;
Cách hôm nay đúng 30 năm, vào ngày 10 tháng 12 năm 1989, tại Đại Học Aula, Oslo, Na Uy, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được Ủy Ban Nobel trao giải Nobel Hòa Bình. Đây là lần đầu tiên và duy nhất, tính đến hiện nay, một tu sỹ Phật giáo được trao giải thưởng danh dự này cho những cống hiến to lớn vào hòa hợp, hòa giải, an vui, hòa bình thế giới.
Ngay khi nhận giải Nobel Hòa bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma có bài phát biểu bất hủ. Cho đến ngày nay, xem nghe, đọc lại, chiêm nghiệm lại chúng ta rút ra được nhiều bài học giá trị từ những ý tưởng cao siêu, thấm nhuần Từ Bi và Trí Tuệ của một bậc minh triết từng trải 54 năm trong kiếp sống nhân sinh (vào năm 1989) với bao thăng trầm cùng vận mạng đất nước Tây Tạng và bao biến cố diễn ra trên thế giới.
Trước hết, người vĩ đại là người dấn thân phụng sự cho cộng đồng, quần chúng, Tổ quốc, thế giới và chúng sanh. Ngài là vị lãnh đạo tinh thần cho Phật giáo Tây Tạng và đất nước Tây Tạng nên dồn hết thời gian và năng lượng lo toan biết bao nhiêu công việc cho Phật giáo và đất nước Tây Tạng.
Đặc biệt, kể từ năm 1950, sau khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma được kêu gọi để đảm nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo chính trị. Năm 1954, Ngài đến Bắc Kinh để gặp gỡ Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai. Cuối cùng, vào năm 1959, sau cuộc đàn áp triệt để của quân đội Trung Quốc đối với phong trào khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng ở Lhasa, Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã buộc phải trốn thoát để tị nạn.
Kể từ đó Ngài đã sống ở Dharamsala, vùng núi miền Bắc Ấn Độ. Khác với người tầm thường chạy theo dục vọng lo thâu tóm, tranh đoạt cho bản thân và hưởng thụ, bậc vĩ nhân luôn đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân và sẵn sàng hiến dâng, hy sinh tất cả không tiếc nuối gì, chỉ với mối quan tâm thường trực cho an ổn, hạnh phúc của đồng bào, dân tộc, cho hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, hưng vượng phát triển của quốc gia dẫu thân mình phải chịu trăm đắng ngàn cay, đối đầu với bao nhiêu gian lao thử thách, phải trải qua bao nhiêu lâu cũng không mệt mỏi và từ bỏ chí nguyện cao thượng. Trong những khúc quanh của lịch sử, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất bậc vĩ nhân ấy là điểm sáng, là ánh đuốc soi đường cho bao nhiêu người nương theo yên ổn và đi theo.
Mở đầu bài phát biểu, Ngài đã biểu lộ tính cách: rất bình dân, giản dị, dễ gần gũi, khiêm tốn, chân thật và rất “người” : “Tôi cảm thấy rất vinh dự, thấy mình nhỏ bé và vô cùng xúc động rằng Quý Ngài đã trao giải thưởng quan trọng này cho một tu sĩ bình thường đến từ Tây Tạng như tôi; tôi không phải là một nhân vật đặc biệt gì”. Với ngã chấp, con người thường mang bệnh quan trọng hóa, ảo tưởng hóa, muốn cho người khác thấy mình là siêu nhân, quan trọng đặc biệt.
Thực ra, bình thường nhưng vĩ đại, vĩ đại nhưng bình thường, đó mới thật là vĩ đại. Ai cũng hay ba hoa, khoác lác về thành tựu, về cái được, sở trường,… của mình và khao khát trông chờ sự tôn kính người khác, kèm theo những quyền lợi. Hành hoạt của Ngài với tinh thần: Không, Vô Tướng, Vô Tác, quên mình vì mọi người và không thấy, không tính kể những gì mình đã làm được nhẹ nhàng thênh thang như mây trắng thong dong: Nhạn bay trên không, bóng chìm đáy nước - Nhạn không có ý để lại dấu tích, nước không có ý lưu giữ bóng hình.”Làm tất cả các việc thiện, điều tốt đẹp nhưng không chấp vào điều gì, không vướng mắc, không kể công, không thấy mình hơn người…
Hành giả Phật giáo cần có lòng Từ Bi Hỷ Xả, không vướng chấp và không phân biệt. Thế nhưng thực tế cuộc sống và những cảnh tượng xung quanh chúng ta thì thế nào: đầy rẫy so đo, tính toán, PR – đánh bóng bản thân với nhiều kiểu mốt hoang phí để họ thể hiện đẳng cấp, xứng tầm,…Ngài gặp người nào chắp tay, cúi đầu chào Ngài, Ngài cũng làm như vậy.
