;
Tiên sinh Ohsawa người Nhật là người phát hiện ra phương pháp ăn thuận tự nhiên vốn có sẵn trong truyền thống của người Á Đông,
với nguồn thức ăn ít hoặc hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.
Ông bà ta xưa, dù chưa hệ thống nguồn thức ăn theo phương pháp quân bình âm dương, nhưng cách ăn ở vẫn gần gũi với tự nhiên, đặc biệt việc sử dụng lửa trong chế biến các món ăn đã giúp hạn chế được những tác hại không mong muốn của việc ăn tạp, nhất là ăn thịt các loài động vật.
Tiên sinh Oshawa đã hệ thống khá đầy đủ các nguồn thức ăn thực động vật theo bảng âm dương (nhiều khi không trùng với tính vị hàn nhiệt trong đông y) và đưa ra 10 cấp độ ăn theo phương pháp thực dưỡng (xem hình dưới).
Nhìn vào bảng cấp độ ăn ta có thể thấy có 3 cấp độ âm và 7 cấp độ dương, áp dụng cho tất cả mọi người. Tùy theo thể tạng sức khoẻ, điều kiện môi trường sống mà mỗi người lựa chọn cấp độ ăn cho thích hợp, để cải thiện sức khoẻ, phòng tránh bệnh tật.
- Người Đông Á lấy cơm làm thức ăn chính, nên đương nhiên gạo lứt là thức ăn thuận tự nhiên nhất. Vì vậy đến với thực dưỡng điều đầu tiên là phải thay đổi thói quen dùng gạo, thay gạo xát trắng bằng gạo lứt nguyên cám.
- Các loại đậu, vừng (mè), rau củ, thịt cá phải là nguồn sạch (không phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thức ăn tăng trưởng, thuốc kháng sinh...) thì mới đảm bảo là nguồn thức ăn thuận tự nhiên. Tuyệt đối không ăn thực phẩm biến đổi gen. Hạn chế ăn các loại trái cây không đúng mùa, dù là trái cây sạch.
- Cách phối hợp nguồn thức ăn phải đảm bảo cho yếu tố quân bình âm dương, không sử dụng bột ngọt, bột canh, bột nêm, muối tinh chế, đường tinh luyện, chỉ sử dụng muối hạt và muối hầm, khuyến khích ăn mạch nha, đường thốt nốt, mật ong nguyên chất, tương tamari, tương miso, tekka, các loại dầu ép thủ công.
- Cách nhai cơm quyết định quan trọng đến chất lượng dinh dưỡng và hiệu quả chữa bệnh: ngậm miệng nhai một muỗng vơi cà phê cơm từ 100 đến 200 lần, cho nhuyễn thành nước ngọt mới nuốt xuống từ từ, không vừa nhai vừa nuốt như thói quen ăn thông thường.
- Hạn chế uống nhiều nước, tối đa chỉ 0,75 đến 1 lít/ ngày, uống ấm, uống từ từ chút một khi khát. Thay thế nước uống thông thường bằng trà gạo lứt, trà bancha, các loại trà đậu, trà củ sen... Không sử dụng bia rượu, thuốc lá, nước uống tăng lực, nước ngọt có ga...
- Nếu ăn số 7 để chữa bệnh (trong 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 35 ngày, 49 ngày hoặc lâu hơn), khi ăn ra phải tuân thủ nguyên tắc an toàn cho hệ thống tiêu hoá và tạng phủ: 3 ngày đầu ăn 5 miếng cơm (nhai kỹ như trên) mới ăn một gắp rau nhỏ, 3 ngày sau ăn 4 miếng cơm 1 gắp rau nhỏ, 3 ngày sau nữa ăn 3 miếng cơm 1 gắp rau nhỏ. Nói chung vào số 7 ra số 6, số 5, số 4, số 3, số 2 và ăn như bình thường cho đến số -3.
Những khái quát vắn tắt trên đây cho chúng ta hiểu thế nào là ăn theo phương pháp thực dưỡng, và cũng cho biết ăn thực dưỡng khác ăn chay thông thường như thế nào.
Bữa ăn lành mạnh hàng ngày dành cho mọi người được bác sĩ Hiromi Shinya khuyến cáo như sau: Khoảng 85 đến 90% nguồn thức ăn thực vật (50% gạo lứt và các loại đậu nguyên hạt, 30% các loại rau củ, 5% hoa quả, các loại hạt và sữa thực vật); 10 đến 15% nguồn thức ăn động vật (cá, trứng, thịt gia súc, gia cầm).
Bữa ăn này gần tương đương với cấp độ 2 mà tiên sinh Oshawa đưa ra. Như vậy bước vào ăn thực dưỡng, nếu không phải để chữa các bệnh cụ thể, mọi người có thể chọn ăn từ cấp độ 2 đến -3 cũng đảm bảo sức khoẻ.
Cá nhân người viết khi cho bệnh nhân ăn thực dưỡng chữa bệnh thì áp dụng từ số 7 đến số 3 cho người huyết áp cao hoặc tiểu đường, và áp dụng từ số 2 đến số -3 cho người huyết áp thấp, thiếu máu, thiếu đường. Riêng bệnh ung thư và bệnh nan y khác thì áp dụng số 7 và tuỳ bệnh sử dụng trợ phương bằng các loại trà thực dưỡng, tập khí công, day bấm huyệt (bổ khí lực mà không lo tác dụng phụ). Người không đủ khí để khí hoá thức ăn thì thức ăn ấy gây hại cho tiêu hoá, vì vậy cách nhai thật nhuyễn của thực dưỡng cũng tương đồng với khí công, tức là làm khí hoá thức ăn.
Muốn chữa bệnh hiệu quả, người đến với thực dưỡng cần nuôi dưỡng 3 mục đích đó là dưỡng thân, dưỡng khí và dưỡng tâm. Nên người xưa mới dạy, nhìn tướng không bằng nhìn vào khí (có người mới đầu nhìn đẹp nhưng khí tán, đó là mầm của bệnh), nhìn khí không bằng nhìn vào tâm. Tâm an thì thần định, thần định thì khí vững, khí vững thì huyết thông, huyết thông thì cơ thể khoẻ mạnh.
Các bạn có thể tham khảo thêm tuyến bài ghim trên trang Thực dưỡng Thực hành.