;
Một đời mưu sinh trong tăm tối của kiếp nghèo
Tôi tìm về với gia đình bà Ngô Thị Diễn ở mảnh đất Song Hồng vào một ngày đầu tháng 2/2012. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là ngôi nhà ngói tuềnh toàng, ẩm thấp như từ lâu chẳng có người đến ở. Tôi hỏi thăm nhà bà Diễn, một người đi đường nói: “Nhà bà Diễn ngói cũ nát đó. 4 bà cháu, mẹ con nhà bà Diễn đang sống trong ngôi nhà nớ (ấy) đó. Nhà nớ khổ lắm chú ạ! Quanh năm suốt tháng cả 4 người đều lang thang từ làng trên xuống xóm dưới lượm nhặt ve chai, rồi ra chợ xin ăn để sống cho qua ngày đoạn tháng thôi”.
Tôi bước vào khoảng sân của ngôi nhà rộng chừng 30m2. Một người đàn bà với thân hình thấp nhỏ, gầy rộc bước ra nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm như muốn dò hỏi. Tôi cất tiếng chào và sau những câu hỏi thăm, giới thiệu, bà mời tôi vào nhà và kể về những năm tháng nghiệt ngã, cay đắng đến lặng câm.
“Ngày nớ gia đình tui (tôi) đói lắm. Củ khoai, củ sắn cũng không có mà ăn chứ đừng nói gì đến thìa cơm, bát cháo. Quanh năm suốt tháng đi làm thuê cuốc mướn nhưng vẫn không thoát được cái nghèo, cái đói”, bà Diễn tâm sự với những hơi thở mệt nhọc ở cái tuổi đã gần 80.
Với dung mạo không được ưa nhìn cộng với cái tính hơi ngớ ngẩn, làm trước quên sau, tuy đã đến tuổi cập kê nhưng con trai trong làng chẳng có ai muốn hỏi làm vợ. Sau này, nhờ mối quen biết nên đã có ông tên là Nguyễn Văn Hóa ở xã Xuân Liên đến hỏi cưới để xin bà về làm vợ 2.
Những ngày đầu mới cưới, ông Hóa về nhà vợ ở rể. Nhưng sau đó, do cuộc sống đói nghèo đưa đẩy nên hai người đã quyết định về lập nghiệp tại mảnh đất Song Hồng với hai bàn tay trắng, không nhà cửa, ruộng vườn, cũng không có họ hàng, anh em thân thích. Chính nơi đất khách quê người này, họ đã dựng tạm một túp lều để che mưa che nắng mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày. Một thời gian sau, bà Diễn mang thai. Nhưng đau đớn thay, 5 lần mang thai nhưng trời chẳng cho bà được một người con. Mãi đến năm 1969 bà Diễn lại mang thai và sinh ra được một cô con gái đặt tên là Nguyễn Thị Phương. Niềm vui vừa đến với gia đình bà chẳng được bao lâu thì lại bị dập tắt khi biết cô con gái duy nhất của mình có biểu hiện của bệnh tâm thần.
5 năm sau, bất hạnh lại ập đến gia đình của bà. Ông Hóa một phần do cuộc sống lam lũ mệt nhọc, một phần cũng vì đau buồn, suy nghĩ về gia đình nên đã lâm bệnh và mất khi cô con gái vừa tròn 5 tuổi. Chồng mất, không người nương tựa, không nghề nghiệp để mưu sinh, hai mẹ con bà Diễn phải dắt nhau đi xin từng hạt gạo, bát cơm để lo bữa qua ngày.
“Nghĩ mà thấy thương con quá. Tuổi của nó đang là tuổi ăn tuổi ngủ, nhưng lại phải lang thang cùng mẹ khắp đầu đường xó chợ để xin miếng ăn qua ngày. Thương con lắm nhưng chẳng biết làm răng được. Không ruộng đất, không có nghề nghiệp mưu sinh, nên tui cố gắng thắt lưng, buộc bụng đi xin ăn chỉ mong sao cho con không bị đói, bị rét là mừng. Nhưng rồi cái đói, cái nghèo cứ bám riết nên đành cay đắng chịu đựng thôi”, bà Diễn nghẹn ngào.