Thế một vị trụ trì ngôi chùa thời nay thì sao? Có thật sự vị ấy sống bình dị, gần gũi với mọi người không hay cố tình tạo ra cái lung linh khoảng cách. Vị ấy có dạo bộ chủ động thân mật đến nói chuyện với những người nghèo khổ bất hạnh nơi ngoài sân không, hay là lựa chọn cái danh thiếp, cho họ chờ đợi nóng lòng và lựa chọn thành phần để đón tiếp? Đức Phật đã dạy, người tu phải là: “đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho số đông” và lẽ ra phải ưu tiên cho những người khốn khổ, bất hạnh trước.
Vào năm đó, 1989, Ủy ban Nobel chọn Ngài để trao giải là quyết định sáng suốt và dúng đắn nhất, đó là sự thừa nhận nỗ lực lớn lao của Ngài trong suốt 30 năm tị nạn và 39 năm vận động phấn đấu cho đất nước và nhân dân Tây Tạng được hòa bình, hạnh phúc. Xưa nay, có biết bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị và học giải nổi tiếng nhất thế giới ca ngợi Phật giáo là tôn giáo vì hòa bình thông qua việc nghiên cứu cuộc đời và những lời dạy Từ Bi Trí Tuệ của Đức Phật như chúng ta có thể bắt gặp những cảm nhận về Phật giáo được ghi trong cuốn sách:”Phật Giáo dưới ánh mắt các nhà Trí Thức”, tác giả: Hòa thượng K.Sri Dhammananada và vì vậy, sẽ là điều trớ trêu nếu không có một vị tu sỹ Phật giáo nào được trao giải Nobel Hòa Bình trong suốt chiều dài thời gian qua các niên đại trao giải Nobel.
Thời nay, tu sỹ Phật giáo nào đang lãnh đạo cả một dân tộc đất nước và ai có thể xứng đáng hơn Ngài Đạt Lai Lạt Ma xét về tuệ giác, công lao, công đức, thành tựu của viêc làm, đạo hạnh, tư tưởng siêu tuyệt,…
Đó không đơn thuần là giải thưởng dành riêng cho Ngài mà là sự thừa nhận và khuyến khích của cộng đồng quốc tế, cam kết kề vai sát cánh và ủng hộ cho những ai đang gánh chịu bất công, áp bức, khổ đau, vươn lên đòi lại những quyền được sống an lành, hạnh phúc được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948, như Ngài nói: “Nhưng tôi tin rằng giải thưởng này là sự thừa nhận giá trị đích thực của lòng vị tha, tình yêu thương, tâm từ bi và tinh thần bất bạo động mà tôi cố gắng thực hành, phù hợp với giáo lý của Đức Phật và các nhà hiền triết vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng.Tôi đón nhận giải thưởng này với lòng biết ơn sâu sắc thay mặt cho những người bị áp bức ở khắp mọi nơi, và cho tất cả những người đấu tranh vì tự do và hoạt động cho hòa bình thế giới.”
Được trao giải Nobel, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 tri ân sâu sắc đến Mahatma Gandhi “Tôi đón nhận nó như một tặng vật để tỏ lòng tôn kính đến người đã khởi xướng phong trào hiện đại về hành động bất bạo lực để thay đổi - Mahatma Gandhi - người mà cuộc đời của ông đã dạy và truyền cảm hứng cho tôi.”
Một câu hỏi được đặt ra ở đây : Liệu phong trào “đấu tranh bất bạo động” như vậy có kết quả ở mọi nơi, mọi lúc, mọi trường hợp,…hay không? Nghiên cứu lại lịch sử thế giới, trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Vương quốc Anh hứa sẽ trao trả độc lập cho Ấn Độ để đổi lấy việc người Ấn tham gia vào quân đội chiến đấu cùng liên minh Anh – Pháp – Mỹ. Sau chiến tranh, kinh tế Anh bị thiệt hại nặng nề, thế nên việc duy trì thuộc địa ở Ấn Độ trở thành một gánh nặng, Thủ tướng Anh Clement Atlee buộc phải tuyên bố rút khỏi Ấn Độ vào năm 1947.
Nếu như gặp một thế lực ngoại xâm với túi tham không đáy, ngoan cố, mãi đàn áp bóc lột thuộc địa và không bao giờ chịu buông tha thì sao? Khi lâm vào chiến tranh thì có 2 phương cách người tu sỹ phải lựa chọn để hiến dâng mình cho tổ quốc, hoặc là “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, nghĩa là bất đắc dĩ phải chọn con đường đấu tranh bạo động để giành lấy độc lập tự do như tư tưởng cùa Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, ….
