;
Chiều cuối Đông lãng đãng từng mảng mây đen dập dìu trên nền trời xanh nhạt, những mảng mây với những hình thù kỳ quái không biết sẽ tan vào không trung khi nào để hoá thành một cơn mưa. Trên đường, vài chiếc xe đạp tăng tốc, trên tay lái đong đưa chiếc ô đã được chuẩn bị cho một cơn mưa bất chợt. Gió bắt đầu mạnh hơn theo từng nhịp chân bước vội của một vài cô gái mới tan ca trong một công ty ven lộ.
Mọi vật trước mắt dường như gấp gáp hơn, hối hả hơn để đi hoặc về một nơi cho họ một chỗ ấm áp. Dáng chiều se sắt khi vài hạt mưa bụi rơi xuống. Mưa của Đông cuối nó cứ lẩy phẩy lấm tấm như mưa xuân mùa nồm của miền xa Bắc Việt. Những hạt mưa tạt nhẹ theo gió, táp vào mặt khi ta ngước nhìn bầu trời những vạt đen xanh xen nhau, lạnh mà thấy khoan khoái lạ. Cái dáng cao nhòng, lòng khòng khum khum dưới bậu cửa bếp chùa làm tôi giật mình quay người lại. Giọng chị Phật tử từ hướng chính điện đang đi về phía bếp dù chưa thấy mặt đã hình dung được nụ cười.
- Trang ơi! Có gì trong bếp không em, mang cho ông chút gì đi em ơi ... Trước tôi là một ông lão trạc bảy mươi. Nước da sạm đen với bộ râu dài không được cắt tỉa đã che gần hết khuôn mặt. Đôi mắt sâu và những nếp nhăn kéo dài tới gần mang tai. Chiếc mũi cao thẳng như của những người phương Tây làm tôi khó đoán quốc gia của ông là ở đâu.
- Chị ơi, cho ông ấy gì thì được hả chị? Tôi nhìn ông rồi xoay qua hỏi nhỏ chị như sợ ông nghe được mà quên rằng mình đang đàm thoại bằng tiếng Việt, làm sao mà ông có thể hiểu.
- Có cơm trong nồi đó em, đồ ăn thì cái gì ổng cũng ăn được em ạ. Ổng ăn cơm chay cũng quen rồi em. Tôi lại một lần giật mình vì bất ngờ. "Ăn cơm chay quen rồi ". Vậy là ông đã nhiều lần tới chùa xin ăn rồi sao. Vừa lấy bát trong chiếc rổ xếp nơi rửa đồ, tôi vừa đảo mắt tìm nồi cơm. Cái nồi cơm điện cũ có lẽ được ai đó mang tới bếp chùa to gấp mấy lần nồi nhà, bên trong còn chừng vài bát cơm vẫn còn bốc khói. Có lẽ buổi sáng khi mọi người tới làm công quả ăn còn dư lại. Chùa ngày thường chẳng có ai vãng lai nhưng cuối tuần cũng có Phật tử tới tụng kinh, dọn dẹp và cùng nhau học tập. Cái nồi cơm chùa to là vậy, ấy thế mà có lúc cũng chẳng đủ chia.
- Em đơm nhiều chút vào bát to ấy, ổng ăn được lắm, với lại đồ ăn cũng chẳng có gì. Sau khi đơm đầy bát cơm to, cái bát vẫn thường dùng để đựng canh vì chị Phật tử đã nhắc tôi, tôi quay vào trong nơi đặt chiếc bếp ga. Trên bếp chỉ còn một chiếc nồi đã lạnh, còn chút dưa cải kho với đậu hơi màu nước tương, hệt rõ là món ăn chay đặc chất Việt. Tôi hơi băn khoăn.
- Chị à! Dưa xào Việt Nam thôi, ông có ăn được không chị?
- Được em, ông cũng rất dễ ăn mà em. Em xem có gì nữa không, cứ cho chung một tô lớn, ổng ăn hết đó em ơi.
Tôi đang định đi tìm thêm đồ trong tủ lạnh thì thấy ông lão đã không còn đứng ở cửa bếp nữa, ông đã tháo giày và đi vào trong, phía chiếc bàn gỗ có để vài hộp bánh cả Nhật lẫn Việt. Ông chỉ chỏ ra hiệu muốn ăn mấy cái bánh ở đó. Tôi lấy vài cái đưa cho ông nhưng tay ông vẫn còn chỉ thêm mấy cái nữa ở tận góc bàn. Chà, có lẽ ông lão đói lắm rồi. Lấy xong mấy cái bánh ôm gọn trong lòng đôi tay gầy gầy xương xẩu, ông tự quay ra phía ngoài, nơi lúc nãy ông đứng và tiếp tục chờ đợi. Tôi vội nhanh tay xếp bát cơm vào chiếc khay gỗ vuông và thêm vào đó đôi đũa, cái thìa. Trong lòng vẫn còn một chút băn khoăn. "Không biết có đủ cho ông không, và không biết ông có ăn được không nhỉ" Vừa thấy tôi quay ra với cái khay cơm trên tay. Ông lão tự động hướng về chiếc bàn sắt kê dưới mái lều bạt giữa sân chùa.
Gió vẫn se sắt thổi dưới ánh chiều buông thõng. Tôi đưa ông khay cơm và bảo ông ngồi xuống dùng luôn khi vẫn còn nóng. Tay ông lão run run đón bát cơm và cầm chiếc thìa lên. Ông bắt đầu cho từng thìa cơm vào miệng. Hàm râu loà xoà làm mấy hạt cơm vướng vào nhưng ông mặc, ông vẫn ăn trong yên lặng. Tôi khẽ kéo chiếc ghế và ngồi xuống đối diện ông. Tôi và ông ngồi đó với hai dòng suy nghĩ trong đầu. Tôi chẳng biết mình có thể nói chuyện được với ông không. Ông là người Nhật hay người nước nào, nhà ông ở đâu, ông có con cái gì không, sao giờ này ông lại tới đây và xin ăn như vậy...
Hàng tá những câu hỏi cứ nhảy nhót trong đầu tôi, nó thôi thúc ánh nhìn tôi về phía ông càng rõ. Cái dáng ngồi gò xuống như lưng tôm, hai bàn tay đưa lên hạ xuống khi cho thìa cơm vào miệng, đôi mắt sâu thẳm ánh buồn cứ mãi nhìn xuống đôi chân trong đôi giày đã sờn hết. Ông đã gầy lại càng gầy hơn trong cái dáng ngồi ấy. Bóng ông đã đổ dài trên sân chùa khi ngọn đèn treo trên khung lều bạt được bật vì đã nhá nhem tối rồi. Chiều tà thẫm màu trong cảnh tĩnh mịch. Trên sân chùa chỉ còn lặng lẽ hai pho tượng Phật, ông và tôi ngồi trong im lặng. Ông vẫn ăn và nhìn xuống chân. Còn tôi nhìn ra xa xa trên mắt vương sợi khói chiều quê mẹ.
Hoàng Trang