này là tự mình đánh mất lòng từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Quan niệm vật dưỡng nhân làm cho con người ta trở nên thù ghét và giết hại lẫn nhau để bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình.
Ăn chay tránh nghiệp báo bệnh tật và chết yểu, nhưng cũng có người nói rằng: “Cỏ cây cũng có sự sống, đúng, cây cỏ cũng có sự sống, nhưng cây cỏ không có cảm giác, không có ý thức tham sống, sợ chết, lo lắng sợ hãi, vui buồn khổ đau như các loài vật. Con người là một sinh vật có hiểu biết cao, nhờ biết suy nghĩ và nghiệm xét, con người là vật tối linh trong các loài sinh vật.
Chính vì vậy, khi con người gây nghiệp sát sinh thì tội nặng hơn do cố ý, còn các loài súc vật giết hại là do bản năng sinh tồn mà không có sự toan tính. Còn cỏ cây không có cảm giác rõ ràng, do đó Phật nói ăn hoa, lá, củ, quả của cây không gây nghiệp báo, nếu có cũng chỉ ảnh hưởng chút ít.
Trong trường hợp khi một người bị bệnh do vi trùng gây ra, nếu dùng thuốc để diệt vi trùng, bác sĩ cho toa và người uống thuốc có gây nghiệp giết sát sinh hại vật hay không? Vấn đề này quyết định là có sát sinh đối với vi trùng đó, nhưng phước con người lớn hơn, phước là cứu người qua cơn bệnh tật, trước mắt là có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình và được tiếng khen. Về mặt nhân quả đương nhiên phải chịu quả báo đối với các loài vi trùng đó, nhưng chỉ nhẹ thôi không đáng kể.
Ăn chay đúng cách sẽ tránh được nhiều bệnh tật, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu chất dinh dưỡng đều xác định rằng: Không chỉ trong thịt cá mới có chất dinh dưỡng, mà trong các loại rau đậu củ quả.v.v… Con người cần phải có ăn uống mới bảo tồn mạng sống, nếu ăn không đúng cách dễ sinh ra nhiều bệnh tật.
Ăn rau đậu hoa quả, trong người cảm thấy nhẹ nhàng, còn ăn thịt cá thấy hôi tanh và cơ thể nặng nề. Chính vì thế, khi nấu nướng người ta thường cho gia vị thật nhiều để làm át mùi tanh hôi của thịt cá và tạo nên sự hấp dẫn nhằm kích thích khẩu vị của mọi người.
Một bằng chứng cho thấy một số động vật chỉ ăn cỏ cây hoa lá, có thân hình thật to lớn lại khoẻ như voi, trâu, bò, ngựa, dê, v.v…, chúng chẳng bao giờ ăn thịt cá cả, nhưng lại to lớn khoẻ mạnh có thể giúp nhiều cho con người?
Ăn chay là thể hiện lòng từ bi đối với các loài vật, cho nên người Phật tử phải tập ăn chay từ một hai ngày mỗi tháng cho đến khi đủ nhân duyên thì ăn chay hoàn toàn. Khi ăn chay chúng ta nên thay đổi thức ăn cho đỡ ngán, tất cả có thể cùng ăn với cơm, bánh mì, bún, hủ tiếu…
Nếu không biết nấu sẽ mất chất bổ, làm hại bộ máy tiêu hóa, lại không ngon miệng. Khi nấu, luộc nên đậy nắp, không nấu luộc quá chín hoặc chỉ luộc sơ qua, chúng ta nấu luộc vừa chín tới để đảm bảo đầy đủ chất bổ dưỡng.
Còn trong những ngày ăn mặn, chúng ta nên giảm bớt số lượng thịt cá, tăng nhiều rau quả để tập quen dần ăn chay nhờ vậy giảm bớt nghiệp sát sinh hại vật. Khi ăn chay chúng ta hạn chế tối đa thức ăn giả mặn nếu cần thì dứt khoát không ăn bởi đồ giả mặn mất tiền mà không bảo đảm sức khỏe do phải dùng hóa chất giữ cho lâu hư.
Hiện tại, các thứ rau củ rẻ hơn thịt cá, nấu nướng mau chóng không cầu kỳ, trong nhà không có mùi hôi tanh của thịt cá, như vậy ăn chay hợp với cơ thể con người, và thể hiện lòng từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Ăn chay đúng cách làm cho thân thể nhẹ nhàng, lại khỏe mạnh sáng suốt, ít bệnh tật, dễ tu thiền quán, nhờ vậy dễ dàng buông xả tập khí thói quen xấu, do đó đời sau ít bị nghiệp báo xấu.
Hiện nay, trên thế giới, đã có rất nhiều người ăn chay, có những người ăn chay riêng rẽ, có những nhóm, những hội ăn chay. Đặc biệt, những người theo Ấn Độ giáo ngày nay đều ăn chay, họ nhờ tiếp thu lời Phật dạy mà từ bỏ việc ăn mặn.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nếu con người không cần phải ăn uống mà vẫn sống bình thường, chắc là không một ai đấu tranh giành giựt, vì quyền lợi riêng của mình và dân tộc mình, như thế mọi người sẽ sống an vui và hạnh phúc. Đó là chúng ta nói về phạm vi chung của nhân loại. Riêng trong đạo Phật quan niệm về việc ăn uống, có một vấn đề, thường gây thắc mắc, tranh luận đúng sai từ xưa đến nay đó là ăn mặn và ăn chay.