Khuynh hướng thứ hai là bất bạo động như trường hợp Ma Ha Nam và dòng họ Thích Ca trước nạn tàn sát của Lưu Ly Vương, Vua Lương Võ Đế, Ngài Gandhi, Đức Đạt Lai Lạt Ma,…
Cách nào đúng, cách nào sai, cách nào hiệu quả, đến bao giờ thì nước Tây Tạng mới có được độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc,…đâu có thể dễ dàng kết luận được? Tư tưởng bạo động “giết một người, cứu muôn người”, “thay Trời hành Đạo”, “lấy của người giàu chia cho dân nghèo”,…đúng hay sai, thiện hay bất thiện? Ở đây không thể trả lời đơn giản một chiều là “đúng” hay “sai”, “thiện” hay “bất thiện” mà phải xét về nghiệp duyên, hoàn cảnh, trường hợp, ich lợi tương đối,…
Có những loại nghiệp“vừa trắng vừa đen” (vừa thiện vừa bất thiện), vấn đề ở đây là hành giả hiểu rõ nhân quả, sẵn sàng gánh lấy mọi hậu quả không than van trong kiếp này hay kiếp khác khi ra tay “nghĩa hiệp”.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma thì tin tưởng sâu sắc rằng phong trào đấu tranh bất bạo động của Ngài ròi sẽ có kết quả: “Và, tất nhiên, tôi đón nhận nó thay mặt cho sáu triệu người Tây Tạng, những người đồng hương dũng cảm của tôi đang sống bên trong đất nước Tây Tạng, những người đã từng chịu đựng và tiếp tục đau khổ rất nhiều. Họ phải đối đầu với một chiến lược đầy mưu toan và có hệ thống, nhằm phá hủy bản sắc dân tộc và văn hóa của họ. Giải thưởng này đã tái khẳng định niềm tin của chúng tôi rằng - với sự thật, lòng can đảm và sự quyết tâm như là trang bị của chúng tôi - Tây Tạng sẽ được giải phóng.”
Cũng có thể là như vậy nếu toàn dân cả nước đồng lòng trốn đi tị nạn hoặc không tham gia sản xuất gì nhiều, thường xuyên biểu tình, đình công toàn quốc khiến cho ngoại xâm không có thu hoạch gì được nhiều vì đánh chiếm được nhưng khó giữ được, giết một vài người để cảnh cáo chứ chẳng lẽ giết hết toàn dân? Nhưng rồi, chính Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng đã từng cân nhắc biện pháp nếu ngoại xâm không buông tha người dân Tây Tạng : “Thật không may, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không phản ứng tích cực với những đề nghị mà chúng tôi đã đưa ra, trong đó bao gồm cả những nhượng bộ quan trọng. Nếu điều này tiếp tục, chúng tôi buộc phải xem xét lại lập trường của mình.”
Nhân cơ hội này Ngài khéo léo khẳng định lại quyền được hưởng độc lập tự do, về ranh giới bất khả xâm phạm như Lý Thường Kiệt trong Tuyên ngôn Độc lập của mình, đã từng tuyên bố “Sông núi nước Nam vua Nam ở” “Bất kỳ mối quan hệ nào giữa Tây Tạng và Trung Quốc cũng đều phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, tin tưởng và cùng có lợi.
Nó cũng sẽ phải dựa trên nguyên tắc mà các bậc lãnh đạo thông tuệ của Tây Tạng và Trung Quốc đã đặt ra trong một hiệp ước từ rất sớm vào đầu năm 823 sau Công nguyên, được khắc trên cột trụ mà vẫn còn đứng đó cho đến ngày nay trước ngôi Chùa Jokhang, ngôi Chùa thiêng liêng nhất của Tây Tạng, ở Lhasa, rằng "người Tây Tạng sẽ sống hạnh phúc trong Tổ Quốc tuyệt vời của Tây Tạng, và người Trung Quốc sẽ sống hạnh phúc ở Tổ Quốc tuyệt vời của Trung Quốc".
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh nhất vào nhân bản, vì lợi ích chung cho nhân loại : “Bất kể chúng ta đến từ một nơi nào của thế giới, tất cả chúng ta - về cơ bản - đều cùng là con người như nhau. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc và cố gắng tránh khỏi đau khổ. Chúng ta có cùng những nhu cầu cơ bản và là mối quan tâm của con người. Tất cả con người chúng ta đều muốn tự do và muốn có quyền quyết định số phận của chính mình như những cá nhân và như những dân tộc. Đó là bản chất con người.”
Trong Phật giáo thường nói về tương quan, tương duyên, tương sinh, Nho giáo có khuyên rằng “Điều gì mình không muốn thì đừng mang đến cho người khác”, tục ngữ Việt Nam có câu “thương người như thể thương thân” và chúng ta thường nghe : “Tứ hải giai huynh đệ”.
Ngài nhìn thấy điểm chung, tương đồng, nhiều hơn là những khác biệt và như vậy, nhân loại, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo,… nên thương yêu, giúp đỡ, chung sống hòa bình, kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp, hạnh phúc hơn: “Tôi tin rằng tất cả các tôn giáo đều theo đuổi các mục tiêu giống nhau, đó là trau giồi lòng tốt của con người và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Mặc dù các phương tiện có vẻ khác nhau nhưng mục đích đều giống nhau”, hoặc Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, những kẻ áp bức và bạn bè, rằng nếu cùng nhau, chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua sự hiểu và thương yêu đối với nhân loại; và trong hành động theo chiều hướng như vậy chúng ta có thể làm giảm bớt nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sinh.”, đặc biệt là: “Nhưng hạnh phúc thực sự chỉ đến từ tinh thần tình huynh đệ, tình nghĩa anh em, chị em mà thôi.