Cay đắng đời mẹ, nghiệt ngã đời con.
Càng ngày càng lớn lên, Phương lại càng ngờ nghệch và trở thành một gánh nặng trên vai bà Diễn. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua, rồi một đêm mập mờ tối năm 1993 chị Phương đã bị một kẻ lạ mặt hãm hại và chín tháng sau chị sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Văn Hiếu. Hiếu lớn lên cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng buồn thay Hiếu lại không biết được cha mình là ai.
Nuôi mình và con còn chưa nổi, nay lại thêm 2 đứa cháu, khó khăn, túng thiếu bủa vây lấy gia đình bà như cảnh chị Dậu năm xưa. Cái đói, cái nghèo nên 2 đứa cháu của bà Diễn cũng không được đến trường đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, mà phải lang thang cùng bà và mẹ để xin từng miếng ăn sống qua ngày.
“Nhiều khi khổ quá, tui chỉ muốn nhắm mắt buông xuôi. Nhưng rồi nghĩ lại, chết đi, con và hai đứa cháu lại còn khổ hơn, nên tôi phải cố gắng ngậm đắng nuốt cay cúi mặt mà đi xin ăn”, bà Diễn tủi thân với hai con mắt đỏ hoe, ngân ngấn lệ nói.
Cuộc sống mưu sinh tạm bợ từng ngày, đói rét triền miên, thiếu ăn từng bữa nên ai cũng gầy hốc hác. Hàng ngày, cả 4 bà cháu, mẹ con lang thang khắp chợ để xin ăn, nhặt nhạnh thêm ve chai về bán kiếm tiền mua bát gạo, bát muối. Thỉnh thoảng 4 bà cháu lại dắt nhau xuống biển để xin vài con tôm, con cá về ăn. Đã nhiều lần, vài ba hôm chẳng có ai cho lấy một bát cơm để ăn, 4 mẹ con, bà cháu lại phải uống nước lã, ôm nhau nằm ngủ để quên đi cái đói. “Tội nghiệp nhất là 2 đứa cháu. Nhiều hôm chẳng có gì để lót vào bụng, đêm nằm ngủ nó cứ trằn trọc thao thức mãi chẳng ngủ được. Nhìn chúng nó mà nước mắt tui cứ trào ra, tội nghiệp lắm”, bà Diễn nói như khóc.
Sống trong cái cảnh kiếp ăn mày, mang trên mình là thân phận kẻ xin ăn. Hơn 40 năm đi ăn xin là hơn 40 năm cay đắng, nghiệt ngã của bà Diễn. Ngày nắng cũng như mưa, 4 bà cháu, mẹ con cứ đều đều dắt nhau đi hết làng này đến làng khác, hết xóm này đến xóm khác để xin những người hảo tâm cho bát cơm, bát gạo sống qua ngày.
Mọi người trong thôn biết hoàn cảnh của gia đình bà Diễn như vậy, nên họ cũng hay lui tới, quan tâm chăm sóc. Hôm nào trời mưa, trời gió mọi người lại đến thăm hỏi, sửa lại mấy viên ngói lâu ngày dột nát cho nhà bà. Rồi người thì cho bát gạo, người cho mớ rau, con cá để bà cháu ăn cho đỡ đói.
Chú Quang người hàng xóm của bà Diễn thương cảm nói: “Thấy hoàn cảnh 4 bà cháu như vậy, bà con ở đây ai cũng thương lắm. Nhưng cũng may là 2 đứa trẻ ít đau ốm nên còn đỡ phần nào. Có hôm bị đau bụng hay bị ốm không có tiền mua thuốc, bà Diễn lại ra bứt (hái) ít lá cây phi lau về đốt lửa lên, rồi cả 4 bà cháu ôm nhau xúm lại xông rứa là khỏi, nỏ cần thuốc thang chi hết. Có nhiều lần, cả tuần không có chi ăn, 4 bà cháu, mẹ con lại ôm nhau nằm ngủ. Nhìn tội nghiệp lắm”.
