;
Mình có một buổi tâm sự với chị Nguyễn Bình, chị nói dù con liên tục bị cháy hàng, nhưng vẫn phải có thời gian để đi chơi chứ ạ. Đồng tiền tuy quý, nhưng thực dưỡng mà làm giả dối thì nghiệp trả không hết. Rồi chị tâm sự, thầy xem anh Đặng Ngọc Viễn dễ thương không, anh là người mở cửa hàng thực dưỡng nhưng công thức anh sẵn sàng chia sẻ không giấu diếm gì. Rồi các bạn trong nhóm, ai làm được món gì ngon thì làm, không ai có cảm giác mình bị mất thị phần gì ở đây, cứ làm cho tốt người dùng thấy khoẻ ra hết bệnh là thành công, hợp thì dùng của người này không hợp thì dùng của người kia.
Chị bảo công thức thì đầy trên sách vở, nhưng tại sao thầy trò mình rang gạo lứt lại cho ra thứ trà màu vàng trong mà vị lại ngọt như thế.
Quả thực, mình tiếp xúc với một số nhóm thực dưỡng, nhóm khí công, mình thấy họ thường rơi vào giới cấm thủ kiến, cái gì đã thế này thì không được thế khác, rồi tranh cãi ầm ĩ, đến độ sự an lạc chả mấy khi bắt nhịp với nụ cười và ánh mắt của họ.
Mỗi khi dạy cháu chế biến món ăn, từ cách cắt gọt rau củ, cách hoà vị, cách cho thức nào vào trước thức nào vào sau..., mình thường nhắc câu nói của Giáo sư Trần Văn Khê "học thì chân phương, đờn thì hoa lá". Tâm vui người khoẻ thì hãy nấu ăn, bằng không thì tránh xa cái bếp ra một chút.
Hoa lá trong thực dưỡng ngoài việc hiểu biết về âm dương, còn là trực giác quan sát thời tiết, lắng nghe cơ thể, tìm hiểu thổ nhưỡng của từng loại rau củ ở mỗi vùng mà phối vị. Không có thức này thì tìm thức khác tương đồng mà kết hợp.
Bạn bè thân hữu ở xa, mỗi khi làm đồ thực dưỡng gửi biếu, đâu thể tiếp xúc riêng với từng người mà điều chế gia giảm theo thể tạng hàn nhiệt, hư thực, bởi 5 tạng của con người tương sinh tương khắc lẫn nhau trong một thể biến động và chuyển hoá không ngừng. Vì vậy khi chế biến, cứ dồn hết tình vị, ước nguyện tốt lành vào đó, thì chất âm hoá dương, chất dương càng thêm dương. Nắng ấm chan hoà, lửa reo tâm vui, đảo rang quân bình chiều thuận chiều nghịch thì món nào cũng đậm đà tình vị, quân bình thăng hoa.
Mỗi khi ai cho biếu thức gì, mình thường ăn nó với thái độ biết ơn, trước khi ăn cầu nguyện cho họ có thêm nhiều năng lượng và cũng không quên ghi chép ra cẩn thận. Đôi khi thấy người này thiếu cái này người kia dư cái kia, nên có thức để lâu ngày không sao có thức chỉ ít ngày đã hỏng. Đó cũng là điều hết sức bình thường, vì cùng một công thức nhưng không gian thời gian chế biến khác nhau, nguồn lửa nguồn nước khác nhau, nghiệp lực khác nhau, sao mà cho ra một vị được.
Nhiều khi biết người ta biếu mình đồ ăn âm nhiều, nhưng cũng chẳng vì thế sợ hãi vứt bỏ phí phạm, mà dùng nó vào lúc khí trời đang thịnh dương, siêng ngồi thiền và tập khí công thêm một chút. Cơ thể có lúc cần dương, có khi nạp âm, ăn uống bằng tinh thần thoải mái thì tinh thần vốn đã là liều thuốc giải độc rồi, huống gì cơ thể đôi khi có chút bệnh cũng tốt. Đừng nhìn thực phẩm âm như kẻ thù, hoá chất nghe thì ghê gớm, nhưng thực phẩm nào chúng ta ăn vào không phải là những chuyển biến tương tác sinh hoá. Tại sao ta phải ngâm đậu cho nảy mầm từ bên trong, là để tăng những chất có lợi, giảm những chất có hại cho đường tiêu hóa. Chất có hại tự nhiên ấy không phải cũng là hoá chất hay sao. Chúng ta đến với thực dưỡng chẳng phải để "quân bình âm dương" hay sao?
Chữa được người bệnh mới hay chứ chữa bệnh của người thì có chữa được với thời gian vô thường sinh lão bệnh tử không?
Chữa chết mới khó chứ chữa sống khó gì. Thực dưỡng đi đến đích của nó cuối cùng chẳng phải để có một cái chết đẹp, chết lành, chết cho một chu kỳ sống tươi mới tiếp theo hay sao?
Còn ăn thực dưỡng để trường thọ bất tử ư? Đó chỉ là một chiêu trò lừa dối.
Gửi chị Nguyen Binh và nhóm Thực dưỡng Thực hành!