Chúng ta cần phải trưởng dưỡng trách nhiệm toàn cầu với nhau trên hành tinh mà chúng ta chung sống. Mặc dù tôi đã tìm thấy tôn giáo Phật giáo của mình thật hữu ích trong việc tạo ra tình yêu thương và lòng từ bi - ngay cả đối với những người mà chúng ta coi là kẻ thù của mình; nhưng tôi luôn tin rằng mọi người có thể phát triển một trái tim lương thiện và ý thức trách nhiệm toàn cầu - cho dù người ấy có hoặc không có niềm tin nơi tôn giáo”.
Hận thù, chia rẽ, toan tính, hơn thua, nhân ngã bỉ thử chính là do từ phàm tâm, vọng tâm phiền não. Thế giới ngày nay vẫn còn đó nhan nhản biết bao cảnh thương tâm phân biệt màu da, chủng tộc, xứ sở, nguồn gốc, giai cấp, tôn giáo, giới tính,…
Bao nhiêu cuộc ôm bom tự sát, khủng bố giết người hàng loạt, chiến tranh tôn giáo ở nhiều nơi với bao nhiêu thủ đoạn khiêu khích, bôi nhọ, xuyên tạc, hạ bệ uy tín, danh dự và tranh giành quyền lực ảnh hưởng, quyền lợi,…về sự việc của Bin Laden, phá tan tượng Phật giáo lớn nhất thế giới, tranh giành jerusalem, vụ nổ Trung tâm Thương mại Thế giới, New York 11/9/2002.
Vua A Dục, một vị vua thấm nhuần tư tưởng Phật giáo đã khắc lên trụ đá thế này:
“ Trưởng thành về bản chất có thể được thực hiện theo những cách khác nhau, nhưng tất cả chúng đều có hạn chế trong lời nói, nghĩa là không ca ngợi tôn giáo của chính mình, hoặc lên án tôn giáo của người khác mà không có lý do chính đáng. Và nếu có lý do để phê bình, nó nên được thực hiện một cách nhẹ nhàng.
Nhưng tốt hơn là nên tôn vinh các tôn giáo khác vì lý do này. Bằng cách làm như vậy, tôn giáo của chính mình mang lại lợi ích, và các tôn giáo khác cũng vậy, trong khi làm điều ngược lại sẽ làm tổn hại tôn giáo của chính mình và tôn giáo của người khác. Bất cứ ai ca ngợi tôn giáo của chính mình, do sự sùng kính quá mức, và lên án tôn giáo khác với suy nghĩ "Hãy để tôi tôn vinh tôn giáo của chính mình", nhưng như vậy chỉ là làm hại tôn giáo của chính mình mà thôi”
“Growth in essentials can be done in different ways, but all of them have as their root restraint in speech, that is, not praising one's own religion, or condemning the religion of others without good cause. And if there is cause for criticism, it should be done in a mild way. But it is better to honor other religions for this reason. By so doing, one's own religion benefits, and so do other religions, while doing otherwise harms one's own religion and the religions of others. Whoever praises his own religion, due to excessive devotion, and condemns others with the thought "Let me glorify my own religion," only harms his own religion”
Tất nhiên về tiền đề cơ bản (duyên khởi, đấng tạo hóa, vũ trụ quan, siêu nhiên,…), mục tiêu tối hậu ( niết bàn, hòa vào Đại Ngã, về với Thánh Ala, Ngọc Hoàng,..) và phương pháp có khác nhau, nhưng các tôn giáo được các quốc gia và quốc tế thừa nhận đặt nền tảng trên nhân bản và có mẫu số chung là phục vụ cho hòa bình, hạnh phúc, lợi ích cho con người và thế giới.
Tuệ giác của Đức Phật, bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, chánh biến tri, bao gồm tất cả, nhưng những Ngài chỉ dạy những điều cần thiết cho con người, con đường thoát khổ. Phật giáo luôn đồng hành với Khoa học và không có bất kỳ mâu thuẫn hay chống trái nào.
Trong cuộc đời của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhiều lần trải nghiệm thảo luận với nhiều nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới như : Đức Đạt Lai Lạt Ma Tại Harvard, hoặc như thông tin sinh hoạt Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 20 tháng Hai, năm 2014 - Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) sáng nay để tham gia vào hai cuộc thảo luận; cuộc thảo luận thứ nhất liên quan đến các thành viên của AEI và cuộc thứ hai liên quan đến các thành viên của Viện Tâm thức và Đời sống (MLI).