Trước hoàn cảnh éo le của gia đình bà. Năm 2004, UBND xã Cương Gián đã quyết định cấp cho bà một miếng đất rộng 50m2 và hỗ trợ tiền để xây cất một ngôi nhà tình nghĩa, che mưa che nắng cho bà cháu có nơi ăn, chốn ở ổn định. Và UBND cũng làm giấy tờ để cho bà Diễn được hưởng chế độ 202 thuộc diện đói nghèo của nhà nước.
Từ đây mỗi tháng bà được chu cấp 180 nghìn đồng để mua thêm cân gạo, mớ rau cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày. Nhưng rồi cuộc sống vẫn vậy, số tiền nhỏ nhoi ấy chẳng thấm vào đâu khi bệnh tật tuổi già lại hoành hành tấm thân gầy còm của bà Diễn. Càng ngày bà Diễn càng yếu đi, đứa con gái thì ngờ nghệch chẳng có ai thuê mà có thuê cũng không biết làm gì, 2 đứa cháu thì đang tuổi ăn tuổi lớn nên chỉ biết lang thang theo mẹ và bà, để ngửa tay xin những đồng tiền ít ỏi góp cho bà để lo rau, lo cháo qua ngày.
Hai đứa trẻ xin ăn với mơ ước được đến trường học chữ
Cuộc sống khó khăn đưa đẩy. Ngày ngày hai đứa trẻ phải lang thang mưu sinh kiếm sống qua ngày. Rồi lúc hai cháu đã biết nghĩ, biết ái ngại khi phải đối diện với bạn bè cùng trang lứa, thì những câu hỏi ngô nghê, những giọt nước mắt hờn trách vu vơ lại càng làm cho người bà thêm quặn thắt. Tất cả cũng chỉ vì cái nghèo, cái đói, vì cuộc sống mưu sinh nên hai cháu đã không được đến trường như bao đứa trẻ khác. Phải chăng ước mơ được cắp sách đến trường là một điều quá xa vời đối với 2 anh em Hiếu và Thảo.
Ánh mắt buồn rười rượi nhìn vào khoảng không của ngôi nhà, Hiếu tâm sự: “Cháu muốn đi học lắm, nhưng không có tiền. Cháu còn phải đi xin ăn kiếm tiền mua gạo nữa. Nhìn thấy các bạn được cắp sách tới trường còn cháu thì phải lang thang đầu đường xó chợ, buồn lắm các chú à, nhưng không biết làm sao. Giờ cháu chỉ muốn mình học được cái nghề nào đó, rồi đi làm để nuôi bà và mẹ thôi chú ạ!”.
Nhìn vào ánh mắt khờ dại của hai đứa trẻ, được nghe nhưng tâm sự nghẹn ngào và thấy được những con chữ nghuệch ngoạc trên bức tường nhem nhuốc. Tôi cũng có thể hiểu được ước mơ và niềm khao khát đi học của hai cháu lớn đến nhường nào.
Khi tôi hỏi, nếu có một điều ước thì bà sẽ ước điều gì. Bà Diễn thều thào: “Tui bây giờ cũng đã gần 90 tuổi, gần đi hết cuộc đời rồi. Giờ chỉ ước mần răng mà trời thương, trời giúp đỡ 3 mẹ con nhà hấn (hắn, nó) được khỏe mạnh, sau này kiếm lấy cái nghề để thoát khỏi cái kiếp xin ăn”. Còn với Hiếu và Thảo bảo: “Chúng cháu muốn được đi học để sau này có thể đi làm lấy tiền nuôi bà, nuôi mẹ”. Không biết có phép nhiệm màu nào sẽ biến những ước mơ bé nhỏ của gia đình bà Diễn trở thành hiện thực hay không?
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Bà Ngô Thị Diễn, xóm Song Hồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0974567567 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Ngọc Tú - La Na - Theo: (Dân trí)