Theo lời Phật dạy muốn có một cuộc sống đầy đủ sức khỏe, và đủ năng lực để làm việc, chúng ta cần phải ăn uống điều độ vừa đủ để nuôi thân. Chúng ta nên theo một chế độ ăn uống thích hợp, với bao nhiêu phân lượng chất đạm, chất xơ, chất bột, chất béo, chất ngọt, chất khoáng, chất vôi, chất sắt, chất nước, và các loại sinh tố, trong một ngày, để cơ thể có đủ năng lượng hoạt động và làm việc. Quá dư chất cũng sinh bệnh và thiếu chất cũng sinh bệnh.
Trong đạo Phật, vấn đề ăn uống không phải là chuyện quan trọng hàng đầu. Dù ăn mặn hay ăn chay, chúng ta nên ăn uống đơn giản đạm bạc, để dành nhiều thời gian cho những việc làm ích lợi. Chuyện ăn uống thuộc về phạm vi thể chất, bồi bổ cho tấm thân tứ đại giả tạm này, để làm phương tiện tu tâm dưỡng tánh, cho đến ngày giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.
Con người muốn sống một cuộc đời an nhàn tự tại, không nên lệ thuộc quá nhiều về sự ăn uống. Một thực tế khác về vấn đề ăn mặn và ăn chay chúng ta cần nên hiểu biết. Ăn chay là thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Thời Phật còn tại thế do đi khất thực và ai cúng gì ăn đó, vã lại lúc đó con người chưa ý thức việc ăn chay. Sau này Phật tử kiến tạo chùa chiền chư tăng ở một chỗ mới bắt đầu ăn chay vì lúc đó phải tự nấu nướng. Ngày nay ở tại am, thất, tịnh xá, chùa, được bố thí, cúng, tặng tiền, vật thực, không thể đến chợ mua thịt, cá, tôm, cua, ốc, sò v.v…
Trong Phật giáo có hai truyền thống: Phật giáo Nam tông tức là Phật giáo nguyên thủy, họ ăn mặn theo quan niệm tam tịnh nhục như Phật giáo Ấn Độ hiện tại vẫn ăn mặn. Thứ nhất không trực tiếp giết hại con vật để ăn, thứ hai không xúi bảo người khác giết, thứ ba không thấy không nghe con vật bị giết. Ngược lại, Bà La Môn giáo ngày xưa nay là Ấn Độ giáo, họ nghe lời Phật dạy biết được nghiệp sát sinh để bồi bổ cho thân này là tội lỗi, sẽ bị trả quả báo giết hại trở lại nên họ đã ăn chay.
Phật giáo thế giới chiếm số đông đa số ăn mặn vì họ quan niệm theo Phật giáo lịch sử ở Ấn độ. Hiện nay chỉ có 4 nước Phật giáo ăn chay: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Tây Tạng. Vậy, việc ăn chay, ăn mặn trong Phật giáo có làm ảnh hưởng đến sự tu tập hay không?
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, khi đức Phật ra đời vì phải đi khất thực, không ở một chỗ quá ba ngày ai cho gì ăn đó mà không phải nấu nướng. Ngày nay, Phật giáo phát triển bắt buộc tu học tại chùa không được đi khất thực và nấu ăn tại chỗ, nếu mua thịt cá về coi sao được?
Và quan niệm của Phật giáo Bắc tông hiện nay ăn chay tu theo hạnh Bồ tát để thành Phật, vì cho rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng như nhau và thể hiện lòng từ bi không muốn làm tổn hại muôn loài vật. Chính vì vậy, Phật giáo Bắc tông bắt buộc mỗi tu sĩ khi thọ giới Tỳ kheo, phải thọ Bồ tát giới, và cư sĩ tại gia nếu phát tâm cũng được thọ Bồ tát giới.
Riêng Phật giáo Nam tông không có thọ Bồ tát giới và ăn mặn theo tam tịnh nhục. Thật ra ăn chay hay ăn mặn cũng đều tu hành được cả, ai đủ duyên thì ăn chay hoàn toàn, ai chưa đủ duyên thì ăn mặn và tập sự ăn chay mỗi tháng từ 1 ngày cho đến 10 ngày và cuối cùng là ăn chay trọn vẹn.
Tóm lại, vấn đề ăn mặn và ăn chay còn khá nhiều khía cạnh tế nhị khác, trong phạm vi hạn hẹp và có giới hạn chúng tôi không dám luận bàn nhiều, chỉ nhắc lại lời cổ nhân dạy: "Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn". Nghĩa là: Con người sanh ra, trên trái đất này, ngoài chuyện ăn uống, để bảo tồn mạng sống, chúng ta còn phải làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Cho nên, người tu theo đạo Phật tại gia hay xuất gia, phải ý thức chỗ này mỗi khi thọ thực, chúng ta cần phát tâm từ bi rộng lớn, thương xót những người chưa có thể ăn chay được vì một lý do gì đó, bằng cách tự đọc lời cầu nguyện trước khi ăn, để hồi hướng phước báu ăn chay, đến với tất cả mọi người. Hoặc chúng ta chắp tay cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, ít ra cũng đều có những bữa cơm đạm bạc như mình vậy, vì sự ăn của mình không làm tổn hại đến các loài vật.