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng đàm thoại với hàng loạt nhà khoa học, sinh học, tâm lý học, nguyên tử hạt nhân, kinh tế học, chính trị học,…
Ngài khẳng định trong bài phát biểu này: “Với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của khoa học về cuộc sống của chúng ta, tôn giáo và tâm linh đóng một vai trò lớn hơn để nhắc nhở chúng ta về nhân loại của mình. Không hề có sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Mỗi bên đều cung cấp cho chúng ta những soi sáng giá trị về bên kia. Cả khoa học và giáo lý của Đức Phật đều cho chúng ta biết sự tổng hòa của mọi sự vật hiện tượng. Sự hiểu biết này là rất quan trọng nếu chúng ta thực hiện hành động tích cực và quyết định về mối quan tâm bức xúc toàn cầu về vấn đề môi trường.”
Như sự kiện Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tại Hà Nam, Việt Nam có 1600 đại biểu từ 115 quốc gia tham gia. Đại lễ có 05 Hội thảo với các chủ đề: (1) Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững; (2) Cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; (3) Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu; (4) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo; (5) Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững. Chúng ta thấy đề tài nào cũng gắn liền với khoa học và Tuệ Giác Phật Giáo sẽ soi đường cho hướng phát triển nhân loại hiện nay và mai sau.
Ngài cũng đã chỉ ra nguồn gốc của mọi xung đột chiến tranh : “Là một Tu sĩ Phật giáo, mối quan tâm của tôi trải rộng đến tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại và - thật ra là - đối với tất cả chúng sinh đang khổ đau. Tôi tin rằng mọi đau khổ tạo ra bởi vô minh (thiếu hiểu biết) mà ra. Có những người gây đau khổ cho người khác qua sự theo đuổi hạnh phúc hoặc sự thỏa mãn ích kỷ của mình.”
Chiến tranh bắt nguồn từ trong tâm thức thì cũng phải từ trong tâm thức mà hòa bình thiết lập – Tâm bình thế giới bình. Đức Phật dạy : "Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Chúng bắn, đâm nhau bằng tên, chúng quăng, đâm nhau bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong". (Trung Bộ I. 87A).
Hàng ngày chúng ta cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, thế nhưng chúng ta tự hỏi lại mình đang là nhân tố mang đến hòa bình hay chiến tranh, mang lại hòa hợp hay chia rẽ, mang lại yêu thương hạnh phúc hay phiền não, khổ đau? Hãy luôn trong mọi lúc, mọi nơi, chúng ta bằng thân hành, khẩu hành, ý hành của mình, mang những năng lượng tích cực, lành mạnh và xây dựng đến mọi người và môi trường sống xung quanh chúng ta. Nếu bạn giảng nói hay lắm, nhưng không ai ở với bạn được hết, hoặc ở chung vậy, bạn và họ đều cảm thấy phiền não vô biên, vậy bạn nên xem lại chính mình. Chúng ta có thật sự là sứ giả và là người xây dựng cho hòa bình lâu dài hay không?
Bài học cuối cùng tìm thấy trong bài phát biểu của Ngài là: “Khi chúng ta bước vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này, tôi lạc quan rằng các giá trị cổ xưa đã từng duy trì nhân loại, ngày nay tái khẳng định chính bản thân của những giá trị ấy để chuẩn bị cho chúng ta một thế kỷ XXI tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.” Có những chân lý vượt thời gian, lời vàng cùa những bậc minh triết đời đời có giá trị.
Thật là thiếu sót cho chúng ta nếu như ham chạy theo phong trào, văn minh, khoa học mà quên đi nghiên cứu áp dụng những lời dạy các bậc minh triết trước đây, những giá trị cổ xưa đã chứng minh qua hàng ngàn năm trong lịch sử nhân loại. Tôi vẫn thường nhắc nhở các em Việt Nam trong nước hay hải ngoại: nếu các em học hỏi được nhiều từ văn hóa Phật giáo, văn hóa Việt Nam và văn minh khoa học kỷ thuật hiện đại – đó là kiềng ba chân vững chắc cho các em vững tiến vào đời và xây dựng xã hội tốt đẹp.
Tóm lại, ba mươi năm đã trôi qua, những tư tưởng minh triết của Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 trình bày trong bài phát biểu khi lãnh giải Nobel Hòa Bình 1989 vẫn còn nguyên giá trị.
Ngài quả lại hiện thân của Bồ Tát, xứng đáng cho hàng triệu triệu, hàng tỷ người trên thế giới kính ngưỡng. Chúng ta không phải tự hào suông là có một đại biểu tu sỹ Phật giáo xuất sắc để thế giới ca tụng, tu sỹ gốc Việt Nam, thiền sư Nhất Hạnh cũng được đúc tượng ở Hoa Kỳ và được trao nhiều giải thưởng cho cống hiến vì hòa bình thế giới.
Ngài Thích Minh Châu cũng từng là Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa bình (ABCP), điều quan trọng hơn là chúng ta có thể học hỏi gi được từ nơi Quý Ngài, chiêm nghiệm và rút ra bài học gì cho bản thân, đặc biệt từ bài phát biểu nổi tiếng vang dội này. “Người khác đã là Trượng Phu, vậy Ta há chẳng phải là Trượng Phu hay sao?”, mỗi chúng ta hãy là sứ giả cho hòa bình thế giới.
Hãy tu tập công phu để an hòa bên trong mình và có nhiều năng lượng tích cực, phát đại nguyện dấn thân phụng sự vì Đạo pháp và chúng sanh, vì một thế giới hòa bình tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn, chân thiện mỹ hơn.
Kỷ niệm 30 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 lãnh giải Nobel Hòa Bình
10/12/2019
Thích Đồng Trí
--------------------------------
Bài phát biểu chấp nhận giải Nobel Hòa bình của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, 1989
Kính thưa Ngài cao quý! các thành viên của Ủy ban Nobel, Anh chị em kính mến!
Tôi rất vui khi được ở đây với quý vị hôm nay để nhận giải Nobel Hòa bình này. Tôi cảm thấy rất vinh dự, thấy mình nhỏ bé và vô cùng xúc động rằng Quý Ngài đã trao giải thưởng quan trọng này cho một tu sĩ bình thường đến từ Tây Tạng như tôi; tôi không phải là một nhân vật đặc biệt gì. Nhưng tôi tin rằng giải thưởng này là sự thừa nhận giá trị đích thực của lòng vị tha, tình yêu thương, tâm từ bi và tinh thần bất bạo động mà tôi cố gắng thực hành, phù hợp với giáo lý của Đức Phật và các nhà hiền triết vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng.
Tôi đón nhận giải thưởng này với lòng biết ơn sâu sắc thay mặt cho những người bị áp bức ở khắp mọi nơi, và cho tất cả những người đấu tranh vì tự do và hoạt động cho hòa bình thế giới. Tôi đón nhận nó như một tặng vật để tỏ lòng tôn kính đến người đã khởi xướng phong trào hiện đại về hành động bất bạo lực để thay đổi - Mahatma Gandhi - người mà cuộc đời của ông đã dạy và truyền cảm hứng cho tôi. Và, tất nhiên, tôi đón nhận nó thay mặt cho sáu triệu người Tây Tạng, những người đồng hương dũng cảm của tôi đang sống bên trong đất nước Tây Tạng, những người đã từng chịu đựng và tiếp tục đau khổ rất nhiều. Họ phải đối đầu với một chiến lược đầy mưu toan và có hệ thống, nhằm phá hủy bản sắc dân tộc và văn hóa của họ. Giải thưởng này đã tái khẳng định niềm tin của chúng tôi rằng - với sự thật, lòng can đảm và sự quyết tâm như là trang bị của chúng tôi - Tây Tạng sẽ được giải phóng.
Bất kể chúng ta đến từ một nơi nào của thế giới, tất cả chúng ta - về cơ bản - đều cùng là con người như nhau. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc và cố gắng tránh khỏi đau khổ. Chúng ta có cùng những nhu cầu cơ bản và là mối quan tâm của con người. Tất cả con người chúng ta đều muốn tự do và muốn có quyền quyết định số phận của chính mình như những cá nhân và như những dân tộc. Đó là bản chất con người. Những thay đổi lớn đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Đông Âu đến Châu Phi là một dấu hiệu rõ ràng về điều này.
Ở Trung Quốc, phong trào dân chủ của quần chúng đã bị nghiền nát bởi lực lượng tàn bạo vào tháng 6 năm nay. Nhưng tôi không tin rằng các cuộc biểu tình đó là vô ích, bởi vì tinh thần tự do đã được khơi dậy trong nhân dân Trung Quốc; và Trung Quốc không thể thoát khỏi ảnh hưởng của tinh thần tự do này đang trải rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Các sinh viên dũng cảm và những người ủng hộ họ đã cho lãnh đạo của Trung Quốc và thế giới thấy được gương mặt con người của quốc gia vĩ đại đó.
Tuần trước, một số người Tây Tạng lại một lần nữa bị kết án tù cho đến mười chín năm trong một phiên tòa xử án công khai trước đám đông, có thể có ý định gây hoảng loạn quần chúng trước sự kiện ngày hôm nay. Cái “tội” duy nhất của họ là thể hiện niềm khát khao lan rộng của nhân dân Tây Tạng cho sự phục hồi nền độc lập của Tổ quốc yêu dấu của họ.
Sự đau khổ của nhân dân chúng tôi trong bốn mươi năm qua về sự bị chiếm đóng đã được ghi lại tư liệu quá nhiều. Đó đã và đang là một cuộc đấu tranh lâu dài của chúng tôi. Chúng tôi biết những nỗ lực của chúng tôi là chính nghĩa- bởi vì bạo lực chỉ có thể gây ra thêm nhiều bạo lực và đau khổ hơn mà thôi - cho nên cuộc đấu tranh của chúng tôi phải là bất bạo động và không thù hận. Chúng tôi đang cố gắng chấm dứt sự đau khổ của nhân dân chúng tôi, đồng thời không gây đau khổ cho người khác.
Với ý niệm này trong tâm thức, nên tôi đã nhiều lần đề xuất các cuộc đàm phán giữa Tây Tạng và Trung Quốc trong rất nhiều dịp. Năm 1987, tôi đã đưa ra những kiến nghị cụ thể trong Kế hoạch Năm Điểm để khôi phục hòa bình và nhân quyền ở Tây Tạng. Điều này bao gồm việc chuyển đổi toàn bộ cao nguyên Tây Tạng thành một khu vực của Ahimsa (bất bạo động), một nơi tôn nghiêm của hòa bình và bất bạo động, nơi mà con người và thiên nhiên có thể sống trong hòa bình và hòa hợp.
Năm ngoái, tôi đã trình bày chi tiết kế hoạch đó ở Strasbourg, tại Nghị viện châu Âu, tôi tin rằng những ý tưởng mà tôi bày tỏ trong những dịp đó đều là thực tế và hợp lý mặc dù nó đã bị một số người của dân tộc tôi chỉ trích vì đã quá thiên về hòa giải. Thật không may, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không phản ứng tích cực với những đề nghị mà chúng tôi đã đưa ra, trong đó bao gồm cả những nhượng bộ quan trọng. Nếu điều này tiếp tục, chúng tôi buộc phải xem xét lại lập trường của mình.
Bất kỳ mối quan hệ nào giữa Tây Tạng và Trung Quốc cũng đều phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, tin tưởng và cùng có lợi. Nó cũng sẽ phải dựa trên nguyên tắc mà các bậc lãnh đạo thông tuệ của Tây Tạng và Trung Quốc đã đặt ra trong một hiệp ước từ rất sớm vào đầu năm 823 sau Công nguyên, được khắc trên cột trụ mà vẫn còn đứng đó cho đến ngày nay trước ngôi Chùa Jokhang, ngôi Chùa thiêng liêng nhất của Tây Tạng, ở Lhasa, rằng "người Tây Tạng sẽ sống hạnh phúc trong Tổ Quốc tuyệt vời của Tây Tạng, và người Trung Quốc sẽ sống hạnh phúc ở Tổ Quốc tuyệt vời của Trung Quốc".
Là một Tu sĩ Phật giáo, mối quan tâm của tôi trải rộng đến tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại và - thật ra là - đối với tất cả chúng sinh đang khổ đau. Tôi tin rằng mọi đau khổ tạo ra bởi vô minh (thiếu hiểu biết) mà ra. Có những người gây đau khổ cho người khác qua sự theo đuổi hạnh phúc hoặc sự thỏa mãn ích kỷ của mình. Nhưng hạnh phúc thực sự chỉ đến từ tinh thần tình huynh đệ, tình nghĩa anh em, chị em mà thôi. Chúng ta cần phải trưởng dưỡng trách nhiệm toàn cầu với nhau trên hành tinh mà chúng ta chung sống. Mặc dù tôi đã tìm thấy tôn giáo Phật giáo của mình thật hữu ích trong việc tạo ra tình yêu thương và lòng từ bi - ngay cả đối với những người mà chúng ta coi là kẻ thù của mình; nhưng tôi luôn tin rằng mọi người có thể phát triển một trái tim lương thiện và ý thức trách nhiệm toàn cầu - cho dù người ấy có hoặc không có niềm tin nơi tôn giáo.
Với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của khoa học về cuộc sống của chúng ta, tôn giáo và tâm linh đóng một vai trò lớn hơn để nhắc nhở chúng ta về nhân loại của mình. Không hề có sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Mỗi bên đều cung cấp cho chúng ta những soi sáng giá trị về bên kia. Cả khoa học và giáo lý của Đức Phật đều cho chúng ta biết sự tổng hòa của mọi sự vật hiện tượng. Sự hiểu biết này là rất quan trọng nếu chúng ta thực hiện hành động tích cực và quyết định về mối quan tâm bức xúc toàn cầu về vấn đề môi trường.
Tôi tin rằng tất cả các tôn giáo đều theo đuổi các mục tiêu giống nhau, đó là trau giồi lòng tốt của con người và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Mặc dù các phương tiện có vẻ khác nhau nhưng mục đích đều giống nhau.
Khi chúng ta bước vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này, tôi lạc quan rằng các giá trị cổ xưa đã từng duy trì nhân loại, ngày nay tái khẳng định chính bản thân của những giá trị ấy để chuẩn bị cho chúng ta một thế kỷ XXI tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, những kẻ áp bức và bạn bè, rằng nếu cùng nhau, chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua sự hiểu và thương yêu đối với nhân loại; và trong hành động theo chiều hướng như vậy chúng ta có thể làm giảm bớt nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sinh.
Xin cám ơn các bạn.
Đại học Aula, Oslo
Ngày 10 tháng 12 năm 1989
Đat Lai Lạt Ma thứ 14 – H H Tenzin Gyatso
Thích Đồng Trí dịch từ nguyên tác
Nguồn: https://www.dalailama.com/messages/acceptance-speeches/nobel-peace-prize/nobel-peace-prize
Your Majesty, Members of the Nobel Committee, Brothers and Sisters.
I am very happy to be here with you today to receive the Nobel Prize for Peace. I feel honored, humbled and deeply moved that you should give this important prize to a simple monk from Tibet I am no one special. But I believe the prize is a recognition of the true value of altruism, love, compassion and non-violence which I try to practice, in accordance with the teachings of the Buddha and the great sages of India and Tibet
I accept the prize with profound gratitude on behalf of the oppressed everywhere and for all those who struggle for freedom and work for world peace. I accept it as a tribute to the man who founded the modern tradition of non-violent action for change Mahatma Gandhi whose life taught and inspired me. And, of course, I accept it on behalf of the six million Tibetan people, my brave countrymen and women inside Tibet, who have suffered and continue to suffer so much. They confront a calculated and systematic strategy aimed at the destruction of their national and cultural identities. The prize reaffirms our conviction that with truth, courage and determination as our weapons, Tibet will be liberated.
No matter what part of the world we come from, we are all basically the same human beings. We all seek happiness and try to avoid suffering. We have the same basic human needs and is concerns. All of us human beings want freedom and the right to determine our own destiny as individuals and as peoples. That is human nature. The great changes that are taking place everywhere in the world, from Eastern Europe to Africa are a clear indication of this.
In China the popular movement for democracy was crushed by brutal force in June this year. But I do not believe the demonstrations were in vain, because the spirit of freedom was rekindled among the Chinese people and China cannot escape the impact of this spirit of freedom sweeping many parts of the world. The brave students and their supporters showed the Chinese leadership and the world the human face of that great nation.
Last week a number of Tibetans were once again sentenced to prison terms of upto nineteen years at a mass show trial, possibly intended to frighten the population before today's event. Their only 'crime" was the expression of the widespread desire of Tibetans for the restoration of their beloved country's independence.
The suffering of our people during the past forty years of occupation is well documented. Ours has been a long struggle. We know our cause is just Because violence can only breed more violence and suffering, our struggle must remain non-violent and free of hatred. We are trying to end the suffering of our people, not to inflict suffering upon others.
It is with this in mind that I proposed negotiations between Tibet and China on numerous occasions. In 1987, I made specific proposals in a Five-Point plan for the restoration of peace and human rights in Tibet. This included the conversion of the entire Tibetan plateau into a Zone of Ahimsa, a sanctuary of peace and non-violence where human beings and nature can live in peace and harmony.
last year, I elaborated on that plan in Strasbourg, at the European Parliament I believe the ideas I expressed on those occasions are both realistic. and reasonable although they have been criticised by some of my people as being too conciliatory. Unfortunately, China's leaders have not responded positively to the suggestions we have made, which included important concessions. If this continues we will be compelled to reconsider our position.
Any relationship between Tibet and China will have to be based on the principle of equality, respect, trust and mutual benefit. It will also have to be based on the principle which the wise rulers of Tibet and of China laid down in a treaty as early as 823 AD, carved on the pillar which still stands today in front of the Jokhang, Tibet's holiest shrine, in Lhasa, that "Tibetans will live happily in the great land of Tibet, and the Chinese will live happily in the great land of China".
As a Buddhist monk, my concern extends to all members of the human family and, indeed, to all sentient beings who suffer. I believe all suffering is caused by ignorance. People inflict pain on others in the selfish pursuit of their happiness or satisfaction. Yet true happiness comes from a sense of brotherhood and sisterhood. We need to cultivate a universal responsibility for one another and the planet we share. Although I have found my own Buddhist religion helpful in generating love and compassion, even for those we consider our enemies, I am convinced that everyone can develop a good heart and a sense of universal responsibility with or without religion.
With the ever growing impact of science on our lives, religion and spirituality have a greater role to play reminding us of our humanity. There is no contradiction between the two. Each gives us valuable insights into the other. Both science and the teachings of the Buddha tell us of the fundamental unity of all things. This understanding is crucial if we are to take positive and decisive action on the pressing global concern with the environment.
I believe all religions pursue the same goals, that of cultivating human goodness and bringing happiness to all human beings. Though the means might appear different the ends are the same.
As we enter the final decade of this century I am optimistic that the ancient values that have sustained mankind are today reaffirming themselves to prepare us for a kinder, happier twenty-first century.
I pray for all of us, oppressor and friend, that together we succeed in building a better world through human under-standing and love, and that in doing so we may reduce the pain and suffering of all sentient beings.
Thank you.
University Aula, Oslo
10 December 1989